Thứ Ba, 29 tháng 10, 2024

Diễn Viên Hạng Ba - truyện ngắn của Lý Lan



Má ơi,má. Con đã về đây. Con về luôn với má nè má ơi. Má. Má!Má ơi. Má ơi ! Má!...”.

Tiếng gào thất thanh tắt nghẹn trong tiếng khóc vỡ òa.
Người mẹ đã tắt thở  trong sự  ngóng trông tuyệt vọng. Đứa con cuối  cùng đã trở về chỉ để gục xuống giữa sân khấu bưng mặt khóc òa. Màn nhung từ từ khép lại.

 Khán giả chung quanh Charles Huỳnh đứng dậy lục tục ra về. Charles vỗ tay, không có tiếng vỗ phụ họa, nhưng vài khán giả quay đầu nhìn ông. Sau bức màn vừa khép, Duyên Mỹ đứng lên mỉm cười với người mẹ đã sống lại thành diễn viên Tú Quyên. Cả hai hé cánh màn để xem ai là người đã vỗ tay. Đèn trong rạp lúc vãn tuồng đủ sáng để nhận ra người đàn  ông trung niên còn ngồi nấn ná một mình giữa  những hàng hế trống. Charles đang nghĩ xem những động tác tiếp theo phải như thế nào cho tự nhiên. Ông đã nhận thấy khán giả đi coi hát không mang theo hoa. Trước cửa và trong rạp cũng không có chỗ bày bán hoa. Đây chỉ là một rạp hát  hạng ba nằm ở một khu ăn chơi hạng ba, tầng lớp bình dân kết hợp coi hát với ăn bò viên hủ tíu cháo thập cẩm mì xào dòn . . . Ông đã chọn rạp này xem tuồng này của gánh này là có tính toán. Phải, ông chỉ cần một diễn viên hạng ba là được. Có lẽ đối với một diễn viên hạng ba ở xứ này không nhất  thiết phải đãi như Tây. Hay không chừng, một cử chỉ Tây sẽ có ép-phê mạnh mẽ và tức thì? Charles cân nhắc hai phương án trong mười giây rồi quyết định. 

Ông rút danh thiếp (toàn chữ Tây), ghi vào mặt trái một dòng (bằng chữ Việt Nam). Xin hân hạnh được tiếp kiến bất cứ lúc nào. Ông rút trong bóp ra một tờ năm ngàn, đi đến gần một người có vẻ là nhân viên rạp hát, cười xã giao:

-Chút đỉnh cho anh uống cà phê.

Người này liếc ông một cái, cầm tiền bỏ vô túi quần. Ông đưa tấm danh thiếp:

-Phiền anh đưa dùm cho cô nghệ sĩ đóng vai người con, cô . .

-Duyên Mỹ?

-A. . . phải. Cô đã chạy ra sân khấu trước khi hạ màn ấy.

Người nhân viên cầm danh thiếp trèo lên sân khấu vạch màn chui vào rồi mất tích luôn.

Charles Huỳnh là người cuối cùng đi ra. Ông vẫn đứng chần chừ trước cửa rạp hát nhìn những thực khách thưa thớt của mấy xe hủ tíu mì, bột chiên, sinh tố . .. Họ ăn uống ngon lành và đầy vẻ thỏa mãn, như kẻ hưởng thụ trọn vẹn cuộc đời.

Năm ba người đạp xích lô cặp xe vô lề mời ông đi. Ông cám ơn , nhìn đồng hồ. Chưa mười một giờ đêm mà đường xá vắng vẻ. Ông đứng trên thềm cao  nhà hát, hai tay đút túi quần, cảm nhận thấm thía nỗi buồn khách lạ.

-Việt Kiều !

Một trong ba người chụm đầu lại xem tấm danh thiếp đã thốt lên. Còn ngờ gì  nữa ? Tên Tây, địa chỉ Tây, Paris hẳn hoi chớ chơi à ? Nhưng.  . .

-Mầy có nghe lộn không Tám ? Đưa cho Duyên Mỹ hay Tú Quyên ?

Tám liếc một cái rồi hất hàm :

-Ổng còn đứng ngoaì kia kìa, ra mà hỏi.

Tú Quyên nhún vai, xoa lớp hóa trang trên mặt. Chị trẻ hẳn hơn vai mình đã đóng ngót ba mươi tuổi. Cứ đêm đêm chị diễn trọn một kiếp người rồi chết đi. Sau đó sống lại, chị bôi lớp phấn son và trẻ ra. Chết đi sống lại, già rồi trẻ ra. Tú Quyên là đào chánh. Duyên Mỹ là diễn viên hạng ba, đóng những vai tỳ nữ hay con hầu cho Tú Quyên. Trong vở vừa rồi Duyên Mỹ đóng vai đứa con xuất hiện ở màn đầu nói láp váp mấy câu vô ơn bạc nghĩa rồi bỏ đi. Đến  màn cuối mới chạy ra khóc rống lên mấy tiếng để, theo lời đạo diễn, khắc họa tấm lòng hy sinh cao cả của người mẹ. Sự thành công của vở diễn (nếu có) thì đương nhiên do công sức của Tú Quyên. Vậy cái danh thiếp kia nếu không do nhầm lẫn mà đưa cho Duyên Mỹ thì hẳn không phải là do lòng hâm mộ nghệ thuật. Mà vì cái khác. Tú Quyên nhún vai để biểu lộ sự khinh thường những cái khác phi nghệ thuật đó. Duyên Mỹ còn tần ngần chưa biết tính sao, Vương Chí giật phắt tấm các bươn chạy ra trước rạp hát.

-Xin lỗi , ông. Ông là ông . .. Huỳnh ?

-Phải ?

-Ông muốn gặp Duyên Mỹ à ?

-Vâng.

-Có chuyện gì không ?

-À.  . . xin lỗi anh . . .

-Tôi là Vương Chí, chồng của Duyên Mỹ.

-Hân hạnh được biết anh.

Charles Huỳnh bắt tay Vương Chí. Ông giải thích:

-Tôi vừa xem chị nhà anh diễn vai đứa con . .. rất hay. Tôi muốn mời . . . chị ấy hợp tác . . . cũng đóng vai một người con . . .

-Ông là đạo diễn à?

-À. . . Nếu như không có gì bât tiện cho anh chị thì xin được mời anh chị dùng bữa tối với tôi. Chúng ta có thể lại nhà hàng đằng kia trò chuyện và bàn công việc cụ thể.

-Dạ, ông chờ chút xíu nghen !

Vương Chí  vọt ngay vô hậu trường hối lia lịa:

-Lẹ lên em, trang điểm lại. Mà thôi để vậy cũng được. Ơ mà thay áo này đi. Mượn đỡ áo chị Quyên.

Duyên Mỹ ngơ ngác :

-Chuyện gì vậy anh ?

-Chặc ! Anh vừa móc được sô cho em. Lẹ lên.

*

Duyên Mỹ ở khoảng giữa tuổi hai mươi và ba mươi, nhan sắc trung bình, có phần vụng về nhút nhát trong giao tiếp. Có lẽ ít có dịp cô được ngồi ở một tửu lầu. Nhất cử nhất động cô đều ngó chừng anh chồng. Anh này thoạt nhìn cũng thấy ngay được sự láu cá của một gã bồi phòng. Họ bắt đầu chuyện trò về nghệ thuật khi dùng món khai vị « bốn mùa ăn chơi ». 
Đúng ra phải nói ông Huỳnh chuyện trò  về nghệ thuật còn hai ngưòi kia dùng món khai vị  và lắng nghe như nghe chuyện lạ bốn phương.

-Ở Nhật Bản có những nghệ sĩ, những nghệ sĩ thật sự, không chỉ trình diễn trên sân khấu mà còn đóng những  vai kịch trong các quan hệ xã hội. Việc đó đã xuất hiện từ lâu ở nước Nhật và nay đã phát triển thành dịch vụ hốt bạc. Những nghệ sĩ này cũng được huấn luyện và cũng tạo được  tên tuổi. Họ thường đóng những vai như cha, mẹ, con, cháu . . . cả vai nhân vật quan trọng : giám đốc, bộ trưởng . . Thí dụ muốn tổ chức một đám cưới trọng thể, mà lỡ cha hay mẹ đã qua đời hay ở xa không đến dự được, cô dâu chú rể có thể gọi điện đến công ty dịch vụ đóng thế vai. Công ty sẽ cử đến những nghệ sĩ đóng vai cha hay mẹ cô dâu chú rể. Họ có thể nghiên cứu hình ảnh tính tình và bối cảnh để  đóng kịch như thật làm cho cuộc vui mỹ mãn. Nhiều người muốn cho các lễ lạc của họ thêm long trọng còn mướn cả những ngươì đóng vai những nhân vật tiếng tăm đương thời đến dự. Nhưng có lẽ phổ biến nhất hiện nay ở nước Nhật là vai con cái . . .

Duyên Mỹ từ đầu lắng nghe với thái độ cung kính của một người bình dân nghe nhạc giao hưởng, không hiểu cũng  chẳng thấy hay, nhưng ý thức rằng đấy là nghệ thuật chân chính. Charles Huỳnh chợt  nhận thấy phần giáo đầu tuồng như vậy hơi dài, thực ra có vào thẳng đề cũng không gặp trở ngại gì. Nhưng vì đó là kịch bản ông đã soạn  từ trước, lại đang trớn nói ông không biết cắt bớt đoạn nào.

-Những ngưòi già ở Nhật rất đông. Họ giàu có nhưng rất cô đơn. Con cái họ đã trưởng thành và đeo đuổi công việc cùng thú vui của chúng. Mà người già Á Đông thì muốn có con cái quanh mình. Họ gọi  đến  công ty dịch vụ đóng thế vai. Và sẽ có một, hai, ba  hay bốn nghệ sĩ theo yêu cầu, sẽ đến nhà họ như những đứa con đi làm ăn xa, chủ nhật về thăm cha mẹ. Những nghệ sĩ sẽ thăm hỏi chuyện trò chăm sóc « cha mẹ » như những đứa con thực sự. Đó là một nghề rất chân chính mà vô cùng nhân đạo. Và thu nhập khá .

Vương Chí lờ mờ đoán được « sô » mà vợ anh sắp ôm. Anh nhìn hau háu, lắng nghe chăm chú, để trong mọi trường hợp, không chịu thua thiệt chút nào. Bỗng Charles Huỳnh đổi giọng :

-Anh chị có mấy cháu ?

-Dạ . . .

Duyên Mỹ vừa mở miệng đã ngậm lại để nhường lời cho chồng :

-Tụi tui được một trai bốn tuổi. Thằng nhỏ lanh lắm, đã lên sân khấu hai lần.

-Tôi có hai con. Chúng đang ở Paris.

-Sao ông không đưa con về thăm quê ?

-Chúng bận học. Vả lại ở đây tôi không còn ai thân thích nữa. Anh tôi ở Úc, em trai tôi ở Đức, em gái tôi ở Canada. Tôi cũng hơn hai mươi năm rồi mới trở lại chốn này.

-Ông về lần này chắc có việc gì ?

-Tôi đưa cha tôi về nước theo nguyện vọng của cụ. Cha tôi gần tám mươi tuổi  muốn được nhắm mắt nơi quê nhà.

-Vậy cụ ông bây giờ . . .

-Sức khỏe cha tôi hiện nay tốt. Bác sĩ giám đốc bệnh viện X có quen biết tôi khi ông ta sang Pháp tu nghiệp, nên ông dành cho cha tôi phòng đặc biệt, có đầy đủ sự chăm sóc cần thiết. Tôi yên tâm về điều này. Nhưng người già ấy mà, như đèn trước gió. Bác sĩ nói cha tôi có thể sống thêm vài tháng mà cũng có thể vài năm hay vài tuần, vài ngày. . .

Duyên Mỹ nhìn ông Huỳnh ngậm ngùi. Chị cũng có cha già ở làng quê. Nhưng chị làm sao lo được cho cha mình như ông Việt Kiều nầy.

-Tôi rất xúc động khi xem chị Mỹ diễn vai người con. Ở ngoài đời chắc chị cũng là một người con hiếu thảo.

Giọt nước mắt bất ngờ ứa nơi khóe mắt Mỹ. Chị bối rối ngượng nghịu lau đi. Ông Huỳnh thở dài.

-Người ta càng già càng biết thương cha mẹ. Nhưng hoàn cảnh luôn o ép con người. Tôi còn công việc con cái phải lo. Mai tôi phải về Paris, cha tôi ở lại, có hộ lý riêng, bệnh viện cũng tốt. Duy một điều tôi áy náy. Cụ sẽ rất cô đơn. Chiều chiều đến giờ thăm bệnh, thân nhân người bệnh vào ra, mà con cháu cụ thì ở mãi bên kia đại dương . . . Chị Mỹ à, tôi biết không dễ gì gọi một người nào đó là cha, không dễ gì thương yêu một người xa lạ, nên tôi chỉ mong  rằng chị sẽ coi đó như một vai diễn trên sân khấu. Chiều  chiều tới giờ thăm bệnh, chị sẽ đóng vai người con vào thăm cha tôi, trò chuyện thăm hỏi an ủi tuổi già. Chị trạc tuổi em gái tôi, và cha tôi thì thương đứa con gái  Út lắm.

Duyên Mỹ ngồi lặng thinh, tay vẫn cầm đũa mà cổ nghẹn lại.

-Tôi biết tình người vô giá. Nhưng sù sao cũng làm mất thì giờ của chị. Và của cả anh nữa. Có thể anh phải đưa đón chị . . .

-Dạ phải

Vương Chí nói ngay :

-Hai vợ chồng tụi tui chỉ có mỗi chiếc xe đạp. Và còn thằng con tôi . . .

-À, anh chị cứ đưa cháu vào chơi với ông ngoại, người già thích trẻ con bên mình. Cụ chỉ bị huyết áp cao chứ không có bệnh truyền nhiễm.

-Dạ . . .

Vương Chí nhìn ông Huỳnh chờ đợi.

-Cha tôi không biết còn được bao lâu. Cứ mỗi buổi chị vào thăm , tôi trả , , , à, bồi dưỡng chị hai mươi đô la.

Con số được nhân ngay trong đầu Vưong Chí. Một tháng ba mươi ngày là sáu trămđô ! Bác sĩ bảo cụ có thể sống vài năm. Cụ chỉ bị cao huyết áp ? Hai mươi đô tức là gấp mười lần thù lao một đêm diễn. Mà không phải lúc nào cũng có vai hay có khán giả ! Chỉ đóng vai một người con, ai đóng không được ? Nếu đòi thêm năm đôla chắc ông ta cũng không tiếc. Nhưng ông ta ra giá chắc nịch như đã tính toán sẵn rồi, nếu đòi thêm rủi ông ta  . . . Vương Chí gật đầu :

-Được. Tôi cũng là diễn viên mà. Tôi biết đóng vai con rể, sẽ luôn nhắc nhở vợ tôi đạo hiếu với cha già. Vậy bây giờ . . .

-Mai anh chị đến bệnh viện X, phòng 1003 để gặp gỡ trước khi tôi ra phi trường.

Ông gọi hầu bàn đưa hóa đơn thanh toán.

-Để tiện cho anh chị sắp xếp việc riêng, tôi gởi trước anh chị số tiền này. Sau này qua bạn tôi, bác sĩ giám đốc bệnh viện, tôi sẽ chi trả cho anh chị mỗi tuần. Tiền bạc thì phải sòng phẳng vậy. Nhưng anh chị hiểu là tôi sẽ mang ơn anh chị suốt đời.

Việc đời cũng suông sẽ. Đã hai tháng qua. Ông cụ khi tỉnh khi mê, khi khỏe có thể ngồi dậy để cho anh con rể đẩy xe đi dạo trong sân bệnh viện, khi yếu  ông nằm thoi thóp , mắt lờ đờ nhìn cô con gái. Rồi bỗng nhiên ông nhắm mắt lại ngủ thiếp đi. Duyên Mỹ ngồi trên chêíc ghế đặt cạnh giường bệnh. Dạo này ông cụ hay ngủ thiếp đi giữa chừng câu chuyện, nên chị không phải diễn nhiều. Mà thật ra, chị thấy không cần phải đóng kịch cho lắm. Có một lần, ông cụ chợt hỏi chị :

-Cha mẹ ruột của con còn khỏe mạnh không ?

chị nhìn ông cụ và hiểu rằng trừ lúc mê, lúc lẩn, còn thì ông cụ biết rõ chị là diễn viên, biết rằng chị đóng kịch. Mắt của người già lờ đờ, da mặt người già nhăn nhúm. Duyên Mỹ không rành tâm lý để có thể đọc được suy nghĩ và tình cảm của ông cụ. Chị không biết phải diễn ra sao vì chị không tự viết được kịch bản cũng không có đạo diễn. Vương Chí thì luôn lăng xăng hệt một anh con rể thật sự đang o bế ông già vợ để chấm mút chút của thừa kế. Cái  lúc mà Mỹ nhận ra ông cụ tỉnh táo lại, chị giật mình nhận thấy mình quay lại nhìn chồng từ vị trí khán giả của ông cụ. Chị hầu như lần đầu phát hiện ra con người của chồng mình. Vương Chí bây giờ đã lên năm ký lô so với hai tháng trước nên mặt mày cũng không đến nỗi thỏn mỏn như xưa, áo quần anh mặc cũng lịch sự hơn, nhưng thêm vào điệu bộ lóm thóm xum xoe của tên hầu cố hữu, anh giờ lại có vẻ dương dương và múa mép như tên quan nịnh. Bây giờ trong túi anh thường có xấp tiền (Việt Nam) mà tờ ngoài cùng là tờ hai mươi đôla Mỹ. Tất nhiên khi móc ra để trả tiền cà phê thuốc lá anh không trả bằng tờ đôla. Nhưng tất nhiên người ta đều thấy rằng túi anh có đôla. Hai tháng thù lao của Duyên Mỹ đủ cho anh lên cúp và lên mặt với đời. Anh đóng kịch say sưa như mọi kẻ thành đạt.

Duyên Mỹ ngồi nhìn ông cụ ngủ, miệng há hốc không còn răng, mắt khép hờ, ghèn và nhớt đùn ra ở khóe. Chị cầm khăn nhẹ nhàng lau mặt cụ. Bỗng nhiên nước mắt Duyên Mỹ trào ra không sao cầm được. Cha chị ở dưới quê, ai chùi ghèn, ai đút cơm ? Và rồi đây ai phò giá triệu ai nghênh quan tài ? Chỉ còn một mình chị với ông cụ  trong phòng, nên chị úp mặt vào hai bàn tay mà khóc. Chị khóc cha chị, tuổi già con cái nghèo hèn nên cô độc, chị khóc ông cụ nằm đây, tuổi  già con cái giàu có vinh hiển vẫn cô độc. Chị khóc cả cho mình, trót nửa đời người, chồng đó con đó mà vẫn cô đơn. Rồi chị lau nước mắt nhìn ông cụ. Ông đã thức từ bao giờ, đôi mắt đục lờ nhìn chị đăm đăm. Một lát sau ông nói như thì thầm :

-Cám ơn con. Con là người có lòng.

*

Vương Chí sầm sầm chạy vô hậu trường.

-Mỹ, em xong chưa ? Ông cụ đang hấp hối, đòi gặp em. Mau lên.

Trên sân khấu, Tú Quyên trong vai người mẹ gắng gượng chỏi tay ngóc đầu dậy thều thào : «  . . đừng đóng cửa.  ..  để tôi nhìn thấy con tôi trở về .  . . ». Duyên Mỹ trong vai đứa con, như trăm lần trước đây, đã muộn màng chạy a vào : « Má !Má ơi ! Con đã về đây . . . ». Màn nhung khép lại. Vương Chí xốc nách vợ còn đang mặc trang phục sân khấu lao ra xe phóng vô bệnh viện. Lúc đi như chạy dọc hành lang, anh luôn miệng đạo diễn :

-Nhớ nghe, em kêu ba chứ không phải má, ba ơi ba, đừng bỏ con, đừng để con côi cút ở cõi đời. Ba ơi con đã về đây, rồi khóc, khóa òa ra như lúc nãy trên sân khấu. Bác sĩ giám đốc cho quay vidéo cảnh ông cụ hấp hối để gởi cho con ổng bên Tây. Em nhớ khóc như thiệt nghe. Và kêu gào cho thống thiết . . .

Duyên Mỹ chạy đến cửa phòng. Ông cụ nằm đó, mặt nghiêng hướng về phía cửa, đôi mắt lờ đờ như chờ đợi như ngóng trông. Khi Duyên Mỹ xuất hiện ở cửa, đôi mắt ấy phát ra tia sáng cuối cùng rồi tắt lịm.

-Khóc đi em, nhào vô.

Vương Chí đẩy vai Mỹ rồi  gần  như lôi chị vô phòng xô chị xuống chân giường bảo « khóc đi » và chị nghe tiếng chồng mình khóc rống lên : 

« Ba ơi, ba  . . .sao trời già cay nghiệt vậy .  . .Ba ơi con đã về đây .  . . ». Cho tới lúc mọi người : bác sĩ, y tá, hộ lý, người quay vidéo . . . đã ra khỏi phòng, đôi mắt Duyên Mỹ vẫn ráo hoảnh. Chị không khóc không nói không làm không diễn và hình như không ý thức gì cả, Vương Chí rút khăn lau nước mắt, lau nước mũi , lau mồ hôi trên cổ, càu nhàu :

-Em đúng là diễn viên hạng ba. Vai kịch đóng cả trăm lần rồi mà bây giờ diễn không nên thân.

Anh đi về nhà với  con để chị ở lại canh xác.

Đêm chắc đã khuya lắm rồi. Bệnh viện hoàn toàn yên ắng. Chị ngồi lặng như ông cụ nằm im. Không biết trong bao lâu. Rôì chị chậm chạp kéo tấm drap trắng xuống để nhìn mặt ông cụ. Vẫn cái miệng không răng há hốc và đôi mắt khép hờ. Duyên Mỹ gục đầu xuống ngực ông, những ngón tay quắp chặt tấm drap. Chị khóc nghẹn ngào trong đêm thanh vắng : 
Từ đây cõi thế mênh mông này đã mất đi người đàn ông duy nhất  đã nói với chị rằng chị là người có lòng.

 bản quyền của Lý Lan


Hoa Huỳnh chuyển

Xem Thêm TS Lý Lan :https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%BD_Lan:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người Việt Nam đầu tiên chế tạo máy bay, ông là ai?

Ông được xem là người đầu tiên chế tạo máy bay tại Việt Nam. Chiếc máy bay đặc biệt được đặt tên là "Con rận trời 132". Theo Thư v...