Thế Sự Luận Đàm tuần này xin tạm gác những biến động chính trị trên khắp thế giới, mà hầu hết là “bad news”, để nói về những thành tựu của nhân loại, những thành tựu có ảnh hưởng lớn và lâu dài cho cả thế giới hôm nay và mai sau.
Đã có khôi nguyên cho các giải thưởng Nobel. Nobel là hệ thống giải thưởng được trao cho các cá nhân và tổ chức đạt được những thành tựu lớn lao phục vụ cho lợi ích của nhân loại kể từ năm 1901, theo ý nguyện của nhà khoa học nổi tiếng Alfred Nobel. Giải thưởng này vinh danh những cá nhân đạt thành tựu trong các lĩnh vực: Vật lý, Hóa học, Y học, Văn học và Hòa bình, riêng giải Nobel Hòa bình có thể được trao cho cá nhân hay một tổ chức.
Giải Nobel Hòa Bình 2024 trao cho Nihon Hidankyo, một tổ chức Nhật Bản gồm có các nạn nhân sống sót sau vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, vì những nỗ lực trong việc “vận động bài trừ võ khí nguyên tử trên toàn cầu”. Ba tiêu chuẩn trao giải thưởng này đã được quy định trong di chúc của Alfred Nobel: “công trình tốt nhất cho tình anh em giữa các quốc gia, cho việc bãi bỏ hoặc giảm bớt quân đội thường trực và cho việc tổ chức cũng như thúc đẩy các nghị hội hòa bình”. Mặc dù di chúc được viết trước khi võ khí nguyên tử ra đời, giải Nobel Hòa Bình cũng từng được trao cho các cá nhân và tổ chức tham gia vào việc bài trừ võ khí nguyên tử.
Giải Nobel Y Khoa 2024 thuộc về 2 nhà khoa học Mỹ Victor Ambros và Gary Ruvkun với phát hiện về microRNA, một loại phân tử RNA nhỏ mới đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa gen. Phát hiện microRNA giúp kiểm soát hoạt tính của gen, giúp các tế bào thực hiện một loạt chức năng trong cơ thể, giải thích tại sao các tế bào của cơ thể người lại khác nhau đến vậy mặc dù chúng có cùng thông tin di truyền trong DNA. Không nhờ vai trò của MicroRNA, các tế bào và mô có thể không phát triển bình thường, sự điều hòa bất thường có thể dẫn đến ung thư và đột biến gen có thể gây những vấn đề bẩm sinh như mất thính lực, các bệnh về mắt, xương… Ngoài ra, những sai sót trong việc điều hòa gen có thể dẫn đến các bệnh mãn tính như ung thư, tiểu đường hay các bệnh tự miễn dịch. Công trình này giúp có những bước tiến đáng kể trong điều trị các bệnh hiểm nghèo của nhân loại.
Giải Nobel Văn Chương 2024 vinh danh Bà Han Kang, 53 tuổi một tác giả Nam Hàn, vì thành tựu “văn xuôi tràn trề sức sống đầy chất thi ca, đối chọi với những thương đau trong lịch sử và phơi bày cuộc sống mong manh của con người”.
Một thành tựu khoa học đáng kinh ngạc trong tuần này là sự kiện, ngày 13-10, lần đầu tiên trong lịch sử, hãng SpaceX của tỷ phú Elon Musk đã “bắt lại” thành công tên lửa đẩy Super Heavy. Những hình ảnh được phát trực tiếp về buổi phóng thử nghiệm của SpaceX ở bang Texas (Mỹ) cho thấy tên lửa đẩy Super Heavy đã được phóng lên cùng với tàu vũ trụ Starship. Sau vài phút, nó đã quay trở lại bệ phóng với một quy trình kiểm soát hoàn hảo khi được đôi “cánh tay” cơ khí khổng lồ có tên “Mechazilla” vươn ra từ tháp phóng đỡ lấy và từ từ hạ xuống. Sự kiện này đánh dấu bước tiến mới của SpaceX trong nỗ lực phát triển các loại tên lửa tái sử dụng. SpaceX làm nên lịch sử khi thu hồi thành công tên lửa đẩy Super Heavy.
Hệ thống phóng Starship có chiều cao 121m và khả năng chở tới 100 người. Với chuyến bay mới nhất, SpaceX đã hoàn thành cả hai mục tiêu bắt giữ tên lửa đẩy thành công và tầng trên văng xuống sau khi đi vào vũ trụ.
Starship là tên lửa mạnh nhất thế giới, cao như tòa nhà 30 tầng do kích thước khổng lồ, cũng như sức mạnh mà nó có thể mang lại. Đây là một thành công rất quan trọng đối với mục tiêu phát triển các tên lửa có thể tái sử dụng hoàn toàn.
Mặc dù chúng ta đã từng chứng kiến nhiều thành tựu khoa học mà trước đó nó chỉ có trong khoa học viễn tưởng nhưng những gì chúng ta thấy hôm nay, thật sự, nó giống như “phép thuật”. Kỳ tích của SpaceX thật đáng kinh ngạc. Việc bắt được tầng đẩy rất quan trọng đối với thiết kế tái sử dụng của Starship, tạo tiền đề cho SpaceX hướng tới mục tiêu vận chuyển con người, thiết bị khoa học và hàng hóa đến Mặt trăng và xa hơn là khám phá sao Hỏa. Giúp nhân loại định cư trên Mặt trăng và sao Hỏa, cùng với nhiều tham vọng thám hiểm khác.
Trên mạng xã hội X, Elon Musk gọi đây là “bước tiến lớn trong việc tạo ra sự sống đa hành tinh”.
Cứ tưởng tượng, một chiếc Boeing sẽ tự hủy sau một lần vận chuyển hành khách ta sẽ thấy chi phí cho việc vận chuyển này tốn kém đến dường nào vì vậy việc thu hồi và tái sử dụng các tên lửa đẩy có thể giúp SpaceX tiết kiệm được hàng triệu triệu đô la và có thể nhanh chóng triển khai các lần phóng tên lửa khác.
Thành công này không chỉ là một thành tựu trong lĩnh vực hàng không vũ trụ mà nó còn là bước tiến lớn cho cả ngành công nghiệp vũ trụ nói chung, có thể xem đây như một cuộc cách mạng khoa học và qua thành công này, SpaceX chứng tỏ công nghệ của họ đạt đến độ tin cậy cao và có tính vượt trội.
Tóm lại việc hạ cánh thành công tầng đẩy Super Heavy mở ra nhiều khả năng mới cho công nghiệp vũ trụ:
- Tái sử dụng tầng đẩy giúp giảm đáng kể chi phí phóng tàu vũ trụ.
- Sẽ tăng tốc độ phát triển của SpaceX vì từ đây họ có thể tập trung vào việc phát triển công nghệ mới và thực hiện các sứ mệnh phức tạp hơn.
- Giảm chi phí phóng giúp du hành vũ trụ trở nên dễ tiếp cận hơn, mở ra một kỷ nguyên du hành vũ trụ thương mại.
Như chúng ta biết, đa số những phát minh công nghệ tân tiến có xuất phát từ nhu cầu quốc phòng, nó sẽ không còn xem là tuyệt mật nữa khi các đối thủ cũng đã tiếp cận được các công nghệ này và khi đó nó sẽ chuyển sang thương mại hóa để sinh lời và chuẩn bị cho những công nghệ cao hơn…thí dụ như computer, định vị GPS…Hoa Kỳ đi đầu trong lĩnh vực này, ngày nay họ đã “tư nhân hóa” lĩnh vực không gian, họ hỗ trợ khoa học, tài chính cho các tập đoàn tư nhân để tập trung vào các hoạt động nghiên cứu cơ bản và các dự án dài hạn, dĩ nhiên các công nghệ này nằm trong sự kiểm soát của họ. Chính phủ Mỹ tài trợ cho các chương trình nghiên cứu nhằm phát triển các công nghệ mới và giải quyết các vấn đề kỹ thuật trong lĩnh vực không gian.
Việc tư nhân hóa các hoạt động không gian, đặc biệt là sự nổi lên của các công ty như SpaceX, đã mang đến những thay đổi sâu sắc cho các chương trình khám phá không gian của NASA. Dưới đây là một số ảnh hưởng chính:
Tăng tốc độ và hiệu quả
Cạnh tranh: Sự cạnh tranh giữa các công ty tư nhân và NASA đã thúc đẩy cả hai bên phải không ngừng cải tiến công nghệ và quy trình làm việc để giảm chi phí và tăng hiệu quả.
Linh hoạt: Các công ty tư nhân thường có quy trình ra quyết định nhanh hơn, linh hoạt hơn, giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Mở rộng phạm vi hoạt động:
Chia sẻ gánh nặng: Việc giao một số nhiệm vụ như vận chuyển hàng hóa, đưa phi hành gia lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) cho các công ty tư nhân đã giúp NASA tập trung hơn vào các sứ mệnh khám phá khoa học sâu xa hơn.
Mở ra thị trường mới: Sự tham gia của các công ty tư nhân đã tạo ra một thị trường dịch vụ không gian thương mại, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới và thu hút thêm nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này.
Đổi mới công nghệ:
Cạnh tranh công nghệ: Các công ty tư nhân thường tiên phong trong việc phát triển các công nghệ mới, như hệ thống phóng lại sử dụng được, động cơ mạnh mẽ hơn, và tàu vũ trụ hiện đại hơn.
Hợp tác công tư: NASA và các công ty tư nhân thường hợp tác để phát triển các công nghệ mới, tận dụng thế mạnh của mỗi bên.
Tăng tính minh bạch và trách nhiệm:
Áp lực từ công chúng: Việc công khai các hoạt động của các công ty tư nhân và NASA đã tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm của cả hai bên đối với công chúng.
Giám sát chặt chẽ: Các hoạt động của các công ty tư nhân trong lĩnh vực không gian thường được giám sát chặt chẽ bởi các cơ quan quản lý để đảm bảo an toàn và tuân thủ các quy định.
Tư nhân hóa đã mang đến những thay đổi tích cực cho các chương trình khám phá không gian của NASA, giúp tăng tốc độ, giảm chi phí và mở rộng phạm vi hoạt động
Hoa Kỳ vẫn giữ vị trí hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ tên lửa và tàu vũ trụ, và hợp tác quốc tế trong các chương trình không gian. Với kinh nghiệm, nguồn lực và cơ sở hạ tầng hiện có, Mỹ vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của ngành công nghiệp vũ trụ.
Hoa Kỳ là siêu cường số một của thế giới, dẫn đầu nhiều lĩnh vực mà rõ nét nhất là lĩnh vực không gian vũ trụ. Dĩ nhiên có các cường quốc số hai số ba nhưng nếu làm một so sánh, ta có thể ví:
Hoa Kỳ là viên Kim Cương 5 cara, cường quốc xếp thứ hai là viên Kim Cương 4 cara. Thưa, khác nhau chỉ một cara nhưng giá trị cách biệt rất lớn.
Hoa Kỳ là siêu cường số một và duy nhất của thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét