Nhiều thế kỷ trước đây,
trên các dãy núi cao ở phía Tây Tây Tạng, người Tượng Hùng (Zhang Zhung)
đã xây dựng một nền văn minh hoàn chỉnh với các tiến bộ khoa học kỹ
thuật, một nền nghệ thuật đặc sắc, phong phú cùng một đền thờ đứng đầu
bởi một vị Thần tối cao với nguồn gốc kỳ lạ, phi thường.
Trong
hơn 25 năm, Giáo sư John Vincent Bellezza, một nhà nghiên cứu cấp cao
(senior research fellow) từ Trung tâm Tây Tạng thuộc trường Đại học
Virginia, đã tiến hành nghiên cứu khảo cổ những cư dân từ thời kỳ Đồ Đá ở
phía Tây Tây Tạng cũng như các vị Thần và nền văn hóa của họ.
Trang
blog của ông có ghi: “Trước khi có những nghiên cứu chuyên sâu về vùng
Thượng Tây Tạng của tác giả (GS Bellezza) vào những năm 1990 và 2000, có
rất ít điều được biết đến về tộc người Tượng Hùng. Người Tây Tạng đã
quên mất những thành tựu trước đây của họ và Đảng Cộng sản Trung Quốc
cũng không biết được cái gì đã từng nằm trên vùng cực hạn của Cao
nguyên”.
Trang blog đã
cung cấp một bản tóm tắt từng chương từng chương được viết tay rất đẹp
của một trong những cuốn sách của GS Bellezza về tộc người Tượng Hùng,
vốn từng cư trú tại một khu vực định cư cách thủ đô Lhasa, Tây Tạng
1.500 km về phía Tây Bắc. Khu vực này có hồ, đồng bằng cùng với những
dãy núi dài. Hiện nay, khu vực này có rất ít người sinh sống, trái ngược
với trong khoảng thời gian từ 500 TCN cho đến 625 SCN, khi ông cho rằng
khu vực này có nhiều người sinh sống hơn. Cùng xem một số đoạn trích từ
bản tóm tắt của ông:
Một quần
thể kiến trúc đáng kinh ngạc là minh chứng cho sự hiện diện của người
Tượng Hùng từ khoảng 1000 TCN. Các tòa lâu đài tọa lạc trên các khu đất
cao, bao xung quanh các vùng trồng trọt nông nghiệp, đền chùa được xây
dựng trong những ngõ ngách ẩn khuất và các lăng mộ rải rác trên các vùng
đất chưa được khai hoang. Nhiều pháo đài và đền chùa đã được xây dựng
hoàn toàn bằng đá, trong đó sử dụng những khối đá nặng để chống đỡ phần
mái nhà. …
Công trình được xây dựng hoàn toàn bằng đá này và 16 cái khác được cho là nơi tộc người Tượng Hùng cổ đại đánh dấu sự giáng trần của Gekhoe, vị Thần tối cao trong tín ngưỡng Đạo Bon của họ. (Ảnh: GS John Vincent Bellezza)
“Vùng
Thượng Tây Tạng có chứa nhiều bức tranh hoạt cảnh nghệ thuật phong phú,
minh họa cảnh tượng đời sống hàng ngày ở Tượng Hùng. Xuyên suốt khắp
vùng đất rộng lớn này, các bức chạm khắc và các bức họa trên đá tô điểm
cho những dãy tường của vách đá và hang động. Những tác phẩm nghệ thuật
này ghi chép những trận chiến, những cuộc thi đấu thể thao, hoạt động đi
săn, chăn nuôi, và các tín ngưỡng tôn giáo bằng những hình họa rất chi
tiết. Không một phát hiện nào khác có thể phác họa xã hội Tượng Hùng một
cách sống động và gần gũi như vậy”.
Trong
một email trao đổi với Ancient Origins, GS Bellezza đã viết: “Có cả các
khu chăn nuôi và canh tác ở miền tây Tây Tạng cổ đại. Một loạt các hiện
vật đã được khai quật từ các lăng mộ trong những năm gần đây, và một số
khác đã xuất hiện trên thị trường nghệ thuật và đồ cổ quốc tế, từ các
loại đá quý cho đến một loạt các đồ đúc kim loại, đồ gốm sứ, đồ gỗ, lụa
và vải dệt len”.
Các ký
ức về Tượng Hùng đã được lưu giữ trong các truyền thuyết, huyền thoại,
và thậm chí là lịch sử, phác họa một bức tranh toàn cảnh về văn hóa và
xã hội của họ.
“Họ ghi
chép lại việc xây dựng các lâu đài, đền chùa, lăng tẩm, hệ thống tưới
tiêu và phân xưởng”, ông đã viết. “… Trong khi tầng lớp thượng lưu sinh
sống trong các thành trì chắc chắn phân tán khắp nơi trong lãnh thổ
Tượng Hùng, thì nông dân và những người chăn nuôi lại có nhà cửa khiêm
tốn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, các mối quan hệ mang tính thị tộc và lễ
nghi đã kết nối rất nhiều tầng lớp khác nhau của xã hội lại thành một
liên minh vững chắc, chiếm ưu thế trong nhiều thế kỷ”.
Các vị
Thần của người Tượng Hùng vào thời Đồ Đá vẫn được thờ cúng trong tôn
giáo Bon của Tây Tạng vào những năm về sau. Đoạn miêu tả của GS Bellezza
về sự xuất hiện của vị Thần tối cao Gekhoe của người Tượng Hùng trên
blog của ông là rất đáng để chúng ta tham khảo:
Các
kinh thư của Đạo Bon nói rằng vào cái thời hỗn nguyên của vũ trụ, Thần
Gekhoe xuất hiện từ một quả trúng nạm đá quý rực rỡ. Quá trứng rực rỡ
này bắt đầu hạ xuống trái đất thông qua trung gian iha ánh sáng, một
sinh mệnh nguyên thủy. Sau đó, hòa lẫn với ánh hào quang của núi cha và
hồ mẹ, quả trứng bắt đầu nở. Từ quả trứng thần kỳ này nở ra Gekhoe, lãnh
chúa của đất đai, với hình tượng một con bò yak hoang dã, dữ tợn. Con
bò yak trong suốt thần thánh này hạ xuống lãnh thổ Tượng Hùng đằng sau
‘Ngọn núi Tuyết Vĩ đại’. Vào thời đó, Trái Đất rung chuyển theo sáu cách
khác nhau và đại dương xoáy tít đang tỏ ra ảm đạm. Do đó, trên bầu trời
ở đó xuất hiện một luồng ánh ánh sáng rực rỡ, các thanh âm mỹ diệu vang
vọng trong không gian, và các bông hoa đẹp và rất nhiều những hiện
tượng kỳ diệu khác đã xuất hiện trên Trái Đất. Các tảng đá trên đỉnh
Ngọn núi tuyết Vĩ đại đã rơi xuống cặp sừng bốc cháy của Gekhoe và ông
đã hảy chúng sang bên trái và phải với đầu cặp sừng của mình. Người ta
nói rằng thậm chí cho đến tận ngày nay các dấu sừng và dấu móng của
Gekhoe vẫn có thể được nhìn thấy trên những tảng đá đó. Trong giai đoạn
cuối cùng của thần hệ, hình tượng một con bò yak vĩ đại đã được chuyển
hóa thành ánh sáng và tan biến vào Ngọn núi Tuyết Vĩ đại, và kể từ đó
tái hiện dưới vô số các hình tượng khác.
Trong
trao đổi với Ancient Origins, ông nói rằng việc một vị thần sáng thế
được sinh ra từ một quả trứng là một mô típ chung trong thần thoại.
Gekhoe vẫn còn là một bộ phận trong quần thể các vị Thần của đạo Bon.
“Ông là
một vị Thần giám hộ quan trọng trong tôn giáo này và thường xuất hiện
dưới hình thức một vị Thần trong Mật Tông Tây Tạng với 18 cánh tay”, GS
Bellezza đã viết trong email. “Người phối ngẫu của ông là Drablhai
Gyalmo, vốn từng là một vị Thần quan trọng ở khu vực miền tây Tây Tạng.
Cô thường xuất hiện dưới lớp vỏ một nữ chiến binh. Chém giết quỷ có lẽ
là một trong những chủ đề phổ biến khác hiện diện trong rất nhiều nền
văn hóa. Thật sự rất khó để nói chính xác rằng khi nào loại hình tín
ngưỡng này đã xuất hiện nhưng có lẽ vào khoảng rất sớm trong lịch sử
nhân loại”.
Theo GS
Bellezza, trong tôn giáo hiện được biết đến với cái tên “Đạo Bon vĩnh
hằng”, Gekhoe là vua của các vị Thần và có nhiệm vụ trông chừng tất cả
các chúng sinh ở miền tây Tây Tạng. Ông cai quản rất nhiều các linh hồn,
một số rất mạnh, số khác thì không. Từ “Gekhoe” phiên dịch từ tiếng
Tượng Hùng có nghĩa là “Người giết Quỷ”. Nhưng trong khi vương quốc
Tượng Hùng có niên đại từ 500 TCN, các tư liệu lại miêu tả thần Gekhoe
không xuất hiện lâu hơn quá 1000 năm, trong khoảng giai đoạn cuối cùng
khi tôn giáo cũ được sáp nhập vào các khái niệm và nguyên lý của Phật
giáo vốn đang dần được du nhập vào vùng đất này.
Tuy
nhiên, GS Bellezza đã đến một khu định cư bằng đá thời tiền sử mà ông
cho rằng chính là nơi theo nhìn nhận của người Tượng Hùng Gekhoe đã
giáng hạ xuống đến Trái Đất. Khu dân cư phức hợp dường như đã có các
chức năng công lợi và tôn giáo, ông viết. Nguồn gốc của khu định cư này
đã bị thất lạc trong dòng chảy của lịch sử. Chúng đã không được lưu giữ
trong cả các truyền thống văn chương hay truyền miệng của tôn giáo Đạo
Bon Vĩnh hằng. Khu định cư này có 17 tòa nhà có gắn các tay đỡ bằng đá
xây theo kiểu kiến trúc được sử dụng ở vùng Thượng Tây Tạng vào thiên
niên kỷ thứ nhất TCN, tuy rằng vẫn chưa biết rõ niên đại xây dựng chính
xác của nó.
Các cấu
trúc này tọa lạc tại vị trí độ cao khoảng từ 5130 m đến 5250 m trên mặt
nước biển. Như vậy nó nằm bên trên độ cao con người có thể sinh sống một
cách thoải mái. Họ có thể sống ở đó trong thời kỳ Đồ Sắt bởi vì khí hậu
lúc đó ôn hòa hơn và cũng bởi vì con người thời đó khá cường tráng và
có kỹ thuật cao, vị giáo sư cho biết.
Khu vực
định cư này và nền văn minh Tượng Hùng nhìn chung đã phải hứng chịu tình
trạng biến đổi khí hậu và sự thoái hóa môi trường sống, GS Bellezza
viết. “Tuy nền văn minh Tượng Hùng đã biến mất từ lâu, một số trong các
cơ sở căn bản của nó vẫn có sức ảnh hưởng rất lớn trong trái tim của
những người dân Tây Tạng. Hàm ý ở đây là rất rõ ràng: linh hồn của con
người và những gì nó trân quý sẽ không bao giờ lụi tàn”. GS Bellezza đã
viết rất nhiều về Geknoe trong hai quyển sách của ông có tựa đề Calling
Down the Gods (2005) và Zhang Zhung (2008).
Tác giả: Mark Miller, Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét