Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

AI BẢO NGHỈ HƯU LÀ KHỔ?



     
                                          _______________________

        Tôi đã đọc đâu đó một tiểu luận nói về hưu, ở đó có nói dân Nam Kỳ như tôi cứ quen miệng phát âm là về “hu”, khiến những người bạn Bắc Kỳ khó tính thường nhăn mặt. Nói “hu” nghe như huýt gió, vui tai; nói “hưu” phải méo miệng, méo môi không dễ, nhưng đàng nào thì cũng có một nghĩa là thôi, là nghỉ, là không còn vật lộn với đời … Tôi có ông anh hay chữ Nho còn ở Việt Nam, nghe tôi quyết định hưu trí … đã dạy tôi rằng: Hưu của chữ Nho bao gồm hai bộ chữ, Nhân và Mộc … có nghĩa là một người về hưu là có thể ngồi an nhàn dưới gốc cây rồi hát thầm thơ chuyển ý.
Ai bảo khi hưu là khổ?
Khi hưu sướng lắm chứ!
Mình được hưu ta ngồi vô tư, lòng chẳng thấy bâng khuâng…..
        Năm nay tôi tròn 61 tuổi. Cách đây 2 năm tôi đã định kế hoạch về hưu ở tuổi 60. Thế nhưng, một hôm tôi đưa vợ đến vấn an một ông quan to, tuổi lớn hơn tôi, tận mắt chứng kiến cảnh huynh trưởng nhà mình không lợi tức, bị vợ con đối xử không được mặn mà, ưu ái cho lắm, tôi đâm phân vân suy ngẫm câu:
                           Chưa hưu đời đã buồn thiu,
                           Hưu rồi đời sẽ hắt hiu thế nào?!
         Sau đó, huynh trưởng đã có công ăn việc làm, và phong độ cũng đã gia tăng theo túi tiền mà phục hồi hiên ngang dần, vợ con nể trọng vô cùng!
         Do vậy năm rồi, đúng 60 tuổi, sợ quá, tôi không dám về hưu và cứ chần chờ, do dự. Mãi đến khi con gái đầu lòng của tôi cùng với mẹ nó nài nỉ đủ điều, tôi mới đủ can đảm quyết định chính thức về hưu … trễ hết một năm theo dự trù.  
        Hưu rồi, dứt bỏ gánh nặng của đời, tôi mới thực sự hối hận là mình đã về hưu muộn mất một năm. Đời sống hưu sao mà nhẹ nhàng, thanh tao quá! Chỉ có một chuyện chưa quen là mới 7 giờ sáng, chim ngoài vườn đã ca hót líu lo, không làm sao tiếp tục nằm vùi thêm được. Về hưu rồi mới thấy đời sống hết sức tự do, muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm, không ràng buộc, không cần tuân theo giờ giấc.
        Ban mai, lúc nào thích, thả bang ra bờ sông cạnh nhà, thiền hành dọc theo dòng nước chảy lững lờ, hoặc ngã lưng nằm dài trên bãi cỏ công viên mà ngắm mây trời vô tư trôi dạt về một phía chân trời xa xăm. Trưa thả bộ đến hồ tắm, tha hồ vùng vẫy, lặn hụp, vừa bàn chuyện khào với những người bạn già mới quen, hoặc chưa từng gặp bao giờ. Chiều xuống nhà có sẵn vườn trước, vườn sau, tưới kiểng, ngắm hoa chờ bụng đói.
        Muốn đi Footscray ăn phở, hay xuống China Town dạo phố phường; chỉ cần thả bộ mấy mươi bước, đón xe tram, xe bus; mua vé giảm giá ngược xuôi suốt ngày, muốn về lúc nào cũng êm, chẳng ai buồn nhắc nhỡ, chẳng ai thắc mắc mong chờ … Tiếc một chuyện là tôi chưa mời được ông anh kính mến thông thạo Nho ngữ của tôi sang Úc đây chơi một chuyến, để cho ông tận mắt chứng kiến: Ngoài khu vườn sau không kể, cạnh nhà còn có một công viên mênh mông, đầy cây xanh, rợp bóng mát, mặc sức nằm ngồi dưới gốc cây.... sẽ thấy ý nghĩa chữ “hưu y như tiếng Nho tượng hình mô tả.
       Tôi nói điều này, thật sự không ngoa một chút nào cả: Cuộc sống vui thú điền viên của tôi sướng hơn Nữ Hoàng, nhẹ nhõm hơn quý thầy ở các Chùa Bát Nhã. Có đúng không quý vị?! – Nữ Hòang lúc nào cũng nơm nớp lo sợ đủ điều, sợ cả báo chí thường xuyên rình mò.… còn các Chư Tôn thì cũng phải chờ Phật tử bẩm thầy, bạch sư phụ kính mời thọ trai…..thật là phiền phức!
        Tôi thì chẳng sợ, chẳng phiền, chẳng chờ, chẳng cần gì cả; đói thì ăn, mệt thì ngủ. Lười thì có sẵn cơm trong nồi tự động giữ ấm 24/24, mì ăn liền dự trữ trong kho có thừa; siêng năng hăng hái hơn thì thì ra xe công cộng, đi xa một chút thì nào là cơm Việt, cơm Tàu, Sushi Nhựt Bổn; gần kề một bên thì Khu Shopping High Point, món ăn xứ nào mà thiếu, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Trung Đông cũng có luôn.
         Những buổi trưa nắng ấm chan hòa, tôi nằm đong đưa, kẽo kẹt chiếc võng quê hương tha hồ mà nhớ thương về con nhạn trắng Gò Công; dưới mái hiên nhà thủy tạ, gió hiu hiu mát rượi, tôi vừa đọc sách kim cổ, vừa nhắp chung trà Ô Long thượng hảo hạng, vừa nghe tiếng chim nhặt khoan, du dương bất tận, hòa lẫn với tiếng róc rách từ hòn non bộ …
        Đôi lúc giật mình, tôi tự cảm thấy cuộc sống của mình dạo sau này sao mà thiền tông và vô vi quá xá … giống như bốn câu thơ của Thiền Sư Trần Nhân Tông:
                          Ở đời vui đạo hãy tùy duyên,
                          Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền.
                          Trong nhà có bậu, thôi tìm kiếm,
                          Đói cảnh vô tâm khỏi phải thiền. 
         Nói rằng cuộc sống của tôi bây giờ thiền quá, có lẽ là tôi đang múa rìu qua mắt các vị thiền sư chuyên nghiệp, quý vị Thượng Tọa, Đại Đức khả kính; nhưng chắc chắn là tôi đang tập sống trọn vẹn theo bốn câu thơ con cóc mà tôi tự đặt ra làm mẫu mực cho tôi sau đây:
                          Từ độ về hưu..….sống rất nhàn,
                          Không danh, không lợi, chẳng lo toan.
                          Đươc thua, hơn thiệt, không màng tới,
                          Chỉ giữ cho lòng một thảnh thơi.
                                                 (Võ Đại Sinh-Úc Châu)
                          Chiều chiều về tới cổng nhà,
                          Nhà tôi trông ngóng từ nhà ngó ra.
                          Nghỉ hưu lẩn quẩn quanh nhà,
                          Nhà sau nhà trước, buồn vui với bà.

                                                  (Nguyễn Thượng Chánh)
                          Cuộc đời bỗng thoát mấy mươi năm,
                          Tuổi trẻ ngày qua nay tối sầm,
                          Tuổi hưu thanh thãn vui cùng vợ,
                          Tranh chấp buông xuôi chẳng kiếm tầm.
                                                    (Hồ Nguyễn)
        Việt Nam Tự Điển định nghĩa hưu trí là hồi hưu hay về hưu, thôi việc khi đúng hạn hay đúng tuổi theo quy chế và mỗi tháng hay mỗi ba tháng được lãnh một phần lương để dưỡng già. 
        Tự điển American Heritage định nghĩa hưu trí (Retire) là rời khỏi nghề nghiệp hay đời sống công cộng để sống nhàn rỗi (leisure) với lợi tức, tiền tiết kiệm hay tiền hưu của mình.
        Định nghĩa gọn, ngắn nhưng có nhiều điều cần được giải thích rõ ràng hơn, trước khi quyết định rời bỏ công việc. Vì nghỉ việc, về hưu là điều mà người công, tư chức nào cũng phải nghĩ đến ít nhất một lần trong cuộc đời. 
1. Cảm nghĩ về sự nghỉ hưu: 
       Có ý kiến cho rằng nghỉ hưu là cần thiết và là phần thưởng sau nhiều năm làm việc khó nhọc. Có người cho rằng đây là một cuộc nghỉ hè bất tận và không gián đoạn. Ta tự do quyết định và kiểm soát cách sử dụng thời giờ trong ngày. Ngủ dậy giờ nào cũng được. Không còn sáng thứ hai đầu tuần uể oải chẳng muốn đi làm. 


         Sáng ra, uống ly cà phê, vào giường nằm đọc tờ báo từ trang nhất tới trang cuối. La cà ở các trung tâm thương mại vào lúc vắng người. Đi du lịch, thăm viếng bạn bè gần xa. Làm những việc mà trước đây muốn làm nhưng không có thời giờ. 
         Đồng thời cũng để vui hưởng cuộc đời khi còn sức khỏe, kẻo mai mốt chống gậy run rẩy đi chơi hoặc phải nhờ vợ con xốc nách dìu đi thăm danh lam thắng cảnh thì cũng chẳng vui gì.
        Cũng có ý kiến dè dặt, cho rằng “điên à, về hưu thì chỉ chết sớm”.  
        Với những vị này, thời gian nghỉ hưu sẽ kéo dài vô vị và tẻ nhạt. Trước đây, đến sở đều đặn mỗi ngày, dù trong lòng vui hay buồn, thời gian nó qua mau. Bây giờ dư ra mỗi tuần hơn 60 giờ, làm gì cho hết. Không nhẽ hết rửa xe rồi lại lau nhà. Coi chừng kẻo lại mắc chứng buồn phiền, đau ốm. 
        Thống kê cho hay số người không làm việc, không có sinh hoạt gì, tự tử bốn lần cao hơn ở các nhóm khác, vì trầm cảm, căng thẳng thần kinh do quá nhàn rỗi gây ra.
        Nghỉ hưu mà không có sinh hoạt, chương trình thì nào có khác gì người thất nghiệp, và đã được xếp loại vào một trong chín nguyên nhân gây căng thẳng tâm thần trong đời sống. Nhất là đối với người đã giữ chức vụ cao, quan trọng thì khi về hưu cảm thấy như mình rơi vào khoảng không: mất uy quyền, địa vị trong xã hội, không còn là một thành phần của guồng máy lãnh đạo, bị lãng quên. Nếu không có một chương trình sống thì những người này dễ rơi vào tình trạng rối loạn tình cảm, rất trầm trọng ngay trong năm vừa mới về hưu và là môi trường màu mỡ cho bệnh tật tới thăm.
        Ý kiến khác lại cho rằng về hưu là một quan niệm không thực tế, hoang tưởng, ít người thực hiện được. Một trong những lý do chính là khi hoàn toàn nghỉ việc ở tuổi 65, khoảng 80% dân hưu sẽ bị thiếu hụt về tài chính. Trung bình, ta cần 70-80% lợi tức lúc đi làm để đủ chi dùng khi về hưu và sống thêm 15 hay 20 năm nữa. 

Họ cũng cho là công thức: thanh thiếu niên đi học để có kiến thức, trung niên đi làm, lập gia đình, nuôi con; già về hưu hưởng nhàn, cần được xét lại. Nó không giúp cho kinh tế quốc gia, là nguy cơ làm ngắn tuổi thọ, và làm thất thoát tài năng kinh nghiệm. 
        Khi một người tiếp tục đi làm thì sẽ có thêm tiền đóng vào quỹ hưu bổng, thay vì rút ra; sẽ tăng lợi tức ở tổng số người cao tuổi; số người nhận an sinh xã hội và hưu bổng sẽ giảm đi.  
        Về mặt tâm lý, người cao tuổi đi làm cảm thấy hãnh diện là còn hữu dụng cho xã hội. Về tuổi thọ, thì dân vùng Capcase được tiếng là thọ lâu, họ không hoàn toàn nghỉ việc, trừ khi bị bất lực thể chất. 
       Thống kê cho biết, người có nghề chuyên môn ít về hưu nhất, tiếp đến lớp lao động trí thức, thợ có tay nghề, rồi lớp lao động chân tay, không nghề chuyên môn.
        Những năm gần đây, khuynh hướng của nhiều người là về hưu đợt một, đợt hai rồi vĩnh viễn. 
        Sẽ có người nghỉ từ việc căn bản đã đeo đuổi gần suốt cuộc đời, để chuyển sang một công việc khác: việc trước đây muốn làm mà không có thì giờ, việc mới học do tiến bộ của kỹ thuật, khoa học. Họ có thể làm bán thời gian, làm việc tại nhà, làm theo giờ uyển chuyển, làm theo lối khế ước lãnh tiền theo dịch vụ, làm chung dịch vụ với người khác. 
       Cũng có người nghỉ phép định kỳ ở công việc chính để đi du lịch, học hỏi kiến thức mới, dung hòa được giữa làm việc và giải trí, nhàn rỗi. 
2-Những sửa soạn trước khi về hưu: 
        Khi đã quyết định về hưu thì phải sửa soạn cho chu đáo, nếu không hưu sẽ trở thành một nếp sống với nhiều căng thẳng vì ta sẽ chuyển từ giai đoạn năng động, có trật tự, đầy đủ vật chất, sang thời kỳ ngược lại: Nhiều thời gian nhàn rỗi, lợi tức giảm, liên lạc ít, trách nhiệm trong xã hội xuống dưới mức trung bình. 
        Theo ý kiến chung, có 4 vấn đề ta cần cân nhắc kỹ càng: Ổn định tài chính, duy trì sức khỏe, đặt mục tiêu cuộc sống và sắp xếp nơi ở. 
        Xin lần lượt tìm hiểu từng tiết mục qua kinh nghiệm của các nhà chuyên môn.
a. Ổn định tài chính. 
        Đây là điểm then chốt vì tài chính có thăng bằng thì mọi sắp xếp khác mới hanh thông. Phải có một kế hoạch cho nhu cầu vật chất của giai đoạn về già, không cần cao lắm, nhưng khi thiếu, nó sẽ là một thảm họa cho đời sống tâm thần, thể xác, đồng thời sẽ gây ra nhiều xáo trộn trong gia đình.
b. Duy trì sức khỏe. 
        Ngoại trừ khi mới sinh ra, ta trông cậy ở cha mẹ trong vấn đề duy trì sức khỏe và đời sống, dịch vụ này là việc ta phải tự thực hiện trong suốt cuộc đời, nhất là khi về già. 
        Hãy đừng để cho mình trở nên một gánh nặng cho người thân yêu vì sự đau ốm của mình. 
        Không phung phí sức khỏe, ăn uống cân bằng dinh dưỡng, tập luyện cơ thể, giữ vững triết lý sống, tránh những thói quen gây hại, quan tâm đến vấn đề y tế.
 c. Mục tiêu đời sống. 
        Khi về hưu, ta sẽ có 60 giờ trống mỗi tuần, nên cần thiết lập một chương trình với mục đích, ý nghĩa cho khoảng trống đó.  
        Có những mục giải trí, những việc làm tình nguyện, những sinh hoạt cộng đồng. 
        Có những khóa học ngắn hạn với nhiều chương trình hợp với tuổi già. 

Tiêu dùng thời gian trống đó một cách hợp lý, không phí phạm. Thích nghi với thì giờ của người bạn đời. Vui hưởng tuổi già với con cháu.
d. Sắp xếp nơi ở. 
        Khi tính đến việc về hưu là vợ chồng đã phải suy nghĩ coi xem ở lại căn nhà hiện tại hoặc dọn đi nơi khác, mà dọn thì dọn đi đâu? 
        Khi xưa, tam tứ đại đồng đường, con cháu không cùng nhà cũng cùng tỉnh, vui buồn có nhau. 
        Nay vì công việc, sinh kế, con cái mỗi đứa một nơi, thế là bố mẹ chỉ lăm le là khi về hưu, ta sẽ dọn về ở gần chúng nó. Tình cảm người mình đối với gia đình, ruột thịt sao mà sâu đậm. 
        Nhưng trước khi dừng lại ở quyết định này, ta cũng nên nghĩ là liệu sống chung có thích hợp với lối sống của vợ chồng mình không; mình giúp chúng baby sitting bầy cháu nhưng cách mình nuôi có trái ngược với cách mà chúng được học qua sách vở, nhà trường? 
        Hơn nữa, các con còn trẻ, ngộ nhỡ vài năm nữa, vì công ăn việc làm, chúng di chuyển đi nới khác, thì mình sẽ ra sao?
                                              (Bác sĩ Nguyễn Ý Đức)
         Lớp người cao tuổi thường có độ nhạy cảm cao với những đụng độ trong cuộc sống, đặc biệt là thuộc các khía cạnh tinh tế trong ứng xử xã hội động chạm đến đời sống tinh thần. Họ dễ bị tổn thương và bị khuấy động đối với những ứng xử mà với mỗi nhóm xã hội khác có thể không bị ảnh hưởng gì. Do sự thay đổi căn bản lối sống, hoạt động, thay đổi vị trí, vai trò xã hội và môi trường sống nên người nghỉ hưu phải đối mặt với nhiều vấn đề trong cuộc sống nói chung và trong giao tiếp nói riêng. Những vấn đề này nếu không được quan tâm, giải quyết ổn thỏa sẽ tác động xấu đến tâm lý, sức khoẻ của họ và có thể gây những ảnh hưởng tiêu cực đối với cuộc sống của những người thân trong gia đình họ.
        Với mong muốn tìm hiểu cảm nhận của người nghỉ hưu ở VN nói về cuộc sống hiện tại, chúng tôi đã tiến hành cuộc khảo sát vào tháng 5/2008. Bài viết sau đây xin đề cập tới đối tượng giao tiếp chính của NNH từ kết quả cuộc khảo sát vừa nêu.
         Khi được hỏi: Cảm giác của ông (bà) về cuộc sống tinh thần từ khi nghỉ hưu đến nay? phần lớn khách thể (65,2%) đều cho biết cuộc sống tinh thần của họ vẫn bình thường, không có gì thay đổi; gần 1/5 số người được hỏi cho biết cuộc sống tinh thần của họ thoải mái hơn trước; có 15,8% số người được hỏi cho rằng cuộc sống tinh thần của họ kém hơn trước (phần lớn trong số này là những người mới nghỉ hưu). Ông Q, nguyên là một cán bộ lãnh đạo về hưu năm 2005 cho biết: “Cuộc sống khi về hưu quá nhàn hạ làm tôi khó chịu. Đang là cán bộ công chức của nhà nước luôn đầy ắp những công việc phải giải quyết. Nay về hưu, hàng ngày không biết làm gì, con cái thì đi làm hết, các cháu thì đi học. Điều đó làm tôi thấy buồn và mệt mỏi”. Ông T, về hưu năm 2008 lại có một cảm nhận khác: “Nói chung, khi về hưu tôi cũng thấy buồn, công việc trước đây của tôi đi lại nhiều do đặc thù công tác, phần lớn thời gian tôi sống ở nước ngoài, nay về hưu chỉ quanh quẩn ở nhà, chỉ tham gia sinh hoạt trong cụm dân cư. Nhưng bên cạnh đó tôi cũng thấy cuộc sống của mình thư thái hơn, có thời gian dành cho gia đình, họ hàng. Trước đây, vì công việc, vắng nhà suốt, có khi cha mẹ, anh em mất cũng không có mặt kịp vì đang ở nước ngoài. Nay về hưu cũng là dịp để mình tạ lỗi với tổ tiên, gia đình, họ hàng. Có thời gian để lo lắng đến phần thờ phụng cha mẹ, tổ tiên, quan tâm đến anh em, họ hàng, bù đắp những gì trước đây mình chưa làm được cho mọi người. Hàng ngày tôi vẫn dịch tài liệu do đồng nghiệp cũ ở nước ngoài chuyển về cho, thu nhập không nhiều nhưng mình vẫn có cảm giác được làm việc chứ không lãng phí thời gian vô ích.” Có thể nhận thấy từ môi trường hoạt động tích cực, năng động, về nghỉ hưu, đối với nhiều người, là một sự thay đổi đột ngột về địa vị trong xã hội, về các quan hệ xã hội, quan hệ giao tiếp, là xáo trộn trong nếp sống nói chung, gây ảnh hưởng không nhỏ đến vị trí, vai trò, chức năng vốn có của người đó trong gia đình…. Vì thế việc người nghỉ hưu được tham gia sinh hoạt trong các tổ chức quần chúng của người cao tuổi, có việc làm phù hợp cho họ là một trong những giải pháp tốt, giúp cho họ thoát khỏi những mặc cảm tâm lý không đáng có, để hoà nhập nhanh chóng với môi trường mới.
          Khi được hỏi về mức độ hài lòng với cuộc sống gia đình hiện nay, phần lớn người nghỉ hưu được hỏi cho biết họ hài lòng với cuộc sống hiện nay của gia đình mình. Cụ thể:      * 34,5% người được hỏi có cảm giác rất hài lòng với cuộc sống hiện nay;
* 57% có cảm giác tương đối hài lòng; chỉ có một số ít người không hài lòng.
* 7,6% và 0.9% (2 người) rất không hài lòng với cuộc sống hiện tại.
 Những lý do khiến người nghỉ hưu cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện nay của họ là:
+ Vợ chồng con cái thương yêu nhau.
+ Con cái có nghề nghiệp ổn định, hiếu thảo với cha mẹ cha mẹ.
+ Gia đình vợ chồng con cháu sống quây quần bên nhau để chăm sóc nhau và có kinh tế ổn định.
+ Con cháu ngoan học giỏi, đối xử tốt với cha mẹ.
+ Lương hưu đủ sống, vợ chồng con cái khoẻ mạnh.
+ Gia đình đoàn kết, thương yêu nhau.
Những điều khiến người nghỉ hưu chỉ tương đối hài lòng với cuộc sống hiện nay là:
+ Con cái còn có những hạn chế về ứng xử.
+ Các thành viên trong gia đình quan tâm, chăm sóc đến người khác chưa chu đáo.
+ Con cái chưa hiểu bố mẹ hoặc nhận thức về cuộc sống của con cái quá hẹp hòi.
+ Con cháu đi làm, đi học cả ngày ít quan tâm chăm sóc đến các cụ.
+ Vợ (chồng) đã qua đời, cảm thấy cô đơn vì không có người chia sẻ, chăm sóc khi ốm đau.
         Có thể nhận thấy những điều khiến người nghỉ hưu hài lòng với cuộc sống hiện nay phần nhiều thuộc về đời sống tinh thần: con cháu hiếu thảo, quan tâm, chăm sóc các cụ, cả gia đình quây quần bên nhau là điều khiến những người cao tuổi thoả mãn nhất. Một điều có thể nhận thấy, tuy con cái có lúc làm cho cha mẹ chưa hài lòng nhưng khi cần xác định thái độ thì các cụ lại cho rằng mình tương đối hài lòng với con cái.
        Đối với người cao tuổi nói chung, người nghỉ hưu nói riêng mặc dù còn không ít khó khăn trong cuộc sống, còn có những điều chưa hài lòng trong quan hệ gia đình, nhưng cuối cùng khi cần xác định thái độ thì các cụ lại ca ngợi nhiều hơn phê phán, vui lòng chấp nhận nhiều hơn là bực bội. Điều này cho thấy, ngoài những tác động của đời sống chính trị – xã hội và của nền giáo dục mà người cao tuổi nói chung, người nghỉ hưu nói riêng đã tiếp thu trong suốt quãng đời đã qua của họ, ứng xử hòa hoãn, tâm lý an phận của các cụ còn là những đặc điểm mang tính truyền thống. Cách ứng xử này giúp cho việc duy trì hài hoà những quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội của người cao tuổi.
         Những điều khiến người nghỉ hưu không hài lòng với cuộc sống hiện nay chính là cuộc sống của họ còn quá nhiều khó khăn, lo âu, vất vả: Con cái việc làm không ổn định; nhà ở quá chật chội, cả gia đình nhiều người phải sống chung trong một căn hộ nhỏ hẹp, sinh hoạt không thuận lợi; cuộc sống quá vất vả vì lương hưu thấp.
Nguyện vọng của người nghỉ hưu hiện nay: Kết quả khảo sát cho thấy, nguyện vọng của nhiều người nghỉ hưu hiện nay là:
+ Có sức khoẻ tốt (87,8%).
+ Những người thân trong gia đình quan tâm thăm hỏi hàng ngày (76,8%).
+ Có bạn để trò chuyện, tâm sự (69,3%).
+ Cần có các câu lạc bộ thể thao, văn hóa dành cho người nghỉ hưu (63,4%).
+ Tăng lương hưu cho người nghỉ hưu (56,6%).
         Như vậy, ngoài mong muốn có sức khoẻ tốt, được tăng lương hưu, những người nghỉ hưu rất mong được những người thân trong gia đình quan tâm, thăm hỏi hàng ngày, có bạn để trò chuyện, tâm sự. Điều này một lần nữa cho thấy người nghỉ hưu luôn khao khát tình cảm của gia đình và người thân cũng như vai trò vô cùng quan trọng của những yếu tố này trong cuộc sống của người nghỉ hưu. Họ mong muốn có các câu lạc bộ dành riêng cho họ, cho thấy mức độ hoạt động của các loại hình này chưa thực sự rộng khắp, chưa đến được với nhiều người nghỉ hưu hiện nay. (Theo Van Anh_VTL)
         Vậy, quyết định nghỉ hưu sớm, đúng thời kỳ hay kéo dài thêm làm việc….cần phải đắn đo, suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định. Nếu thấy việc làm đang thoãi mái, lương cao, không đòi hỏi phải sử dụng sức nhiều thì không hưu sớm là đúng, là luôn rất có lợi về sau.
Chuyển từ Kamila Baesa
Hồ Xưa sưu tầm và trình bày thêm________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ÂN CHÚA NHIỆM MẦU - Nguyễn Kim Trân

  ÂN CHÚA NHIỆM MẦU Đức Thánh Chúa giáng sinh nơi máng cỏ Chốn trần gian nào hiểu rỏ ngọn ngành Lại chẳng nghe lời Đức Chúa giảng sanh Nên b...