Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2020

Chuyện Chiếc Đèn Dầu- Lê Trung Ngân


Vợ tôi vẫn còn thắp trên bàn thờ gia tiên trên lầu bằng chiếc đèn dầu hột vịt vặn thật nhỏ, âm ỉ cháy tạo nên sự ấm cúng, gần gũi trong gia đình. Những ngày giỗ và ba ngày Tết cổ truyền, ngọn đèn dầu được đốt liên tục cả ngày lẫn đêm để con cháu thắp nén nhang tưởng nhớ ông bà, cha mẹ và những người thân đã qua đời. Mặc dù thời hiện đại, nhà người ta dùng những bóng đèn điện đủ màu để thắp sáng, trang trí trên bàn thờ tổ tiên khá tiện lợi, nhưng vợ tôi không bỏ được thói quen dùng chiếc đèn dầu để thắp sáng nơi linh thiêng. Bà cho rằng, thắp đèn dầu mới là lửa thật. Ông bà chúng ta ngàn đời nay đều dùng lửa thật cho cuộc sống nên khi thờ phụng phải dùng ngọn lửa ấy thì mới thật lòng với tiền nhân.
Từ nhỏ, tôi nghe ba tôi nói: Đèn dầu Ta chính là đèn dầu phộng. Chứ không phải đèn dầu lửa. Còn đèn dầu Tây, tức đèn dầu lửa (dầu hôi) mới chỉ có mặt ở nước ta từ cuối thế kỷ XIX- đầu thế kỷ XX, khi hãng dầu lửa Shell của Hoa Kỳ (thời đó gọi là hãng "Con sò") khởi sự mang dầu lửa sang bán. Dân Việt mình quen dùng đèn dầu phuộng, đèn cầy ... nên hãng này không bán được dầu hỏa. Nhưng những người bán dầu hỏa đâu chịu bó tay. Họ đã nghĩ ra một "chiêu" rất hiệu quả mà bây giờ chúng ta gọi là tiếp thị, đó là ai mua dầu lửa sẽ được khuyến mãi một chiếc đèn (cái phao đựng dầu). Từ đó, hãng "Con sò" bán được dầu lửa, dân ta có được cái đèn tiện lợi để thắp sáng.
Cũng theo ba tôi, đèn dầu ta có hai bộ phận: Dĩa đèn để đựng dầu phộng. Dĩa chủ yếu là bằng sành, cạn lòng. Đối với những nhà nghèo khó, dĩa đèn có khi chỉ là cái dĩa ăn, còn ở một số nhà khá giả hơn thì nó có thể được tạo dáng, được đặt trên những giá đỡ bằng sành, bằng gỗ tiện sơn son hay bằng đồng. Bộ phận thứ hai là tim đèn (bấc đèn) làm từ nhiều nguyên liệu sẵn có ở miền quê: Ruột của loại cỏ bấc phơi khô hoặc là một sợi dây bông gòn se lại, có khi bằng bông vải hay mảnh "vải ta". Chỉ có một đầu gác trên vành dĩa, tim đèn được nhúng gần như hoàn toàn vào dĩa dầu ló một chút ngoài rìa dĩa để đốt. Mỗi dĩa đèn cũng chỉ có một tim đèn mà thôi. Châm lửa đốt tim này là có được ngọn lửa sáng leo lét. Khi dĩa dầu cạn, tim đèn nơi ngọn lửa nở ra những chấm tròn đỏ quạch, xoay quanh tim đèn như đóa hoa, người ta gọi là bông đèn. Nhất thời đom đóm vô nhà / Nhì thời chuột rúc, thứ ba bông đèn. Nhiều người tin rằng, nếu đêm nào ngọn đèn dầu có hoa đèn nhất định ngày mai sẽ gặp điều may mắn (!?). Để bọn tôi dễ liên tưởng đến chiếc đèn dầu ta ngày xưa, ba nhắc đến việc xông đèn dầu phộng để giải cảm lạnh (trúng nước) mà lâu nay thi thoảng meá tôi vẫn dùng. Theo đó, dầu phộng đổ ra dĩa, bông gòn xe thành sợi. Nếu đàn ông thì 7 chiếc, đàn bà thì phải 9 chiếc tim (nam thất, nữ cửu) bởi quan niệm của người xưa: Đàn ông có 7 vía, đàn bà có 9 vía. Người bị cảm lạnh ngồi lum khum trên giường, trùm mền kín mít và đốt tim đèn dầu lên. Để điều chỉnh độ nóng do đèn tỏa nhiệt, dùng chiếc đũa để cơi tim đèn. Mỗi lần xông, cả người toát mồ hôi, ướt đầm như tắm, nếu bị cảm nặng chỉ vài lần xông là khỏi.
Ba tôi còn nói thêm: Người xưa quan niệm sống dầu đèn, chết kèn trống. Đèn dầu ta không chỉ gắn bó mật thiết trong đời sống mà còn có mặt trong nhiều triết lý sống của người Việt, khi phê phán thói ích kỷ, đóng cửa: "Đèn nhà ai, nhà ấy sáng", lúc răn đe người đời: "Đèn khoe đèn tỏ hơn trăng/ Đèn ra trước gió còn chăng hỡi đèn" hoặc "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng"... Thuở xưa, ở làng quê, các vị thân hào thường đứng ra tổ chức những đám "hát giã gạo", hát giao duyên"... tạo môi trường lý tưởng cho trai gái gặp gỡ, kết "bạn văn nghệ" với nhau. Để họ yên tâm hát hò, các vị khéo léo mượn chiếc đèn dầu ta: "Ai có chồng, nói chồng đừng sợ/ Ai có vợ, nói vợ đừng ghen/ Tới đây hò hát cho quen/ Rạng ngày, ai về nhà nấy, há dễ ngọn đèn hai tim". Đèn dầu ta chỉ có một tim. Cũng như trai chỉ có một vợ, gái chỉ có một chồng mà thôi! Chọn hình ảnh so sánh như thế quả không gì độc đáo bằng!
Đến thế hệ chúng tôi, dầu lửa đã thay thế các loại dầu thực vật và chiếc đèn dầu lửa thay cho dĩa đèn đã là một sự tiến bộ vô cùng, mặc dù lớn lên khi đi học tôi đã nghe đến câu chuyện chiếc đèn trút ngược vẫn sáng ở phương Tây từ thời ông Nguyễn Trường Tộ đi sứ sang Pháp. Suốt bao năm cắp sách đến trường, ngọn đèn dầu trong mái nhà rơm rạ nơi quê nghèo đã chắp cánh nâng ước mơ của tôi.
Trong ánh sáng diệu vợi từ chiếc đèn dầu nho nhỏ, những đêm dài với một không khí gia đình ấm áp, tôi và các anh chị, các em quây quần học bài, ba nằm đọc sách, má ngồi vá áo. Những buổi cơm chiều muộn màng, trên chiếc chõng tre bên hiên nhà, chiếc đèn dầu tỏa rạng mâm cơm đầy khoai mì nhưng đầm ấm biết bao. Dưới ánh sáng nhạt nhòa ấy, má vẫn lần ra từng đường kim và đan cho con chiếc áo ấm mùa đông. Trời đã khuya, mọi người chỉ ngồi nói chuyện một lát thì đi ngủ, nếu không ngủ thì cũng lên giường nằm. Tôi thích nghe ba kể chuyện nhưng lại sợ tối nên cứ đòi ba vặn to đèn lên. Ba nói: “Con nằm trên giường rồi mà cần gì phải sáng. Đèn sáng nghe chuyện sẽ không hay đâu”. Tôi phải miễn cưỡng chấp nhận nhìn ba hạ ngọn đèn dầu xuống nhỏ như một chấm sáng xanh. Nhiều lần ba tôi ao ước: "Giá như có tiền để mua một cái đèn “măng xông” như nhà ông “chệt” đầu xóm để mỗi khi nhà có đám thì đốt lên cho sáng sủa. Vậy mà có được đâu"... Những tháng năm gian khó, mưa gió mất mùa, má tôi hay nhìn vào chiếc bấc đèn hàng đêm như khấn nguyện điều gì. Anh em tôi sinh ra từ miền quê, suốt cuộc đời tuổi thơ mỗi tối gắn bó với chiếc đèn dầu thân thuộc. Bên cạnh những thứ thiết thực cho cuộc sống trong ngôi nhà nhỏ, má tôi không bao giờ để thiếu các vật dụng cần thiết như: chai dầu lửa, cái tim đèn dự phòng, hộp quẹt đá lửa… Những khi tối lửa tắt đèn thì ngọn đèn hột vịt trên bàn thờ luôn được má thắp sáng. Bao năm học hành chong dưới ngọn đèn dầu huê kỳ leo lắt, tôi đọc qua cả ngàn trang sách, soạn cả ngàn trang vở mà mắt vẫn trong, lòng vẫn sáng.
Giờ đây, chiếc đèn dầu đã trở thành chuyện cổ tích với con cháu tôi và dường như nó đang nằm đâu đó trong các bộ sưu tập đồ cổ của những người hoài niệm quá khứ. Ánh sáng điện từ phố xá đến làng quê ngày nay đã khiến người ta quên đi những chiếc đèn dầu một thời gắn bó. Nhưng khi nhìn chiếc đèn dầu trên bàn thờ cùng hương khói, tôi như cảm nhận được chút tình quê như đang còn lẩn khuất trong sâu thẳm của bao con người chân chất một thời.
🍁🍁🍁🍁🍁

1 nhận xét:

KHOẢNG SỐNG DÂY DƯA, MỘT PHẦN NHỎ CHẲNG ĐỂ LAI, CỐC VŨ - NKĐ (T.5/2024 )

  KHOẢNG SỐNG DÂY DƯA   Chắc là có kiếp sống thừa Sống không ra sống , chết vừa chết thôi Dây dưa mà trả nợ đời Đã vay phải trả cho người th...