Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2020

Cái tẩu thuốc phiện 1849 -Ngộ Không Phi Ngôc Hùng

      Cái tẩu thuốc phiện 1849  

Đang lọ mọ trong kho chữ may vớ được bác, bác lại là con điệp tử thư trung của cụ Tiên Điền. Bác đúng là sinh vật để tôi ăn mày chữ nghĩa, bởi tôi sắm nắm mỗi người gắn liền với một vật mới thành chuyện. Vì vậy tôi đi tìm nó, bác bò ra khỏi trang giấy búi bấn…“nó” là giống giuộc gì vậy? Chả dấu gì bác, ấy là…Cái tẩu thuốc phiện.
Bác dậy tôi dầy chữ quá lắm, cứ gọi bác là con mọt chết dí trong trang sách là được rồi. Tiếp, bác như thị ngã văn dưới đây có viết cái dọc tẩu được chăng?
“…Cậu ấm Hải con cụ Án vẫn hay đi bắn cò. Thấy chồng lau súng, Duyên vợ Hải chợt nghĩ ra một điều gì, bảo chồng: “Bắn, sao độ này không nghe thấy tiếng súng?”.
Hải trả lời ngay vì câu trả lời đã nằm sẵn ở trong óc chàng từ lâu:
- Người ta đi bắn vịt giời, ở mãi tận cánh đồng Nậu.
Lúc trở về, Hải đi qua Xóm Cầu Mới, qua phố Phủ rồi đến nửa đường sang làng Nậu, tới chỗ cái quán làng Cầu có cây đa con gà, chàng ngồi xuống lấy thuốc lá hút. Hút xong Hải lần theo hàng dậu ruối đến cổng một nhà tranh, chàng quay lại không có ai trông thấy, cất tiếng gọi: “Bác Hiên ơi”. Có tiếng kẹt cửa rồi bác Hiên gái bước ra, nói:
- Bẩm cậu đến.
- Bác giai đi vắng?
- Vâng, thầy cháu có việc phải sang Yên Ninh có lẽ tối xẩm mới về.
Nàng vén áo ngồi lên giường và bắt đầu hơ nướng thuốc. Nàng mỉm cười nhìn Hải. Nằm đợi bác tiêm, Hải tha hồ ngắm, chàng thấy có vẻ thơ ngây; đôi môi bác có duyên ở chỗ hai bên mép lại cong xuống một tí, và vì thế miệng lại có vẻ tinh nghịch. Bác Hiên đưa mắt nhìn Hải và thấy hai con mắt Hải nhìn mình có vẻ khác. Hải nói:
- Cổng trống, bác cài then rồi chứ?
- Bẩm cậu cài rồi, cả cửa nhà nữa ạ…”.

Tôi ngẫn ngẫn chuyện bắn cò, bắn vịt giời của nhà văn Nhất Linh chả dây mơ rễ má đến cái tẩu gì sất. Bác cười nhín ra điều hãy đọc tiếp đi…
“…Vừa tiêm xong điếu thuốc, nàng đưa cho Hải. Hải ngồi dậy:
- Bác hút một điếu cho ấm áp.
Hải đặt dọc tẩu vào bàn tay nàng, Hiên đẩy ra, và trong lúc giằng co tay Hải nhiều lần chạm vào tay nàng. Sau cùng Hải nắm hẳn lấy bàn tay Hiên, kéo nàng nằm xuống và bắt hút. Hải cũng giơ tay đỡ dọc tẩu và như vô tình bàn tay chàng đặt lên bàn tay Hiên.. Bác Hiên hút xong đặt dọc tẩu xuống, hai mắt nhắm lại.
- Cậu làm cháu say quá!
Tiếng nàng nói Hải nghe ấm áp và đầy lẳng lơ. Hải cũng nhắm mắt lại: chàng nghĩ nếu được hôn một người đàn bà đương say thuốc chắc là một cái thú mê hồn. Nàng cũng thấy nóng ran cả người vì thèm muốn chứ không phải vì say thuốc. Nhưng hôm nay nằm cùng một giường với một người đàn ông, căn nhà lại vắng, các cửa đóng hết, nàng đã thấy trong lòng hồi hộp vì thèm muốn…” (xem tr 3)
Bỗng bác mọt chữ hỏi chả đâu vào đâu: “Bác ăn chữ mòn răng, bác có hay cái điếu cày cùng họ hàng hang hốc với cái tẩu thuốc phiện chăng?”. Như đợi dịp này lâu lắm rồi, bác ta khoe chữ cái điếu cày được thợ cày cưa, cắt từ khúc tre bánh tẻ. Xong, bác đục đẽo cái điêu cày chả danh gia vọng tộc gì cho mấy. Thế nhưng trong văn học từ cổ chí kim không thứ gì tiêu pha nhiều chữ nghĩa về cái điếu cày như thế.
Với tôi, cái dọc tẩu là kẻ hậu sinh. Tôi đắp chữ vá câu cái tẩu thuốc giống cái điếu cày, nhưng nó được đắp thiếc, đồng, bạc cho oách và cái nõ là cái nồi ống bằng kim loại. Khi hút, mấy ông bắn khỉ nằm bên bàn đèn, đưa cái nồi ống hơ trên chiếc đèn dầu lạc. Khi thuốc phiện sèo sèo, mấy ông bắn khỉ bèn bắn một phát, bắt đầu hít vào để “phê”. Vì vậy mới có cụm từ…“hít tô phê”, “bán khỉ”, bắn “ba-zô-ca” là vậy.
Số là tậm tịt thế nào chả biết nữa, hiếm mấy ông bắn khỉ nhà văn, nhà thơ chịu viết về khẩu “ba-zô-ca” cho tôi nhờ. Như truyện ngắn tựa đề Cái dọc tẩu của nhà văn Bùi Hiển. Truyện dài 4 trang: Ngoài cái tựa đề! Tôi lõ mắt tìm chỉ thấy duy nhất: 1 câu với 25 chữ chỉ có 2 chữ về cái tẩu: “Anh gạt tay lão ra, lão càng xán vào vừa ấn dọc tẩu lên miệng anh vừa nói gì rất to gần như xỉ vả”.
Người nghiện thuốc phiện viết về hút thuốc phiện không ai ngoài Vũ Bằng. Tác giả xưng “ông” qua tự sự Phù dung ơi! Vĩnh biệt. Chẳng qua vì “vĩnh biệt” ông mới viết:
“…Ông nhớ đến cái cảnh linh lung ở tiệm, đây đó có mấy ngọn đèn dầu mờ tỏ. Cảnh đó “gợi” lòng người nghiện lắm. Thế mà ông không được hưởng. Lòng ông rộn rã như có ai vò xé. Tai ông ùm lên…Ông nhớ đến tiếng nói của ông chủ tiệm? Đến tên bồi tiêm mỗi khi làm xong điếu thuốc lại cầm tiêm gõ vào độc tẩu mời ông xơi?...”.
Ngay cả Vũ Bằng cũng không nói gì đến cái tẩu thuốc, mà chỉ tả sơ qua cảnh tiêm thuốc phiện như Nhất Linh, thưa bác mọt chữ.
 

 Tiếp đến bác quắn đầu trong văn học, ai là người hút xách đầu tiên…
Theo tôi: Người Anh mang thuốc phiện từ Ấn Độ vào nước Tàu gây ra Chiến tranh nha phiến. Người Pháp mang thuốc phiện vào nước ta để cụ vua đầu tiên nhì nhằng đến á phiện là Khải Định (1916-1925). Cụ vua ta ngòai mê hát bội, hát cô đầu, cụ còn bài bạc tài bàn, tổ tôm và…thuốc phiện qua câu tự trào đầy khẩu khí:
- Xuân xanh tuổi ngoài đôi chục, chơi đục trần ai, khi bài khi bạc, khi tài bàn vác, khi tổ tôm quanh, khi năm canh ngồi nhà hát, khi gác cổ ả đào, khi ghẻ tầu con đĩ xác, khi nằm rạp thuốc phiện tiêm, hoang ra dáng, rạng ra rồng, ngông ra phết, cóc biết chi tồi, miệng én đưa qua mùi gió thoảng.

Qua gió thỏang có nhiều người viết về hút thuốc phiện như Thế Uyên viết về Nguyễn Mạnh Côn, Tô Kiều Ngân viết về Đinh Hùng. Nhưng tôi chịu đèn nhất cụ núi Tản sông Đà: Đầu thế kỷ 20, cụ Tản Đà có bài thơ Đi đong thóc: Trời mưa, sắn ống cao quần - Hỏi cô bán thuốc trời gần hay xa - Thân anh đã xác như vờ - Đồng cân xin chị cho già chớ non. Tôi chỉ ngửi chữ qua thơ thế thôi, vì chưa ai viết cụ hút thuốc phiện. Nhưng tôi chịu đèn…dầu lạc ở cụm chữ “xác như vờ” để hình dung con vờ vờ bay là là trên mặt nước ao hồ rồi sáng nở tối tàn rồi như phù dung, phù du.
Mạn phép bác chứ, chứ bác gặm chữ mòn sách, bác biết thừa bứa khoảng thời gian này thuốc phiện được người Pháp điều hành việc phân phối. Tiệm thuốc phiện thời ấy có một bộ mặt rất Tây: Trước cửa không treo bảng hiệu mà chỉ gắn một bảng trắng kẻ hai chữ RO (Régie Opium) tức Công quản thuốc phiện.
Bác nói tôi làm quen với thuốc phiện qua người Anh, người Pháp, vậy tôi có…“quen biết” với cô ba phù dung chăng? Đành nem nép thưa, tôi chỉ che đóm ăn tàn theo thằng bạn, sau mới có ngẫu sự đi tìm cái tẩu ở một nơi chốn mang dấu tích của người Anh, Tô Cách Lan, Ái Nhĩ Lan. Bác tặc lưỡi nghe lạ. Chả lạ gì, vì đã có người Ái Nhĩ Lan trở về quê mua cả làng mang sang Arizona dựng lại thì sao, thưa bác mọt sách.
Chuyện với cô ba phù dung chẳng qua…qua những năm trung hoc, tôi ngồi đồng ở quán cà phê ông Tàu Hải Phòng nghiện thuốc phiện tên Phong hay “Foóng” trong con hẻm trên đường Nguyễn Thiện Thuật. Bắt gặp chữ “foóng”, bác được thể mọt sách nho phong với “yên” là thuốc phiện, “foóng” là dân làng bẹp vì…nằm bẹp dí bên bàn đèn. Ở quán cà phê tôi gặp thằng Phát cháu ông. Một hôm, nó đèo tôi trên xe Goebel 1965 và kể lể một lần nó bị đau bụng. Ông cho nó “phê” để hết đau. Tôi hỏi nó lần đầu “phê” có…phê chăng. Nó nói lúc đầu “phê” vừa ói mửa, vừa đau bụng nữa, thế mới khỉ. Khỉ gió gì đâu, một ngày không mây sao có mưa đột nhiên nó chở tôi tới con ngõ cạnh Viện Đại Học Vạn Hạnh chui vào vòm Tư Cao cho nó “phê” một cữ, vì “đói thuốc” rồi.
Tới cửa, nó đe nẹt tôi: Mày đừng thử, coi chừng đau bụng…
Tôi vào gặp cô “tiêm thuốc phiện” đơm chuyện hút thuốc phiện khó lắm, nhiều người hút lần đầu chả mấy khi kêu thành tiếng. Lạy thánh mớ bái, bác tha cho, y xì như ông nhà văn Nhất Linh…tả cảnh nằm bên bàn đèn với bà Hiên ấy, là cô ấy cúi xuống lui cui tiêm thuốc cho nó, cấu vào mắt tôi một mảng ngực to bằng cái đèn dầu lạc. Thế là cái đèn dầu lạc chui tịt vào đầu tôi vất vưởng thà một phút huy hòang rồi chợt tắt, còn hơn là le lói suốt trăm năm. Thằng tôi bèn “ngả bàn đèn” làm một điếu. Tôi nhắm tịt mắt lại “hít” thẳng băng một hơi kêu “ro..ro..” ngon ơ. Mô Phật, cô tiêm thuốc phiện khen nức nở thằng tôi…có khiếu trên đời ít thấy. Từ đó tôi kệch đến già, thưa bác.

Khi không bác mọt chữ gọ gạy đã thấy cái dọc tẩu chưa? Hỏi xong, bác lại đẩy truyện ngắn Bắn vịt trời của Nhất Linh trước mặt tôi.
“…Bỗng Hải ngạc nhiên thấy bác Hiên đặt dọc tẩu và tiêm xuống, tay ôm bụng.
- Bác sao thế?
- Bẩm cậu cháu đau bụng.
- Bác đau bụng à, hút một điếu thì khỏi ngay.
Hải giơ tay đỡ dọc tẩu để bác Hiên hút; nhìn thấy nàng hút, chàng hỏi:
- Bác đã hút bao giờ chưa?
- Bẩm cậu, khi nào đau thì phải hút. Lúc thường thầy cháu không cho.
Nàng nằm yên ngửa mặt để thở. Nhưng hôm nay nằm cùng một giường với một người đàn ông đẹp trai, nàng thấy trong lòng thèm muốn. "Biết đâu không có đứa con", nàng nghĩ thế để che đậy sự rạo rực về nhục dục. Chính nàng đã giả vờ đau bụng để Hải mời hút thuốc và như thế nàng sẽ bạo dạn hơn…” (Bắn vịt giời 1949)
Bậu vào mắt tôi năm 1949. Đúng là con số ngẫu nhiên, vì chuyện tôi đi săn cái tẩu lại vướng vất đến ngẫu sự cách đây đúng 100 năm: Ấy là năm 1849…
Số là mon men làm quen với thú chơi đồ cổ qua thằng bạn học với chuyện kể không ai tin: Nó ghé tiệm đồ cổ Tàu dưới phố và va vào mặt cái tẩu thuốc phiện. Hỏi giá nhiêu, lão Tầu già trả lời: 500. Khỏang năm 1985, bộ tiền chùa sao, nên đi về. Sang năm trở lại, cái tẩu vẫn còn đấy. Hỏi nhiêu, đáp: 1000. Năm sau nữa quay lại, cái tẩu thuốc phiện biến mất. Bèn há họng hỏi?. Lão Tầu già tỉnh rụi: 1500.
Cuối tuần, đang ngồi ở…tiệm mì, bỗng nó hỏi tôi: “Lêu bêu đồ cổ không mày?”. Đột nhiên cái đầu đất tôi chui ra cái tẩu thuốc phiện và nghĩ dám “của đi tìm người” lắm ạ. Cùng lúc tôi nghĩ không ra cái tẩu, cái ngày đi hút với thằng cháu ông chủ tiệm ca phề làm bằng gì? Gỗ hay tre? Lại nháo nhác thuốc phiện khởi thủy từ Ấn Độ mà cái tẩu họ làm bằng …thân cây ớt. Bác lụng bụng nói thế mà nghe được. Hơ! Thế thì Tàu vặn vẹo cái tẩu giống “cái tù và” bằng sừng trâu, sừng bò thì sao, thưa bác mọt chữ.
Bèn đi tới một nơi chốn cách thành phố tôi ở gần hai giờ lái xe…
Nơi đến là một thị xã nhỏ, nằm trên hương lộ (FM), trước khi vào thị xã có cây cầu sắt. Sau này tôi trở lại đây một lần nữa, mỗi lần từ xa nhìn thấy nó tôi lại nhớ tới cầu Bình Lợi. Chỉ khác một nhẽ cầu đây chỉ có hai nhịp, cầu Bình Lợi sáu nhịp, mặt cầu gỗ, giữa có đường rày xe lửa chạy qua. Chẳng qua trái đất tròn, ông Tây người Pháp tên Gustav Effeil mang sắt qua nước ta ráp nối lên năm 1902 giữa cánh đồng…Đồng Ông Cộ. Thì người Âu châu mang cái cầu sắt cũng kiểu cọ này sang đây nên mỗi lần tới nơi chốn này, tôi lại mang mang một chút hương đồng cỏ nội…quê nhà. Thảng như qua cầu Bình Lợi tới chợ Thủ Đức ăn nem nướng, đến vườn cây ăn trái Lái Thiêu, rồi lạc nẻo chân ai tới Biên Hòa ở đâu đó có con suối Lồ Ồ.
Qua cầu gặp tấm bảng ghi hai hàng chữ “Wimberley Ghost Town - Population: 1500”. Thị xã là một trong “The Best 10 Antique Towns of Texas”, gọi là thị xã nhưng chỉ là một con phố ngắn ngủn. Nhưng có một rạp ciné cũ kỹ thời thập niên 40, nay đã đóng cửa. Hỏi thị dân, tôi mới ớ ra vì thời gian tàn lụi, các saloon đóng cửa, thị xã trở thành ghost towns. Con phố bán đồ cổ với những món đồ cũ kỹ còn rơi rớt lại mang dấu tích của người Đức, Anh, Tô Cách Lan, Ái Nhĩ Lan khi họ sang đây khai phá vùng đất mới. Nay những ông bà già khú đế, con cháu họ tìm đến đây để nhặt nhặn những cổ vật mang dấu ấn đâu đó bên kia đại dương. Cuối tuần thị xã Wimberley mới có sinh khí, họ ghé đây mua sắm đồ cổ, họ gặp nhau ở saloon uống bia Đức, Whisky Scotch (Tô Cách Lan) để nhắc lại một thời xa xưa.
Bác dẽ dàng cái đất khỉ ho cò gáy toàn đồ phương Tây thì xách bác tới làm chi cho nhọc sức. Ha! Bác nằm trong kho chữ đâu có hay ở tiêm Fredericksburg có cả chục bình, lọ, đĩa, bát…“nhái” đồ sứ Giang Tây. Ấy vậy mà vào tiệm, tôi thửa được hũ tiểu sành đựng tro cốt. Bèn lật cái chôn lên chả có dấu triện đỏ gì sất nhưng men chôn vàng gậy vì thợ gốm đặt chôn lên gạch để nung. Lấy móng tay cậy cây men không bóc, không trầy ắt là…đồ cổ thật. Lại thấy hoa văn nhang nhác như đồ sứ Bát Tràng mang đi cống sứ vẽ cảnh dân dã bình dị với con cá, con chuồn chuồn, cọng rau muống, tàu lá chuối…Đại thể ta vẫn giữ được nét thanh cảnh quê nhà,.nên tôi tha về nhà. Tôi chắc như cua đinh cái tiểu sành không phải là đồ giả vì chả ai làm giả đồ quái quỷ chết tiệt này. Lại nữa chả ai tha cái thứ…chết chóc về nhà!.
Bác tha ma một địa ở cái đất chó ăn đá gà ăn muối này đây làm gì có đồ Bát Tràng Thề trước bóng đèn, như trên đã thưa thốt, lần sau ghé lại tiệm Fredericksburg lần nữa, tôi quơ được bức tranh Đông Hồ gà lợn ở Bát Tràng, Bắc Ninh. Chả là người Mỹ sang nước, họ tha vê nước họ thiếu giống những thứ lạ đời ấy.

Loanh quanh đến quá trưa, bước qua bên kia đường vào saloon kiếm cái gì lót dạ. Saloon vẫn giữ kiểu cách của miền Viễn Tây, trước cửa trồng hai cột gỗ có thanh ngang để cao bồi buộc ngựa, hai cánh cửa bật ra bật vào. Bên trong trên trần treo cái đu tòong ten để làm cảnh. Tường có bức ảnh khổ lớn chụp kiều nữ ngồi trên xích đu...đu đưa. Kiều nữ mặc váy đỏ, eo bó corset, ngực lấp ló, cánh tay trần đeo găng tay vải ren. Người tiếp viên cho hay cuối tuần dân ngụ cư quanh vùng tới saloon đóng giả kiều nữ để tiếp khách. Đến tối, họ nhảy điệu Schottische kiểu đồng quê chéo tay với khách.
Chỉ ra ngòai đường, người tiếp viên hòm hõm thứ bảy chủ nhật có hai, ba cỗ xe Stagecoach, cỗ xe ngựa với “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo” thời đi tìm vàng chạy tung bụi mù qua miền Viễn Tây California. Cỗ xe ngựa từ trang trại đâu đó tới đậu ở lề đường, họ đội mũ cao bồi vừa quăng giây thừng vòng vòng, vừa bán xúc-xích Đức nướng uống với bia Đức, hay barbecue với bia Lone Star của Texas. Ăn ngay nói thật, họ nói sao tôi kể lại cho bác nghe vậy thôi vì có dòm dỏ thấy đâu.

Khi trở về đầu dẫy phố bán đồ cổ có tiệm lúc tới không ghé, vì cách thị xã cả một cánh đồng bát ngát. Nhìn đồng hồ còn sớm chán nên tạt vào xem. Đậu vào mắt là…cái tẩu thuốc phiện giá: $50. Không tin vào cái kính cận, tôi săm soi cái tẩu bằng tre thấy nứt một đường dài. Tôi biết đồ cổ bị mẻ, vỡ không có giá trị, nhưng đường nứt nằm ở phía dưới, ai biết đó là đâu bèn tha về nhà trong cái tâm thái…của đi tìm người.
Vì mới tập chơi mấy thứ đồ cũ tích mốc meo nên trong nhà có quyển cẩm nang chơi đồ cổ, có hình ảnh món nào đó với cả gốc tích và ước lượng trị giá mòn đồ cổ ấy. Tôi giở ra tìm kiếm và in hịt như cái tẩu thuốc phiện tôi vừa tậu được.
Dưới ảnh chụp có hàng chữ “Chinese pipe in the form of an umbrela (cái nồi ống), bamboo with silver hardware, early 20 century. $600 - $800. Về nhà tôi để nó giữa kệ để…“ai” đi qua cũng thấy nhưng chả ai..thấy gì sất. Ấy vậy mà chính tôi mấy năm sau mới bật ra ý nghĩ viết về cái tẩu thuốc theo chân những người Tàu di dân cách đây gần 200 năm.
Năm 18481855, khi James W. Marshall phát hiện ra vàngSutter's Mill, tin lan ra, khoảng 300.000 người đã đến California từ khắp nơi bằng thuyền, ngựa hay xe ngựa Stagecoach xuyên lục địa Mỹ, cơn sốt vàng thu hút người từ châu Mỹ La Tinh khỏang 6.000 người và người châu Á khỏang 2.000 người. Những người châu Mỹ La Tinh là thợ mỏ từ Mexico gần Sonora đến. Những thợ mỏ châu Á từ Trung Hoa tới năm 1849, họ đến Gum San (tên gọi của người Hoa chỉ California, tức "Núi vàng"). Những người châu Mỹ Mỹ La Tinh và Trung Hoa đến đầu tiên này được gọi chung là "Forty-niners".
Vì vậy bút ký có tên Cái tẩu thuốc phiện 1849 là vậy, thưa bác.
Năm 1852 có 25.000 người Hoa đến California, họ làm việc trong các hầm mỏ, làm đường rầy xe lửa, giặt ủi quần áo…Họ đứng bên lề xã hội Mỹ đến năm 1943, khi Trung Hoa trở thành đồng minh Đệ nhị thế chiến, người Mỹ mới cho họ nhập tịch. Từ năm 1910 đến 1943, những người Hoa nhỏ bé và lam lũ nhẫn nhục chịu đựng. Họ tiếp tục bám lấy mảnh đất dù khắc nghiệt nhưng còn tốt hơn ở quê nhà.
Cơn sốt vàng California ảnh hưởng đến sự phát triển một ngôi làng lều trại của người đào vàng thành một boomtown, đường sá được xây dựng để thành San Francisco. Dân số bùng lên từ khoảng 1.000 người năm 1848 đến 25.000 năm 1850. Vì vậy người Hoa góp phần không nhỏ trong việc phát triển thanh phố với Chinatown.
Bỗng dưng tôi vất vưởng đến đọan văn của một người Việt nho gia nào đấy ghé nghĩa trang San Francisco, ông viếng mộ bạn qua đây năm 75 chỉ một chữ “Trịnh” đơn đôc bằng chữ Việt. Gần đấy không xa mấy có bia đá to cao, sần sùi khắc bút tích chữ Tàu của người quá vãng nhắn nhủ cho người sau: “Ta chọn nơi này làm quê hương thứ hai, mảnh đất đã nuôi dưỡng, bao bọc Ta. Vì vậy Ta sống trọn vẹn hết lòng với mảnh đất này như quê hương mẹ của Ta bên kia biển”. Dưới đề tên một người Tàu họ Chu, bia mộ không ghi khắc quê hương bản quán, năm sinh, năm mất. Nhưng chỉ khác dưới tên họ ghi năm 1907 và gắn vào bia mộ nguyên một cái cuốc chim đã hoen rỉ. Vì vậy tôi đóan chừng năm 1907, ông họ Chu qua đây làm đường rầy xe lửa.
 

 Bác hó háy ra ý với cái dọc tẩu trước mắt có viết được gì chăng…
Ngẫm chuyện người chuyện ta: Bác là con điệp tử thư trung theo chân người Tàu giặt ủi quần áo rồi…”ngụ cư” ở kho sách nhà tôi gặm giấy, gặm sách cho đến khi…chết. Tôi như bác nhưng vẫn sống nhăn răng cạp đất nên nghĩ vụng những người Tàu qua đây vất vả khốn cùng để…dọn cõ cho ma xơi, để cuối tuần tôi đi…ăn mì xào dòn, mang quần áo đi giặt ủi ở…tiệm Dry clean cho thẳng nếp với heavy dry rồi. Rồi diện vào, thảnh thơi đi sắm đồ cổ, nên mới có cái tẩu thuốc phiện, cái hũ tiểu sành này đây.
Bỗng không tôi lây dây cái hũ đựng tro cốt qua câu "Sống về mồ mả, không ai sống về cả bát cơm", mồ mả đây là bản lai xứ sở. Được thể tôi lây lất tới ông nhà thơ Tô Thùy Yên cùng nỗi cô lý, cô liêu: tưởng tượng ta về nơi bản trạch, con còng ẩn nhẫn bò quanh quẩn. Tôi như con còng bò quanh quẩn theo nhà văn Nhất Linh đi tìm thời gian đã mất, qua nét bàng bạc của thời gian với Xóm Cầu Mới. Qua phố Phủ sang làng Nậu có hàng dậu ruối, tới cái quán làng Cầu có cây đa con gà, ông lấy thuốc lá hút. Hút xong ông viết truyện bắn vịt trời, bắn cò, khi đã đến giờ, ông…đứng lên bước qua cầu.
Ông đứng lên thì tôi…ngồi xuống.
Tôi với một ngón tay mổ chữ như cò mổ ruồi trên bàn gõ, mõ sớm chuông chiều với cố hương nan quý hậu nan quy của một di dân bản lai vô xứ sở chọn nơi này làm quê hương thứ hai. Tôi bòn mót đến mộ bia ông người Việt đơn độc chỉ một chữ Trịnh, ông họ Chu với cái cuốc chim. Tôi rị mọ đến ông người Ái Nhĩ Lan bê cả làng, và cây cầu bắc qua con suối Shannon sang Arizona. Cuối tuần ông thuê cư dân mặc quần áo xứ ông thế kỷ thứ 18, họ đi đi lại lại lại, sinh họat hàng ngày của làng Shannon như làm lò rèn, làm bánh mì với một ngày như mọi ngày. Cũng năm 1907, cùng thời ông Chu, Marcell Proust viết Đi tìm thời gian đã mất qua cây cầu đá nhỏ bé bắc qua con rạch làng ông. “Đi tìm thời gian đã mất” là ký sự đi tìm cái tôi, với bóng dáng ký ức dẫn về thời thơ ấu ở Combray. Đây là một ký sự về ngôi làng, cậu bé thường dùng hai lối đi qua nhà Swann, lối đi qua nhà Guermantes. Hai lối đi cũng là hai ngả đường của cuộc đời cậu. Cuối đời với Marcell Proust, thời gian “mất đi” nay “đã tìm lại được”.

Còn tôi, tôi cơm niêu nước lọ tới cái lọ sành là hũ tiểu sành, một ngày nào đó vắng gió đìu hiu, tôi đựng tro cốt ông cụ tôi mang vê quê nhà. Tới ngã ba đầu làng có quán nước dưới gốc cây bàng. Cây bàng mà ông cụ tôi trồng khi 10 tuổi. Đặt hũ tiểu sành lên chõng tre, ngồi xuống ghế, nhớ nhà châm điếu thuốc, đốt một điếu thuốc, khói huyền bay lên cây...tôi ngước lên nhìn cây bàng trụi lá…
Với thời gian “mất đi”, nhìn qua con đường làng khỏang trăm thước là nhà ông cụ, cạnh nhà có cái ao, nhưng nay “đã... không tìm lại được” cái cầu ao qua ca dao giã ơn cái cọc cầu ao, nửa đêm gà gáy có tao có mày. Lát nữa đây bà chị tôi đưa tôi ra mả đồng làng, tới mồ mả gia tiên, tìm một chỗ để ông cụ gần gũi với các cụ. Xa xa những cụm cỏ may theo gió heo may lăn trên đồng chiều cuống rạ trong một ngày nhạt nắng.
Thạch trúc gia trang
Nhâm Thìn 2012

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
(chỉnh sửa 2014, 2019)
Nguồn:
Tường Vũ Anh Thi, Sean Bảo, Hòang Hải Thủy.






































1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...