Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2024

Trí tuệ, Trí năng, Trí khôn và AI _Hà Dương Tuấn (Diễn Đàn Forum )

                                          Ảnh từ Google


1. “Trí năng nhân tạo” hay “trí tuệ nhân tạo”, thiểu số thua đa số (*)


Thời gian khoảng hơn chục năm, cỡ trước và sau đầu thế kỷ 21, tác giả bài này hay về VN làm xêmina để thông tin về tin học và viễn thông trên thế giới, và bàn luận với các đồng nghiệp VN để cùng tìm hiểu về AI (tuy AI chưa nổi đình đám như hiện nay).

Khi đó từ ngữ mà tôi đã đề nghị để dịch thuật ngữ “Artificial Intelligence, AI” là "trí năng nhân tạo", vì "tuệ năng" thì theo tôi chưa ai thấy cái máy nào có cả (bây giờ vẫn thế), còn từ kép “trí năng” nói về chức năng (hay/và năng lực) hiểu biết và suy luận. Tôi cho rằng máy có được cái "trí" như thế của con người đã là ghê gớm lắm rồi, còn “tuệ” thì không. Nhưng rất tiếc là lúc ấy, ý kiến này không được phần đông các đồng nghiệp tin học ở VN và các chuyên gia tin học Việt kiều (mà tôi quen) trên thế giới đồng ý. Rồi cách dùng từ ngữ “trí tuệ nhân tạo” này từ lâu đã đi vào truyền thông.

Thôi thì chẻ làm đôi, trong thời buổi toàn cầu hoá này xin đề nghị viết khắp nơi ký hiệu độc nhất “AI”, để nói về những nghiên cứu và những hệ AI sản phẩm nghiên cứu, cùng các ứng dụng của chúng, cho nó vừa gọn vừa lành. Một giải pháp khác thường được dùng trong các từ điển là đăng tải và giải thích hai ý nghĩa khác nhau của thuật ngữ “trí tuệ”, nhưng việc bổ sung từ điển dĩ nhiên ngoài tầm tay của tôi.


Khái niệm về AI đã có ngay từ thời khởi đầu của ngành máy tính, do nhà toán học Alan Turing nêu ra. Ông là người đầu tiên thiết kế hoàn chỉnh, về cơ bản, tổ chức của máy tính hiện đại và đã đề nghị “test Turing” để phân biệt máy và người qua đối thoại “mù”(1). Nhưng hiện tượng gần với AI hiện đại nhất thì được biết qua chương trình nổi tiếng ELIZA do Joseph Weizenbaum nghiên cứu trong thời gian 1964-1966. ELIZA biết đối thoại với con người qua ngôn ngữ tự nhiên trên một chủ đề “bất kỳ”. Phải nói, qua các thí dụ đối thoại người-máy mà tài liệu còn để lại, thì nếu AI hiện nay còn là trẻ con (có khi có vẻ thần đồng, tuỳ câu hỏi) thì ELIZA là trẻ sơ sinh.

Chúng ta đã biết: máy có thể đánh cờ (2) và thắng cả những kỳ thủ vô địch quốc tế, tuy rằng đây là một máy rất lớn và chỉ chạy cho một chương trình chuyên dụng chứ không “tổng quát” như AI, nhưng ta có thể nghĩ đến một thế hệ AI bao gồm hàng nghìn chương trình chuyên dụng như thế kết nối với nhau. Vả lại, với kích thước nhỏ khủng khiếp của các sản phẩm điện tử cơ bản, cùng với các mạng lưới viễn thông phủ dày đặc địa cầu… ta có thể coi như “phần cứng” cho AI không còn là vấn đề. Còn lại là “phần mềm” gồm việc tổ chức bộ nhớ và các thuật toán ghi chép và tìm kiếm trong những bộ nhớ đó… cũng như việc mô phỏng tư duy con người qua các thuật toán, tư duy đó dĩ nhiên liên hệ chặt đến việc sử dụng bộ nhớ… tóm lại là với các bộ nhớ ngày càng lớn và các thuật toán hoạt động ngày càng nhanh và càng phức tạp… thì tương lai loài người và AI sẽ ra sao ? Đó là câu hỏi đặt ra cho chúng ta về những chương trình / dịch vụ như ChatGPT hiện nay.

Cũng xin thêm là những chương trình như ChatGPT là một “vật sống” trong nghĩa nó thay đổi từng giây từng phút !!! qua nhiều cách : tuỳ theo các câu hỏi và tuỳ theo các dữ liệu mà nó vẫn thu thập trong mạng viễn thông toàn cầu.


2. Tri, Trí, Tri thức, trí thức và Tri giác


Trước hết xin trở lại “trí tuệ” : “Trí tuệ” là một danh từ kép do hai danh từ hợp lại một cách độc lập. Về từ nguyên, chúng hoàn toàn xa lạ với nhau; về phạm trù ngữ nghĩa cũng thế: Một bên “trí” (sự thông minh và hiểu biết) là một khái niệm phổ quát của nhiều nền văn minh từ cổ đại (gốc Á Đông, Ấn Độ hay Tây Phương), dưới những tên gọi khác nhau. Một bên “tuệ” (hay “huệ”) là một thuật ngữ Phật giáo cả về nguồn gốc lẫn ngữ nghĩa.

Dưới đây ta sẽ phân tích kỹ hơn các khái niệm liên quan đến hai từ gốc nói trên qua những từ Hán Việt tương ứng.

a) Trí 智 là “khả năng hiểu biết, hay những hiểu biết (3) của con người.

Bên trên chữ “trí 智” có chữ “tri” 知 là “biết”, nhận biết hay hiểu biết. Chữ “Tri” gồm hình vuông bên phải (vẽ cái mồm, tức chữ "khẩu", ý là nói ra được qua ngôn ngữ một điều gì). Bên trái là chữ "thỉ" 矢 là hình vẽ một mũi tên, “thỉ” cộng “khẩu” gợi ý "sự truyền đi tiếng nói (tới nguời khác)” hay “nói được cho người khác nghe”". Tóm lại “tri” là sự hiểu biết có thể diễn đạt qua ngôn ngữ chung của xã hội.

b) “Trí ” gồm bên trên là chữ tri, bên dưới là chữ “nhật” 日, biểu thị “sáng rõ như ban ngày” : “biết” là tri, “biết rõ” là trí. Chức năng thần kinh trách nhiệm của Tri và Trí là “tri giác”(4). Tri và Trí cần đến chức năng ghi nhớ và tư duy của hệ thần kinh.

c) Đến đây phải nói về hai từ kép "tri thức" và "trí thức". Trong đó chữ tri thức(5) có nghĩa là "(quá trình tâm sinh lý của) hiểu biết" hay “những hiểu biết” trong đầu óc con người. Tại Á Đông đây là một khái niệm phổ quát của Nho giáo (Tri là biết, Hiểu là biết rõ), thức là cung cách, mô phạm), và của Phật giáo đại thừa, trường phái "Duy thức". “Tri thức” không khác gì “connaissance / knowledge” trong tâm lý học Tây phương.

Nhưng từ “trí thức” lại khác hẳn. Từ này hoàn toàn hiện đại và không có nguồn gốc Á Đông, “trí thức” được người Việt dùng từ đầu thế kỷ 20 (xin xem bài: trí thức là ai ? Của tác giả Nguyễn Văn Tuấn) để dịch chữ intellectuel (danh từ , rút gọn “homme intellectuel” của Pháp, trong đó tính từ “intellectuel” mô tả hoạt động của trí óc. Như vậy danh từ intellectuel – trí thức có nội hàm là một người đã được xã hội (đương thời, hoặc đời sau) công nhận có thẩm quyền suy nghĩ và công bố điều mình suy nghĩ. Từ này xuất hiện khoảng (1894-1898) với đấu tranh xã hội công khai qua báo chí của Emile Zola trong vụ kiện Dreyfus… Ông viết và công bố những ý kiến về các vấn đề của cộng đồng trên những tờ báo được phát hành tự do… do đó thường được coi là nhà trí thức đầu tiên của Pháp trong thời cận đại. Thế rồi “trí thức” tiếp tục được sử dụng khắp nơi trên thế giới hiện nay. Dĩ nhiên, những phê phán tự do về các hiện tượng xã hội đời nào cũng có, nhưng Emile Zola và những người như ông đã đi tiên phong trong việc sử dụng công cụ kỹ thuật mới là báo chí để lập nên một nền tảng không thể thiếu trong xã hội dân chủ tự do hiện đại.


3. Tuệ và Tuệ giác


“Tuệ” có ý nghĩa đặc biệt trong kinh điển đạo Phật (Kinh Lăng Nghiêm), trong đó phương pháp tu tập được tóm lược qua ba chức năng “ Giới – Định – Tuệ “ : Giới = Sống lành mạnh theo năm giới hạn(6), Định = kiểm soát tư tưởng và cảm xúc của bản thân để không bị tạp nhiễm, Tuệ = nảy sinh trí tuệ.

Tuệ (có khi đọc là “huệ”) trong từ đôi “ trí tuệ, 智 慧 ", nguyên là chữ “tuệ” cổ (彗) lập thành, vẽ tay cầm cái chổi, có nghĩa là “quét”, về sau thêm chữ “tâm” ở dưới thành chữ tuệ 慧 của đạo Phật ngày nay; với ý nghĩa “loại bỏ hết ô nhiễm trong tư tưởng, tình cảm” (ngày xưa người Hán cho rằng tư tưởng và tình cảm nằm trong tim). Tuệ do đó còn có nghĩa mang ý thức sáng láng, lanh lẹ, mẫn tiệp. Chuyển sang duy thức học (5), “Tuệ giác” (được dùng để dịch tiếng phạn prajna) là chức năng của tuệ. Có thể hiểu “Tuệ giác” là một thứ trực giác nảy sinh từ một tinh thần lành mạnh, sau một thời gian tập trung học tập, tư duy (giới và định)...

Tuệ cũng là khả năng phản ứng trên mọi vấn đề, đối tượng, nhưng giải pháp có thể bật ra một cách trực giác. Hai tiếp cận không loại trừ nhau: Thí dụ kinh điển là tiếng kêu “Eurêka” trong bồn tắm của Archimède. Tâm lý học tây phương cho đến nay cho rằng đây là thí dụ cho kết quả trực giác của một tiến trình suy nghĩ dài với sự tập trung cao độ. Qua ngôn ngữ Phật giáo: đây là kết quả của “tuệ giác”. Và PG cho rằng “tuệ giác” mỗi người có thể mạnh lên qua một quá trình tu luyện. Tuệ giác cũng là phần "trực giác", "sáng tạo"... trong vô thức của con người, có thể hiểu là một khả năng hoạt động nằm sâu thẳm trong bộ não con người mà bản thân nó không tự nhận thức được. Nó cho phép vô thức của con người “hầm chín trong lò kín”... những ý thức của chính mình mà điều đó mình không tự biết… để bộc phát những cảm nhận hay tư tưởng mới.

*

Có lẽ có thể nói tất cả những phát minh hay phát kiến lớn nhỏ của loài người đều có sự tham dự của tuệ giác, của tiếng “Eurêka” sau một quá trình lao động trí óc có thể rất dài và căng thẳng. Vì khó giải thích như vậy, cho nên “Tuệ” trong từ điển Hán-Việt có nhiều thí dụ vừa là “biết”, vừa là “phát hiện”, vừa là “tỉnh dậy”, tuỳ ngữ cảnh. Tóm lại, đó là một khả năng nằm sâu thẳm trong bộ não con người mà chúng ta không/chưa hiểu rõ được. Vì những điều đó không tìm được qua tư duy thuần lý hay dạy được một cách trực tiếp.

Bản thân tôi có vài bằng sáng chế trong lĩnh vực điện tử và viễn thông, và những ý tưởng cơ bản trong đó đều bật ra trên giường một buổi sáng... lúc vừa thức dậy sau vài ngày làm việc trí óc căng thẳng. Dĩ nhiên sau đó phải viết ra văn bản để triển khai và kiểm lại một cách “chính quy”, bởi vì… có thể đó chỉ là ảo tưởng. Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi nghĩ “tuệ” vẫn cần được kiểm lại bằng “trí”, vì “tuệ giác” dễ bị lẫn với “ảo giác”, nhất là khi trong tâm tư có tham vọng giải quyết vấn đề. Sự kiểm điểm này có lẽ sẽ là phần đóng góp rất quan trọng nhưng có giới hạn của AI… không những thế còn cần kiểm lại qua những thao tác thực nghiệm cụ thể.

Cuối cùng ở đây xin khẳng định niềm tin của tác giả : AI không có tuệ giác. Trong nghĩa “nó” chỉ có thể là kẻ phụ tá cho con người trong việc vận dụng kho tàng hiểu biết đã có. Một kẻ phụ tá rất đắc lực, có thể phát hiện những kết quả “mới” từ các tính toán tổng hợp từ các quy luật cũ ẩn giấu ở đâu đó trong kho tàng hiểu biết đã có, mà con người chưa nhìn ra… nhưng nó không thể có những phát minh, sáng chế, sáng tạo nào thực sự mới và quan trọng cho xã hội loài người.

4. AI = Trí khôn nhân tạo ?


Khởi đầu tác giả muốn bàn dài về AI, nhưng khi tìm tài liệu thì… đến đây xin ngừng thôi, vì đã có quá nhiều bàn luận, bài báo, hội thảo... về AI trên đủ mọi phương diện rồi, người muốn tìm thông tin thì sẽ thấy đủ thứ trên không gian xi-be. Một cách giản dị là có thể dùng bổn báo “Diễn Đàn Forum” để tìm qua từ khoá "Trí tuệ nhân tạo"; sẽ tìm đọc được một ít bài tiếng Việt, tuy chưa đủ cập nhật, về AI trên bổn báo, hoặc nhiều giới thiệu đến các bài trên những báo khác.

Bây giờ nghĩ lại thấy nên dùng “trí khôn nhân tạo” – nhưng nói “nên dùng” là vô vọng vì không thực tế, chỉ có thể đề nghị giải nghĩa “trí tuệ” trong từ điển như một nghĩa thứ hai khi nói đến “trí tuệ nhân tạo” (cũng như nên thêm từ mục “tuệ giác” vào trong từ điển). Ở đây tại hạ đâm cái cối xay gió cho vui thôi. – nói “trí khôn” vì phải nói AI đã vượt qua mức trí năng, vì nó “có năng lực của trí thông minh bình thường” với bộ nhớ vượt xa bộ nhớ con người… nhưng “trí thông minh” không phải là “trí tuệ” cho nên ở đây đề nghị “trí khôn nhân tạo”.

Thời 198x tuổi chưa già ấy tôi không nghĩ đến chữ "khôn". "Khôn" ở đây là khéo léo, có một phần trực giác hoặc kinh nghiệm. Một con người có thể "khôn" và qua mày mò tìm thấy một giải pháp cụ thể nào đó, cho một vấn đề cụ thể nào đó trong học thuật kinh tế xã hội, trong công nghệ... “Trí khôn” trong con người thường có sự kết hợp giữa trực giác và một năng khiếu "hiểu" vấn đề đặt ra và có một giải pháp cụ thể nhưng lại không mô tả được giải pháp một cách tổng quát và thuần lý.

Đó là động cơ cho tiến bộ công nghệ trên nền tảng khoa học sơ khai thời cổ đại tại Hy Lạp, hay thậm chí một nền tảng mầy mò thủ công không có ý thức về khoa học như tại Trung Quốc, thí dụ như cái đòn bẩy, con ròng rọc, xe ba gác, tàu buồm ... Tương đồng thú vị, đó cũng là tiến bộ công nghệ thời hiện đại với việc đẻ ra các con AI. AI nó “khôn”, vì nó là một phần mềm có thể giả lập (émuler / emulate) phần trực giác hoặc kinh nghiệm, không phải chỉ của một người, mà của vô vàn nguời, mà không “hiểu” gì hết. Miễn nói về khả năng của “phần cứng”, kỹ thuật hiện nay có thể cung ứng bao nhiêu bộ nhớ và bao nhiêu bộ vi xử lý cũng được, và chúng có thể kết nối với nhau trong không gian ảo vô tận (mà thực chất là không gian sóng điện-từ chung quanh chúng ta và trên trời dưới biển… của những công ty công nghệ khổng lồ). AI nó còn “khôn” vì nó có thể ghi nhớ vô vàn vấn đề mà Khoa học kỹ thuật đã đặt ra, cùng với những cách giải quyết đã có, mà nó dễ dàng tìm thấy trong bộ nhớ khổng lồ của nó nếu câu hỏi đặt ra.

HDT


(*) Bài này đã viết từ lâu sau một thời gian thảo luận về AI với bạn bè và bạn FB; thú thật là sau đó nản chí và giữ im lặng để mong chờ còn có dịp nào đó được trình bày trong một hội thảo… nhưng tiếc thay không còn thấy có dịp trao đổi nhiều mặt nhiều lời trong dân chủ và tự do, một hình thức từng diễn ra trong nhiều năm, vô cùng quý giá và khó có gì thay thế. Hình thức hội thảo dân chủ và tự do giữa các anh chị em trong và ngoài nước cho đến nay vẫn chưa thấy lại, đây là nói : do những người đã thành tài trong thời gian từ khoảng 50 năm trước tới nay... tổ chức, vì có lẽ chúng tôi đã “quá đát”, nhất là trong Công nghệ thông tin.

______________________


(1) “mù” trong nghĩa người nói chuyện không biết “bên kia” là nguời hay máy. Xem: Alan Turing : les machines à calculer et l'intelligence ; trước Turing phải kể tới Charles Babbage và nữ sĩ Linda Lovelace là những người tiên phong trong ngành máy tính : phần cứng (Babbage) và phần mềm (Lovelace)

(2) https://fr.wikipedia.org/wiki/Matchs_Deep_Blue_contre_Kasparov

(3) Tiếng Hán là tiếng đơn âm, biểu thị bằng một chữ vuông, mỗi chữ có thể mang một hay nhiều ý tưởng. Ở đây xin coi mỗi “tiếng” như một chữ Hán nhất định, có sự phát âm Hán Việt nhất định và có (những) ý nghĩa nhất định tuỳ văn cảnh; và một “tiếng” có thể được dịch sang một ngôn ngữ khác (thí dụ gốc Hy Lạp) qua những thuật ngữ khác nhau tuỳ ngữ cảnh.

(4) Giác  là một từ của đạo Phật dùng nhiều trong duy thức học(5), hiểu như một chức năng của ý thức. Từ này đã đi vào rộng rãi trong ngôn ngữ và trở nên đa nghĩa:

a) “Giác quan” (quan như trong cơ quan) là một cơ quan của giác trong các bộ phận sinh lýNăm giác quan quen thuộc là thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác, khứu giác. Xem thêm từ “thức” phía dưới.

b) “Giác” còn là khả năng của ý thức cho phép hiểu ra một điều gì chưa biết, như trong “Giác Ngộ”   là tỉnh ngộ và hiểu ra.

c) Nói rộng hơn, “giác” là khả năng phân biệt một điều gì với những điều khác trong một phạm vi ý thức nào đó : như tri giác = khả năng nhận biết của một cá nhân về các đặc tính nhận ra từ bên ngoài một hiện tượng hay sự vật nào đó.

(Ngoài ra có : “cảm giác” là khả năng nhận biết và xúc động... liên quan đến một thay đổi có tính bản năng: về thẩm mỹ, hay giới tính, hay sự sống còn... tương tự như “cảm tình” và ngoài chủ đề của bài này).

(5) Duy thức học phân tích rốt ráo và chi tiết quá trình tâm sinh lý về nhận thức. Trong đó sự nhận biết (nếu không muốn nói « nhận thức » !) được chia ra làm 8 quá trình, 8 « thức ». 5 thức đầu có thể coi như 5 hệ thần kinh liên hệ với các giác quan, đó là nhãn thức, nhĩ thức, tỵ thức, thiệt thức, thân thức (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể). Năm giác quan đó liên hệ với một quá trình trung tâm là « ý thức ». Bên trên ý thức (nếu coi 5 thức đầu là phần dưới) còn có hai tầng của con đường tâm sinh lý nữa là « mạt na thức », rồi đến « a lại da thức ». Hai thức cuối này được định nghĩa khá trừu tượng, và có lẽ cần nhiều thời gian để nắm bắt. A lại da thức chứa mọi « chủng tử », mỗi chủng tử là một nguồn gốc tế vi của một « pháp » ("pháp" trong thuật ngữ Phật giáo có nghĩa "nhận thức về một hiện tượng hay khái niệm" có trong thực tại, tuỳ ngữ cảnh mà cũng được dùng như bản thân hiện tượng hay khái niệm đó). Chính vì thế mà người ta nhận ra chúng. Như thế thức thứ 8 không còn của riêng ai, mà nó trở thành một cái gì chung, bất biến. Đại ngã ? Còn Mạt-na thức (có thể hiểu là cái “tiểu ngã” riêng của mỗi người) được coi như một tập hợp con của các ý thức trong Đại ngã, chúng biến đổi linh động, được ghi nhớ từ quá khứ và giao hoà trong hiện tại với các ý thức cụ thể đến từ giác quan và các tư duy nội tại khiến cho tiểu ngã tự thay đổi. Có thể hiểu như tư duy tình cảm và lý trí thể hiện được qua cảm xúc, thể hiện qua nghệ thuật hay ngôn ngữ riêng của mỗi người.

(6) Ngũ giới = không sát sinh, không trộm cắp, không nói dối, không tà dâm, không say rượu.

Các thao tác trên Tài liệu


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thành Ngữ Điển Tích 114 : TRÌ, TRÍ, TRIÊU, TRIỆU, TRÌNH.

  Thành Ngữ Điển Tích 114 :                                 TRÌ, TRÍ, TRIÊU, TRIỆU, TRÌNH. Ao Chuôm  TRÌ ĐƯỜNG 池塘 là Ao chuôm, ao đầm, ao hồ...