1- ĐÂU CÓ NUÔI MÀ ĐÒI DẠY
– Ngày ông vào tù cải tạo, thằng con ông chưa được đầy năm.
– Ngày ông được tha về, nó không biết ông là ai và coi ông như kẻ ăn nhờ ở đậu.
– Ngày sống trên đất Mỹ, nó lơ đãng chuyện học hành, ông khuyên lơn rầy dạy nó, nó bực dọc trả lời “ Ông có nuôi dưỡng tui ngày nào đâu mà giờ lại bày đặt dạy bảo!” Ông tức giận đến ói máu…
2- CON ĐƯỜNG SỐNG
– Ngày ông vào tù cải tạo, thằng con ông được 3 tuổi
– Ngày ông được tha về, nó đã là một thanh niên cường tráng nhưng lại nhìn ông với ánh mắt xa lạ.
– Ngày cả nhà được đi Mỹ theo chương trình HO, nó cao ngạo khoe với bạn bè khắp nơi.
– Ngày dài sống ở Mỹ, ông đem hết sức lực còn lại để làm việc, lo cho cả nhà… Những lúc thấy con lêu lỏng nhậu nhẹt ăn chơi… ông rầy la thì nó cải lại: “ Ba ơi là ba, ba còn sống được bao năm nữa mà quá khó khăn như vậy? Ba để cho con có được con đường sống với chứ…” Ông buồn rầu thầm nghĩ:” Hỏng lẽ hồi đó mình đã cho nó con đường chết hay sao?”.
3- THẤY GHÊ LẮM –
Ông từ Mỹ về VN nằm chờ chết với căn bệnh ung thư gan
– Thằng con trai cũng vừa ở bên ấy mới về để thăm ông lần cuối… nó đang ngồi nhậu với bạn bè trước sân, bạn nó đòi vào thăm ông, nó xua tay ngăn cản:” Thôi khỏi, ổng thấy ghê lắm, mai mốt ổng lên bàn thờ ngồi rồi tới đốt nhang cũng được mà, nè, vô tiếp đi…” Vừa nói nó vừa chìa ly rượu ra trước mặt đám bạn…
4- CON NHỚ BA LẮM
– Đã 70 tuổi, ông sống độc thân ở Mỹ hơn 10 năm kể từ khi được định cư theo chương trình HO, gặp người mẹ trẻ, tuổi mới 40, đơn thân nuôi 3 con gái, ông gá nghĩa vợ chồng với bà rồi sanh thêm một con gái nữa. Bà đi làm, ông ở nhà nuôi con mọn. Ông cưng nó như trứng mỏng và cảm thấy hạnh phúc vô ngần. Nhưng phần thưởng cuối đời của ông đã bị tướt đi khi bà ly dị với ông và đưa một người trai trẻ về sống chung, còn ông cũng không đủ điều kiện để nuôi con bé.
– Ông quay lại nhà trọ để sống cu ki như trước đây mà lòng nhớ con da diết. Có lần, con bé gọi phone tới, nó vừa khóc vừa nói:”Ba ơi con nhớ ba lắm, sao ba không về với con?… “ Nước mắt ông rơi đầm đìa trên chiếc điện thoại cũ kỷ
5- CHẮC LÀ BUỒN LẮM
– Ở Mỹ,ông rất buồn vì từ ngày nghỉ hưu, ông không được trở lại quê nhà nên ông thử quay về VN một tháng, tìm niềm vui nơi cố hương…
– Đang vui vẻ với bạn bè khi ôn lại chuyện xưa, bất ngờ con gái ông từ Mỹ gọi phone đến, bảo ông phải trở về ngay, nếu không thì từ nay nó sẽ không gởi cháu ngoại cho ông chăn giữ nữa, ông giận tím cả mặt mày,lắp bắp “ Mầy là… “ rồi tắt máy, ngồi thừ ra bất động… Một lát sau, ông thẫn thờ chép miệng:” Ừ, về bển mà không được hủ hỷ với mấy đứa cháu thì chắc là buồn lắm! “…
6- CHỈ CÓ BÀ MỚI HIỂU
– Năm 1986, ở VN, dịch sốt xuất huyết lan rộng khắp nơi, thằng con ông mới 12 tuổi phải nhập viện. Trong lúc ngồi chờ thử máu cho nó, nhìn thấy những đứa bé chưa nhuốm bụi trần đã phải ra đi vĩnh viễn, ông chấp tay van vái:” Con cầu xin Đức Chí Tôn và Phật Mẫu ban phước lành cho con của con được sống, còn nếu phần số bắt nó phải ra đi thì hãy để con chết thay cho nó”…
– Năm 2003, ông rất hãnh diện vì thằng con đã thành nhân chi mỹ nhưng Trời không thương bắt ông phải mắc bệnh ung thư vào thời kỳ cuối… Những lúc hôn mê, hai tay ông cứ vói tới trước như muốn níu kéo hay giành giựt vật gì đó, miệng thì nói lảm nhảm rất khó nghe:” Ừng… ừng… ừng ắt ó… ể ui i hay ho ó …” (Đừng… đừng… đừng bắt nó… để tui đi thay cho nó… ). Chỉ có bà mới hiểu là ông đang trở về với quá khứ, ông sẵn sàng đem sinh mạng của người cha để đánh đổi cho sự sống của con cái trên cõi đời. Bà nhẹ nhàng kéo tay ông xuống mà nước mắt lưng tròng !!!
Chuyện ngắn Dào Anh Dũng:
Lằn Roi Yêu Thương
Cha tôi là một sĩ quan biệt phái về tỉnh dạy học. Nhà chỉ có năm anh em trai (hàng xóm gọi chúng tôi là ngũ quỷ) mà cha có đến một bó roi mây; tuy nhiên, ít khi cha dùng đến chúng, hình như chỉ để doạ con cái mà thôi. Đứa nào quá hỗn hào, ngỗ nghịch, nói không nghe, dạy không được, tái phạm đôi ba lần cha mới phạt roi.
Là một đứa trẻ bình thường, biết bao lần tôi đã phạm lỗi. Lần nào bị cha đánh đòn, tôi cũng giận cha lắm. Tôi thường trùm mền hay ngồi trong kẹt tủ, thút thít khóc một mình. Nhưng không lâu, lần nào cha cũng tìm đến vò đầu tôi rồi cắt nghĩa cho tôi nghe tội của mình và khuyên tôi đừng tái phạm.
1975, năm tôi 13 tuổi, cha đi tù cải tạo. Một hôm, tôi cãi lời mẹ, hỗn xược, lớn tiếng với mẹ. Mẹ không đánh đòn, mẹ chỉ khóc cho đến khi tôi biết tội của mình, xin lỗi mẹ, mẹ mới ngưng. Rồi mẹ ôm tôi vào lòng, mẹ nói mẹ lo buồn, không biết cha sống chết thế nào và mẹ khuyên tôi đừng làm mẹ buồn thêm nữa. Khi ấy, tôi nhớ cha vô cùng, nhớ đến những lần cha đưa anh em chúng tôi về quê thăm nội và đi câu cá, vui ơi là vui. Tôi cũng nhớ những đêm trốn pháo kích, đạn nổ vang trời, nhưng trong vòng tay che chở của cha, tôi không hề sợ hãi. Rồi tôi nhớ luôn những lằn roi vọt dạy dỗ của cha và tôi ước sao có cha ở nhà. Miễn sao có cha ở nhà là được, cha có phạt đòn tôi cũng chịu.
Tôi lớn lên trong thời buổi nhiễu nhương, vắng bóng cha, chạm trán với đời rất sớm. Bao lần tôi gục ngã dưới những lằn roi ức hiếp, bất công của đời là bấy lần tôi nhớ đến những lằn roi yêu thương của cha và tôi đã cố gắng đứng lên. Tôi mong có ngày gặp lại cha.
Nhưng, cha tôi không về, ông mất trong tù cải tạo. Phần tôi, tôi nhớ mãi mãi những lằn roi vọt thời ấu thơ, những bài học để đời của cha.
đàoanhdũng
viết theo lời kể của một người bạn trẻ
Minnesota, cận Ngày Của Cha 2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét