Thứ Ba, 4 tháng 8, 2020

Chạy Chậm- Nguyên Đức Tùng - Văn Việt


Một đêm tôi ngã xuống. Thời đó chưa có điện thoại cầm tay, nhưng nhà nào cũng có điện thoại để bàn, cố định. Nửa đêm đang ngủ nghe tiếng reo lảnh lót nhiều lần, tôi nóng ruột chạy xuống cầu thang. Cầu thang trải thảm, khi chạy nhanh dễ bị trượt, và tôi ngã xuống, đập ngực vào chân cầu thang. Không đau lắm. Tôi chịu đau không đến nỗi tệ, đã từng té trong các buổi tập. Nhưng lần này tôi không ngồi dậy được. Không đau lắm nhưng không ngồi dậy được. Mỗi khi tôi cố gắng chống tay ngồi dậy, có một điều gì trong cơ thể tôi cưỡng lại, không cho tôi làm thế. Tôi nằm úp xuống sàn nhà, suy nghĩ. Tôi nhận ra điều cưỡng lại trong tôi, không cho phép di chuyển, chính là sự sợ hãi. Sợ hãi điều gì? Sợ một cơn đau. Sau nửa giờ, tôi bắt đầu bò tới cuối nhà, nơi có điện thoại để bàn, tôi di chuyển chậm chạp, từng nấc một. Tôi nhận ra cơn đau đến từ bên phải, âm ỉ, nhẹ nhàng nhưng rất lạ, tựa như một người thầy giáo dịu dàng mà nghiêm khắc, không cho cơ thể làm hơn những cử động mà nó cho phép. Tôi thấy tê ở đầu các ngón tay, hai bên. Tôi nghĩ đến chấn thương cột sống hay não bộ. Nhưng nhớ không va đập đầu hay cổ vào đâu cả. Không chóng mặt, hoa mắt. Dần dần tôi thấy tê nhiều hơn ở các ngón tay phải và ngón chân trái. Tôi lê được đến cạnh bàn nơi có để điện thoại. Tôi dùng một cái gối để lên đầu gối và kéo điện thoại rơi xuống cái gối. Tôi dự định gọi cho cứu thương. Suy nghĩ một lát, tôi đổi ý gọi cho người bạn gái, ở xa. Cô liền liên lạc với người bạn thân của tôi ở trong thành phố, bất chấp lời can của tôi, vì đồng hồ lúc ấy chỉ ba giờ sáng, mọi người đang ngủ.
Bạn tôi tới ngay, dùng hết sức dìu tôi lên xe, chở đến bệnh viện gần đó. Một cái phim chụp lồng ngực đơn giản chỉ ra tôi bị gãy ba cái xương sườn bên phải, phía trước. May không có biến chứng, không tổn thương phổi hay màng phổi. Phòng cấp cứu bận rộn, vì là cuối tuần, tai nạn uống rượu lái xe nhiều. Người bác sĩ trực có quen biết, tặng luôn cho tôi cái CD đựng hình chụp và bảo, thôi mày về, ở đây bọn tao chẳng làm gì được. Thấy hắn ta nói có lý, mặc dù lúc ấy tôi đau lắm, muốn nằm nghỉ một lát trong cái giường êm ái của khoa cấp cứu, tôi đành gọi bạn tôi chở về. Y tá tặng tôi cái tấm dải thun rộng để băng ngực. Những ngày tiếp theo, chuyện của tôi là làm sao ngồi dậy từ chỗ nằm, làm sao đứng dậy từ chỗ ngồi, làm sao bước. Hai tuần nữa tôi phải báo cáo trước một hội nghị khoa học, tất cả đã chuẩn bị sẵn sàng, giấy mời đã phát, vé máy bay đã đặt. Tất nhiên với lý do sức khỏe, tôi có thể xin hủy bỏ mà không ai nói gì. Nhưng trong đời, tôi đã hủy bỏ một lần như thế, một sự kiện nhỏ thôi, đến nay vẫn còn hối hận. Trong mười bốn ngày tới, tôi phải tập cử động và đi lại bình thường. Trong hội nghị ấy tôi phải đọc báo cáo, phải đứng lên ngồi xuống như mọi người, phải bắt tay chào hỏi như mọi người và không để ai biết rằng tôi vừa bị chấn thương. Muốn thế, tôi dậy sớm, xin nghỉ việc vài ngày, và bắt đầu đi bộ. Tôi ăn điểm tâm nhẹ, một khúc bánh mì, một lát thịt hamburger hay một quả trứng, trái chuối, ly cà phê. Tôi mặc đồ thun vừa người, ấm, đi giày chạy bộ loại mềm và dày. Tôi nghe nhạc bằng cái máy nhỏ và ra đường. Thói quen chạy bộ của tôi từ bao lâu nay không ngày nào từ bỏ, đã dừng lại đúng hai ngày, và lại tiếp tục. Mới đầu tôi không thể chạy được. Tôi quyết định không uống thuốc giảm đau và chỉ dùng một loại dầu nóng không có mùi vị để bôi lên mạn sườn. Tôi thận trọng đặt chân xuống giường. Đặt hai chân. Bước đi từng bước vững chắc và nhẹ nhõm. Mới đầu tôi không cảm nhận được bàn chân của tôi trên mặt sàn nhà hay mặt đất. Tôi phải ấn mạnh xuống, phải cảm thấy toàn bộ sức nặng của cơ thể trên mặt phẳng. Cơn đau từ phía xương sườn gãy nhói lên, làm tôi nghiêng người qua trái ra phía trước. Từ ngày thứ nhất đến ngày thứ bảy, tôi chỉ đi bộ mà không chạy. Tôi tìm các lối đi mát, vắng người nhưng không vắng lắm, phòng khi có việc cấp cứu. Tôi khởi động nhẹ và lâu. Tôi mang theo nước. Sau ngày thứ bảy, tôi chụp hình trở lại để yên tâm vết gãy không có biến chứng, nhưng quá sớm để biết là có lành hay không. Sau đó tôi bắt đầu chạy bộ, nhẹ nhàng. Sau một giờ tôi biết không thể chạy như trước, tôi chuyển sang chạy chậm, jogging. Chậm hơn rất nhiều so với tốc độ bình thường. Tôi giữ hai vai thấp xuống, thả lỏng chúng, và cân xứng, đó là điểu rất khó, vì bên đau làm lệch người. Tôi tập thở, sâu và đều, sử dụng cơ bắp ở bụng. Tôi hạ chân xuống trên giữa lòng bàn chân, tránh dùng các ngón chân hay gót chân. Trước đó tôi thường chạy bộ năm bảy cây số một ngày. Chạy khá nhanh. Nhờ vậy cân nặng của tôi không thay đổi. Tập chạy tuy không làm cho các bắp thịt của bạn to lên như các môn tập tạ nhưng làm cho cơ thể dẻo dai, các bắp thịt ở bụng săn lại. Tôi quyết định chạy chậm jogging từ nay, tập giữ thăng bằng. Cái băng thun bao lồng ngực giúp tôi nhiều. Tôi quyết định không dùng thuốc giảm đau, vì có thể che mờ triệu chứng. Tôi muốn biết cơ thể tôi đau đớn ra sao. Khi đau quá, tôi dừng lại nghỉ. Bạn phải tôn trọng tiếng nói của cơ thể bạn, tiếng khóc của nó. Đau là tiếng khóc. Vào cuối tuần lễ thứ hai khi lên máy bay tôi đã quên hẳn chuyện gãy xương sườn, và ở đó, một trường đại học gần bờ biển, tôi giữ thói quen chạy sáng sớm. Trong đời, bạn có thể gặp nhiều tai nạn và bệnh tật. Không phải khi nào bạn cũng qua khỏi được, nhưng nếu bạn cố gắng giữ nguyên tốc độ làm việc và hoạt động, cơ thể bạn sẽ ủng hộ. Khi tôi trở lại phòng mạch của bác sĩ riêng để xin chụp phim kiểm soát, gần hai tháng sau, ngực tôi đã trở lại bình thường và không đau đớn gì nữa. Bác sĩ của tôi bảo rằng, tuy vậy thỉnh thoảng nó sẽ quay lại nhắc nhở bạn. Sau này mỗi năm một vài lần khi tôi làm việc quá sức, thức đêm, hoạt động thể lực quá nhiều, không tự lượng sức mình, chạy quá nhanh, quá lâu, những khi mệt mỏi hay buồn bực, một bên ngực phải lại đau nhói lên, ngắn thôi, nhưng đau một cách rõ ràng. Tôi nhớ lại lời của người thầy thuốc nọ: cơn đau nhắc nhở chúng ta. Vết thương cũ nhắc chúng ta, về những bài học không được quên. Bạn tiến về phía trước, tiến đều đặn, từng thước, từng khúc quanh, từng cây số một. Bạn đi bộ, chạy bộ, hay chạy chậm.
Có một nỗi ao ước ở mỗi người chúng ta: tiến về phía trước, đặt chân này lên trước chân kia, bỏ lại cái bóng của quá khứ, những vinh quang thích ru ngủ và những khổ đau ưa nhắc nhở. Bạn chạy ra khỏi ngày hôm trước của chính mình, không quá nhanh, không quá chậm. Cũng như vậy bạn chôn cất vết thương cũ của bạn xuống đất, một vết thương thể chất hay tinh thần, không quá cạn, không quá sâu. Cạn quá, chồn cáo nửa đêm sẽ tha mất, sâu quá, bạn quên bẵng đi.

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...