Thứ Hai, 21 tháng 10, 2024

Những Câu Nói Kinh Điển Trong “Thủy Hử Truyện” - Lê Trung Ngân


Những Câu Nói Kinh Điển Trong “Thủy Hử Truyện”

Tôi đọc hầu hết các sách được xem là lục tài tử thư của Trung Hoa từ thời còn đi học (trừ Sử Ký của Tư Mã Thiên sau này mới đọc). Không chỉ đọc một lần mà đọc lai rai nhiều lần. Số là lúc nhỏ, ba tôi sợ ba tháng hè tôi ham chơi không ngủ trưa nên bắt tôi trưa nào cũng leo lên bộ ván gỗ nằm với ổng. Để kiểm tra, ông đưa cho tôi cuốn truyện Tàu để đọc cho ông nghe. Cũng một công đôi ba chuyện: Ba tôi mê truyện Tàu nên vừa nghe để thưởng thức vừa để dễ ngủ, vừa “trói” tôi trên ván buộc ngủ trưa. Tôi bất đắc dĩ phải đọc, nhưng đọc riết cũng mê truyện Tàu tuốt như ba tôi. Lúc đó tôi đọc và biết rất nhiều truyện Tàu từ các triều đại bên Tàu:
- Thời Nhà Thương và Nhà Tây Chu như truyện Phong Thần
- Thời Xuân Thu và Chiến Quốc như truyện Đông Châu Liệt Quốc, Chung Vô Diệm, Tam Quốc diễn nghĩa, Hậu Tam Quốc. Thời Nhà Tùy và Nhà Đường có truyện Thuyết Đường.
- Thời Nhà Đường có La Thông Tảo Bắc, Tiết Nhơn Quí Chinh Đông, Tiết Đinh San Chinh Tây, Tây Du Ký.
- Thời nhà Tống (Bắc Tống và Nam Tống) có Tam Hạ Nam Đường, Dương Văn Quảng Bình Nam, Vạn Huê Lầu, Ngũ Hổ Bình Tây, Bao Công Kỳ Án, Thất Hiệp Ngũ Nghĩa, Thủy Hử, Nhạc Phi ..
Nhưng có lẽ thích và nhớ nhiều vẫn là truyện Thuỷ Hử. Lý do có lẽ khi thất vọng trước những điều ác ngụy tạo thành điều thiện, bất lực trước những xảo ngôn của thời cuộc, tôi chỉ còn biết mơ mộng về những câu chuyện “Thế thiên hành đạo” có trong truyện này.
Thôi thì tôi xin viết ra đây những câu nói kinh điển trong “Thủy Hử truyện” những mong có ai đó cùng đồng cảm và cùng là dịp “ôn” lại những vốn từ Hán Việt:
– Hữu duyên thiên lý lai tương hội, vô duyên đối diện bất tương phùng: Dù xa ngàn dặm nếu có duyên sẽ gặp gỡ, cho dù đứng trước mặt mà vô duyên cũng sẽ không gặp nhau.
– Gia hữu dư lương kê khuyển bão, hộ đa thư tịch tử tôn hiền: Nhà có thừa lương thực thì gà chó no bụng, dòng dõi có nhiều sách thì con cháu có tài đức.
– Tảo tri kim nhật, hối bất đương sơ: Sớm biết có hôm nay, hối hận trước đây chẳng làm.
– Hảo sự bất xuất môn, ác sự truyền thiên lý: Việc tốt không truyền ra khỏi nhà, việc xấu truyền xa ngàn dặm.
– Thiện ác đáo đầu chung hữu báo, chích tranh lai tảo dữ lai trì: Thiện ác cuối cùng đều có báo ứng, chỉ là đến sớm hay muộn mà thôi.
– Quân tử vấn tai bất vấn phúc: Quân tử hỏi họa không hỏi phúc.
– Nhập môn hưu vấn vinh khô sự, quan khán dung nhan tiện đắc tri: Vào nhà đừng hỏi chuyện giàu khó, quan sát vẻ mặt biết được ngay.
– Kinh mục chi sự, do khủng vị chân; bối hậu chi ngôn, khởi năng toàn tín: Việc thấy trước mắt vẫn e là chưa đúng sự thật; lời nói sau lưng, há có thể hoàn toàn tin.
– Tống quân thiên lý, chung tu nhất biệt: Đưa người ngàn dặm, cuối cùng rồi cũng từ biệt.
– Lộ kiến bất bình, bạt đao tương trợ: Giữa đường gặp chuyện bất bình, rút đao tương trợ.
– Tại nhân oải thiềm hạ, chẩm cảm bất đê đầu: Ở dưới mái hiên thấp nhà người ta, sao dám không cúi đầu.
– Họa hổ họa bì nan họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm: Vẽ hổ chỉ vẽ được bộ da khó vẽ xương, biết người chỉ biết mặt khó biết lòng.
– Nhân vô thiên nhật hảo, hoa vô bách nhật hồng: Người không thể ngàn ngày đều tốt, hoa không thể trăm ngày hồng tươi.
– Phúc vô song chí, họa bất đan hành: Phúc không đến cùng lúc, họa không đến riêng lẻ.
– Tửu loạn tính; sắc mê nhân: Rượu làm con người mất lý trí, sắc đẹp mê hoặc con người.
– Mạc ngữ thường ngôn đạo tri túc, vạn sự chí chung tổng thị không: Đừng nói biết đủ là hạnh phúc, vạn sự đến cuối đều là không.
– Văn danh bất như kiến diện! Kiến diện thắng tự văn danh: Nghe danh không bằng gặp mặt! Gặp mặt hơn hẳn nghe danh.
– Họa phúc vô môn, duy nhân tự triệu; phi ma cứu thủy, nhã diệm thiêu thân: Họa phúc không có cửa, chỉ là do người tự rước lấy; khoác sợi đay đi dập lửa, dẫn lửa thiêu thân.
– Tướng mạo ngữ ngôn, nam bắc đông tây tuy các biệt; tâm tình can đảm, trung thành tín nghĩa tịnh vô soa: Tuy mọi người có tướng mạo, ngôn ngữ, nơi ở nam bắc đông tây có sự khác biệt; nhưng tấm lòng can đảm, trung thành tín nghĩa là giống nhau.
– Thiên lý diện triêu tịch tương kiến, nhất thốn tâm tử sinh khả đồng: Cách xa ngàn dặm vẫn có thể gặp mặt, tâm chỉ một tấc mà cùng sinh tử.
– Trượng phu hữu lệ bất khinh đạn, chích thị vị đáo thương tâm xử: Nam nhi không dễ rơi lệ, chẳng qua chưa đến lúc đau lòng mà thôi.
– Tiếu huy thiền trượng, chiến thiên hạ anh hùng hảo hán; nộ xế giới đao, khảm thế thượng nghịch tử sàm thần: Cười vung thiền trượng, chiến đấu với anh hùng hảo hán trong thiên hạ, phẫn nộ rút giới đao, chém gian thần nghịch tử trên đời.
– Lương viên tuy hảo, bất thị cửu luyến chi gia: Lương Viên dù đẹp, nhưng đâu phải nhà ta mà quyến luyến lâu ngày. (Lương Viên là nơi thiết đãi khách của Lương Hiếu Vương thời Tây Hán)
– Đạp phá thiết hài vô mịch xử, đắc lai toàn bất phí công phu: Đi mòn giày sắt tìm không thấy, lúc được lại là chẳng tốn chút công nào.
– Cổ nhân hữu ngôn: “Đắc chi dị, thất chi dị; đắc chi nan, thất chi nan”: Cổ nhân có câu: “Dễ có được thì cũng dễ mất; khó có được cũng khó mà mất.”
– Thắng bại nãi binh gia thường sự, hà tất quải tâm: Thắng thua là chuyện thường của người cầm quân, cần gì phải băn khoăn.
– Nhạc cực sinh bi, bĩ cực thái lai: Vui quá hóa buồn, đau khổ đến cùng cực thì hòa bình vui vẻ sẽ đến.

ảnh sông Rồng Xanh rất lạ ở Portugal


Mời Xem Lại :


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người Việt Nam đầu tiên chế tạo máy bay, ông là ai?

Ông được xem là người đầu tiên chế tạo máy bay tại Việt Nam. Chiếc máy bay đặc biệt được đặt tên là "Con rận trời 132". Theo Thư v...