Dân trí
Harper Lee - tác giả của “Giết con chim nhại” - chỉ có một hành trình quen thuộc là từ nhà đi ra… tiệm giặt, vì nhà bà không có máy giặt, cũng chẳng có máy lạnh, máy tính, điện thoại. Để viết lách, bà vẫn dùng máy đánh chữ. Tiền, đối với bà, chỉ để làm từ thiện.
Harper Lee - tác giả nổi tiếng của tác phẩm “Giết con chim nhại” đã vừa qua đời ở tuổi 89 (19/2/2016 ). Nổi tiếng là một cây bút trí tuệ và dí dỏm, nhưng lại rất dè dặt trước truyền thông và công chúng, Harper Lee đã đạt được danh tiếng lớn kể từ năm 1960 khi cho ra mắt tác phẩm đầu tay - cuốn tiểu thuyết “Giết con chim nhại”.Tác phẩm đã lột tả thực tế phân biệt chủng tộc ở miền Nam nước Mỹ qua ánh nhìn quan sát của trẻ thơ. Công chúng biết tới và hâm mộ Harper Lee nhờ một tác phẩm duy nhất được công bố trong gần suốt cuộc đời bà. Tuy vậy, khi tìm hiểu về cuộc đời riêng của nữ nhà văn, cũng có rất nhiều điều bí ẩn thú vị khác khiến người ta càng thêm yêu mến bà và tác phẩm:
Nhà văn Harper Lee
Là con gái của một luật sư làm việc ở bang Alabama, Harper Lee chuyển tới sống ở New York để vừa làm việc vừa viết lách kể từ năm 1949. Khi đang làm nhân viên bán vé máy bay cho một hãng hàng không hồi năm 1956, hai người bạn có tên Michael và Joy Brown đã tặng cho Harper Lee một món quà Giáng sinh không thể nào quên.
Đó là một món tiền đủ để bà có thể bỏ việc và sống trong một năm mà không cần lo nghĩ đến tiền, trong một năm đó, hai người bạn muốn Harper Lee dùng để chuyên tâm vào việc viết lách. Bên cạnh món tiền là một tờ giấy nhắn: “Cậu có một năm không phải làm việc để viết nên bất cứ thứ gì cậu thích. Chúc Giáng sinh vui vẻ!”.
Harper Lee đã dùng món quà tuyệt vời đó một cách không hề phí phạm, chính trong năm này, bà đã viết nên tác phẩm nổi tiếng thế giới - cuốn “Giết con chim nhại”.
Sự việc này ban đầu đã gây ra khá nhiều tranh cãi trong dư luận, về cách Harper Lee khắc họa nhân vật luật sư Atticus Finch là một người phân biệt chủng tộc trong phần 2.
Hoàn cảnh cho ra mắt cuốn “Giá của tỉnh ngộ”, khi Harper Lee đã quá lớn tuổi và có nhiều vấn đề sức khỏe, đặc biệt là việc bà bị mất thính giác khá nặng, đã khiến nhiều người lo ngại về việc liệu cuốn sách này có ra mắt đúng theo ý nguyện của bà không.
Harper Lee là bạn thời niên thiếu của nhà văn Truman Capote
Harper Lee là bạn thời niên thiếu với nhà văn Truman Capote. Hai nhà văn nổi tiếng của Mỹ từng là những người bạn hàng xóm của nhau. Cha của Harper Lee đã truyền cảm hứng cho nhân vật Atticus Finch trong “Giết con chim nhại”, ngoài ra, ông còn tặng cho hai đứa trẻ một chiếc máy đánh chữ cũ để cả hai có thể cùng sử dụng và soạn thảo ra những trang văn đầu tiên.
Nhà văn Truman Capote
Tuy vậy, tình bạn giữa hai người đã dừng lại khi Truman Capote không hề đề cập tới Harper Lee trong cuốn sách của mình. Tình bạn một thời giữa họ cùng với sự ẩn dật của Harper Lee đã từng khiến người ta đồn thổi rằng Truman Capote mới thực sự là tác giả của “Giết con chim nhại”, bất kẻ sự đối lập về giọng văn và phong cách.
Khi Harper Lee cho ra mắt tác phẩm thứ hai trong những ngày tháng cuối đời, một số lời đồn thổi xuất hiện trở lại, họ cho rằng đây là cơ hội để phân tích ngôn ngữ trong hai tác phẩm nhằm làm rõ thực hư. Tuy vậy, cho tới giờ, chưa ai có thể đưa ra bất cứ bằng chứng nào xác đáng cho thấy “Giết con chim nhại” không phải tác phẩm do Harper Lee thực hiện.
Trong năm qua, chính quyền bang Alabama đã tiến hành một cuộc điều tra đối với nghi vấn lạm dụng người già mà những người gần gũi xung quanh Harper Lee có thể đã gây ra đối với bà nhằm ép buộc bà cho xuất bản cuốn tiểu thuyết thứ hai “Giá của tỉnh ngộ”.
Tuy vậy, kết quả điều tra cho thấy Harper Lee vẫn hoàn toàn minh mẫn trong những năm tháng cuối đời và không có chuyện bà bị lợi dụng tên tuổi để cho ra mắt một cuốn tiểu thuyết không mong muốn.
Thành phố Monroeville ở bang Alabama - nơi nhà văn Harper Lee sinh ra - không chỉ truyền cảm hứng cho địa danh Maycomb trong “Giết con chim nhại” mà còn là nơi nữ nhà văn lựa chọn gắn bó trong gần suốt cuộc đời - một thành phố yên bình, tĩnh lặng.
Harper Lee là một nhân vật nổi tiếng ở Monroeville, và người dân Monroeville bảo vệ cho ý nguyện sống ẩn dật của Harper Lee “rất dữ”. Họ không cho phép ai quấy rầy nữ nhà văn của họ.
Harper Lee - nữ văn sĩ ẩn dật hàng đầu thế giới
Chỉ bằng một cuốn tiểu thuyết đầu tay duy nhất - “Giết con chim nhại” đã giúp Harper Lee trở thành tác giả danh tiếng và giàu có, tuy vậy, kể từ sau thành công lớn này, Harper Lee ngay lập tức bước vào cuộc sống ẩn dật, bà tránh né truyền thông và công chúng hơn bao giờ hết. Để gặp được bà và phỏng vấn là điều không tưởng đối với các phóng viên.
Cuộc sống của Harper Lee được biết tới là một đời sống hết sức giản dị và thanh đạm. Những thông tin về đời sống cá nhân của bà là rất hiếm, nhưng theo tờ New Yorker, Harper Lee đã kiếm được 816.448 đô la (tương đương hơn 18 tỉ đồng) tiền bản quyền từ tác phẩm của mình chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2010.
Harper Lee thời trẻ
Ngoài ra, Harper Lee còn không có điều hòa, máy tính và điện thoại di động. Đối với việc sáng tác và viết thư từ, bà vẫn sử dụng máy đánh chữ. Về gia sản kếch xù của mình, người ta được biết rằng Harper Lee vẫn âm thầm quyên góp cho nhà thờ và các tổ chức từ thiện.
Quá trình sáng tác “Giết con chim nhại” kéo dài và mệt mỏi
Harper Lee đã từng phải dành ra 6-12 tiếng đồng hồ mỗi ngày để viết, bà ép mình phải viết được một trang bản thảo mỗi ngày. Harper Lee từng chia sẻ trong một cuộc đối thoại hiếm hoi với sinh viên một trường Đại học hồi cuối thập niên 1960 rằng:
“Đối lập với những gì đa phần mọi người vẫn nghĩ, không có hào nhoáng nào trong nghề viết. Thực tế, phần lớn thời gian, bạn sẽ cảm thấy đau buồn xé ruột”.
Nam diễn viên Gregory Peck trong vai luật sư Atticus Finch của phim "Giết con chim nhại" (1962)
Về bộ phim điện ảnh cùng tên ra mắt năm 1962, Harper Lee từng viết một lá thư đề nghị nam diễn viên Spencer Tracy nhận lời đảm nhận vai diễn luật sư Atticus Finch, nhưng tại thời điểm đó, nam diễn viên đang bận rộn với những kế hoạch diễn xuất khác, vì vậy, vai diễn đã được giao cho Gregory Peck.
Sau bộ phim, Harper Lee đã chuyển sang ngưỡng mộ Peck vì anh đã đảm nhận vai diễn rất tốt. Với vai diễn ấn tượng này, Gregory Peck đã giành được tượng vàng Oscar cho Nam chính xuất sắc. Phim nhận được 8 đề cử và rinh về 3 tượng vàng.
Harper Lee thậm chí đã tặng cho nam diễn viên chiếc đồng hồ bỏ túi tuyệt đẹp của cha mình như một cách để thể hiện sự tôn vinh dành cho vai diễn của Peck. Chiếc đồng hồ có khắc dòng chữ “Tới Gregory từ Harper”. Họ đã trở thành bạn của nhau kể từ bấy giờ cho tới tận khi Peck qua đời năm 2003.
Đó là trong hai bộ phim tiểu sử làm về nhà văn Mỹ Truman Capote - người bạn thuở ấu thơ của bà. Hai bộ phim lần lượt là “Capote” (2005) và “Infamous” (2006). Tình bạn giữa hai nhà văn nổi tiếng hàng đầu trong văn đàn Mỹ từ thuở ấu thơ đương nhiên là một chi tiết hay không thể bỏ qua. Trong cả hai bộ phim này đều có sự xuất hiện của nhân vật mang tên Harper Lee.
Nữ diễn viên Sandra Bullock vào vai Harper Lee trong phim "Infamous" (2006)
Về sau, Harper Lee đã có lần nói với đạo diễn của “Infamous” rằng: “Ông tạo nên một cô gái thật ngọt ngào, tươi sáng và gọi cô ấy là Harper Lee, điều đó khiến tôi bỏ qua cho mấy đôi tất”. Ý của Harper Lee là việc ông để nữ diễn viên Bullock đi tất trắng với giày đen - một kiểu thời trang không được lòng nữ nhà văn.
Dù các du khách đều biết họ sẽ không bao giờ có thể gặp Harper Lee ở Monroeville, nhưng người ta vẫn muốn đi dạo trong thành phố đã truyền cảm hứng cho địa danh Maycomb trong “Giết con chim nhại”.
Trụ sở tòa án cũ của thành phố giờ đây đã trở thành một viện bảo tàng với hai triển lãm về hai nhà văn nổi tiếng sinh ra từ đây: “Truman Capote: Tuổi thơ ở Monroeville” và “Harper Lee: Trong những ngôn từ của chính bà”.
Dù bộ phim “Giết con chim nhại” (1962) không được quay tại Monroeville, nhưng người ta đã dựng lên một Monroeville giống hệt trên trường quay bởi thị trấn Maycomb giả tưởng chính là Monroeville yêu dấu của Harper Lee.
Mỗi mùa hè, vở kịch “Giết con chim nhại” lại được trình diễn trong thành phố, nửa sau của vở kịch diễn ra trong phòng xử án với những người đi xem kịch ngồi trên những băng ghế trong phòng xử án như thể họ đang được xem một phiên tòa thực sự.
Harper Lee từng tâm sự với nữ nhà văn Marja Mills - người từng là hàng xóm của bà trong hơn một năm, rằng: “Tôi ước gì tôi chưa từng viết ra cuốn sách đó”.
Một vài năm sau, khi có dịp gặp lại bà, nhà văn Marja Mills hỏi lại rằng bây giờ bà có còn cảm thấy hối tiếc nữa không, lúc này Harper trả lời rằng: “Đôi khi tôi vẫn cảm thấy thế. Nhưng rồi cảm giác đó nhanh chóng trôi qua”.
Bích Ngọc
Tổng hợp
Tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét