Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2016

1 Chuyện Ngắn Của Bình Nguyên Lộc ; Nhốt Gió


Bình Nguyên Lộc

Cả bàn ăn đều kinh ngạc. Tạo thả rơi đôi đũa xuống bàn như ngày xưa Lưu Huyền Ðức nghe Tào Tháo khen mình anh hùng. Vợ chàng nghẹn ngào vì miếng đồ ăn đang nuốt giữa một xúc động quá mạnh. Mẹ chàng bình tĩnh hơn, ngậm miếng cơm đang nhai, mỉm cười một cách nhẫn nại. Những nét nhăn trên mặt bà chỉ thấy hơi nhăn thêm một chút. Ðó là tất cả phản động của một bà cụ đã bao năm đau khổ vì bao đảo lộn của cái xã hội rất xa lạ đối với bà. Thằng Hòa, con Loan, con Mỹ, tuy không hiểu gì cùng hoảng sợ, thôi không cãi nhau nữa. Chúng bỏ trở vào dĩa những món ăn vừa gắp lên, bộ lấm lét như có tội. Cả thảy đều nhìn trừng trừng thằng Kiệt nó đang khó chiu, và, như giận lẫy, nó tỏ một vẻ khiêu khích còn đáng giận thêm.

Ruồi mặc sức mà bay vù vù, mà đậu lên các món ăn, trong sự im lặng nặng nề ấy. Hơi nước mặc sức mà đọng chung quanh mấy ly nước đá không ngón tay nào rớ tới ly để xóa những mụt nước trắng mờ đang đơm lổm chổm trên vách pha-lê. Cùng với tim của người quanh bàn, thời gian như ngừng hẳn lại.

Ðoạn chót của bữa cơm chiều hôm ấy không kéo dằng dai như mọi ngày, và ngoài tiếng chén đũa khua, không còn nghe lời nào khác.

Thằng Kiệt nghe mình có lỗi, buông đũa trước hết. Vợ Tạo nhìn theo đứa con trai đầu lòng bước ra khỏi bàn ăn mà quên món tráng miệng nó thích, vẻ mặt nàng thương hại và như sợ sệt đứa con kỳ dị.

Bà cụ thỉnh thoảng thở dài.

Tạo thì gương mặt vắng lặng một cách tuyệt vọng, trong khi mấy đứa nhỏ hết len lén nhìn bà nội, đến nhìn ba, nhìn má.

Cây tăm ngậm nơi môi chàng điên cuồng chuyển động. Nó huơi đủ chiều, xoay đủ hướng, có khi nó nằm yên để người ta đoán thấy chàng đương cắn răng dữ tợn.

Khi con nhỏ ở lấy tấm vải phủ bàn đi, chàng đứng dậy buông một câu khiến mẹ, vợ và con chàng đang uống nước ở bàn bên cạnh dừng tách nước nơi môi dưới:

–     Thằng nầy hư, phải trị nó mới được. Bắt đầu mai nầy nó không có xe máy như tôi đã hứa mua!

Thằng Kiệt đã đi qua buồng bên kia. Thằng Hòa thất vọng trông thấy, vì hôm nay nó mong đợi cái xe máy đó mà tập cỡi, khỏi mướn xe tiệm.Thôi nó hết mong ké nữa rồi.

Vợ Tạo mặt lộ vẻ mừng và bớt lo lắng. Nàng chờ đợi một sự nổ bùng của nỗi tức giận của chồng, chờ đợi hình phạt gì nàng chưa biết, và chính sự chưa biết ấy khiến nàng tiên đoán nó sẽ ghê gớm lầm. À ra chỉ có thế. Thằng Kiệt không được thưởng xe máy theo lời hứa. Nàng nghe nhẹ hẳn người.

Hớp từng hớp nước, nàng vừa lắng nghe mùi vị của trà, vừa suy nghĩ. Ai đời một đứa bé mười bốn tuổi đầu, còn là học trò trường trung học mà đã có những ý muốn làm nàng khiếp đảm. Nàng đã có dịp nhận thấy chồng nàng có nhiều tư tưởng táo bạo hơn nàng, nhưng chỉ hơn một tí thôi, nàng ráng theo kịp. Nói đúng ra nàng không ráng hiểu chồng nàng cho mấy, những tư tưởng chồng dầu cao hơn lạ hơn, nàng cũng không bị ngạc nhiên lắm. Nàng có cảm giác như chồng là kẻ đi đường, trước nàng chỉ vài chục thước. Còn cái thằng con trai kỳ dị nầy thì y như một đứa bé leo thang, đứng trên nấc chót, cao vòi vọi, nàng thấy mà phát ngộp.

Nàng nhớ thằng Kiệt thuở còn nhỏ, chưa đi học, thích nghịch và cứng đầu cứng cổ lắm. Bà nội thường tát yêu nó và nói nựng: “Cái thẳng giặc con nầy, nữa nó lớn, nó phá nhà!” Nàng chỉ mỉm cười, lòng tự ái được vuốt ve. Nhưng bây giờ đây, sự nguy hiểm rõ rệt hơn, gần hơn, nàng thấy lo sợ và sợ hãi đứa con mà nàng không hiểu.

Sau bữa cơm chiều hôm đó, gia đình không quây quần quanh bàn ăn dọn sạch để nói chuyện như mọi khi. Tạo cũng không ra trước căn phố hóng mát như thỉnh thoảng chàng hay làm. Phía trước náo nhiệt lắm, mà chàng thì cần tĩnh trí để suy nghĩ.

Chàng mở cửa sau ra ngoài. Nơi đó là một đám đất trống. Năm ngoái có mấy gia đình ở đâu tản cư về ngoại ô nầy, cất núp sau dãy phố chàng ở mấy cái nhà lá mà chàng không bao giờ đếm thử cho biết số. Chàng ngạc nhiên thấy chuối đã mọc cao quanh mấy nhà lá đó. Mấy tháng trước đây, xóm nhà đó trơ trọi, khô khan lắm, bây giờ nó có vẻ ấm cúng thân mật như ở nhà quê. Có bóng người đi trên đường mòn giữa mấy nhà, có khói lam ôm ấp mái đưng chưa kịp thâm đen, có tiếng chó sủa, có tiếng trẻ nô đùa sau bụi đinh lăng. Gió chiều lay động những tàu chuối tơ, khiến Tạo nghe vui vui trong lòng, tưởng như mình về quê, đang đứng trước một cảnh trong làng.

Tuy vậy, chàng cũng không quên sự khó chịu nhen nhúm trong lòng chàng từ lúc nãy khi nhìn thấy sự thay đổi bất ngờ của cảnh vật. Mấy tháng nay chàng yên trí là xóm nhà lá đó xơ rơ lắm. Nay sự sầm uất đã bắt chợt sự yên trí của chàng một cách đột ngột quá. Thật tình chàng cũng sung sướng thấy họ được mát mẻ, vui vầy hơn. Nhưng chàng vẫn khó chịu vì sự yên trí bị quấy rầy. Chàng thở dài: “Thì ra cái gì cũng thay đổi hết!” Chính lòng chàng đã và đương thay đổi và chàng đau khổ về sự thay đổi bên trong ấy nó đã hành hạ chàng mười mấy năm nay.

Tạo là một kiến trúc sư nghèo. Mặc dầu vậy, trong những giờ rảnh chàng cũng vẽ cho chàng một kiểu nhà. Biết đâu ngày kia chàng sẽ có nhiều tiền.

Chàng làm công việc ấy với tất cả linh hồn và tấm lòng chàng. Chàng say sưa vuốt ve những hình ảnh của khung cảnh tưởng tượng, của một mặt tiền sáng rỡ, nhẹ nhàng. Ðó sẽ là giai tác của chàng. Chàng sẽ bắt vật liệu ca hát những điệu thơ thới vui tươi.

Chàng vui sống bao năm với những màu sắc những đường nét hiện lên trong trí chàng. Rồi chàng ghi những cái ấy lên giấy, kết hợp chúng nó lại thành một cái gì có thiệt, tuy chỉ mới là hình vẽ.

Nhưng một kiểu nhà vừa vẽ xong thì chàng thấy hết thích ngay, tìm tòi một hình dáng khác, những màu sắc khác, thích hợp với lòng chàng lúc bấy giờ. Óc thẩm mỹ chàng biến chuyển vùn vụt, chàng nghe muốn chóng mặt. Tạo nghe nơi trí và lòng chàng bao thời đại nghệ thuật đi qua trên đó. Lòng chàng đau khổ vì không định cư một nơi nào hết mặc dầu chàng rất muốn yên thân với một hình thức, một màu sắc lào đó.

–     Mẹ, sập hoài!

Tạo giựt mình, dòm xuống cỏ. Trên khoảng đất hẹp giữa xóm nhà lá và dãy phố chàng ở, một đứa bé chừng năm tuổi đương ngồi chơi gì trên cỏ. Ðứa bé ở trần, đưa lưng đen thui lại phía chàng. Nó mặc một cái quần dài đen. Chàng bước sấn lại thì thấy nó đương lay hoay với những cành cây nhỏ và ngắn. Nó cặm trên cát bốn cành cây đầu trên có nạng, rồi gác ngang lên nạng những cành khác. Thì ra nó chơi cất nhà. Khi nó vừa phủ lên cái giàn đó một tấm lá chuối để làm nóc nhà thì gió ở đâu thổi đến. Nóc nhà của nó bay lên, bốn cây cột đều ngã. Thằng nhỏ gương mặt dễ thương nầy tức giận chưởi thề nữa, nhưng không nản chí, bắt đầu xây dựng lại. Gió lại thổi lên phá hoại công trình của nó. Lần nầy nó nắm chặt hai tay, bậm môi như muốn đánh ai. Ðoạn nghĩ ra điều gì, nó cởi tuột quần ra, mò dưới cỏ tìm gặp hai sợi dây chuối, nó cột túm hai ống quần lại. Nó phành lưng quần đưa trước gió như người lớn phành bao bố hứng gạo và nói: “Nhốt mầy lại coi mầy còn phá nữa hết”. Gióchun vào thổi phồng quần lên. Hai ống quần bọc no nứt gió, bay nằm ngang trên không trung như hai khúc dồi. Nó vừa muốn túm lưng quần lại đề gói gió trong ấy, thì chợt nhận ra rằng ở đâu cũng có gió hết, gió chạy trên người nó để trôi ra phía sau, gió thổi cát bay, gió lay tàu chuối.

Tạo thích quá, nhìn mê cử chỉ dại dột, ngây thơ mà hay hay của đứa bé. Ðứa bé đang lính quính vì gió nhiều quá không biết đâu mà hốt cho hết. Một tay nó thả lưng quần, cào gió lại, chơn nó đá như muốn đuổi gió đi.

Chỗ đó là một đám đất bị nhà vây chung quanh. Gió cao rơi vào, không lối ra, chạy quanh quẩn, không có hướng nhứt định.

Một cơn gió đổi chiều làm cho cái quần nó ốm xếp ve và bành bạch bay day qua hướng khác.

Thằng bé thấy mình thất bại vội bỏ quần xuống đất, giăng tay ra rước gió. Nó hít gió, nó nuốt gió, mặt nó sung sướng trông thấy. Ðoạn nó cầm quần lên phành lưng đưa trước chiều gió mới. Lần nầy nó không có ý nhốt gió nữa mà lại hớn hở nhìn hai ống quần no như hai khúc dồi. Nó giỡn với gió chớ không ghét gió nữa.

Tạo mỉm cười nói lầm thầm: “Thằng nhỏ biết điều quá”.

–     Leo ơi! – Ðó là tiếng đàn bà kêu sau bụi chuối. Thằng bé dạ một tiếng rồi xách quần dùng dằng chạy vào xóm nhà.

Cảnh thằng bé nhốt gió in vào trí Tạo một ấn tượng mạnh. Chàng nhìn theo cái lưng đen, lăn xăn chạy vào nhà, ngơ ngẩn như nguồn cảm hứng đang mất đi.

–     Thằng nhỏ biết điều quá!

Chàng tự nhắc lại câu đó, và băn khoăn về những lời thằng Kiệt hồi nãy, giữa bữa ăn.

–     Mình có biết điều như thằng bé nầy không? Những ý nghĩ của con, mình có theo dõi lòng nó được mà ngăn cấm mãi chăng?

Tạo thở dài. Có một khi kia trong đời chàng, Tạo là một đứa con hư, một thằng giặc nhỏ. Cha mẹ chàng đã sợ, đã giận những ý tưởng táo bạo của chàng. Và chàng đã có dịp tức mình sao cha mẹ cứ không hiểu mình. Lần lần chàng có ý thức về sự xung đột giữa cha mẹ và chàng. Chàng thuộc về phái cấp tiến nhứt của đám người theo Tây học thì xung đột với ngàn năm tư tưởng Ðông Phương là sự thường.

Nhưng chàng đã ngỡ cái bước tiến của chàng là cái bước cuối cùng. Thế hệ của chàng và những thế hệ sau không còn đụng chạm nhau nữa. Và cuộc đời sẽ dễ chịu lắm khi lớp người già trước chàng chết hết.

Nay thằng con chàng tái diễn lại sự xô xát ngày xưa. Ðó là hình ảnh rất trung thành của cảnh gay cấn hồi trước.

Chàng đâm ra hoài nghi. Phải chăng lòng và trí người luôn luôn thay đổi và cái văn hóa Tây phương mà chàng hấp thụ được và tưởng là bất di, bất dịch cũng đương biến chuyển mà chàng không dè.

Có thể như vậy lắm. Là vì chàng đã luyện con theo óc của chàng, chàng không cổ hủ, mà sự xung đột lại bắt đầu.

Chàng có thề cấm thằng Kiệt bỏ rơi chàng lại sau chăng? Không! Chàng biết lịch sử nhân loại. Không có một thí dụ nào chứng tỏ rằng người ta có thể ngăn cản tư tưởng được hết. Nó như làn sóng vỡ bờ, lôi cuốn tất cả mọi chướng ngại vật. Và như làn sóng, nó sẽ chết đi nơi bờ bến nào đó, trong khi những làn sóng khác tiếp nhau mà rượt nó. Nó sẽ chết như vậy, và chỉ như vậy thôi.

Tạo bùi ngùi thương cha mẹ đã hoài công thắc mắc vì tư tưởng chàng. Cha mẹ chàng, mặc dầu với gia huấn nghiêm khắc, không bao giờ ngăn được chàng có một nhân sinh quan khác hẳn người được.

Tạo thở dài: “Già rồi, ta đã già quá rồi! Cái lớp thằng Kiệt sẽ có những ý nghĩ khác!”

Bỗng chàng hốt hoảng như kẻ bộ hành đi trễ, nhìn người mau chơn đã mất hút đàng xa, xa đến mút tầm con mắt.

Nhưng thật tình, từ giờ phút đó, chàng không ghen tỵ nữa với kẻ đi mau, và chỉ bâng khuâng thấy mình bị bỏ rơi lại, bơ vơ trên đoạn đường dài.

Tạo trở vào nhà khi đèn điện bừng sáng.

–     Mình soạn tiền lại, mai tôi mua xe máy cho thằng Kiệt.

Vợ Tạo trố mắt nhìn, soi mói. Ðể trả lời điệu bộ thăm dò của vợ, chàng nói: “Nhốt gió vô ích!”

Vợ Tạo càng nhìn chồng trừng trừng, không hiểu gì mà lại có nhốt gió.

Thằng Hòa thì hoan nghênh bằng đôi mắt sáng rực. Nó vội chạy qua buồng bên để cho anh nó hay tin lành.
Nguồn:
© Binhnguyenloc.com

Tác giả: Trương Thanh Nhã
Phong tỏa là một hành động mang tính chất thù địch nhằm tiêu hao sinh lực đối phương bằng vũ lực để đạt được những thỏa thuận, lợi ích về mặt kinh tế hay chính trị. Đến cuối thế kỷ 19, hình thức phong tỏa trong chiến tranh đã trở thành một luật tục được chấp nhận rộng rãi trong quan hệ quốc tế.
Ngay từ khi các quốc gia xuất hiện và nảy sinh xung đột, bên cạnh hình thức chiến tranh, các quốc gia cũng sử dụng hình thức phong tỏa để triệt tiêu nguồn cung cấp lương thực cho thành lũy đối phương nhằm giành được các mục đích kinh tế hay chính trị mà không phải tiến hành các cuộc chiến tranh hao người tốn của. Việc phong tỏa này ban đầu đối với các thành lũy đơn lẻ chỉ được xem là những cuộc vây hãm bằng lực lượng quân sự nhất định. Về sau, khi quan hệ quốc tế ngày càng phát triển, hình thức vây hãm thành lũy phát triển trở thành hình thức phong tỏa trên bình diện quốc gia.
Đất liền phong tỏa biển khơi
Đây là một chiến lược đặc biệt trong lịch sử chiến tranh do Napoleon nghĩ ra nhằm bao vây, cô lập nước Anh. Ông tiến hành xây dựng nên liên minh các quốc gia lục địa bằng các cuộc chinh phạt và cấm các quốc gia này buôn bán với nước Anh sau thất bại của Pháp trước các hạm đội hùng mạnh của Anh. Chiến lược này thất bại do Anh sở hữu một hệ thống thuộc địa rộng lớn đủ sức hỗ trợ cho nền kinh tế trong nước. Sự thất bại của chiến lược này cũng một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của biển trong chiến tranh và trong quan hệ quốc tế
Ngay từ thời cổ đại, việc phong tỏa kinh tế một thành bang hay một quốc gia đã cho thấy vai trò của việc phong tỏa đường biển bằng hạm đội. Các cuộc phong tỏa trên đất liền thường không đạt được hiệu quả như mong đợi. Lý do là việc giao thương bằng đường thủy đem lại khả năng chuyên chở lớn hơn nhiều so với hình thức vận tải bằng đường bộ nên hầu hết các tuyến đường mua bán lớn đều là các tuyến giao thông đường thủy. Trong cuộc chiến tranh Peloponnese lần thứ hai, quân đội Sparta đã phong tỏa các tuyến đường bộ của Athens nhưng thất bại. Phải đến khi thủy quân Sparta phong tỏa được các tuyến đường thủy của Athens, cắt đứt nguồn vận chuyển lương thực thì Athens mới chính thức đầu hàng.
Cuộc phong tỏa Berlin
_71750_berlin_divides300
Sự phân chia của Berlin sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 (Nguồn: BBC)
Đây là cuộc phong tỏa đường bộ lớn nhất trong lịch sử khi Liên Xô phong tỏa các tuyến đường giao thông đến Tây Berlin từ tháng 6 năm 1948 đến tháng 5 năm 1949. Mỹ, Anh và Pháp phải tổ chức các cầu hàng không nhằm tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm cho khu vực này trong suốt thời gian bị phong tỏa. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh, máy bay được sử dụng để chống lại các cuộc phong tỏa và đạt được kết quả khả quan. Cuộc phong tỏa kết thúc khi các cường quốc Tây Âu chấp nhận đàm phán với Liên Xô vào năm 1949.
Các hình thức phong tỏa
Phong tỏa tầm gần: là việc sử dụng lực lượng hải quân áp sát các bến cảng quan trọng của đối phương, ngăn chặn việc giao thương của thành phố hay quốc gia đó ngay từ bến cảng. Hình thức này đặc biệt khó khăn khi phải duy trì một hạm đội liên tục ở một vị trí, xa rời các khu tiếp tế và dễ rơi vào tầm tấn công quấy phá của lực lượng bị phong tỏa. Chẳng hạn như trong cuộc chiến tranh năm 1812 giữa Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ và Đế chế Anh, hải quân Hoa Kỳ sử dụng những chiến thuyền nhỏ liên tục quấy phá các hạm thuyền phong tỏa hải cảng của hạm đội Anh, dẫn đến sự thất bại của chiến dịch phong tỏa này. Chính vì thế nên hình thức này về sau càng ít được áp dụng mà thay bằng biện pháp phong tỏa tầm xa.
Phong tỏa tầm xa: là hình thức sử dụng hạm đội cắt đứt các tuyến đường trên biển từ xa mà không cần áp sát các cảng biển của đối phương. Hình thức này dần trở nên phổ biến trong thời kỳ cận và hiện đại khi các lực lượng hải quân ngày càng có tính cơ động cao, khả năng đánh chặn và rút lui nhanh chóng. Tuy nhiên, hình thức này lại có yếu điểm là dễ bị phục kích và đánh chặn, hơn nữa các tuyến đường biển khá nhiều nên việc không bám sát các tuyến này dễ để lọt các thương thuyền đi qua khiến cho chiến dịch phong tỏa mất tác dụng. Trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và thứ hai, hải quân Đức đã sử dụng lực lượng tàu ngầm U-boat phong tỏa các tuyến buôn bán đường biển của Anh nhưng không thực sự thành công do thường xuyên bị phục kích và lực lượng phong tỏa cũng quá mỏng để có thể chặn toàn bộ tuyến đường buôn bán trên Đại Tây Dương của Anh. Trong cuộc Khủng hoảng tên lửa Cuba, Mỹ cũng đã dùng lực lượng hải quân để tiến hành phong tỏa toàn diện đối với Cuba, bất cứ tàu thuyền nào tới Cuba đều phải chịu sự kiểm tra của các chiến hạm Mỹ, nếu chống lệnh sẽ bị bắn chìm. Lệnh phong  tỏa này đã gây áp lực lớn lên Cuba và Liên Xô, góp phần dẫn tới những nhượng bộ từ phía hai nước này và giúp cuộc khủng hoảng được tháo ngòi sau đó.
“Phong tỏa” trong các công ước quốc tế
Vào nửa cuối thế kỷ 19, do tính chất phổ biến của biện pháp phong tỏa trong chiến tranh, biện pháp này được các quốc gia Châu Âu chính thức hóa trở thành một trong những biện pháp hợp pháp trong chiến tranh qua Tuyên bố Paris năm 1856 và Tuyên bố Luân Đôn năm 1909 về chiến tranh. Trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, chương VII về thẩm quyền của Hội đồng Bảo an cũng cho phép các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc sử dụng bất cứ biện pháp nào (kể cả biện pháp phong tỏa) để đảm bảo an ninh nếu được sự đồng thuận của Hội đồng theo điều 51 để tự vệ cho đến khi Hội đồng Bảo an có một giải pháp cho vấn đề đó.
Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).
Hình: Máy bay Mỹ hạ cánh tại sân bay Tempelhof trong cuộc không vận nhằm đối phó với việc Liên Xô phong tỏa Berlin. Nguồn: Tumblr.com.
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/02/20/phong-toa-blockade/#sthash.BWRLoBMO.dpuf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời Nghe và Xem Thơ,Nhạc : HỬNG HỜ : Thy Lệ Trang,LHN Và Các Thi Hửu

Kính mời quí anh , chị nghe bài hát mới có tên Hững Hờ . Nhạc được trích từ một nhạc phẩm không lời tên Indifference . Lờ...