Thứ Năm, 10 tháng 10, 2024

Tạp Ghi và Phiếm Luận : Ả (Đỗ Chiêu Đức)

 Tạp Ghi và Phiếm Luận :  Ả                                                                                                                     

                
      Ả vốn là từ A 婀 (妸) trong "Chữ Nho... Dễ Học" được Nôm Hoá và được thông dụng cả hai âm A và Ả. Chữ A 婀 (妸) được hình thành bởi hai cách Tượng hình và Hài thanh theo diễn biến của  chữ viết như sau:

           Kim Văn           Đại Triện       Lệ Thư         khải thư

Ta thấy :
         Kim Văn (Chung đĩnh văn) được ghép bởi bộ NỮ 女 bên trái chỉ Ý, chữ KHẢ 可 bên phải chỉ ÂM; Phần Đại Triện thì vẫn là bộ NỮ 女 bên trái chỉ Ý và chữ A 阿 bên phải chỉ ÂM, nên ta có thể đọc là A là Ả để chỉ dáng vẻ của một giới tính âm: Nữ giới! Từ thông dụng nhất mà cũng là từ duy nhất được hình thành và sử dụng cho chữ viết nầy là...
      A NA 婀 娜, còn được đọc là Ả NẢ để chỉ cái dáng điệu nhẹ nhàng, ẻo lả, mềm mại với vẻ yểu điệu thục nữ của các bà các cô, nên thường được dùng để chỉ sự đi đứng yểu điệu thướt tha của phái đẹp. Ta có thành ngữ:
                      
                
      Ả NẢ ĐA TƯ 婀 婀 多 姿 để chỉ trăm ngàn tư thế dáng vẻ thanh thoát ẻo lả nhẹ nhàng một cách đáng yêu của phái nữ, nên....
      Khi được Nôm hoá và đi vào cuộc sống thực tại thì Ả là Danh từ thường dùng để chỉ các cô gái đẹp đẽ dễ thương như bài thơ của đại thần Nguyễn Trãi đã bỡn cợt cô gái bán chiếu vậy:

                       Ả ở đâu mà bán chiếu gon,
                       Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn,
                       Xuân xanh phỏng độ chừng bao tuổi,  
                       Đã có chồng chưa được mấy con ?

      Căn cứ vào câu hỏi "Xuân xanh phỏng độ chừng bao tuổi?" ta biết Ả dùng để chỉ các cô bé mới lớn; cũng như trong thơ của Hàn Mặc Tử:

                       Tôi ưng ả thuyền quyên,
                        Cốt để dò xem ý lạ...

   ... thì rõ ràng là Ả dùng để chỉ các cô gái trẻ đẹp và cũng có thể là con nhà nề nếp đàng hoàng nữa. Như Nguyễn Du đã tả về chị em Thuý Kiều và Thuý Vân vậy:

                          Đầu lòng hai Ả Tố nga,
                    Thuý Kiều là chị, em là Thuý Vân.
                Ả là con "đầu lòng", nên Ả còn có nghĩa là "Chị". Từ Điển Việt-Bồ-La (1651), ta thấy hàng mấy trăm năm trước người Việt đã sử dụng: "Ả là Chị Ả: Người chị sinh đầu tiên". Hiểu nghĩa như thế, ta mới dễ dàng giải thích câu tục ngữ "Làm Anh, làm Ả thì ngả mặt lên". Ngả ở đây có nghĩa là ngửa. Đã làm anh làm chị trong nhà thì phải làm thế nào cho đáng mặt, cho xứng với chức năng của anh của chị, đừng làm những điều gì sai trái để phải hổ thẹn mắc cỡ trước mặt em út không dám ngước mặt lên.

       Ả là Chị, được dùng để Phiếm chỉ bất cứ người "CHỊ" nào đó trong cuộc sống thường ngày, như câu nói mà ta thường nghe là: Tại Anh, tại Ả, Tại cả hai đàng! Hay như câu mà ta cũng rất thường nghe sau đây:

                  Việc ấy chẳng phải tại ai,
                Tại Anh, tại Ả tại cả đôi bên!

      hay như :
                      Xứng Anh xứng Ả, xứng cả một đôi !

       Ả còn được gọi là "CÁI Ả" để chỉ các cô gái tầm thường hời hợt, nhẹ dạ, dễ sa ngã như câu ca dao sau đây:

                         Thằng Ngô lắm nhẫn nhiều vòng
                       Làm cho CÁI Ả phải lòng thằng Ngô !                    

      "CÁI Ả" là "Cái con nhỏ đó đó", nên, Ả còn dùng để đánh giá về nhân cách tác phong, như để chỉ các cô gái lười biếng chỉ biết ăn chơi mà không biết chăm chỉ làm việc, như các câu ca dao tục ngữ miền Bắc sau đây:

                   Ăn như thuyền chở mã, 
                   Làm như ả chơi trăng ! 
      hay :
                   Ăn như là thợ ngõa, 
                   Làm như ả chơi trăng !

      "Thuyền chở mã" vì đồ vàng mã rất nhẹ nên thuyền chở được thật nhiều, cũng như những người "Thợ Ngõa" (NGÕA 瓦 là Ngói lp nhà) là thợ trong lò nung gạch ngói, vì công việc nặng nhọc nên cũng ăn rất nhiều; còn làm việc thì lơ mơ không chăm chỉ như là "Cô Ả" đang dạo chơi để ngắm trăng vậy; Chỉ cà lơ phất phơ không làm nên cơm cháo gì cả. Cũng diễn tả ý nầy nhưng  dân Nam kỳ Lục tỉnh thì nói là:

                             Ăn như thì như xáng múc, còn...
                             Làm thì như lục bình trôi !
             
       Không chỉ dùng để chỉ các cô gái trẻ, Ả còn dùng như một Phiếm chỉ Đại từ để chỉ tất cả phái nữ không phân biệt già trẻ gì cả, như các cách nói sau đây:

                  Các Ả bạn hàng, các chàng cu-li.
                  Mấy Ả mua gánh bán bưng...

       Ả còn dùng để chỉ các cô gái không đứng đắn, không được sự tôn trọng của mọi người và được nói một cách khinh bạc như:

                  Mấy Ả ăn sương,
                  Những Ả gái điếm...
                  Các Ả mèo mả gà đồng...
 
      ... hay như cụ Nguyễn Du đã tả cảnh phòng tiếp khách của mụ Tú Bà, khi Thúy Kiều được Mã Giám Sinh đưa vào thì thấy ngay:

                                 Bên thì mấy Ả mày ngài,
                         Bên thì ngồi bốn năm người làng chơi.

       hoặc gọi một cách vô thưởng vô phạt, không tôn trọng cũng không xem thường như một từ phiếm xưng trước một danh từ riêng như hai câu thơ sau đây:

                                Bày vay có Ả Mã Kiều,
                      Xót nàng nên mới đánh liều chịu đoan.

      "Ả MÃ KIỀU" là "Cái con nhỏ tên Mã Kiều", là "Cái con mẹ tên Mã Kiều", là " Cái NÀNG Mã Kiều". Đây là cách gọi rất phổ thông được sử dụng rộng rãi trong văn học cổ: Ả là NÀNG, NÀNG là Ả ! Tùy theo ngữ cảnh và bằng trắc mà được đặt trước tên của một nhân vật nữ nào đó trong văn học c, và ta sẽ lần lượt tìm hiểu qua các cách gọi sau đây:
 
         - Ả Chức (chàng Ngưu).
         - Ả Hằng.
         - Ả Lý.
         - Ả Tạ.

    * Ả CHỨC : Hay đi với Chàng Ngưu, Ả Chức tức là Chức Nữ đó. CHỨC NỮ 織 女 vốn là tên một ngôi sao nằm ở phía bắc sông Ngân Hà, đối diện với sao KHIÊN NGƯU 牽 牛 (dắt trâu). Chức Nữ và Khiên Ngưu (còn gọi là Ngưu Lang) lại là tên của hai nhân vật thần thoại trong câu truyện  điển tích sau đây:
     
     Theo "Kinh Sở Tuế Thời Ký 荊 楚 歲 時 記": Chức Nữ là cháu của Ngọc Đế, rất giỏi nghề dệt vải. Trốn xuống trần kết duyên cùng Ngưu Lang, sanh được một trai một gái. Tây Vương Mẫu giận, xuống trần bắt Chức Nữ về trời, Ngưu Lang dắt con đuổi theo. Tây Vương Mẫu rút trâm vạch thành dải Ngân Hà ngăn cách hai người, mỗi năm phải nhờ chim ô thước (Qụa đen, Chim khách) bắt cầu mới gặp mặt được một lần. Đó chính là đêm mùng 7 tháng 7 Âm lịch, nên còn gọi là đêm Thất Tịch 七 夕. Vợ chồng gặp nhau, vui mừng than khóc, nước mắt đổ xuống trần gian thành mưa. Nhân gian gọi đó là "Mưa Ngâu tháng bảy" hay " Tháng bảy mưa Ngâu" cũng thế.
                              Ngưu Lang Chức Nữ 

     Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu có câu:

                              Chữ đồng lấy đấy làm ghi, 
                       Mượn điều Thất Tịch mà thề bách niên.  
 
     Trong Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu cũng có câu:

                             Hữu tình chi bấy Ngưu lang,
                      Tấm lòng Chức Nữ vì chàng mà nghiêng.            
      
      Trong Chinh Phụ Ngâm Khúc khi tả tâm sự của của nàng chinh phụ thương nhớ chồng, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm cũng đã hạ câu:
                               Khác gì Ả Chức, chị Hằng,
                      Bến Ngân sùi sụt, cung trăng chốc mòng.

      "Chị Hằng" ở trong câu thơ trên, còn được gọi là...

 * Ả HẰNG tức là Hằng Nga 姮 娥, người Hoa hay gọi là Thường Nga 嫦 娥, có tích như sau:
                  
      Theo sách Hoài Nam Tử 淮 南 子, Hằng Nga là vợ của Hậu Nghệ, rất đẹp nhưng có tật đảng trí. Nghệ xin được thuốc trường sinh của bà Tây Vương Mẫu, Hằng Nga trộm thuốc uống vào, cơ thể bèn nhẹ nhõm bay tuốt lên cung trăng, ở trong cung Quảng Hàn một mình lạnh lẽo, như hai câu thơ của Lý Thương Ẩn 李 商隱 đã viết trong bài Thất ngôn Tứ tuyệt có tên là Thường Nga:

                    Thường Nga ưng hối thâu linh dược,   
                        嫦 娥 應 悔 偷 靈 藥,
                    Bích hải thanh thiên dạ dạ tâm.          
                        碧 海 青 天 夜 夜 心. 
Có nghĩa :
                        Hằng Nga chừng cũng tiếc hoài,
                    Trót đà trộm thuốc ai hoài đêm đêm !
       
                                     Thường Nga ưng hối thâu linh dược

     Trong truyện thơ Nôm khuyết danh của ta ở thế kỷ thứ 18 là Phạm Tải Ngọc Hoa 范 載 玉 花 cũng mượn hình ảnh Hằng Nga để chỉ Mặt Trăng, như:

                       Có đêm lặng ngắm Hằng Nga,
                 Tưởng người quân tử dật dờ phương nao!

     Hay mượn hình ảnh Hằng Nga để chỉ người đàn bà đẹp, như trong truyện Lâm Tuyền Kỳ Ngộ 林 泉 奇 遇 (Bạch Viên Tôn Các) có câu:
 
                      Từ về qua tới chốn thạch tuyền,
                      Xảy gặp Hằng Nga mới kết duyên.

     Trong truyện thơ Nôm lục bát khuyết danh là Phan Trần Truyện 藩 陳 傳 cũng có câu:
 
                          Bây giờ e lệ chưa tường,
                   Lâu lâu lại lắp lánh gương Ả Hằng.
 
  * Ả LÝ : là nàng Lý Ký 李 寄 trong truyền thuyết Sưu Thần Ký 搜 神  đời Đông Tấn như sau:

        Nước Đông Việt 東 越 國 ở vùng Mân nam 閩 南 (Quảng Đông, Phúc Kiến hiện nay) có nàng Lý Ký là con gái út thứ sáu của gia đình. Nhà nghèo không có con trai, trong nước lại có nạn yêu rắn hoành hành, mỗi năm đều phải tế một cô gái trẻ cho rắn ăn thịt. Lý Ký bèn quyết định bán thân mình cho rắn ăn thịt, lấy tiền để nuôi cha mẹ và các chị. Mặc dù cha mẹ can ngăn, Lý Ký cũng lén đi, nàng yêu cầu nhà vua cấp cho mình một thanh bảo kiếm và một con chó săn, rồi đi thẳng đến động rắn. Sau một đêm chiến đấu quyết liệt với sự hỗ trợ của con chó săn thiện nghệ, nàng đã chém chết con yêu rắn. Quốc vương nước Đông Việt cảm phục trước sự dũng cảm của nàng , nên đã cưới nàng về làm hoàng hậu. 

      Trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du đã cho Thúy Kiều cân nhắc trước khi quyết định bán mình chuộc tôi cho cha là:

                              Dâng thơ đã thẹn nàng Oanh,
                            Lại thua Ả Lý bán mình hay sao ?!
                        
                                            Lý Ký chém rắn  
      
       * Ả TẠ : là TẠ ĐẠO UẨN 謝 道 韞, con của tướng quân Tạ Diệc, cháu của thừa tướng Tạ An, là vợ của Vương Ngưng Chi con trai thứ của nhà thư Pháp nổi tiếng đời Đông Tấn là Vương Hi Chi. 
        Tạ Đạo Uẩn rất giỏi về văn thơ, ngay từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, sắc sảo. Khi Tạ An hỏi các cháu lúc đang ngắm cảnh tuyết rơi là: Có thể lấy gì để ví với tuyết rơi ? Một cháu trai là Tạ Lãng trả lời rằng: Sái viêm không trung sai khả nghỉ 撒 盐 空 中 差 可 拟 (Có thể nói là như rắc muối giữa không trung). Tạ Đạo Uẩn nói rằng: Vị nhược liễu nhứ nhân phong khởi 未 若 柳 絮 因 风 起 !(Chẳng bằng nói là hoa liễu bay đầy trời khi có gió thổi lên). Tạ An khen hay, Tạ Đạo Uẩn nổi tiếng từ đấy.

     Trong tác phẩm Sãi Vãi của cụ Nguyễn Cư Trinh, khi cho bà Vãi luận về tài trí của phái nữ có câu:

     Gái như Tạ Đạo Uẩn, gái mà hay vịnh tuyết thành thơ,
     Gái như Thái Văn Cơ, gái mà biết phân cầm nên khúc...

     Trong Lục Vân Tiên, cụ Nguyễn Đình Chiểu đã khen tài làm văn thơ của Kiều Nguyệt Nga bằng câu:

                        Đã mau mà lại thêm hay,
                  Chẳng phen Tạ Nữ cũng tài Từ Phi.

     Còn trong Truyện Kiều thì cụ Nguyễn Du cũng đã cho Kim Trọng khen tài làm thơ của Thúy Kiều là:

                        Khen tài nhả ngọc phun châu,
                     Nàng Ban Ả Tạ cũng đâu thế nầy!
                             
                  
                                   Tạ Đạo Uẩn  謝 道 韞

      Trong nghê thuật dân gian của ta còn có một loại hình "Hát Ả ĐÀO", "Ca Trù" hay còn gọi là "Hát Nói", với các nhân vật "Ả ĐÀO 妸 陶" hay Cô Đào 姑 姚 hoặc Đào Nương 陶 娘, còn được gọi là Ca Nương 歌 娘, là thuật ngữ của Việt Nam ta thường dùng để gọi một dạng kỹ nữ 妓 女 trong thời đại cổ. Theo Từ điển tiếng Việt, Cô Đầu là một danh từ thuộc loại từ cũ, khẩu ngữ để chỉ các Ả Đào. Hát Ả ĐÀO còn chỉ thể Hát Nói mà các Đào Nương hay hát, ở Hà Nội khi xưa hay gọi là "đi hát Ả Đào" như bài thơ thể Ca Trù (Hát Nói) của Uy Viễn Tướng Công Nguyễn Công Trứ:

                  Cầm, kỳ, thi, tửu,
                  Đường ăn chơi mỗi vẻ mỗi hay...
                  Đàn năm cung réo rắt tính tình đây,
                  Cờ đôi nước rập rình xe ngựa đó.
         và...
                  Cầm tứ tiêu nhiên, kỳ tứ sảng,
                  Thi hoài lạc hĩ, tửu hoài nồng.
   Rồi kết rằng...
                  Chơi cho lịch mới là chơi,
                  Chơi cho đài các, cho người biết tay!
                  Tài tình, dễ mấy xưa nay!

              
                                         Ca Trù, Hát Ả Đào

       Cuối cùng ta có các người đẹp Ả-Rập trong các truyện "Một Ngàn Lẻ Một Đêm", vừa yểu điệu thục nữ, vừa đa tình, vừa gợi càm, vừa bí hiễm... không thua gì những giai nhân chồn tinh, ma nữ đẹp đến hớp hồn người trong "Liêu Trai Chí Dị" của Bồ Tùng Linh chút nào cả! 
                 

        Hẹn bài viết tới !
                                                            杜 紹 德
                                                        Đỗ Chiêu Đức  
Mời Xem :

               

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người Việt Nam đầu tiên chế tạo máy bay, ông là ai?

Ông được xem là người đầu tiên chế tạo máy bay tại Việt Nam. Chiếc máy bay đặc biệt được đặt tên là "Con rận trời 132". Theo Thư v...