Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016

Miền Tây Chịu Hạn Nghiêm Trọng Nhất Trong 100 năm



Gần 340.000 ha, chiếm 22% trong tổng số 1,55 triệu ha lúa đông xuân tại miền Tây đang bị xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt trầm trọng do hạn. Đây là đợt hạn hán và mặn xâm nhập đặc biệt nghiêm trọng, nặng nhất 100 năm qua ở miền Tây.

Sáng ngày 17/2, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nói tại “Hội nghị phòng chống hạn, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long” dù đã có biện pháp ứng phó nhưng thiệt hại vẫn xảy ra nghiêm trọng, do vậy cần phải cấp bách thống nhất các biện pháp ứng phó thiên tai.
Theo Bộ trưởng Phát, trước mắt phải bảo vệ vụ lúa đông xuân 1,55 triệu ha trên đồng, đồng thời các địa phương phải có giải pháp tầm nhìn tương lai để ứng phó với tình trạng hạn và xâm nhập mặn khốc liệt, gay gắt hơn.
Theo Bộ Nông nghiệp, từ năm 2014 do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm, tổng lượng mưa trên lưu vực thiếu hụt 20-50% trung bình nhiều năm. Mực nước thượng nguồn sông MeKong tiếp tục xuống nhanh và thấp nhất trong vòng 90 năm qua.
Mùa khô năm nay do thiếu nước ngọt, mặn xuất hiện sớm 2 tháng và nhiều khả năng kết thúc muộn. Hiện, trên các hệ thống sông chính ở miền Tây, mặn xâm nhập sâu 40-93 km, tăng 10-15 km so với các năm trước.
Gần 340.000 ha trong tổng số 1,55 triệu ha lúa đông xuân tại miền Tây có nguy cơ bị xâm nhập mặn và hạn. Trong đó, 104.000 ha lúa bị thiệt hại nặng nề, hàng chục nghìn ha bị chết.
Thực tế là Vĩnh Long nằm rất xa biển nhưng lần đầu đã bị nước mặn tấn công, còn Kiên Giang đã công bố tình trạng thiên tai hơn 40.000 ha lúa bị chết, đời sống sản xuất của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng… Nhiều khả năng, các địa phương Bến Tre, Trà Vinh, Vị Thanh, Rạch Giá thiếu nước ngọt sinh hoạt từ 2 tháng trở lên.
Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lương thực, chiếm 55,5% sản lượng lúa, 70% trái cây, 69% thủy sản của cả nước. Do vậy nếu ảnh hưởng đến hơn 22% diện tích lúa như vậy thì hậu quả đối với sản xuất nông nghiệp năm nay sẽ rất lớn, vì thế việc phòng chống hạn, mặn cho vùng này là vấn đề sống còn.
Theo dự báo, lượng mưa 6 tháng đầu năm 2016 ở ĐBSCL có khả năng cao hơn 10-20% năm trước nhưng tổng lượng dòng chảy sông Mê Kông về khu vực lại có nguy cơ thiếu 20-40% so với trung bình nhiều năm. Do đó mực nước sông Cửu Long sẽ ở mức thấp và chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều.
Xâm nhập mặn cao, sớm, sâu hơn mùa khô năm 2015 và trung bình nhiều năm (trên sông Tiền, sông Hậu độ mặn 4g/lít, xâm nhập sâu 50 – 60km, có thời kỳ trên 70 km). Độ mặn trên sông Cửu Long và các kênh rạch sẽ tăng cao, kéo dài từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 5/2016.
Về lâu dài, ĐBSCL được đánh giá là một trong những khu vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Theo kịch bản biến đổi khí hậu, đến cuối thế kỷ 21 nước biển có thể dâng gần 1 m. Đồng thời, các nước từ thượng nguồn đã và đang có những tác động đến dòng chảy sông Mê Kông nên nguy cơ tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở ĐBSCL ngày càng gay gắt.
Vì thế đòi hỏi các cơ quan quản lý, chính quyền trung ương, địa phương phối hợp để ứng phó, tiết kiệm nước, làm đê chống mặn, chuyển đổi vật nuôi, cây trồng phù hợp hơn để giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất và đời sống của nhân dân.

Thành Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ (Dỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :                Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ                                       Ăn x ổi  ở th ì,...