Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

Tiệm Cầm Đồ - Deyan Enev

 

 

Dịch từ bản Anh ngữ “The Pawn Shop” của Kafka Kassabova, là một trong 50 truyện ngắn trong tập “Circus Bulgaria” của Deyan Enev do Portobello Books Ltd. xuất bản tại Anh Quốc 2010.

Deyan Enev sinh tại Bulgaria năm 1960, là nhà báo và tác giả viết truyện ngắn. Tác phẩm của ông đã được dịch ra tiếng Anh, Đức, Na Uy và Hòa Lan.

 


    Chiếc chuông cửa bé tí rung lên và Kalin Banderov ngước lên từ vuông ô chữ mà anh đã vật lộn suốt buổi sáng – cái ô chữ khổng lồ, giống như tấm bản đồ Liên Bang Sô Viết dạo trước. Khách là một bà cụ, mỏng manh như tơ nhện và gầy đến nỗi thân thể bà gẫy gập dưới sức nặng của những cúc áo bằng gỗ to lớn. Chỉ cần nhìn thoáng qua, Kalin Banderov đánh giá được người khách và không giấu nổi nỗi bực bội. Dạo này, loại người như bà cụ hắn gặp nhiều không kể siết. Với sự cương quyết đầy tuyệt vọng, từ những nếp gấp không đáy của thời gian, đám người nghèo khó này cố gắng đem những món đồ không có chút giá trị nào đối với ai khác ngoài họ, vì những lý do tình cảm – đồ kẹp tóc, những cái đê, ví tiền, những miếng lót ly tách có hình cặp chim bồ câu hôn nhau, những lọ mực, đồ gài điếu thuốc, lông vịt, vòng cổ tay bằng thiếc, vàng giả – đến cầm và đôi khi còn gạ bán lại. Kalin Banderov nổi nóng chỉ muốn hét vào mặt họ. Đám bần cùng không hiểu rằng mấy thập niên tình cảm họ gắn bó với những món đồ ấy không đáng giá một xu.

Bà cụ lê bước một cách ngại ngùng về phía chiếc bàn gỗ hồ đào cũ kỹ nơi Kalin Banderov ngồi. Trong lúc lê từng bước như thế bà cụ lẩm bẩm xin lỗi vì nỗi phiền toái bà gây ra.

Đứng ở tận đầu phía xa của cái bàn rộng thênh thang, bà hỏi, “Đây là tiệm cầm đồ phải không ạ?” Bà cụ nhỏ bé đến mức trông bà như bức tượng tí hon bằng sứ đặt trên mặt bàn, u ám và nứt nẻ vì tuổi tác.

“Đúng vậy, thưa bà.”

“Xin lỗi ông nói gì ạ?”

“Tôi nói, đúng vậy, đây là tiệm cầm đồ!”

“Ở đây ông cầm những đồ gì ạ?”

“Đủ loại, thưa bà.”

“Không biết ông có cầm đồ cũ không ạ?”

“Còn tùy, thưa bà. Tốt nhất là bà cho tôi xem món đồ trước.”

“Tôi muốn hỏi ông trả có khá không ạ?”

Kalin Banderov muốn tống cổ bà cụ ra ngay khỏi cửa, nhưng lại quyết định tử tế thêm ít lâu nữa.

“Nếu món đồ của bà còn mới và không hư hại gì, chúng tôi sẽ cầm cho bà đúng với giá của nó, và tôi sẽ cho – nhưng nhắc cho bà nhớ là tùy vào điều kiện của món đồ – tôi sẽ cho bà khoảng từ mười đến năm mươi phần trăm của giá đó. Bà có ba mươi ngày để chuộc lại món đồ. Bà được thêm ba ngày miễn phí. Nếu bà trở lại trong khoảng thời gian ấy, mà không có khả năng chuộc món đồ, bà sẽ có cơ hội gia hạn món đồ của bà thêm một tháng nữa, và dĩ nhiên bà phải trả một số tiền nhỏ. Sau đó nếu bà vẫn không chuộc lại được, nó sẽ trở thành tài sản của tiệm chúng tôi. Chúng tôi có mẫu hợp đồng với những điều kiện liệt kê trong đó. Hai bên sẽ cùng ký vào hợp đồng.”

Bà cụ chăm chú lắng nghe, trong hai cái hốc đen thẫm, mắt bà nhấp nháy và dường như loang nước, như hai mảnh gương nhỏ.

“Tôi có món đồ này,” bà nói.

Kalin Banderov cảm thấy những bắp thịt chân mình gồng cứng, như thể anh sắp sửa nhảy chồm tới. Sợi dây chuyền vàng nặng nề trên cổ tay phải của anh nằm bẹp trên mặt bàn như một con rắn không lồ. Cái triển vọng rằng bà già này có món đồ thực sự có giá trị chỉ là một phần ngàn, nhưng bản năng thợ săn vẫn làm cho hai lỗ mũi anh phập phồng.

Bà cụ vùi tay vào chiếc túi áo sờn rách và lôi ra thứ gì đó gói trong nhiều lớp giấy báo. Với hai bàn tay run rẩy, bà từ từ mở gói giấy. Bà hít vội một làn hơi thở gấp, và đặt lên mặt bàn một chiếc đồng hồ Omega bằng vàng đẹp ngoài sức tưởng tượng.

Kalin Banderov cũng biết ít nhiều về những đồ vật quý giá. Anh thường mua ngay lập tức, ngay cả khi những người chủ không nghi ngờ gì về giá trị thực của món đồ, và qua những đường dây phức tạp anh đem bán chợ đen những món đồ ấy ở Phương Tây, nơi giá trị của chúng tăng gấp chục lần.

“Cái đồng hồ này là của chồng tôi,” bà cụ nói bằng giọng êm ả, như thể bà đã kể câu chuyện này hàng chục lần, và câu chuyện đã biến thành bài ca. “Ông nhà tôi thừa hưởng từ bố của ông ấy. Bên trong cái nắp có khắc chữ, ông có thể trông thấy. Ông nhà tôi, cầu cho linh hồn ông ấy nghỉ yên, trước đây là bác sĩ. Ông ấy có thú sưu tầm những đồ vật đẹp. Phải chi ông thấy ông nhà tôi khi ông ấy mang cái đồng hồ này trong túi, trông ông ấy vô cùng sang cả. Khi muốn xem giờ, ông ấy đứng dậy – ông không bao giờ ngồi mà xem giờ – rồi ông ấy bật cái nắp ra và xem giờ một cách thú vị, ít nhất là một phút đồng hồ. Tôi luôn luôn cảm thấy khi ông ấy ngắm chiếc đồng hồ này một cách ngưỡng mộ, thì cả thế giới cũng nhìn ngắm, ngưỡng mộ ông.”

    Trong khi lơ đãng nghe bà cụ nói, Kalin Banderov vuốt ve cái đồng hồ quý giá trong tay và nhẩm tính giá trị bằng đô la của nó. Anh bấm cái nắp và nó bật ra một cách thanh lịch. Ở mặt trong, có một hàng chữ khắc vắn tắt. Kalin Banderov đọc hàng chữ một lần, rồi một lần nữa và thêm một lần nữa.

“Cho con trai của bố: Kalin Banderov – với niềm tin và hy vọng.”

Anh hoàn toàn không hiểu. Khi anh ngước lên nhìn, bà cụ không còn ở đó. Điều lạ là cái chuông cửa cũng không hề rung một tiếng nào.

Deyan Enev

Người dịch – Hoàng Chính
Người chuyển bài - NTH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ÂN CHÚA NHIỆM MẦU - Nguyễn Kim Trân

  ÂN CHÚA NHIỆM MẦU Đức Thánh Chúa giáng sinh nơi máng cỏ Chốn trần gian nào hiểu rỏ ngọn ngành Lại chẳng nghe lời Đức Chúa giảng sanh Nên b...