Thứ Tư, 5 tháng 8, 2020

Đồng Dao Ngày Xưa- Lê Trung Ngân


Đồng Dao Ngày Xưa
Lần lại thời còn bé nô đùa chạy nhảy cùng bạn bè trang lứa, nhất là vào những đêm trăng, cùng với những trò chơi vận động như rồng rắn lên mây, bắt kim thang… thì những khúc đồng dao là điều không thể thiếu. Mà cũng lạ thật đấy, ngày đó, ai cũng yêu hát hay sao mà tôi thấy ông bà, ba má, tất cả những người xung quanh, bạn trang lứa và ngay cả tôi nữa lúc nào cũng ngân nga. Chỉ cần nhìn thấy một việc gì đó thôi là có ngay những câu đồng dao quen thuộc.
Tôi tra Đại Nam Quôc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của thì Đồng dao, đồng diêu: câu hát chơi, con nít hay hát. 36 năm sau, Ban Văn học Hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo Việt Nam Tự Điển, Mặc Lâm xuất bản tại Hà Nội năm 1931 và Nhà In Imprimarie Trung Bắc Tân Văn phát hành, cũng định nghĩa ngắn gọn. Đồng dao: câu hát trẻ con.
Đồng dao được truyền từ đời này tiếp đời nọ, vùng này qua vùng kia, có khi thay đổi, có khi sai lạc, có khi thất truyền, và bị quên lãng. Tác giả hầu hết vô danh, hay nói đúng hơn, chính dân gian là tác giả…. Thôi mình không nói thêm về từ ngữ mà chỉ nói về những hoài niệm về đồng dao.
“Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy bát cơm đầy
Lấy rơm đun bếp”
Bài đồng dao này tôi nghe má hát trong một chiều nắng cháy khi ra thăm ruộng. Trời nắng như đổ lửa, chân ruộng khô nứt nẻ, cứ khan nước mãi như thế này thì biết làm sao! Suốt buổi, má cứ lẩm nhẩm bài đồng dao, thi thoảng lại hướng về phía xa như trông ngóng điều gì. Còn bé lắm nên tôi đâu hiểu hết những điều má nghĩ. Giờ thì tôi biết những lời hát ấy là cả một trời mong ước. Lúa đã kết bông, nhưng để đủ chất kéo căng hạt sữa thì còn cần thêm những hạt mưa.
Có đêm ngồi hóng gió ngoài sân, má ngước lên bầu trời đầy trăng:
“Thằng Cuội ngồi gốc cây đa
Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời
Cha còn cắt cỏ trên trời
Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên
Ông thì cầm bút, cầm nghiên
Ông thì cầm tiền đi chuộc lá đa…”.
Bài ca như một câu chuyện kể về chú Cuội mãi chơi, không trông trâu nên trâu ăn lúa. Ba anh em chúng tôi thi nhau kể tiếp câu chuyện xem chú Cuội sẽ bị ba má phạt như thế nào, rằng sẽ bị đánh đít, úp mặt vào tường, không cho ăn bánh… Ai cũng cho rằng cái “kết” của mình là hợp lý nhất nên thỏa sức tranh giành.
Dù đơn giản nhưng nội dung các bài đồng dao rất phong phú, đề cập đến nhiều mặt của đời sống xã hội như về lao động sản xuất về đạo đức làm người, về tự nhiên… Có vần có điệu vui tai, hình ảnh sinh động, và luôn chứa đựng những bài học quý giá, có ý nghĩa lớn lao, giúp trẻ em làm quen với thiên nhiên xã hội, con người xung quanh và giáo dục cách cư xử, cách sống.
Bắt đầu từ những câu hát ru trên vành nôi của loại hình đồng dao, các em bé bắt đầu cảm nhận tình yêu, sự gắn bó với cha mẹ và làm quen với ngôn ngữ, thanh điệu. Lớn hơn, trẻ em bắt đầu những bài học đầu tiên, làm quen với thế giới xung quanh, làm quen với mối quan hệ bạn bè, cộng đồng.
Những kinh nghiệm được đúc rút về thời tiết, mùa vụ trong các bài đồng dao giúp trẻ em làm quen với thiên nhiên, với đời sống lao động, sản xuất. Đây là cách trao truyền vốn tri thức dân gian của các thế hệ đi trước với thế hệ tương lai rất hiệu quả, nó thấm nhuần qua từng câu chữ, được tiếp nhận hết sức tự nhiên. “Tháng một là tháng trồng khoai/ Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà” hay “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa/ Bay cao thì nắng/ Bay vừa thì râm”.
Các trò chơi dân gian gắn với các bài đồng dao, trẻ em vừa chơi đùa vừa hát, lặp lại nhiều lần trong mỗi cuộc chơi. Các bài hát về các loại quả, cây lá con vật, đồ vật, sự việc, các hiện tượng thiên nhiên... luôn ngắn gọn nhưng nêu bật đặc điểm nổi bật của chúng để dễ dàng nhận diện qua câu hát. Qua đó, trí tưởng tượng của trẻ em được kích thức, khả năng ghi nhớ được hình thành.
Nhiều trò chơi dân gian gắn với đồng dao rèn luyện sự khéo léo, khả năng phán đoán cho các bé (như đánh chắt hay đánh chuyền, Oẳn tù tì). Nhiều trò chơi rèn luyện cho trẻ em sức khỏe, sự nhanh nhẹn (Rồng rắn lên mây, Mèo đuổi chuột, Thả đỉa ba ba, Kéo cưa lừa xẻ... )
Một phần từ những bài đồng dao đã dạy tôi từ nhỏ về tình yêu cuộc sống, yêu lao động mà các thế hệ cha ông truyền tải qua các bài đồng dao để gửi gắm cho con trẻ. Tôi nghĩ, qua các bài đồng dao, từ tình yêu cha mẹ, yêu những điều nhỏ bé thân thuộc, trẻ em được bồi đắp thành tình yêu quê hương, đất nước. Mặt khác, chính qua mỗi bài đồng dao dần dần hình thành nên bản sắc văn hóa dân tộc ở trẻ em.
Thời tôi còn con nhỏ, trong những lời ru con của tôi vẫn thường đưa vào trong đó khi là cái kiến, con tôm, khi là cây đa, ngọn lúa; nên trong những lúc rảnh rang tôi lại cùng con:
Con chim manh manh/ nó đậu cây chanh
Tôi vác miểng sành/ tôi liệng nó chết ẻo
Tôi làm được bảy mâm/ tôi dâng cho ông một mâm
Tôi dâng cho bà một đĩa/ bà hỏi tôi con chim gì?
Tôi nói con chim manh manh ...
Hay:
Bắc kim thang, cà lang bí rợ
Cột qua kèo là kèo qua cột
Chú bán dầu qua cầu mà té
Chú bán ếch ở lại làm chi?
Con le le đánh trống thổi kèn
Con bìm bịp thổi tò te tí te ......
Và:
Dung giăng dung giẻ/ dắt trẻ đi chơi
đi tới cổng trời/ gặp cậu gặp mợ
Cho cháu về quê/ cho dê đi học
Cho cóc ở nhà/ cho gà bới bếp
Ngồi xệp xuống đây!
Rồi thời gian qua đi, tôi lớn tuổi, nghĩ hưu và tôi chợt cảm nhận đã quá lâu không nghe thấy ai hát đồng dao, ngay cả những đứa trẻ ở miền quê xa xôi cũng không còn ngân nga những câu hát ấy. Không hiểu chúng không biết những bài đồng dao hay đồng dao không còn được yêu thích nữa? Giờ chúng lớn lên quen dần với công nghệ số, những trò chơi trực tuyến trên các thiết bị di động, những bộ phim kinh điển rồi cả những trò chơi thông minh tại các khu vui chơi, giải trí… Có lẽ những nhộn nhịp sắc màu của các trò chơi hiện đại khiến chúng quên dần hoặc không còn biết đến khúc đồng dao!
Hôm qua, ngày chủ nhật tôi đi uống cà phê với bạn về, tôi để gọn xe vào sân rồi phóng thật nhanh vào nhà để tránh cái nắng “đổ lửa”. Qua khe cửa phòng khách, con bé cháu nội gái 8 tuổi đang rôm rả cùng bạn “Tập tầm vông tay nào không, tay nào có? Tập tầm vó, tay nào có, tay nào không…”. Trong tôi nghe như là có khoảng sân rộng mát cả tâm hồn!


Mời xem :Chuyện Chiếc Đèn Dầu- Lê Trung Ngân

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ (Dỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :                Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ                                       Ăn x ổi  ở th ì,...