Thứ Ba, 1 tháng 10, 2024

Tạp Ghi và Phiếm Luận : Phiếm về NHÂN QỦA - Đỗ Chiêu Đức

 Tạp Ghi và Phiếm Luận :

                           Phiếm về NHÂN QỦA

                            
         
                              
      Rất nhiều người vẫn luôn thắc mắc NHÂN QỦA là gì ? Xin thưa, NHÂN 因 là hạt giống, còn QỦA 果 là cái trái do hạt giống đó tạo ra. Theo "CHỮ NHO... DỄ HỌC" thì chữ NHÂN là chữ dùng Tượng hình để Chỉ sự, có diễn tiến chữ viết như sau:

             Giáp Cốt Văn             Đại Triện    Tiểu Triện        Lệ Thư
                              

      Ta thấy :
         Từ Giáp Cốt Văn đến Đại Triện là hình tượng của một hạt giống bên trong có hình dáng của một cây mầm; đến Tiểu Triện thì các nét được kéo thẳng ra cho giống hình chữ viết, và kịp đến Lệ Thư đời nhà Tần thì đã giống như là chữ viết hiện nay: NHÂN 因 là Hạt giống. Hạt Giống thì sẽ nảy mầm và phát triển thành một giống cây, trái nào đó; nên NHÂN hiểu rộng ra, còn có nghĩa là Nguyên Nhân, là lý do phát sinh của một sự kiện hay sự việc nào đó...
     Còn...
           QỦA 果 cũng là một chữ được hình thành bằng Tượng hình và Chỉ sự theo diễn tiến của chữ viết như sau :

            Giáp Cốt Văn            Đại Triện     Tiểu Triện         Lệ Thư
                                

      Ta thấy :
         Từ Giáp Cốt Văn đến Đại Triện là hình tượng của một cái cây phía trên kết một trái có 4 múi hình tròn, đến Tiểu Triện thì các nét vẽ được kéo thẳng cho thành chữ viết và đến chữ Lệ thì đã hình thành như chữ viết hiện nay: QỦA 果 là Trái. KẾT QỦA 結 果 là Kết thành Trái. Khi dùng rộng ra thì KẾT QỦA là Rốt cuộc, là thành tựu cuối cùng của một động thái hay việc làm nào đó. Ta hay hỏi: Kết Qủa của việc đó ra sao? Có nghĩa là: "Đến cuối cùng thì sự việc đó đưa đến những hệ lụy hay thành đạt nào?"
   Nói chung...
       NHÂN là Hạt Giống, QUẢ là cái Trái do hạt giống đó phát triển mà có được, như câu của ông bà ngày xưa thường nói :

                    種 瓜 得 瓜,  Chủng qua đắc qua,
                    種 豆 得 豆。  Chủng đậu đắc đậu.
      Có nghĩa :
              - Trồng dưa thì được trái dưa, còn...
              - Trồng đậu thì có trái đậu.
                 
      Đó là cái nguyên lý không bao giờ thay đổi trong đời sống của con người, nên ông bà lại thường hay nhắc nhở ta rằng "Gieo NHÂN nào thì gặt QỦA nấy. Ác lai thì ác báo, làm dữ thì gặp ác, ở hiền thì gặp lành. Cọng rau nào thì con sâu đó; Hạt giống nào thì sẽ cho ra trái đó, không sai chạy bao giờ. 
     Trong Phật giáo, thì NHÂN QỦA tiếng Phạn là hetu-phala,chỉ Nguyên Nhân và Kết Quả. Phật giáo cho là nhất thiết chư pháp, mọi việc trên đời đều theo Luật Nhân Quả mà sinh ra hoặc mất đi. NHÂN là cái Gốc để phát sinh ra sự việc, còn QỦA là cái Kết của sực việc được sinh ra, nên "Có NHÂN tất phải có QỦA, và có QỦA vì đã có NHÂN". Như câu nói trên của ông bà ta là có xuất xứ từ câu kệ trong Niết Bàn Kinh《涅 槃 經》như sau

                    種 瓜 得 瓜,   Chủng qua đắc qua,
                    種 李 得 李。   Chủng lý đắc lý.
      Có nghĩa :
              - Trồng dưa thì được dưa, còn...
              - Trồng mận thì được mận (Lý).
                  
      Ông bà ta đổi chữ LÝ 李 thành chữ ĐẬU 豆 chắc có lẽ là để cho ăn vận với một câu nói trong chương thứ 73 của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh 老 子《道 德 经》第 七 十 三 章 như sau:

                   (種 瓜 得 瓜,  Chủng qua đắc qua,
                    種 豆 得 豆。  Chủng đậu đắc đậu).
                    天 網 恢 恢,  Thiên võng khôi khôi,
                    疏 而 不 漏.   Sơ nhi bất lậu !
      Có nghĩa :
              - Lưới trời lồng lộng, tuy...
              - Thưa mà chẳng để lọt mất (bao giờ)!

      LƯỚI TRỜI (Thiên võng) ở đây chỉ lẽ phải tự nhiên ở đời, cũng là cái lẽ phải của Trời luôn công bằng chính trực, thưởng thiện phát ác một cách rõ ràng không thiên vị một ai và cũng không ai trốn thoát được cả! 
      Nho Giáo cũng nói rằng : Nhân hữu thiện nguyện, Thiên tất hựu chi 人 有 善 願,天 必 佑 之。có nghĩa: "Con người mà có những nguyện ước lương thiện, thì trời sẽ che chở giúp đỡ cho những người đó", và luôn khuyên răn người đời :

 善 有 善 報,惡 有 惡 報。Thiện hữu thiện báo, Ác hữu ác báo.
 不 是 不 報,日 子 未 到。 Bất thị bất báo, Nhật tử vị đáo.
Có nghĩa :
        - Hiền thì có báo ứng hiền, Ác thì có báo ứng ác.Trước mắt...
        - Không phải là không có báo ứng, chỉ vì ngày tháng chưa tới mà thôi !

      Một câu kệ nữa trong TAM THẾ NHÂN QỦA KINH 《三 世 因 果 經》như sau:
      
                 欲 知 前 世 因,   Dục tri tiền thế NHÂN,
                 今 生 受 者 是;   Kim sinh thụ giả thị;
                 欲 知 來 世 果,   Dục tri lai thế QỦA,
                 今 生 作 者 是。   Kim sinh tác giả thị.
 Có nghĩa :
       - Muốn biết cái NHÂN của đời trước, thì hãy xem, đó...
       - Chính là sự hưởng thụ đời nầy của ta đó; Còn như...
       - Muốn biết cái QỦA đời sau của ta sẽ ra sao, thì hãy xem...
       - Việc làm của ta ở đời nầy đây, thì sẽ rõ !...

      Nếu đời nầy ta được giàu sang phú quý là do cái NHÂN đời trước ta biết tu nhân tích đức; Còn nếu đời nầy ta nghèo khổ khó khăn là do đời trước ta phóng túng ăn chơi... Còn như muốn biết cái QỦA của đời sau, thì hãy xem việc làm của ta ở đời nầy. Nếu đời nầy ta biết làm việc thiện và tích đức, thì chắc chắn đời sau của ta sẽ được sống an vui sung sướng, còn như đời nầy ta chỉ biết ăn chơi đàng điếm thì đời sau chắc chắn sẽ đói khổ cơ hàn; hay đời nầy ta chỉ biết làm ác hại người thì đời sau sẽ bị lục đạo luân hồi thác sinh thành súc vật cầm thú chớ không được làm người nữa !...
       Không phải như những Sàm tăng, Dâm tăng, Ác tăng, Tham tăng hiện nay thường hay nói một cách ngu muội và dốt nát là: Làm Thợ hồ kiếp nầy là do kiếp trước phá nhà. Làm Bác sĩ kiếp nầy là do kiếp trước giết người. Làm Nhà giáo kiếp nầy là do kiếp trước đốt sách... Nếu kiếp trước đi phá nhà, giết người, đốt sách... thì chắc chắn sẽ bị đánh xuống 18 tầng A-Tỳ địa ngục chẳng được siêu sinh, làm sao còn có được "kiếp nầy" mà nói, và nếu may mắn còn có được kiếp nầy thì chắc chắn sẽ bị thác sinh thành súc vật, chớ làm sao còn làm được Bác sĩ, Thầy giáo, Thợ hồ?!... Vì...
      Nếu kiếp trước giết người mà kiếp nầy được làm Bác sĩ, thì cái NGHIỆP LỰC chuyển hóa bị đão lộn càn khôn. Lục đạo Luân hồi sẽ bị "tẩu hỏa nhập ma" làm cho cái Ma Tâm Tà Tâm của con người ngày càng bùng phát mạnh mẽ hơn, tín đồ Phật tử sẽ tranh nhau đi giết người để kiếp sau được làm Bác sĩ... Từ bi bác ái, bát nhã ba la mật đa... bị "phá sản" hoàn toàn, xã hội sẽ băng hoại theo các Ma tăng Sàm tăng... của thời mạt pháp !
             
      
     Trở lại với Nhân Qủa Luân Hồi. Có người nêu thắc mắc: Trong xã hội trước mắt có rất nhiều người làm đủ điều ác đức, hống hách ngang tàng, nhưng sao họ vẫn sống giàu sang phú qúy; và có rất nhiều người nhân đức làm rất nhiều điều từ thiện, nhưng sao cuộc sống của họ vẫn khó khăn trắc trở, lao đao lận đận ? Như vậy, chẳng hóa ra là "Thiện vô thiện báo, Ác vô ác báo 善 無 善 報,惡 無 惡 報" sao ?! Vậy thì "Luật Nhân Qủa" ở đâu, làm sao cho người đời tin tưởng đây ?!
     Thực ra, LUẬT NHÂN QỦA là phải thông qua tam thế, là ba đời ba kiếp, chớ không thể xét trong một lúc được. Ví dụ như: Có người chí thú làm ăn tích lũy gởi ngân hàng rất nhiều tiền. Bây giờ, giở chứng ăn chơi hút sách cờ bạc hiếp người... chẳng lẽ lại không cho anh ta rút tiền để dành trong ngân hàng ra để đền bù trả nợ cho người khác hay sao? Lại như, có người trước đây ăn chơi đàng điếm, thiếu nợ ngập đầu. Bây giờ lãng tử hồi đầu, chí thú làm ăn, siêng năng cần cù... nhưng chả lẽ biết quay đầu hướng thiện rồi khỏi phải trả cái nợ mà trước đó đã thiếu hay sao ?!
      Người ác đức mà vẫn sống giàu sang, vì cái đức cái thiện của kiếp trước còn chưa hết; Cũng như người hiền lành người lương thiện mà vẫn sống nghèo khổ khó khăn là vì cái Nghiệp làm ác của kiếp trước còn chưa dứt. Qúa trình chuyển hóa từ ÁC sang THIỆN, từ THIỆN sang ÁC, hay nói cách khác, qúa trình chuyển hoá từ NHÂN sang QỦA và từ QỦA sang NHÂN đó, được gọi là NHIỆP LỰC 業 力. Và...
       NGHIỆP LỰC nầy phải do chính ta tu tập giác ngộ, sống thật tốt rồi mới chuyển hóa được. Cho nên mới nói là: Muốn biết cái QỦA của kiếp sau thì hãy xem việc làm (TÁC NGHIỆP) của ta ở kiếp nầy. Nhưng khi TÁC NGHIỆP viên mãn, NGHIỆP LỰC đã đầy đủ thì sẽ không phải đợi đến kiếp sau, mà chuyển hóa ngay ở kiếp nầy, cái đó ta thường gọi là QUẢ BÁO NHÃN TIỀN là báo ứng liền ngay trước mắt. Như lời của con ma Đạm Tiên nói với Thúy Kiều khi Kiều tự trầm ở sông Tiền Đường là:

               ...."Tâm thành đã thấu đến trời,
                Bán mình là hiếu, cứu người là nhân.
                    Một niềm vì nước vì dân,
               ÂM CÔNG CẤT MỘT ĐỒNG CÂN ĐÃ GIÀ,
                    Đoạn trường sổ rút tên ra,
                Đoạn trường thơ phải đưa mà trả nhau.
                    Còn nhiều hưởng thụ về lâu,
               Duyên xưa đầy đặn Phúc sau dồi dào...
    
      NGHIỆP LỰC có thể chuyển xấu thành tốt, mà cũng có thể chuyển tốt thành xấu, tùy theo sự giác ngộ và việc làm của ta mà chuyển hóa. Trong văn chương thì nghe nên thơ hơn, đó là NGHIỆP DUYÊN 業 緣, như những lời Tam Hợp Đạo Cô nói với sư Giác Duyên về Thúy Kiều là :

                    Sư rằng: "Song chẳng hề chi,
                NGHIỆP DUYÊN cân lại nhắc đi còn nhiều.
                    Xét trong TỘI NGHIỆP Thúy Kiều,
                 Mắc điều tình ái, khỏi điều tà dâm.
                    Lấy tình thâm trả tình thâm,
                 Bán mình đã động hiếu tâm đến trời.
                    Hại một người cứu muôn người,
               Biết đường khinh trọng biết lời phải chăng.
                    Thuở công đức ấy ai bằng ?
                Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi.
                    Khi nên trời cũng chìu người,
                Nhẹ nhàng nợ trước đền bồi duyên sau !...

      NHÂN QỦA lại có cái NGUYÊN LÝ của Nhân Qủa. Ví dụ như: Sức khoẻ có Nhân Qủa của sức khoẻ. Muốn có sức khoẻ tốt thì phải giữ cho lòng thanh thản, sống yên vui trong cuộc sống dưỡng sinh bình thường; Nếu làm ngược lại, thì dù cho có niệm Phật đọc kinh để cầu cho có sức khoẻ cũng không thể có được. Đó là NGUYÊN LÝ: Gieo Nhân nào thì sẽ gặt qủa nấy. Muốn có tiền thì phải làm việc, lao động cần cù; Muốn có tiếng tốt thì phải biết giữ gìn nhân cách; Muốn người khác tin tưởng thì phải giữ gìn chữ tín... Sức Khoẻ có Nhân Quả của Sức Khoẻ, Đạo Đức có Nhân Qủa của Đạo Đức, Tín Ngưỡng có Nhân Qủa của Tín Ngưỡng... Ta không thể đem cái nọ xọ qua cái kia được. Đi du lịch nhiều thì bị hết tiền, chớ sao lại bị bại liệt được? Nằm võng nhiều sẽ bị cong lưng, chớ sao lại hết phước? Hát karaoke nhiều thì bị khô cổ khan tiếng, chớ sao lại thành ma câm? Thế thì các Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức tụng kinh suốt ngày có bị thành ma câm không? Hay là sợ thành ma câm nên các vị "hổng thèm" gỏ mõ tụng kinh nữa?!
           
     Vả lại, từ NHÂN đến QỦA còn có một chữ DUYÊN nữa. Nhân nào cho ra Qủa nấy là đúng với Nguyên Lý rồi, nhưng luôn có cái DUYÊN chen vào, vì vậy mà Thành Qủa sẽ khác đi. Ví dụ như truyện "ÁN TỬ" trong đời Xuân Thu sau đây:     

       Một lần Án Tử vâng lệnh vua Tề đi sứ sang nước Sở. Vua Sở định làm nhục để thử tài của Án Tử, nên sau khi ban rượu, thì cho lính dẫn một người bị trói đi ngang qua. Vua Sở mới hỏi là người đó phạm tội gì? Lính đáp, đó là một người ở nước Tề, phạm tội ăn trộm ngựa. Vua Sở bèn cười mà quay sang hỏi Án Tử là: "Người nước Tề hay ăn trộm lắm hay sao?" Án Tử mới đứng dậy chắp tay thưa rằng: "Thần nghe nói, cây quít trồng ở phương bắc thì cho trái to và ngọt, nhưng khi đem trồng ở phương nam thì lại cho trái nhỏ và chua, là bởi vì đâu? Đó là đều do Thủy Thổ mà ra cả! Nay người nước Tề ở nước Tề thì không trộm cắp, sang qua ở nước Sở lại sinh ra trộm cắp, thần nghĩ chắc cũng do cái Thuỷ Thổ bất đồng mà sinh ra như thế chăng?! Vua Sở cười rằng: "Ta vì muốn nói chơi mà bị nhục!" Thế mới biết kẻ cả không nên nói chơi bao giờ!
                    
            
     Cái "THỦY THỔ " mà Án Tử đã nói ở trên, chính là cái "DUYÊN" trong Nhân Qủa đó. Cũng "hạt giống" đó cho ra "Trái đó", nhưng lớn, nhỏ, chua, ngọt có khác. Vì đâu? Vì khí hậu thời tiết, đất đai thổ nhưỡng khác nhau, vì cái "DUYÊN" khác nhau. Cái Duyên trong nhà Phật chính là Hoàn cảnh, điều kiện sống mà ta gặp phải, nên mỗi người đều có một cái DUYÊN RIÊNG của mình. Cũng cùng kinh doanh nhưng thành đạt lớn nhỏ thì có khác nhau, chính là do cái DUYÊN mà mình gặp phải đó! Như...
      Các Ma tăng, sàm tăng có cái Duyên với tu hành, lại có cái Duyên với các tín đồ Phật tử trong thời buổi này, nhưng lại không biết giữ mình tu tập cho nghiêm chỉnh đứng đắn, lại lợi dụng niềm tin của Phật tử, lợi dụng cái Duyên mà mình có được để làm giàu cho bản thân, kêu gọi Phật tử phải cúng dường bằng tiền có mệnh giá lớn, để cho Tham Sân Si che lắp cả Phật tính, rồi lại "Đắc ý vong hình 得 意 忘 形" quên mất mình là ai, vọng tưởng mình là Thích Ca, Bồ Tát nên lại dám cả gan sửa đổi cả các "Giới luật thanh quy 戒 律 清 規" trong Ngũ Giới Cấm, đổi giới cấm thứ 3 là TÀ DÂM thành KHÔNG PHẢN BỘI, để mặc sức mà TÀ DÂM chăng?! KHÔNG PHẢN BỘI là phải trung thành với Thầy, không được tố giác những việc làm xấu xa đồi bại của Thầy với người khác?! Nhưng cuối cùng cái Nghiệp Lực đã viên mãn, cái Duyên cũng đã đến mức cùng cực, nên chỉ cần "Những bước chân âm thầm lặng lẽ nhưng lại có tác dụng như sấm sét của sư MINH TUỆ" làm cho các Ma tăng Sàm tăng... tất cả đều hiện nguyên hình để chịu sự chế tài của Phật pháp và của Luật Nhân Qủa. Vì làm qúa nhiều điều xằng bậy, nên mới bị Qủa Báo Nhãn Tiền, chớ không cần phải đợi đến kiếp lai sinh như cụ Nguyễn Du đã viết :

                        Có Trời mà cũng tại ta...   
        
                  
       
      Truyện NHÂN QỦA gần đây đang lan truyền mạnh mẽ ở vùng Đông Bắc Trung Hoa là truyện về tướng Lâm Bưu, một trong Bộ Tứ của Đảng Cộng Sản Trung Quốc thời tiền Cách mạng Văn Hóa như sau:
 
       Ai cũng biết Dương Gia Tướng 楊 家 将 là khai quốc công thần của nhà Tống. Tống Thái Úy Dương Nghiệp 楊 業 (tức Dương Lệnh Công) bị gian thần Phan Nhân Mỹ hãm hại, nên bại binh ở Kim Sa Than bị quân Liêu bắt rồi nhịn đói 3 ngày mà chết. Cùng chết với ông còn có 4 người trong Thất Lang Bát Hổ và 2 tướng bị bắt: Duy chỉ có người con thứ 5 là Ngũ Lang đột phá vòng vây chạy lên Ngũ Đài Sơn lánh nạn, rồi bái hòa thượng Tuấn Kiến xin được xuất gia và an thân nơi cửa Phật. Cây thiết bổng mà Dương Ngũ Lang sử dụng khi đánh trận hiện nay vẫn còn được bảo quản trong Tàng Trân Lâu của nhà chùa. Lúc bấy giờ Thái Bình Hưng Quốc Tự được xây dựng từ năm Công Nguyên 982, Dương Ngũ Lang là chủ trì đời thứ 2 của chùa. Người đời sau vì sự trung nghĩa oanh liệt của Dương Gia Tướng mà đổi tên chùa thành NGŨ LANG MIẾU 五 郎 廟 suốt hơn một ngàn năm nay. Nào ngờ... 
     Ngày 13 tháng 9 năm 1970 Lâm Bưu 林 彪 là Phó Chủ Tịch Trung Ương Đảng và là Phó Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương đưa bộ đội đến Ngũ Đài Sơn mang theo đầy đủ bom mìn để giật sập Ngũ Lang Miếu và Kim Cang Quật ở bên cạnh, gây nên những  tiếng nổ rền vang rung động cả núi rừng và khói lửa mịt mù cả vùng trời của Ngũ Đài Sơn, và ra lệnh đuổi hết trên 300 tăng ni xuống núi bắt phải hoàn tục; chỉ để xây nên một hành cung biệt phủ riêng cho gia đình mình. Với trình độ khoa học kỹ thuật của ngành xây dựng lúc bấy giờ mà Lâm Bưu đòi hỏi biệt phủ phải sáng sủa mà không được thấy ánh đèn, phải thoáng khí mát mẻ mà không được thấy quạt gió... và phải hoàn thành trong vòng một năm. Qủa là những đòi hỏi xa xỉ và qúa đáng của một kẻ võ biền ngu ngốc mà hống hách! Khi biệt phủ hành cung xây xong, gia đình của Lâm Bưu chỉ ở được có một ngày duy nhất mà thôi! Vì...
      Ngày 13 tháng 9 năm 1971, gia đình Lâm Bưu, cùng với vợ là Diệp Quần, con trai là Lâm Lập Qủa, cùng các phụ tá và phi hành đoàn gồm 9 người trên chuyên cơ 256 AP-ATL bị rớt ở Thị trấn Bối Nhĩ Hách của Mông Cổ. Tất cả 9 người đều bị tử vong. Mọi người nghe tin đều cho đó là Luật Nhân Qủa, là cái Qủa Báo của những kẻ phá chùa phá miểu và bức hại tăng ni. Ngày máy bay rớt cũng chính là ngày mà Lâm Bưu hạ lệnh cho bộ đội đặt bom phá Ngũ Lang Miếu của một năm sau đó. Hình ảnh chụp được trong ngày phá chùa giữa lửa khói mịt mù hôm đó có ẩn hiện hình của Văn Thù Bồ Tát là vị Bồ Tát mà tất cả các tự miếu ở Ngũ Đài Sơn đều thờ phượng.
                 

      Trước mặt Phật Đà và Bồ Tát, chúng sinh đều bình đẳng như nhau, đều không thoát khỏi Lục Đạo Luân Hồi. Những con vật bị ta giết hại để ăn thịt, những người bị ta hãm hại đến bước đường cùng, đến tán gia bại sản, đến chết... những sự sợ hãi, phẫn nộ, hờn oán đó khó mà tiêu trừ cho được mà ngày càng tích lũy và đè nặng tâm tư của ta hơn. Nên nếu đã lỡ làm ác thì phải biết sám hối tu tập để giải trừ phần nào tội nghiệt của mình đã gây nên.
      Oán có đầu, nợ có chủ; Phật và Bồ Tát chỉ là người trung gian điều hợp, khuyên ta hướng thiện để nhẹ bớt lỗi lầm và cũng khuyến khích thế nhân nên từ bi hỉ xả, bao dung cho những người lầm đường lạc lối biết quay đầu trở lại. Nói chung là...
      Tất cả các tôn giáo ở trên đời nầy đều khuyên ta hướng thiện, làm nhiều việc thiện để hồi hướng công đức. Có thế, mới có thể quân bình được tâm lý và khơi dậy các thiện nguyện ở trong lòng, kết nhiều thiện duyên để hóa giải nhất thiết hờn oán ở trên đời nầy; và có thế mới tạo nên được những nghiệp duyên tốt đẹp trong NHÂN QỦA, LUÂN HỒI luôn luôn đang vận hành trong TUẦN HOÀN của đời sống nhân sinh!
      
       NAM MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT !
       NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT !

                                                       杜 紹 德
                                                   Đỗ Chiêu Đức


 
Mời Xem :

 Tạp Ghi và Phiếm Luận : Phiếm về Chữ QUÁN (Đỗ Chiêu Đức)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thành Ngữ Điển Tích 114 : TRÌ, TRÍ, TRIÊU, TRIỆU, TRÌNH.

  Thành Ngữ Điển Tích 114 :                                 TRÌ, TRÍ, TRIÊU, TRIỆU, TRÌNH. Ao Chuôm  TRÌ ĐƯỜNG 池塘 là Ao chuôm, ao đầm, ao hồ...