Soi gương – Soi lòng
Quyên DiNgày nọ, tôi gặp một vị linh mục trung niên, tính tình vui vẻ hoà đồng. Lâu ngày không gặp, tôi nhìn thấy nơi khuôn mặt vị linh mục những nét phong sương, nếp nhăn xuất hiện trên vừng trán và khoé mắt, nụ cười tuy vẫn tươi nhưng nét môi như chùng xuống. Tôi nói:
– Trông cha như già đi…
Vị linh mục xác nhận, ông nói:
– Soi gương thì thấy mình già…
Tuy nhiên, ông tiếp ngay:
– Soi lòng thì thấy vẫn là thanh niên.
Rồi ông cười, giọng đầy hào sảng.
Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi kết thúc. Buổi tối trở về nhà, tôi nhớ câu thơ "soi gương, soi lòng" ấy. Và rồi tôi soi gương, soi lòng chính tôi thật.
Tôi soi gương và thấy khuôn mặt tôi trong đó. Tôi hôm nay khác hẳn tôi mấy chục năm về trước. Đã có một thời xa xưa nào đó, tôi là một khuôn mặt trẻ thơ, hiền lành, nhút nhát; có thể là một khuôn mặt ngây ngô, không lanh lợi cho lắm. Dù sao đó cũng là một khuôn mặt không mấy khó ưa. Thời đó, tóc tôi còn xanh, đôi mắt còn trong, dĩ nhiên là không phải đeo kính như bây giờ. Thời đó tuy là con trai nhưng da mặt của tôi mịn (da trẻ em nào mà không mịn), cánh môi tôi cũng xinh; má tôi không phính, nhưng nhiều người lớn thấy tôi cũng muốn "véo má một cái." Thời đó, trán tôi chưa hề có nếp nhăn, lông măng phơn phớt, một vài đường gân xanh nhỏ bên thái dương và những tia máu nhỏ chạy li ti trên đôi má. Thời đó khuôn mặt tôi hiền hậu, dễ thương. Ít ra là tôi nghĩ như thế.
Rồi thời gian qua đi. Khuôn mặt tôi biến đổi cho phù hợp với tuổi thiếu niên tôi có. Tóc trở nên rậm và cứng hơn. Da không còn mịn nữa. Nó đã hơi "gồ ghề" và nhiều nơi có mụn trứng cá. Đôi má không còn hấp dẫn để cho người lớn "muốn véo một cái" nữa. Cặp mắt tôi sâu hơn, đen hơn và đôi lông mày rậm. Khuôn mặt tôi thuở ấy hình như có những nét không cân đối và thiếu hoà hợp. Có lẽ không phải vì những đường nét tự nhiên của khuôn mặt, nhưng do ảnh hưởng của thể lý và sinh lý tuổi đang lớn.
Khuôn mặt tôi biến đổi một lần nữa khi tôi bước vào tuổi thanh niên. Tôi không phải là một người vạm vỡ, cao lớn, nhưng dù sao ở tuổi ấy, khuôn mặt tôi cũng có góc cạnh hơn, tóc tai "đâu vào đấy" hơn. Tôi vốn không phải là người chú ý đến diện mạo bên ngoài nên không nhớ mình có "đẹp trai" không. Những cô bạn gái của tôi không ai chú ý đến khuôn mặt tôi cả, họ để tâm đến tính nết tôi hơn. Dù sao tôi cũng không bị mang tiếng là người xấu xí.
Thế rồi thời gian cứ trôi, khuôn mặt tôi cứ biến đổi. Không biết bao nhiêu lớp da với những tế bào cằn cỗi đã bị đào thải, thay vào đó là những lớp da mới. Đã nhiều lần khuôn mặt tôi trầy xước, xây xát vì những vết thương; nhiều lần sưng phù, mọng đỏ, mụn mằn vì những cơn bệnh; nhiều lúc hóp lại vì mệt nhọc, lo lắng, ưu tư. Cũng đôi khi khuôn mặt ấy hồng hào vì khoẻ mạnh, rạng rỡ vì niềm vui. Tất cả những khuôn mặt ấy đều là "TÔI" cả.
Cho đến ngày hôm nay, một buổi tối thinh lặng, tịch mịch, một mình tôi đối diện với tấm gương. Tôi thấy là lạ vì không có thói quen soi gương sửa soạn cho khuôn mặt. Tôi vốn có tính xấu: cẩu thả và luộm thuộm; phải đi đâu, vớ được bộ quần áo nào là xỏ vào ngay, không cần biết mặc nó "hợp" hay "không hợp." Tóc thì chỉ cần đưa tay lên "cào" vài cái là xong. Chính vì vậy, hôm nay nhìn kỹ khuôn mặt mình trong gương, tôi thấy nó kỳ kỳ. Tôi nhăn mũi, lè lưỡi chọc ghẹo cái khuôn mặt trong gương ấy; nhưng rồi tôi cũng quan sát nó thật kỹ. Tôi, trong gương, bây giờ là một khuôn mặt trung niên; mái tóc đã có một vài sợi bạc; trán có kha khá nếp nhăn; lông mày còn rậm, nhưng đuôi lông mày bên trái bị đứt một đoạn ngắn, hậu quả của một lần mí mắt bị sưng và làm độc. Da tôi không đen nhưng sạm màu, làn da cũng có những nếp nhăn và không còn phẳng phiu, mịn màng như "ngày xưa còn bé."
Tôi nhìn tôi trong gương, không thấy mình đáng ghét cho lắm, nhưng không còn chút nào vẻ thơ trẻ hồn nhiên. Thời gian và những biến thiên dời đổi của cuộc đời đã để lại trên khuôn mặt tôi nhiều vết tích không phai mờ. Tôi thử cười một cái, nụ cười làm cho khuôn mặt tôi có nhiều nếp nhăn hơn. Nụ cười không làm cho tôi trẻ đi, tươi hơn; trái lại, hình như trông già hơn, héo hơn một chút.
Trong khoảnh khắc, tất cả mọi khuôn mặt của tôi liên tiếp xuất hiện trong gương, rất nhanh nhưng cũng rất rõ. Tất cả đều là tôi, là "tôi-trong-cùng-một-lúc"; không có "tôi" nào trước, "tôi" nào sau. Bởi vậy, nếu hỏi rằng mình thích "tôi" nào nhất thì tôi không trả lời được.
Bỏ tấm gương đấy, tôi muốn "soi lòng." Tôi tắt đèn đi, ngồi thu lu trên giường, đắm chìm trong bóng tối và sự tịch liêu. Lòng mình là cái rất khó nhìn vào và rất khó thấy rõ. Bởi vậy, tôi cần sự trợ giúp của bóng tối, che phủ tất cả những ngoại cảnh, ngoại vật, để không còn bị chi phối mà chú tâm vào lòng mình. Trong bóng đêm thinh lặng, cõi lòng tôi mở ra, và tôi soi tôi trong cõi lòng ấy.
Tôi nhìn lại cõi lòng tôi, lúc thiếu thời mở cửa cho tuổi hoa niên. Khi ấy cõi lòng tôi phơi phới nở hoa. Bao nhiêu mơ mộng thần tiên với hoa và bướm. Tôi lớn lên với những giấc mộng đẹp và lý tưởng cao trong đáy trái tim. Lòng tôi đã bao phen reo vui và ngây ngất với những tâm tình hướng thượng. Tuổi trẻ nào cõi lòng cũng đẹp và lý tưởng nào cũng tuyệt vời; nhưng nhiều người trẻ khi lớn lên đã thấy mình lầm, vì bị lợi dụng để phục vụ cho những mục tiêu vụ lợi và đen tối:
"Nhân Ái, Công Bình, Yêu Đương, Bất Khuất,
Viết chữ hoa trong óc trẻ mười lăm.
Khi ba mươi biết được chuyện xưa lầm
Thì đau khổ đã hằn trên trán nhỏ,
Thì uất hận vạch trời nhưng chẳng tỏ,
Rồi cô đơn như một kẻ chăn cừu,
Trên đồi cao nhìn tinh tú luân lưu…"
Tạ Ký (Thêm buồn)
Rất may cho riêng tôi! Qua tuổi mười lăm, mười bảy; đến tuổi hai mươi, hăm lăm; rồi tuổi ba mươi, rồi lớn hơn nữa… chưa bao giờ tôi thấy "chuyện xưa lầm" và cũng chưa bao giờ "uất hận vạch trời nhưng chẳng tỏ." Lý tưởng và những giấc mơ đẹp có khi bùng cao, chói sáng; có khi trầm lắng, giấu ẩn… nhưng lúc nào ước vọng làm đẹp cho đời, cho người cũng vẫn còn đấy. Bao nhiêu người đã than thở: "Mộng bền năm xưa chỉ là mơ qua" (Phạm Duy, Bên cầu biên giới). Tôi chưa hề một lần than thở, dù rằng đau khổ không những "hằn trên trán nhỏ" mà đôi khi còn tạo thành những vết thương làm tan nát cõi lòng.
Tôi soi lòng tôi và nhìn thấy trong đó những đam mê cuồng nhiệt, những nhớ nhung đằm thắm, những mong đợi thiết tha. Tôi soi lòng tôi và thấy cả những "bối rối bồi hồi, ráo riết miệt mài" khi yêu lần cuối, những "bỡ ngỡ xôn xao, cuống quýt dạt dào" khi yêu lần đầu (Phạm Duy, Giọt mưa trên lá). Tôi soi lòng, và cảm nhận những chao nghiêng, vùi lấp; nghe thấy những tiếng sóng lúc rì rào, khi ào ạt. Những cơn sóng lòng đôi khi khiến tôi như bị nhận chìm vào biển tình cảm.
Tôi soi lòng tôi và may mắn không thấy hiện lên những hận thù, cũng không có cả những mưu mô gian ác, những tính toan bất chính, những lường gạt phi nhân. Tuy nhiên tôi thấy trong lòng đôi khi có những ghét ghen nhè nhẹ, những bực dọc âm thầm, những trách cứ nghiêm khắc và những đòi hỏi được lưu tâm.
Tôi soi lòng tôi và tìm thấy ở nhiều lúc có những nỗi chán chường, những cơn buồn dày dặc; và những sự tủi thân, âm thầm, không muốn cho ai biết. Những cơn buồn và sự tủi thân gặm nhấm lòng tôi, làm cho đắng cay, đau đớn.
Tôi soi lòng tôi và bắt gặp những thân thương, ấm áp của tình yêu, tình bạn, tình người. Những tình cảm nồng nàn và ân cần làm cho tôi thấy cuộc đời tươi đẹp, hạnh phúc và đáng sống.
Tôi soi lòng tôi và cũng thấy những nỗi cô đơn. Có những phút giây cõi lòng tôi hoang lạnh, tưởng chừng như không có ai và cũng chẳng muốn biết đến ai.
Tôi soi lòng tôi, thấy hết trong cùng một lúc niềm vui và nỗi buồn, khổ đau và hạnh phúc; tâm tình hướng thượng và tư tưởng thấp hèn; cô đơn và thân ái; chấp nhất và thứ tha; hăng say và buồn chán; bất ổn và bình an.
Và tôi soi lòng tôi để rồi thấy trong đó một chú bé, chú bé "tôi-ngày-xưa." Chú bé thân quen và dễ thương. Vị linh mục tôi mới gặp "soi lòng thì thấy vẫn là thanh niên." Tôi, tôi thấy mình không còn là thanh niên nữa. Tôi già giặn, chín chắn và trầm tĩnh hơn tuổi thanh niên ngày trước rất nhiều, nhưng trong lòng tôi vẫn có một chú bé, và tôi muốn chơi với chú. Tôi nhớ lại có lần bạn tôi nói: "Trong lòng mỗi người chúng ta đều có một chú bé hay một cô bé, và rất nhiều khi chúng ta phải mở cửa cho em bé ấy ra ngoài chơi." Tuổi thơ đẹp, không phải chỉ ở trong quá khứ. Tuổi thơ có thể được gọi về, bất cứ lúc nào; nếu chúng ta gọi với đúng ngôn ngữ và tâm tình của tuổi thơ, những tín hiệu mà tuổi thơ có thể "bắt" được.
Tối hôm nay, tôi ngồi "soi gương" và "soi lòng." Chẳng mấy khi trong đời tôi làm được như thế. Soi gương, với tôi, có lẽ không cần thiết lắm. Tuy nhiên, soi lòng, tôi mong rằng mình thực hiện mỗi ngày, vào những buổi tối trước khi thiếp vào giấc ngủ, để thấy những gì mình làm vui lòng Chúa và vui lòng người khác; những gì mình làm buồn lòng Chúa và buồn lòng người khác. Nếu tôi thực hiện được như vậy, chắc cuộc đời tôi sẽ dễ thương hơn, hữu ích hơn và đáng sống hơn một chút.
(Trích Nhìn xuống cuộc đời, xuất bản năm 1995)
Quyên Di
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét