Những câu chuyện hay về phép tắc dùng người và đối nhân xử thế của cổ nhân luôn khiến người đời sau cảm thấy thú vị và tán thán…
Chiêu Minh Thái tử biết nghĩ cho đầu bếp
Sử cũ kể rằng: Chiêu Minh Thái tử của nhà Nam Lương trong lúc ăn cơm thì phát hiện bên trong thức ăn có ruồi chết và sâu bọ. Ông không nói một tiếng nào, mà lặng lẽ gắp chúng ra, giấu ở phía sau chiếc đĩa. Ông sợ bị thị quần thần phát hiện thì sẽ xử tội đầu bếp, cho nên mới cố tình không để cho người khác nhìn thấy.
Dùng người không nên nghi ngờ, để thể hiện lòng thành
Vào thời kỳ chiến quốc, bên trong chiếc hộp gỗ của Ngụy Văn Hầu toàn là những văn kiện phỉ báng ông. Ông đem cất hết toàn bộ mà không xem, cuối cùng đem tất cả đốt thành tro hết.
Nhà quý tộc Mạnh Thường Quân của nước Tề đem tiêu hủy hết toàn bộ những văn bản có nội dung oán hận ông.
Quang Vũ Đế Lưu Tú của Đông Hán, không kiểm tra thư từ có liên quan đến Vương Lang câu kết người trong nội bộ của mình.
Tào Tháo đem đốt hết toàn bộ thư riêng thông đồng với Viên Thiệu của một kẻ nào đó trong đội quân của mình.
Đạo Quy không tiết lộ âm mưu của kẻ hưởng ứng trong nội bộ Giang Lăng (nay thuộc huyện Giang Lăng, Hồ Bắc, Trung Quốc).
Những cách làm trên đều là các trường hợp điển hình của những người nắm giữ chính sự, vì muốn loại bỏ sự hoài nghi, thể hiện lòng thành đối với thuộc hạ của mình.
Tưởng Uyển thông cảm cho người khác
Tưởng Uyển của Thục Hán trong thời kỳ Tam quốc được chọn làm Thượng thư lệnh. Lại nói, tại Thục Hán thời bấy giờ do Gia Cát Lượng vừa mới qua đời, nên rất nhiều người dân xa gần đều cảm thấy vô cùng bất an.
Vào lúc bấy giờ, điểm khác nhau giữa Tưởng Uyển và những quan viên khác là: Ông vừa không thể hiện ra sự buồn phiền lo lắng, vừa không thể hiện ra sự hân hoan vui mừng. Nhất cử nhất động đều giống như ngày thường, điều này khiến cho mọi người cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều.
Tưởng Uyển từng nói chuyện với Đông tào chuyên Dương Hý, Dương Hý không trả lời một câu nào cả. Có người nói rằng: “Hỏi chuyện không đáp lại, chẳng phải là rất khinh khi vô lễ với cấp trên sao?”. Tưởng Uyển nói: “Trước mặt thuận theo, sau lưng dị nghị, là điều mà người xưa luôn răn đe. Dương Hý tán thành cách nhìn của ta, thì không phải là thật lòng; phản đối cách nhìn của ta, thì cho thấy sự sai lầm của ta. Dương Hý im lặng không lên tiếng, đích thực là hành động dứt khoát mà sáng suốt đó!”.
Lòng khoan dung và sự chân thành của Tưởng Uyển dành cho Dương Hý khiến cho những người xung quanh đều cảm thấy cảm động và ấm áp.
Liêm khiết tự có uy, tham nhũng hèn nhát nhất
Phong Khánh là người huyện Ngân (nay thuộc thành phố Ninh Ba, Chiết Giang) của nhà Minh, tự Văn Khánh. Là tiến sĩ trong những năm Chính Thống. Về sau được phong làm Binh khoa cấp sự trung. Vào thời của Minh Anh Tông, đảm nhận chức Bố chính sử tại Hà Nam.
Khi ấy, Phong Khánh nổi tiếng xa gần với danh tiếng dám nói lời thẳng thắn, tác phong của ông trong sạch liêm chính, kỷ luật nghiêm minh, vì vậy mà danh tiếng vang khắp quận huyện.
Một hôm, Phong Khánh kiểm tra thành tích làm việc của các quan viên, phát hiện có một tri huyện tham ô làm trái pháp luật. Tri huyện vô cùng sợ hãi, vì vậy đã dùng bạc trắng làm thành đèn cầy, đem tặng cho Phong Khánh.
Phong Khánh là một người thật thà, lúc đầu không biết là bên trong đèn cầy có ẩn giấu sự cấu kết mờ ám. Không lâu sau, thuộc hạ của Phong Khánh nói với ông rằng bên trong “đèn cầy” có bí mật. Ngày hôm sau, Phong Khánh nói với tri huyện một cách thong thả: “Đèn cầy của ông đốt không cháy, mang hết toàn bộ về đổi thành loại cháy được đi”.
Tri huyện tự biết mình tham nhũng xem thường vương pháp, nên vô cùng hoảng sợ. Phong Khánh vẫn còn chưa chính thức điều tra vụ án của ông ta, ông ta đã ném bỏ quan ấn, tự mình bỏ trốn rồi.
Tể tướng ngày xưa về quê bái hương thân
Chức quan của Sử Việt Vương là Tể tướng. Sau khi ông nghỉ hưu, khi đi về quê, trên đường đi qua Từ Khê (nay thuộc đông bắc bộ của Chiết Giang). Trưởng quan Tưởng Ngạc tại nơi đó ra ngoài thành nghênh đón. Sau khi gặp mặt, các quan sứ trong huyện xếp thành một hàng dài ở ngoài sân cúi người lễ bái Sử Việt Vương, Sử Việt Vương cũng cúi người hồi bái họ. (Hồi bái là bái chào để đáp lại đối phương).
Tưởng Ngạc liền mời Sử Việt Vương miễn lễ, và nói rằng không cần hồi bái. Sử Việt Vương nói: “Ngươi là trưởng quan của bọn họ, có danh phận tôn ti trên dưới với bọn họ. Nhưng ta và bọn họ là hương thân, bình đẳng như nhau. Cần phải hồi bái!”.
Theo Epoch Times
Châu Yến biên dịch