Toàn cảnh quần thể tu viện Tây Tạng Lạc Nhược Hương (Larung Gar) trước đây, nay đang bị cưỡng chế giải tỏa. |
Le Figaro hôm nay 13/07/2018 cho biết « Bắc Kinh tăng cường đô hộ Tây Tạng »,
mà điển hình là việc cưỡng chế giải tỏa tu viện Phật giáo Lạc Nhược
Hương (Larung Gar). Hàng ngàn tăng ni đã bị trục xuất khỏi quần thể tu
viện bị giám sát nghiêm ngặt.
Lạc Nhược Hương là một trong
những thiền viện Phật giáo Tây Tạng lớn nhất thế giới, với tu viện trung
tâm bao quanh là vô số những ngôi nhà gỗ nhỏ sơn đỏ, cất chi chít quanh
sườn đồi ở độ cao 4.000 mét thuộc huyện Sắc Đạt (Sertar), châu tự trị
Tạng Cam Tư tỉnh Tứ Xuyên.
Chính quyền Trung Quốc từ mùa hè 2016 đã tung ra chiến dịch san ủi
nhà cửa, cưỡng chế tăng ni đi nơi khác. Tuy nhiên khó thể biết cụ thể
những gì đang diễn ra tại đây, vì muốn vào Lạc Nhược Hương phải đi qua
một trạm kiếm soát của công an để kiểm tra danh tính, còn người ngoại
quốc thì bị cấm cửa.
Đặc phái viên Le Figaro đã tìm gặp Phuntsok, một nhà sư ở Lạc
Nhược Hương đi thăm người thân bị bệnh tại một thành phố gần đó. Nhà sư
tuổi đôi mươi kể lại, chỉ muốn khóc mỗi lần nhớ đến sự xuất hiện của
những cỗ xe ủi, và các tăng ni bị lùa lên hàng loạt xe buýt trong khi cư
dân chỉ biết đẫm lệ nhìn theo. Năm 2016, chỉ trong vài tháng có đến
30-40% người đang tu tập bị đuổi đi, trong số 20.000 nhà sư và ni cô ở
Lạc Nhược Hương. Human Rights Watch ước tính khoảng 5.000 tăng ni bị
cưỡng chế, và mục tiêu của nhà cầm quyền Bắc Kinh là giảm số cư dân
xuống còn 5.000 người.
Các tăng ni bị cưỡng chế về quê phải viết giấy nói mình « tự nguyện » ra đi, hứa sẽ không quay lại Lạc Nhược Hương. Họ còn phải cam kết « ủng hộ chính sách của chính phủ », không có bất cứ hành động chống đối nào. Một số còn bị buộc phải tham gia những khóa « cải tạo ái quốc ».
Một video của tổ chức phi chính phủ Free Tibet cho thấy các ni cô mặc
quân phục, bị bắt buộc hát những bài khẳng định Trung Quốc và Tây Tạng
là « những người con của cùng một Mẹ Tổ quốc ».
Những ngôi nhà nhỏ xinh trên sườn đồi bị ủi đi không thương tiếc. |
Sau khi giải tỏa, chính quyền cho xây lên những tòa nhà hiện đại, đưa
khoảng 100 cán bộ đảng cộng sản về làm nòng cốt tại Lạc Nhược Hương,
sáu quan chức đảng đã được cử làm lãnh đạo tu viện. Bắc Kinh không quên
các cuộc biểu tình của tu sĩ Phật giáo tại Lhassa hồi tháng 3/2008, sau
đó mở rộng trên toàn cao nguyên Tây Tạng. Người biểu tình đòi hỏi phải
cho Đạt Lai Lạt Ma quay về, tố cáo bị chèn ép về kinh tế, văn hóa, tín
ngưỡng. Phong trào đã bị đàn áp thẳng tay, nhưng một dạng phản kháng
khác nổi lên : trên 150 người Tây Tạng đã tự thiêu phản đối Trung Quốc
kể từ năm 2009.
Le Monde còn nêu ra trường hợp Tashi Wangchuk, một thanh niên 30 tuổi bị kết án 5 năm tù hồi tháng Năm vì « xúi giục ly khai ».
Tội của anh là đã công khai xuất hiện trong một video dài 9 phút của
New York Times hồi cuối năm 2015, đòi hỏi trẻ em Tây Tạng phải được học
tiếng mẹ đẻ trong trường học. Anh tố cáo : « Trên toàn vùng Tây Tạng,
từ tiểu học cho đến trung học, không còn có một chương trình nào được
giảng dạy bằng ngôn ngữ của chúng tôi ». Theo Wangchuk, đây là «
sự thảm sát có hệ thống nền văn hóa Tây Tạng ». « Về chính trị, khi một
quốc gia muốn diệt trừ một quốc gia khác, thì trước hết phải tiêu diệt
ngôn ngữ và chữ viết của quốc gia đó ».
Trung Quốc cao giọng khoe bảo vệ các sắc tộc thiểu số, nhưng theo nhà
nghiên cứu Maya Wang của Human Rights Watch, việc kết án Tashi Wangchuk
nằm trong quy trình « đồng hóa nền văn hóa Tây Tạng ».
(Từ Thuy My blog )
Bài viết rất hấp dẫn bạn đọc, xin cảm ơn
Trả lờiXóa