Trong vũ trụ bao la này, mỗi người trong chúng ta đều tồn tại một cách nhỏ bé giống như những hạt bụi bay lơ lửng trên bầu trời. Trong dòng chảy lịch sử lâu dài, chúng ta chỉ giống như ngôi sao băng xẹt ngang qua bầu trời, không để lại dấu vết gì, nhưng có một số người lại rực rỡ như những bông hoa ngày hè. Họ dùng cuộc đời ngắn ngủi của mình để viết lên một lịch sử huy hoàng, sau đó biến mất một cách thần bí, sống không thấy người, chết không thấy xác, chỉ để lại những truyền thuyết cho cuộc đời. Hôm nay, trong phạm vi bài viết nhỏ này hãy cùng tìm hiểu 7 nhân vật nổi tiếng trong lịch sử mất tích một cách thần bí.
Lão Tử đã cưỡi trâu xanh đi đâu?
Trong “Sử ký” của Tư Mã Thiên có ghi chép rằng: Lão Tử, người sáng lập học phái Đạo giáo cổ đại cuối đời cưỡi trâu xanh vân du thiên hạ, truyền giảng học thuyết Đạo giáo để trị nước cứu thế, khai hóa Tây Vực. Trên đường tây hành Lão Tử đi tới Hàm Cốc quan (nay là thành phố Linh Bảo của tỉnh Hồ Nam), tại đây ông được người giữ quan ải là Doãn Hỷ giữ lại đón tiếp thình tình, coi như thầy. Đáp lại tấm lòng ấy, Lão Tử đã viết ra cuốn “Đạo Đức Kinh” nổi tiếng thiên cổ trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc. Sau đó Lão Tử cưỡi trâu xanh ra khỏi Hàm Cốc quan đi về phía tây, “mạc tri kỳ sở chung”. Có nghĩa là, cưỡi trâu xanh ra khỏi quan ải, đi thẳng về phía tây, từ đó không biết đã đi đâu. Trong “Sử ký” còn ghi chép: “Lão Tử sống khoảng hơn một trăm sáu mươi tuổi, hoặc hơn hai trăm tuổi, cũng từ đó tu đạo mà dưỡng thọ”.
Từ xưa đến nay, những tác phẩm văn chương, học thuật nghiên cứu về Lão Tử có thể nói là nhiều như một kho tàng sách. Tuy nhiên, cuối đời Lão Tử tu đạo ở nơi nào? Sau khi Lão Tử đắc đạo đã ở đâu bay lên trời? Đó vẫn là những câu đố ngàn năm chưa có lời giải đáp.
Có người nói là Lão Tử đi về phía tây, băng qua sa mạc đi đến Ấn Độ. Cũng có một cách nói khác lại cho rằng cuối đời Lão Tử dừng chân tại Lâm Thao thuộc tỉnh Cam Túc, truyền dạy cách tu luyện nội đan cho những người già đến ẩn cư, tu sinh dưỡng đạo. Sau khi đắc đạo Lão Tử từ siêu nhiên đài tại Lâm Thao bay lên trời. Cách nói thứ ba thì cho rằng, Lão Tử không đi về phía tây mà quay về phía đông.
Tây Thi ở ẩn Tây Hồ
Tây Thi là người đẹp đứng đầu trong tứ đại mỹ nhân thời xưa, có sắc đẹp chim sa cá lặn, Tây Thi là một cô gái giặt lụa của nước Việt thời Xuân Thu. Chúng ta đều rất quen thuộc với câu chuyện về Tây Thi. Chuyện rằng nước Việt bị Ngô vương Phù Sai tiêu diệt, chúa nước Việt là Việt vương Câu Tiễn bị bắt, phải sang nước Ngô làm nô lệ. Việt vương Câu Tiễn mang đại mỹ nhân Tây Thi của nước Việt dâng lên Phù Sai, mục đích là muốn dùng mỹ nhân kế làm rối loạn giang sơn xã tắc của nước Ngô.
Tây Thi không phụ lòng kỳ vọng của Việt vương, đã nói những lời tốt đẹp về Việt vương Câu Tiễn trước mặt Ngô vương Phù Sai. Cộng thêm bản thân Câu Tiễn ra sức lấy lòng Phù Sai, cuối cùng Phù Sai cũng thả Câu Tiễn về nước. Sau khi Câu Tiễn về nước thì chính là câu chuyện “nằm gai nếm mật” mà chúng ta đều đã quen thuộc. Sau này khi nước Việt tiêu diệt nước Ngô, trong lịch sử không ghi chép lại tung tích của Tây Thi. Kết cục của Tây Thi như thế nào? Cô ấy đã đi đâu?
Có một số nhận định cho rằng Tây Thi cùng với Đào Chu Công Phạm Lãi quay về ở ẩn Tây Hồ. Người có tình cuối cùng cũng thành một đôi, hai người sống cuộc sống hạnh phúc. Nếu thực sự là như vậy, đối với Tây Thi mà nói, đây có lẽ là kết cục tốt nhất rồi. Đây cũng là điều mà chúng ta hy vọng. Tuy nhiên, kết cục này có thể chỉ là do người đời sau muốn nghĩ như vậy thôi, chứ không có bất cứ tài liệu lịch sử nào cho thấy Tây Thi và Phạm Lãi có quen biết nhau. Hai người này vốn dĩ không có chút liên quan gì đến nhau.
Còn có một cách nói khác chính là “thỏ khôn chết chó săn bị làm thịt, chim bay lên cao cây cung tốt phải cất giấu”. Sau khi nước Việt diệt Ngô, Tây Thi không còn giá trị lợi dụng nữa. Tây Thi sống ở nước Ngô lâu như vậy, lại biết được quá nhiều cơ mật mưu quyền của Câu Tiễn, một người thận trọng như Câu Tiễn chắc chắn sẽ không buông tha Tây Thi. Cho nên có giả thuyết nói rằng ông đã bỏ cô trong bao bố rồi nhấn chìm xuống sông.
Kiến Văn Đế xuống Nam Dương
Kiến Văn Đế (còn gọi là Minh Huệ Đế) tên là Chu Doãn Văn, là cháu của Chu Nguyên Chương, vị hoàng đế khai quốc của nhà Minh. Kiến Văn Đế cũng được xem là một vị hoàng đế nhân nghĩa. Trong thời gian tại vị, ông đã thay đổi chính sách cai trị khắc nghiệt của Chu Nguyên Chương, lấy nhân nghĩa để trị vì thiên hạ. Nhưng chính sách tước phiên, xoá bỏ quyền lực của các thân vương nhà Minh đã xâm hại đến lợi ích của Yên vương Chu Đệ, người chú của ông
Chu Đệ dẫn quân khởi nghĩa, từ Bắc Kinh đánh chiếm xuống Nam Kinh (kinh đô nhà Minh thời bấy giờ). Sau khi thành Nam Kinh bị công phá thì không ai biết Kiến Văn Đế đã đi đâu. Có người cho rằng Kiến Văn Đế đã bỏ chạy đến Nam Dương, vì vậy mà Chu Đệ liên tục bảy lần phái Trịnh Hòa đem thuyền lớn xuống Nam Dương tìm kiếm. Cũng có một số người cho rằng thật ra Kiến Văn Đế vẫn luôn ở khu vực Vân Quý, làm một đạo sĩ mai danh ẩn tích. Tóm lại, tài liệu liên quan đến tung tích của Kiến Văn Đế vẫn còn rất nhiều mơ hồ, không ai biết cuối cùng ông đã dừng lại ở đâu.
Từ Phúc vượt biển về phía đông
Từ Phúc, tự là Quân Phòng, là một thuật sĩ nổi tiếng của nhà Tần, từng đảm nhận chức ngự y cho Tần Thủy Hoàng. Sự tích của Từ Phúc đầu tiên được tìm thấy trong “Tần Thủy Hoàng bản kỷ” và “Hoài Nam Hoành Sơn liệt truyện” của “Sử Ký” (Tư Mã Thiên). Theo “Tần Thủy Hoàng bản kỷ” trong “Sử Ký” ghi chép: Tần Thủy Hoàng muốn được trường sinh bất lão nên đã phái Từ Phúc ra biển đi tìm kiếm thuốc tiên, nhiều năm không có kết quả. Về sau Từ Phúc lại một lần nữa dẫn theo 500 đồng nam đồng nữ cùng 3.000 người thợ ra biển, từ đó một đi không trở lại.
Liên quan đến tung tích của Từ Phúc, có một cách nói cho rằng: Từ Phúc đã đi đến Nhật Bản, 500 đồng nam đồng nữ phát triển sinh sản, hậu thế của họ chính là dân tộc Yamato của Nhật Bản thời này. Vì vậy Từ Phúc chính là Thiên hoàng đầu tiên của Nhật Bản. Còn một cách nói khác lại cho rằng Từ Phúc đã đến Đài Loan hoặc quần đảo Lưu Cầu, rồi sinh sống tại đó. Dù vậy những cách nói này đều không thể kiểm chứng. Nhưng có thể khẳng định một điều là, lịch sử có ghi chép Từ Phúc vượt biển về phía đông, còn về cụ thể ông đã đi đâu, sau đó như thế nào thì không ai biết cả.
Lý Tự Thành mai danh ẩn tích
Hẳn mọi người đều không còn xa lạ gì với câu chuyện về Lý Tự Thành. Năm cuối cùng của nhà Minh, thiên tai loạn lạc, dân chúng lầm than, quần hùng cùng nhau nổi dậy. Trong đó Lý Tự Thành trở thành một lực lượng lợi hại nhất trong số các đội quân khởi nghĩa của nông dân, cuối cùng dẫn quân công phá thành Bắc Kinh, dồn hoàng đế nhà Minh Sùng Trinh cùng đường phải treo cổ tự sát. Lý Tự Thành xưng Đế nhưng đã không thể tại vị được lâu. Chưa đầy 2 tháng sau, Ngô Tam Quế mở toang Sơn Hải quan để quân Mãn Thanh vào Trung Nguyên. Quân Thanh thiện chiến đã đánh tan quân khởi nghĩa của Lý Tự Thành. Binh lính Lý Tự Thành ngã xuống như núi đổ, cuối cùng bại trận tại Cửu Cung Sơn. Kết cục sau này của Lý Tự Thành cũng mơ hồ không rõ ràng.
Trong tấu chương quân Thanh dâng lên cho Hoàng đế, có miêu tả Lý Tự Thành không còn đường tháo chạy, đã tự sát tại Cửu Cung Sơn. Tuy nhiên, truyền thuyết dân gian lại cho rằng Lý Tự Thành chưa chết, lúc đó, bộ hạ của ông đã chết thay ông. Sau khi Lý Tự Thành chạy thoát khỏi Cửu Cung Sơn đã xuất gia tu đạo, từ đó mai danh ẩn tích, còn về những chuyện sau này người đời sau càng không thể nào biết.
Dương Quý Phi
Dương Ngọc Hoàn (719 – 756), hiệu là Thái Chân, dáng người xinh đẹp, giỏi hát múa, am hiểu âm luật, là thiếp yêu của Hoàng đế Đường Huyền Tông. Tài năng âm nhạc của bà rất hiếm thấy trong số các phi tần hậu cung trong lịch sử, được người đời sau xem là một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc thời xưa.
Năm Thiên Bảo thứ mười bốn (năm 755) tiết độ sứ An Lộc Sơn của ba trấn Phạm Dương, Bình Lô, Hà Đông mượn danh nghĩa dẹp loạn tặc, chống lại Dương Quốc Trung để khởi binh tạo phản, đưa quân tiến thẳng về thành Trường An. Năm đó, Đường Huyền Tông dẫn theo Dương Quý Phi cùng Dương Quốc Trung chạy vào đất Thục (nay là thành phố Tứ Xuyên). Khi đi qua dịch quán Mã Ngôi (nay là thành phố Hưng Bình, Thiểm Tây), cấm quân đi theo hộ giá do Trần Huyền Lễ thống lĩnh đồng loạt yêu cầu xử tử Dương Quốc Trung và Dương Quý Phi. Binh lính sau đó đột nhiên xông đến chém loạn xạ vào người Dương Quốc Trung cho đến chết.
Đường Huyền Tông nói Đường Quốc Trung làm loạn triều cương rất đáng bị xử chết, nhưng Dương Quý Phi vô tội, có ý muốn miễn tội chết cho bà. Nhưng cấm quân đều cho rằng Dương Quý Phi là hồng nhan hại nước. Loạn An Sử là do Dương Quý Phi mà ra, không xử tội khó mà trấn an lòng quân và sĩ khí. Binh lính tiếp tục bao vây quanh Hoàng đế để gây sức ép. Đường Huyền Tông nghe theo lời khuyên của Cao Lực Sĩ, đành phải bất đắc dĩ ban tội chết cho Dương Quý Phi.
Dương Quý Phi được ban một tấm vải trắng, treo cổ chết trên cây lê trong Phật đường, năm đó bà 38 tuổi. Hai câu thơ “Lục quân bất phát vô nại hà; Uyển chuyển nga mi mã tiền tử” (sáu quân không chịu tiến, không biết làm sao; vua đành lòng để cho người đẹp oằn oại chết dưới ngựa)trong “Trường hận ca” của Bạch Cư Dị chính là tả cảnh này.
Tuy nhiên, có truyền thuyết nói rằng Dương Quý Phi vẫn chưa chết, lý do là sau khi Đường Huyền Tông bình định loạn An Sử xong, đã phái người đi tìm kiếm thi thể của Dương Quý Phi nhưng lại không tìm thấy. Từ đó tung tích của Dương Quý Phi trở thành một bí ẩn, thậm chí còn có người phát hiện ra mộ của bà ở Nhật Bản. Dù vậy lúc đó phần lớn mọi người đều cho rằng Dương Quý Phi đã chết rồi, chỉ là không tìm thấy thi thể mà thôi.
Trương Tam Phong
Chúng ta biết về Trương Tam Phong nhiều nhất thông qua tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung. Cho nên rất nhiều người đều cho rằng Trương Tam Phong là một nhân vật kiếm hiệp được hư cấu, thật ra không phải vậy. Trong lịch sử có rất nhiều ghi chép liên quan đến Trương Tam Phong.
“Minh sử” quyển 299 có ghi chép: “Trương Tam Phong, người Ý Châu, Liêu Đông, tên Toàn Nhất, tự là Quân Bảo, Tam Phong là đạo hiệu. Vì không chú trọng hình thức bên ngoài, nên còn được gọi là Trương Lạp Tháp. Thân hình cao lớn, hình rùa lưng hạc, tai lớn mắt tròn, râu dài như kích, nóng hay lạnh cũng chỉ một áo vải một áo rơm, ăn uống, một đấu hay mười đấu đều ăn sạch, hoặc nhiều ngày ăn một bữa, hoặc nhiều tháng không ăn. Xem sách nhìn qua là nhớ, đi đâu cũng không ở lâu, hoặc một ngày đi được ngàn dặm, giỏi trêu đùa, không để ý người xung quanh. Du ngoạn các ngọn núi Võ Đang. Có người nói rằng: ‘Núi này, sau này chắc chắn đại hưng’. Tam Phong cùng đệ tử đến nơi hoang sơ, bỏ gạch vụn, lập nhà rơm để ở, đã bỏ mà đi”.
Lịch sử ghi chép Trương Tam Phong sinh vào giờ Tý ngày 9 tháng 4 năm Thuần Hữu thứ tám (tức năm 1248) tại Ý Châu, Liêu Đông (nay là Phụ Tân, Liêu Ninh, còn gọi là Cẩm Châu, Liêu Ninh). Trong dân gian cũng có nhiều cách nói khác nhau về nơi sinh của ông, như Bảo Kê (Thiểm Tây), Thiệu Vũ (Phúc Kiến). Trương Tam Phong là tổ sư sáng lập phái Võ Đang. Minh Anh Tông ban cho ông hiệu là “Thông Vi Hiển Hóa Chân Nhân”. Minh Hiến Tông đặc biệt phong danh hiệu là “Thao Quang Thượng Chí Chân Tiên”. Minh Thế Tông phong ông là “Thanh Hư Nguyên Diệu Chân Quân”.
Về việc qua đời của Trương Tam Phong, trong lịch sử không có ghi chép tình huống cụ thể. Lần xuất hiện cuối cùng của Trương Tam Phong là vào năm Quang Đạo thời nhà Thanh, ông cùng với Lã Động Tân xuất hiện tại núi Nga Mi, chỉ dạy một đạo sĩ tên Lý Hàm Hư tu luyện. Về sau đạo trưởng Lý Hàm Hư sáng lập lý luận tu đạo tây phái. Từ đó về sau không còn ai biết tung tích của Trương Tam Phong nữa.
Theo Sound Of Hope
Châu Yến biên dịch
Daị Kỷ Nguyên
Châu Yến biên dịch
Daị Kỷ Nguyên
do lưu trữ không đủ nên không biết đi đâu
Trả lờiXóa