Thứ Năm, 31 tháng 10, 2024
TẾT NÀY EM CÓ VỀ DẦU TIẾNG? - Đậng Mỷ Duyên
Làm thinh - Ngân Bình
Ông giơ tay gạt cái bao ni lông đựng những chai nước lọc đã trống rỗng xuống đất, thọc mạnh ngón tay vào miệng bao mới toanh nằm phía dưới, kéo lấy một chai nước rồi đứng thẳng người, thong thả bước ra cửa.
Bà lặng lẽ đứng nhìn. “Ai sẽ là người nhặt cái bao ấy cho vào thùng ‘recycle’?”, bà tự hỏi và tự trả lời “thì mụ vợ này chứ ai! ”.
Nỗi bực tức trào lên, bà muốn hét lên bằng giọng “tenor”. Á! á!!!. mà phải cố gắng thở hắt ra, tự vỗ về mình “Hạ xuống! hạ xuống!”, rồi lầm bầm hai chữ “Làm thinh, làm thinh” nhưng trong lòng vẫn tức anh ách, nên…
Bà dừng lại, câu chuyện đang kể bị bỏ lửng. Bạn chăm chú nhìn vào mắt bà, hạ giọng hỏi khẽ như sợ có ai đang rình mò nghe lén.
– Nhưng cuối cùng thì sao, chị có làm được điều Cha dạy không?
– Nếu được thì làm sao có chuyện kể hôm nay. Lãng xẹt!
– Ừ! tôi cũng nghĩ vậy. Chỉ là tại Cha không có gia đình nên mới mạnh dạn dạy mình phải làm như thế, chứ nếu Cha có vợ thử xem Cha có làm được hay không…
– Ậy! ậy! sao lại nói xấu Cha. Tội chết!
Hai người cười ngặt nghẽo. Câu Cha dạy nằm trong một buổi tĩnh tâm cách đây khá lâu nhưng hai bà thường mang ra nhắc đi, nhắc lại… đến nỗi, cỏ chắc cũng đã mòn dưới bước chân thời gian nhưng miệng mồm hai bà thì cứ hoài trơn tru kể lể.
Tranh Bảo Huân
Cách đây hai năm, không biết nghe ngóng từ đâu mà trước ngày tĩnh tâm ba tháng các bà đã truyền tai nhau “Kỳ này có Cha khách đến giảng phòng và Ngài sẽ nói về đề tài ‘Làm sao để giải quyết những mâu thuẫn giữa vợ chồng’. Thế là mỗi lần gặp mặt sau thánh lễ các bà bàn tán, rủ rê nhau sẽ giành hàng ghế đầu để có thể nhìn thấy Cha và nghe giảng rõ ràng. Ðiều quan trọng là phải chuẩn bị câu hỏi để nhờ Cha gỡ rối tơ lòng (kiểu này là mấy ông chồng sẽ không thể chạy tội và gạt ngang, gạt dọc như mọi khi các bà mở miệng than phiền).
Nhà thờ nhỏ, cũ kỹ chỉ có hai trăm ghế nên các bà thường đi lễ sớm để giành chỗ tốt. Chỗ tốt của các bà là những hàng ghế gần cuối nhà thờ. Nhiều lần nhìn thấy phía trên lưa thưa Cha nói mát:
– Không hiểu sao mỗi lúc đi xem ca nhạc, ai cũng thích chọn hàng ghế đầu để nhìn rõ mặt ca sĩ nhưng khi đi nhà thờ để gặp gỡ Chúa thì cứ chui vào hàng ghế chót. Chẳng lẽ, ca sĩ lại “có giá” hơn Chúa à?.
Mọi người cười cái rần trong khi các bà quyết liệt phủ nhận “Không phải! Cha nói oan cho tụi con”. Phải hay không ai biết? chỉ biết một điều là ngày hôm sau và nhiều ngày hôm sau tiếp theo các bà vẫn chọn hàng ghế chót. Thế mà hôm nay các bà cả gan ngồi chễm chệ trên hàng ghế đầu.
Sau khi bài giảng rất hấp dẫn và lôi cuốn của Cha chấm dứt, một ông chức sắc trong nhà thờ thông báo sẽ có ba mươi phút để Cha giải đáp những ưu tư, thắc mắc của giáo dân. Ông vừa dứt lời thì đã có đôi ba bàn tay giơ cao. Các câu hỏi lần lượt được đặt ra, có lúc khôi hài nhưng cũng có lúc gay gắt. Chẳng hạn:
– Thưa Cha, ông chồng con cứ mở miệng ra là quát tháo, là cộc lốc như dùi đục chấm mắm nêm. Phụ nữ chúng con, ai cũng muốn gia đình êm ấm, vợ chồng hòa thuận nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng. Nhịn mãi cũng tức. Ðã tức nước thì có ngày phải vỡ bờ mà con thì không muốn bờ bị vỡ sẽ ảnh hưởng đến con cái. Vậy Cha dạy con phải làm sao?
Có vài câu hỏi tiếp theo nhưng câu hỏi sau cùng mang sắc thái “bạo động” hơn:
– Thưa Cha, chồng con được tiếng là “ga lăng” nhưng chỉ “ga lăng” với hàng xóm. Dù chẳng ai yêu cầu ông “give me a hand” nhưng ông rất nhiệt tình “give them a hand”. Còn vợ ông làm gì thì cứ hì hục mà làm bất kể nặng nhẹ, phần ông chỉ “điềm nhiên tọa thị” dán mắt lên màn hình TV rồi giật tay, giật chân theo điệu nhạc như mắc kinh phong. Lúc ấy, máu nóng của con bốc lên tận đỉnh đầu. Con hỏi thật, nếu ở vào trường hợp của con, Cha sẽ làm gì, đập nát cái TV? phang vào chân ông ấy một phát cho hả giận? hay phải tự an ủi mình bằng câu “C’est la vie”.
Có lẽ, sự bất mãn tồn tại lâu năm bây giờ mới có cơ hội bộc phát một cách công khai, mạnh mẽ nên bà chơi luôn một lúc vừa tiếng Việt, vừa tiếng Mỹ, vừa tiếng Pháp và cả “Nho” chùm, nho trái. Mọi người một phen cười nghiêng ngửa với giọng nói vừa chua, vừa chát với âm thanh đầy hậm hực của bà. Cha khép nhẹ đôi mắt, đưa tay xoa xoa vầng trán, cố kềm hãm nụ cười. Dẫu sao Cha cũng phải e dè khi thấy “nữ kê tác quái”, gà mái đang lăm le đá gà cồ. Vì thế, Cha hóm hỉnh trả lời cho bầu không khí trở nên êm ả hơn.
– Nếu là con, Cha sẽ làm gì? Một câu hỏi khá hóc búa đấy nhá. Và đây là câu trả lời của tôi. Nếu là bà thì tôi sẽ làm… Làm gì các bà biết không?
– Làm gì hả Cha?
Các bà nhao nhao lên và háo hức chờ đợi một câu trả lời tựa như cú đấm giáng vào mặt các ông hoặc là những răn dạy nhẹ nhàng nhưng thâm thúy đủ làm các ông ngượng ngùng tím mặt.
Thế nhưng câu trả lời của Cha chỉ có hai chữ. Hai chữ thật đơn giản và nhẹ nhàng như hơi thở mà khốn nỗi cái hơi thở ấy đã thổi tan đi sự háo hức đang ùn ùn dâng lên trong lòng các bà:
– Làm thinh!.
Các ông vỗ tay ào ào. Các bà tiu nghỉu, thất vọng “Thật là uổng công bao nhiêu ngày trông cậy vào Cha”, nhưng vẫn không giấu được nụ cười sau câu nói khôi hài ấy. Ðể xoa dịu sự căng thẳng, Cha nhỏ nhẹ, ôn tồn giảng dạy về nghĩa vụ của vợ chồng trong hôn nhân. Ðại loại như… để đạt được hạnh phúc thì giữa hai người phải có sự tôn trọng, đồng cảm, quan tâm, chia sẻ và nếu có mâu thuẫn xảy ra thì một trong hai người phải “hy sinh” lui một bước để giữ hòa khí trong gia đình. Cuối cùng, các bà cũng ra về với cảm giác thoải mái khi Cha cố ý “khẳng định” vị trí của người vợ:
– Thưa các bà, trong giao tiếp xã hội, chữ vợ luôn đứng trước chữ chồng. Người ta thường nói “hai vợ chồng tôi” chứ đâu ai nói “hai chồng vợ tôi” nên các bà yên tâm, mãi mãi các bà vẫn là nhân vật quan trọng nhất dù bất cứ ở đâu.
o O o
Chia tay bạn, bà bước ra cửa chợ ngay lúc cơn mưa ào ạt trút nước. Lùi ra phía sau, bà đi đến góc trái nơi có người phụ nữ đang nói chuyện trên điện thoại. Không rõ nội dung cuộc trò chuyện nhưng câu cuối cùng bà nghe được trước khi người ấy nói tiếng “bye” với ai đó làm bà chợt nao núng:
– Tôi cũng biết phụ nữ giữ im lặng là khôn ngoan nhưng rốt cuộc tôi vẫn là người phụ nữ ngốc nghếch.
Làm thinh đồng nghĩa với im lặng. Vậy hổng lẽ mình cũng ngốc nghếch như cô ta sao? Tự dưng bà lại nhớ đến ngày xưa, cái ngày ông hay ôm đàn thủ thỉ bên tai bà bản tình ca mà bà rất thích.
“Lối đi qua nhà em nghe nồng nàn mùi Dạ Lý thật thơm. Khi đêm sang đom đóm đong đưa, giờ nàng đã ngủ chưa? Ði lang thang khuya lắc khuya lơ, đèn nhà ai tắt sớm. Gom suy tư thao thức đêm khuya,
chàng bèn viết lá thư. Hai hôm sau mới dám đưa thư, nàng nhận nhưng làm thinh”. (*)
Bà bật cười rồi xô cửa bước ra ngoài, ngửa mặt hứng những giọt nước mưa mát lạnh, lòng bỗng nhẹ tênh và đó cũng là lúc bà chợt nhận ra hai chữ “Làm Thinh” trở nên dịu dàng và dễ thương quá đỗi.
(*) Lời trong nhạc phẩm “Gặp nhau làm ngơ” của NS Trần Thiện Thanh
DamHo chuyển
Thứ Tư, 30 tháng 10, 2024
MAI NÀY - Thơ Phượng Hồng và Bài Họa Của Các Thi Hửu
Bài Xướng :
MAI NÀY
Bờ vui hạnh phúc ở nơi nao
Kiếm mãi mòn hơi dạt chốn nào ?
Có phải trời xanh bồi thử thách
Hay là cõi tạm góp thương đau
Mỗi mùa lá đổ, vàng xuân sắc
Từng khắc giờ trôi, bạc mái đầu
Biển sóng mai này thôi khuấy động
Tình yêu rồi sẽ thắm tươi màu ?
PHƯỢNG HỒNG
Thơ Họa:
1./ MỐT MAI
Hạnh phúc say tầm chốn chốn nao
Mãi trông mòn mỏi, biết nơi nào
Trần gian kể lể bao điều nản
Thế giới nhìn quanh lắm kẻ đau
Bữa bạn ra đi, theo quyện khói
Nay ta soi lại điểm sương đầu
Ô đời có hạn, mong chi nữa…
Tất cả phù du khẽ chuyển màu…
CAO BỒI GIÀ
22-10-2024
2./ KHÁT VỌNG
Khát vọng tương lai, tự thuở nào
Trùng hoan mộng ước mãi nao nao
Bọt bèo vơ vất cam đành xót
Giông tố quặt quày nhẫn chịu đau
Những tưởng ngày vui tràn bến mới
Nào hay xứ lạ nuối giang đầu
Hàn đông nhật nguyệt mờ sương khói
Máu chảy trong tim cũng bạc màu
Lý Đức Quỳnh
23/10/2024
3./ NẶNG LÒNG
Thuyền rời bỏ bến dạt phương nao?
Để kẻ tình si khóc nghẹn nào!
Sóng dạ từng đêm nhồi ruột thắt
Nỗi lòng mỗi khắc nhói tim đau
Thanh xuân thân hiến cho quê Mẹ
Son trẻ mạng quên giữ tuyến đầu
Đất tổ bình yên, đời khởi sắc
Non sông nghiêng ngả khó xanh màu!
LAN
(23/10/2024)
4./NHỚ THUỞ BAN ĐẦU
Hoàng hôn ngã bóng lại nôn nao
Mới sáng rồi trưa chẳng thể nào
Gặp mặt lời thương còn bẽn lẽn
Chia tay tiếng nghẹn khiến buồn đau
Đứng lên bảy tuyết bần thần dạ
Ngồi xuống năm tao thất thểu đầu
Tình nghĩa trông ngày xe chỉ thắm
Tơ duyên cầm sắt khó phai màu
ThanhSong ntkp
CA.22/10/2024
5./ PHẢI KHÔNG NÀO
Chạnh ngẫm ta mình tự thuở nao
Tình luôn thắm đượm phải không nào?
Gia đình vốn hẳn thường vui vẻ
Cuộc sống chưa từng nếm khổ đau
Dẫu thoáng năm chào hay tết lại
Thời khi tháng biệt lẫn niên đầu
Niềm vui hạnh phúc đồng trân giữ
Tổ ấm hằng chan chứa sắc màu…
Mai Vân-VTT
23/10/24
6./ DẤU XƯA
Có lúc tâm hồn lạc cảnh nao
Hình như nhớ mẹ phải không nào
Trần gian gối lết tìm êm đẹp
Cát bụi thân mòn nếm khổ đau
Giã biệt nhìn theo bờ tóc rối
Chia ly ngó lại mái sương đầu
Thương người khuấy động dòng sông cũ
Cũng chẳng gì thêm nhạt sắc màu
Minh Thúy Thành Nội
Tháng 10/22/2024
7./ HỒI TÂM GIÁC NGỘ
Đường trần Hạnh phúc tì̀m nơi nao
Kiếp sống buồn vui sướng cở nào ?
Mãi chuộng hư danh mê vật chất
Nào hay Đời khổ lắm thương đau.
Trả vay nhân quả bao đời kiếp
Quả báo oan gia phải đối đầu
Vạn sự đều do Thiên mệnh cả
Hồi tâm giác ngộ Phúc tươi màu...
Mỹ Nga
23/10/2024 ÂL,21/09/ Giáp Thìn
8./ TÌM MỘ CHIẾN SĨ
Ngậm ngùi thương tiếc, dạ nôn nao
Nơi chiến trường xưa một thuở nào
Lỗ chỗ hố bom nằm rải rác
Khô cằn mảnh đất nhuốm sầu đau
Xạc xào ngon gió lay chòm cỏ
Nghèn nghẹn thân nhân gục mái đầu
Xương cốt chồng, cha tìm chẳng thấy
Nỗi buồn chẳng thể nhạt phai màu.
Sông Thu
(23/10/2024 )
HẠNH PHÚC KỀ BÊN
Hạnh phúc bên mình… chẳng chốn nao!
Kiếm chi mệt trí có nơi nào?
Đường xa vạn dặm chân mòn mỏi,
Bến tục bẩn vùi chuốt thảm đau.
Tình ái chia lìa nhau xót dạ,
Nghĩa nhân buông bỏ nhứt neo đầu.
Cận kề không biết trao trân quý,
Lại ngóng xây chi bóng úa màu!
*
Cuối cùng nhận chuốt đắng chua đau!
HỒ NGUYỄN
(23-10-2024)
10./ QUAY VỀ
Hạnh phúc thôi rồi chạy chốn nao
Thề xưa thất hứa phải không nào
Niềm vui mới đó sao đành phải
Ngăn cách nghìn trùng chịu khổ đau
Nghĩ lại đừng mơ màng ảo tưởng
Chúng mình duyên thắm mối tình đầu
Quay về anh đón trong tha thứ
Như thuở ban mai chớm sắc màu …
Yên Hà
23/10/2024
11./ MÒN MỎI ĐỢI TRÔNG
Người xưa mất tích lạc phương nao
Tin tức, bặt tăm khổ thế nào ?
Chẳng biết trần gian bao tục lụy
Không hay cảnh ngộ lắm niềm đau
Ra đi chiếc bóng mờ sương khói
Bỏ lại cô thân bạc trắng đầu
Cuộc sống long đong chờ đợi mãi
Cõi đời lận đận nhạt phai màu…!
MAI XUÂN THANH
Silicone Valley 10/23/2024
QUẲNG GÁNH ÂU LO
Lủi thủi tìm vui ở cõi nào
Thế gian muôn vẻ đẹp lòng nao
Giải nhân lộng lẫy nồng hương nhuỵ
Trần cảnh xanh tươi rực sắc màu
Lục dục đưa tâm mê luyến ái
Thất tình đẩy trí nhận sầu đau
Nhẹ nhàng hưởng thụ gì đang có
Lão hạc vô lo dẫu bạc đầu
Hưng Quốc
Texas 10-23-2024
13./ HƯƠNG
Quê hương trở lại lòng nao nao
Đoái cảnh xem nay giống kiểu nào
Quan chức sang giàu nào đói rách
Dân tình nghèo khổ chẳng sầu đau
Cửa nhà chồng chất đường thông cống
Cán bộ xung phong phố dở đầu
Dòng nước ủ lâu nên rất tốt
Đem nuôi gia súc tưới hoa màu.
2024-10-23
Võ Ngô
14./ CHÚT NẮNG TAN MAU
Nàng giận hờn ta buổi tối nao…
Chẳng hay đã phạm lỗi lầm nào?
Nhìn đôi mắt ướt… lòng chua xót
Ngắm cặp môi khô… dạ khổ đau
Hãy hát thầm thì như thuở trước
Xin cười xí xóa giống ban đầu
Tình yêu sắc thắm hoài trân quý
Chút nắng tan mau lại đượm màu
Anh Khờ
15./ ĐI TÌM TỰ DO
Lỡ dịp này thì đợi dịp nao?
Nếu không ta biết dạt nơi nào?
Ra đi đổi mạng cầu may phúc,
Ở lại đày thân chuốc khổ đau:
Sáng sớm nghe loa thêm nhức óc,
Chiều hôm họp tổ những điên đầu.
Sơn son tủ gụ mong bong hết,
Sớm muộn cờ sao mau bạc màu.
Đỗ Quang Vinh
23-10-2024
16./ NẾU MỘT MAI
Nghĩ đến một mai lòng thấy nao
Bao nhiêu kỷ niệm tự hôm nào
Bỗng dưng nhung nhớ thành xa vắng
Rồi chợt dấu yêu hóa khổ đau
Thôi chớ trách hờn tình đã tắt
Hãy cùng trân quý mộng ban đầu
Ngày kia dẫu có đời ly biệt
Tình vẫn trong ta mãi thắm màu
Toàn Như
GẮNG QUÊN
Nhớ buổi xa nhà một sáng nao
Thầm mong trở lại biết khi nào?
Rì rào biển lạnh tâm buồn chán
Tĩnh mịch đêm dài nỗi buốt đau
Dạ cảm bồi hồi nơi đất khách
Mình nghe lạc lõng phút ban đầu!
Bao mùa tuyết phủ niềm tây gợi
Quá khứ dường như đã bạc màu!
Như Thu
10/24/2024
18./ CHỐN CŨ
Nhạn về, Thu tới, dạ nôn nao
Không biết tháng năm sẽ thế nào
Cánh vạc kêu sương buồn não nuột
Thân cò lạc bãi lượn sầu đau
Em thơ thủa ấy còn xanh tóc
Bạn học thời nay đã bạc đầu
Đứng trước mênh mông trời đất rộng
Hoa thiên tuế nở chẳng phai màu ...
Hawthorne 24 - 10 - 2024
CAO MỴ NHÂN
19./ MAI NÀY
Hiện tại chưa yên khiến nóng nao…
Cầu mong tất thảy góp tay nào
Cất cho nỗi khổ tăng lòng mến
Dựng lại tình thân giảm nỗi đau
Bằng chẳng thế gian thành địa ngục
Nếu không con cháu sẽ điên đầu
Vậy mau tiếp sức hầu canh cải,
Cuộc sống ngày thêm thật đượm màu.
Thái Huy
10/23/24
20./ HẠNH PHÚC LOANH QUANH
Hạnh phúc loanh quanh chẳng hướng nào
Cận kề chớ kiếm, khổ lòng nao
Thật thà được tiếng nào ngu dại
Ngốc nghếch giã lời đỡ đớn đau
Tự tại tâm tư thôi xót dạ
An nhiên trí óc chả đau đầu
Tình thương lan tỏa đời vui sướng
Cuộc sống thế nhân ắt đượm màu
songquang
20241024
21./ THU ERIE
ERIE Thu ấy dạ còn nao
Lạnh lẽo cô đơn của thuở nào.
Thành phố buồn tênh gây nỗi nhớ
Tin nhà bằng bặt xót niềm đau.
Mịt mờ trời đất làn sương sớm
Trắng xóa đường xe trận tuyết đầu.
Rào rạc vàng bay se sắt khách
Hồn vương theo chiếc lá thay màu!
Mailoc
10-24-24
22./ HẠNH PHÚC Ở ĐÂU
Đi tìm hạnh phúc dạ nôn nao
Biết nó giao du ở chỗ nào ?
Vô ảnh vô hình nhưng ảnh hưởng
Khi không khi có dễ làm đau
Ấm lòng xuân hạ , thu phai sắc
Lạnh lẽo trời đông , tuyết bạc đầu
Thời tiết hàng năm đều biến đổi
Buồn vui hạnh phúc cũng thay màu!
THIÊN LÝ
Trang thơ Hà Đặng ; NHỚ TRỌN ĐỜI, KHÔNG THAY ĐỖI, XIN DÙM NHỚ NHAU...(T.10/24.2 )
1./ NHỚ TRỌN ĐỜI
NGUỒN GỐC NHỮNG TỪ NGỮ VIỆT KHÓ HIỂU
Trong ngôn ngữ tiếng Việt ở miền Nam, nhiều chữ rất khó hiểu nhiều khi nhiều người không biết nó xuất xứ từ đâu. Sau đây là một vài thí dụ tiêu biểu:
1- Sóc trăng: Tên gọi Sóc Trăng do từ Srok Kh'leang của tiếng Khmer mà ra. Srok tức là "xứ", "cõi", Kh'leang” là "kho", "vựa", "chỗ chứa bạc". Srok Kh'leang mang ý nghĩa là xứ có kho chứa bạc của nhà vua. Tiếng Việt phiên âm ra là "Sóc-Kha-Leng" rồi sau đó thành Sóc Trăng. Dưới triều đại vua Minh Mạng, Sóc Trăng đổi thành Sông Trăng, dịch theo Hán tự là Nguyệt Giang (月江), nên Sóc Trăng gọi là Nguyệt Giang tỉnh. Ngày nay gọi trở lại là tỉnh Sóc Trăng.
Nói ai “cà chớn” là có ý chê, nhưng cũng không có nghĩa là hoàn toàn xấu. Chẳng hạn “Chờ tới giờ này mà nó chưa đến, đồ thứ cà chớn”, hay “chiếc xe hôm nay cà chớn, đạp máy hoài mà không chịu nổ”. Tuy nhiên, có thể nặng “Có tới bằng cấp đó, chức vụ đó mà ăn nói lý luận cà chớn quá”.
Vì gốc tiếng Miên, nên chỉ có dân Đàng Trong từ thời Chúa Nguyễn biết từ này, còn người Đàng Ngoài của chúa Trịnh tuyệt nhiên không biết. Từ này nhẹ hơn từ “cà tửng”, có nghĩa gần như điên như khùng, thần kinh bị “mát”.
Hai từ “Cà Chớn” rất phổ biến ở miền nam trước 1975. Mặc dầu bắt đầu bằng chữ “Cà” nhưng không có nghĩa là thực phẩm dùng để ăn như Cà chua, Cà pháo, Cà tô mát v.v… và cũng không có ý nghĩa là khuyết tật như Cà Lăm!
“Cà chớn” khó định nghĩa như thế nào cho chính xác. Cà chớn không hề có nghĩa là láo lếu, cũng không có ý nghĩa là xấu xa, nhảm nhí. Thí dụ bạn hẹn một người bạn đi uống cà phê, nhưng anh ta đến muộn, bạn phán là “thằng cà chớn”. Vậy không có nghĩa là anh bạn kia là một người bạn xấu.
Hoặc bạn nghe một người bạn nào đó đùa dai một câu như “trông cô gái kia phốp pháp, có vẻ hạp với ông đấy”. Bạn chỉ có thể kết tội anh ta là cà chớn chứ không thể cho là anh ta nói láo.
Đôi khi nó có nghĩa là xấu, đôi khi nó có nghĩa là vui đùa, đôi khi nó có nghĩa là không tốt, không xấu nữa. Thí dụ, bạn nói về một người bạn rằng: “Thằng ấy nó cà chớn thế thôi chứ không xấu bụng đâu”. Vậy cà chớn là không tốt cũng không xấu.
Xem ra hai tiếng “cà chớn” này rất khó dịch sang tiếng ngoại quốc. Tôi cứ nghĩ, nếu không là người Việt Nam thì khó mà hiểu nổi “cà chớn” có nghĩa là gì.
Tuy nhiên người Việt Nam nào cũng có thể cảm nhận được, hiểu ngầm được hai tiếng này. Nhóm chữ “văn hóa cà chớn” tôi dùng ở đây mang tất cả các ý trên….
3- Song hỷ: Hầu như đám cưới nào cũng hiện diện chữ (囍 - song hỷ") trên phông chính, trên tráp quà, bánh cưới..., nói chung là ở khắp mọi nơi. Vậy chữ này có ý nghĩa gì và xuất xứ từ đâu?
Theo lời người xưa, chữ "hỷ' (喜) là giai thoại đẹp gắn liền với việc tình duyên thiên định. Vào thời Bắc Tống ở Trung Quốc, có chàng trai ham học tên là Vương An Thạch (sau này là tể tướng). Năm 20 tuổi, cậu lên kinh dự thi, giữa đường đi qua một vùng trù phú, đúng lúc nhà Mã viên ngoại đang kén chồng cho cô con gái xinh đẹp. Ông muốn kiếm cho con một tấm chồng không cần quá giàu có nhưng nhất định phải là hiền sĩ.
An Thạch đi qua thấy nhà viên ngoại có đề một vế đối: “Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ” (Ngựa chạy theo đèn, đèn chạy theo ngựa, đèn tắt, ngựa dừng chân). Ai đối được thì viên ngoại sẽ gả con gái cho người đó.
Mặc dù chưa nghĩ ra vế đối lại nhưng An Thạch vẫn nói cứng: “Câu này dễ đối” rồi lại tiếp tục lên kinh dự thi. Người nhà viên ngoại nghe được nhưng chưa kịp mời vào diện kiến thì bóng cậu đã hút xa.
Khi đến trường thi, Vương An Thạch là người nộp bài đầu tiên. Vua lật xem khen tấm tắc liền gọi lên để thử thêm tài. Nhà vua nhìn thấy ở sân rồng có một lá cờ lớn liền đưa ra vế đối: “Phi hổ kỳ, kỳ phi hổ, kỳ quyển hổ tàng thân" (Hổ bay theo cờ, cờ bay theo hổ, cờ cuốn, hổ ẩn mình).
An Thạch nhớ lại vế đối nhà Mã viên ngoại thấy rất chỉnh với câu này liền dõng dạc: "Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ". Nghe xong câu đối chỉnh mà ý nghĩa sâu sắc, vua lấy Vương An Thạch đỗ thủ khoa.
Trên đường quay về nhà, được mời vào nhà Mã viên ngoại, An Thạch liền đối lại bằng chính đề thi của vua. Viên ngoại bất ngờ thích thú nên nói khéo với An Thạch đó là câu đối kén rể. Vị tân khoa vui mừng nảy ra câu thơ:
Vận may đối đáp thành song hỷ,
Cờ hổ, đèn quân kết vợ chồng.
Từ đó, chữ "song hỷ" ra đời, thể hiện sự cát lợi, may mắn tiếp may mắn, tốt đẹp không ngừng.
4- Bay bướm: Trong Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên định nghĩa: “Bay bướm”: Có hình thức trau chuốt, bóng bẩy, hơi kiểu cách như “Ăn nói bay bướm. Kiểu chữ bay bướm”. “Câu văn bay bướm”. Có lẽ định nghĩa trên khiến nhiều người liên tưởng đến sự sặc sỡ của con bướm nên đã đinh ninh: Bay bướm là nổi bật như con bướm bay mang ý nghĩa linh hoạt, đẹp đẽ!
5- Chợ Cái Răng Cần Thơ:
Ta thường nghe câu ca dao trong dân gian:
“Chợ đã nổi từ nửa đêm về sáng,
Ta vẫn chìm từ giữa bữa hoàng hôn.
Em treo bẹo Cái Răng, Ba Láng,
Ta thương hồ Vàm Xáng, Cần Thơ.”
Câu ca dao trên nhắc đến những địa danh ở Cần Thơ mà đi đầu là Cái Răng - một trong những chợ nổi lớn nhất miền Tây. Tuy được nhiều người biết đến nhưng không phải ai cũng hiểu: Cái Răng có xuất xứ từ đâu? Liệu “Răng" ở đây có phải là “răng” trong “răng trong miệng không"?
Có thuyết cho rằng tên Cái Răng bắt nguồn từ một truyện cổ. Xưa kia, ở Cần Thơ có con cá sấu chuyên hại người. Về sau, nó bị giết, mỗi bộ phận trôi dạt về một phương, riêng phần răng dạt vào nơi bây giờ là chợ nổi nên gọi là Cái Răng. Tuy nhiên truyện này có nhiều tình tiết hư cấu, khó thuyết phục.
Thực tế, trong “Tự vị tiếng nói miền Nam”, cụ Vương Hồng Sến có giải thích rằng, “Cái Răng” có nguồn gốc từ “karan” trong tiếng Khmer, có nghĩa là “Cà ràng”. Đây là tên gọi của một chiếc lò làm từ đất nung do người Khmer chế tạo, được bán nhiều ở dọc theo lưu vực sông Cần Thơ. Dần dần, người Việt đọc trại là “cà ràng” thành “Cái Răng”, và lấy cái tên này đặt cho chợ nổi lớn nhất vùng.
Tóm lại, tên gọi “Cái Răng” xuất phát từ “karan”, chỉ nơi làm ra một loại lò đất nung trong tiếng Khmer. Còn gọi “chợ nổi” là vì toàn bộ chợ từ người bán, cửa hàng, người mua đều sử dụng thuyền ghe để trao đổi nhau trên mặt nước. Nước dâng cao thì chợ lên cao, nước xuống thấp thì chợ hạ xuống. Nếu không may có bão táp thì hư hại tăng lên rất cao, đôi khi không thể họp chợ được.
5- Vùng khỉ ho cò gáy: Thành ngữ này chỉ những nơi rất hoang vu, vắng vẻ, có điều kiện sống khắc nghiệt nên rất ít người ở hay qua lại. Vùng “khỉ ho” ý chỉ việc con người rất hiếm khi nghe được tiếng con khỉ ho do địa bàn sinh sống của chúng rất vắng vẻ, xa lạ với con người. Còn cụm từ “cò gáy” mặc dù không có nghĩa gì nhưng khi kết hợp với cụm từ “khỉ ho” thì cả hai cụm từ vẫn thể hiện sự vắng vẻ, hiu quạnh, không có nghe gì liên quan đến hoạt động kỳ lạ của hai loài vật trên..
Thí du nghe câu nói: “Tôi cũng không hiểu vì sao anh ta lắm tiền thế, lại về cái vùng đất khỉ ho cò gáy đó để sinh sống”.
Thành ngữ, tục ngữ đồng nghĩa với sự vắng vẻ như câu trên là “Thâm sơn cùng cốc” hay “Sơn cùng thủy tận”.
6- Sui gia: Sui gia là phương ngữ Nam bộ, đồng nghĩa với thông gia là phương ngữ Bắc bộ, chỉ sự liên hệ hai gia đình cưới hỏi dâu rể.
Chúng ta không đồng thuận với quan điểm chữ “thông gia” này, bởi vì chúng ta biết rằng Từ điển Việt-Bồ-La (1651) là quyển từ điển đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ, bao gồm cả từ vựng được sử dụng ở Đàng Trong và Đàng Ngoài, trong đó chỉ ghi nhận từ sui gia, không có thông gia (tr.703 - 704). Năm 1838, quyển Nam Việt - Dương Hiệp Tự vị của Jean-Louis Taberd xuất hiện, vẫn chỉ có từ sui gia (𡢽家, tr.453), không có thông gia; đến năm 1898 thì trong Dictionnaire Annamite-Francais của J. F. M. Genibrel cũng vậy, chỉ có từ sui gia (tr.707), không hề có thông gia.
Như vậy, sui gia là từ được sử dụng trong cả nước, về sau mới xuất hiện từ thông gia (通家), có thể từ đầu thế kỷ XX. Hiện nay, xét về tần suất sử dụng thì từ thông gia phổ biến ở miền Bắc, còn sui gia phổ biến trong Nam chứ không phải thông gia thuộc phương ngữ Bắc, còn sui gia thuộc phương ngữ Nam.
Sui là từ Nôm, còn gia là từ Hán Việt.
Theo nhận định này không chính xác, vì cả sui và gia đều được ghi nhận bằng chữ Nôm. Sui (𡢽) là chữ thuần Nôm, kết hợp từ 2 chữ Hán là nữ (女) và lôi (雷) theo lối hình thanh; còn gia (家) là chữ mượn nguyên xi từ chữ Hán để tạo thành chữ Nôm theo lối giả tá.
Ví dụ, câu Sui gia (𡢽家) bao nỡ đổi dời chẳng thương” (trích Lục Vân Tiên truyện) hoặc “Sui gia (𡢽爺) đã xứng sui gia” trong Vân Tiên cổ tích tân truyện (Liễu Văn Đường tàng bản), khắc in năm Khải Định thứ 1 (1916). Nhìn chung, cả hai bản Nôm trên đều ghi nhận chữ sui (𡢽) giống nhau, song chữ gia có khác biệt với 2 cách viết 家 (gia) và 爺 (gia). Chúng tôi cho rằng cách viết 家 (gia) là chuẩn xác, bởi vì chữ này kết hợp với chữ 𡢽 (sui) và đều được ghi nhận trong từ điển (của Taberd và Genibrel), còn chữ 爺 (gia) thì không.
Hiện nay có 2 giả thuyết về từ nguyên của “sui gia” mà chúng tôi cho rằng đáng chú ý: Trong Tầm nguyên tự điển, Giáo sư Lê Ngọc Trụ cho biết chữ “sui” trong sui gia là từ chữ đối (對), sui gia là đối gia (對 家). Điều này có lý bởi nếu đọc theo tiếng Quan Thoại thì 對 家 sẽ có âm là duì jiā, nghe khá giống cách đọc từ sui gia trong tiếng Việt. Tuy nhiên, trong từ điển Taberd và Genibrel (sđd) lại không ghi nhận từ đối gia nên chúng tôi xin bỏ qua quan điểm này.
Nhiều khi ta còn thấy một số nơi còn viết sai chính tả thay vì “sui” lại viết “xuôi” hay “xui” là không đúng nghĩa của gốc chữ.
7- Con ông cháu cha:
"Con ông cháu cha" là một thành ngữ được sử dụng phổ biến, được dịch sang Tiếng Anh là "Born with a silver spoon in your mouth". Câu này chỉ con cháu của những người có quyền lực trong xã hội. Những người thuộc diện "con ông cháu cha" luôn được ưu ái đối xử.
Thành ngữ này còn được giới trẻ gọi tắt là COCC mang sắc thái đùa vui, giải trí. Tuy nhiên, vì sao lại nói "con ông cháu cha" mà không phải "con cha cháu ông" thì vẫn là một bí ẩn đối với nhiều người.
Đầu tiên, về khía cạnh lịch sử, từ cuối thế kỷ thứ XIX, người Pháp đưa ra điều luật cần phải bảo vệ những cha xứ giảng đạo ở Việt Nam. Ăn theo giáo phái phương Tây là sự xuất hiện của các cha xứ tại các thôn xóm, làng bản Việt Nam. Những người này làm việc cho Pháp, được Pháp tin dùng và ban cho nhiều quyền hành. Vì thế, cha xứ nghiễm nhiên trở thành những "ông quan nhỏ" tại địa phương.
Các cha cố này không có vợ con nhưng có nhiều người thân thích gọi là "chú", "bác". Vậy là một thế hệ "cháu cha" hình thành, để lại thành ngữ "con ông cháu cha" mà chúng ta đang sử dụng trong lời ăn tiếng nói thường ngày.
Ngoài ra, trong Tiếng Pháp còn xuất hiện từ "népotisme" nói về việc một số vị Giáo hoàng ngày xưa ở châu Âu vì tình thân thích đã lạm dụng quyền hành để ban nhiều đặc lợi cho cháu của mình. Đây là truyền thống không tốt đẹp nhưng đã vô tình làm phong phú thêm cho kho tàng thành ngữ dân gian Việt Nam.
Tiếp theo, xét về mặt ngữ nghĩa, nếu nói "con cha cháu ông" thì là điều hiển nhiên, con nào mà chẳng là của cha, cháu nào mà chẳng là của ông. Cách nói này sẽ thừa và không chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu xa.
Còn khi nói "con ông cháu cha", chúng ta sẽ thấy 2 nhóm rõ ràng: Nhóm 1 là "ông" và "cha" biểu trưng cho quyền thế; nhóm 2 là "con" và "cháu" biểu trưng cho dòng dõi nhà quyền thế. Dù sự đảo từ này phi logic nhưng tạo nên lớp nghĩa thể hiện điều trái quy luật, bất bình đẳng và ưu tiên quá mức đối với tầng lớp con cháu của những người có thế lực trong xã hội.
Ngoài ra, cách nói này là một hiện tượng ngôn ngữ, chúng ta còn dễ dàng bắt gặp nhiều thành ngữ có cấu trúc tương tự. Chẳng hạn như: "Bướm chán ong chường", "cao chạy xa bay", "đau đầu nhức óc", "ruồi bu kiến đậu",… Cách đảo từ phi logic từ những cặp từ ghép giúp nhấn mạnh sự việc được ám chỉ và tạo nên cách nói thuận miệng. Đó cũng là quy luật hình thành nghĩa biểu trưng của các thành ngữ loại 4 âm tiết.
Ngày nay, danh từ “con ông cháu cha” được lần lần thay đổi sang “con cháu đại gia”, đó là thành phần ưu thế, quyền lực trong xã hội. Như: “Bây giờ, tụi nó sống sung sướng vì đều là con cháu đại gia không hà. Mấy đứa nhỏ được đưa đi học bằng xe hơi. Nhà cao, cửa rộng xe cộ sang trọng, đi ngoại quốc du học dễ dàng. Sang Mỹ du học, nó còn mua nhà trả pay off ngay, chứ không phải như mình phải vay mượn ngân hàng phải làm việc cực nhọc để trả nợ hàng tháng đâu!”.
Tóm lại, khi tiếp nhận một câu thành ngữ, tục ngữ, ta nên hiểu theo nghĩa biểu trưng, nghĩa ẩn dụ, chứ không nên hiểu một cách cứng nhắc.
Tiếng Việt thật sâu sắc, mang nhiều ý nghĩa phong phú!
Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)
Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2) Như ta đã biết, trong bài trước《T...
-
CON MỂN VÀ ĐIỀM BÁO KHÔNG MAY MẮN Con thú rừng có tên “ Mển ” hay“ Mang” , còn gọi là hoẵng , kỉ , là mộ...
-
Năm nào cũng vậy, do thức dậy sớm đi chợ sớm, nên má là người đầu tiên mở ngày ba mươi Tết ra. Không biết có phải số má cực, vía má cực kh...
-
Bối cảnh lịch sử: Nguyễn Du (chữ Hán: 阮攸; sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766–1820), tên tự Tố Như (素如), hiệu Thanh Hiên (清軒), biệt hiệu Hồ...