Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2020

Xó Bếp Quê - Lê Trung Ngân

Một lần về Cần Đước (Long An) chơi đúng vào dịp nhà người em con cậu vợ làm đám giỗ. Thức ăn sau khi cúng xong đã dọn lên mâm, lên bàn. Khách cũng đã vào đợt đầu đông đủ. Nhưng mời thế nào, bà cụ mợ của vợ tôi cũng từ chối, không chịu ngồi vào bàn. Thôi thì đành chịu phép. Ăn xong, tôi lững thững đi về phía bếp, lòng chợt chùng xuống khi thấy bà mợ đang ngồi ở xó bếp, ăn cùng mấy đứa cháu nhỏ. Mà cũng chả ăn uống gì đâu, chủ yếu là mợ lo gắp thức ăn, dỗ dành mấy đứa cháu nhỏ ăn nhanh và đừng giành nhau.
Thấy tôi vào, mợ vội vàng đứng dậy, cười đon đả bảo lên nhà trên uống nước.
Tôi hiu hiu buồn khi nghĩ đến những người mẹ quê với cái xó bếp như là trách nhiệm, như là định phận cuộc đời. Cả một đời, ngày thì cặm cụi ngoài đồng ngoài ruộng hay rong ruổi trên những nẻo đường mưu sinh lưng áo đẫm mồ hôi. Nhưng trước bữa cơm gia đình dù trưa, tối hay sáng sớm, xó bếp vẫn là nơi các bà, các mẹ quanh quẩn để chồng con được ấm bụng, mát lòng. Có thể là nấu nồi cơm nồi canh, có thể nướng vài củ khoai, bắt lên nồi nước tắm. Có thể, nhiều lớp trẻ được sinh ra và lớn lên quen hơi phố xá, thị thành; còn tôi, tôi được gối đầu lên những câu ca dao, dân ca qua giọng ru hời ngọt ngào của mẹ; tôi được hít thở và ngắm nhìn thỏa thích màu khói như sương len mỗi buổi chiều quê rơm rạ, xó bếp.
Ấy thế rồi quen, vòng quay của cuộc sống các bà, các mẹ không thể thiếu những khoảng thời gian không nhỏ gắn với cái bếp nhà mình nói chung và xó bếp nói riêng. Xó bếp nhà quê thường để vài đống của khô, vài bó rơm hoặc mấy miếng vỏ xe để mồi lửa. Có khi là cái chạn đựng ít gia vị mắm muối tiêu hành ớt tỏi, ít chén tô đũa muỗng cho bữa ăn gia đình. Vậy mà thân thương lắm, thiết tha lắm mỗi khi lòng tôi nghĩ về.
Bôn ba nhiều rồi đôi lúc cũng chồn chân. Những lúc đi công tác về vùng quê, cứ chiều chiều, đứng trên một vùng quê lạ, thấy khói bếp bay lên, tôi nhớ lại và khát thèm cảm giác được cùng mẹ quẩn quanh trong xó bếp mỗi sáng, mỗi trưa, mỗi tối như hồi còn bé. Không biết tự bao giờ tôi có thói quen dậy sớm theo mẹ, nhất là vào những buổi sáng mùa đông lạnh. Khoảng hơn 3 giờ sáng một chút là mẹ đã phải trở dậy, xuống bếp lo cho nồi cháo heo, nồi cơm sáng (có khi là nồi khoai), nồi nước trà cho gia đình. Co ro trong tấm áo len mỏng và sờn rách, mẹ xuýt xoa nhóm lửa, rửa nồi để bắt đầu một ngày mới đầy vất vả. Lần nào dậy theo tôi cũng bị mẹ la. Thật ra tôi biết có tôi ở bên cạnh lúc trời chưa sáng dưới bếp, mẹ cũng dường như ấm thêm được một chút. Nhưng vì lo cho tôi mất ngủ, cũng có lúc công việc nhiều làm mẹ khó chịu nên mẹ la mà thôi. Nhưng la chỉ để mà la, có gì ngon trên bếp tôi đều được mẹ cho ăn trước.
Vui nhất là khi nấu xong, than lửa còn, mẹ lại vùi cho tôi một củ khoai lang hay khoai mì ngon lành. Khi nhà tát ao bắt được cá thì mẹ lấy một con cá tràu nho nhỏ nướng lên. Mùa đông, nấu nướng xong mẹ rót trà mời ba uống rồi cả hai phải ra ruộng sớm. Tôi thì lại vùi đầu vào mền ngủ thêm cho đến lúc chị gọi dậy. Củ khoai lang lùi hay con cá tràu nướng thơm phức là điều tôi nghĩ ngay đến đầu tiên khi chạy xuống bếp. Bữa sáng của tôi vì thế vui hơn.
Những lúc nhà có giỗ, tôi thường theo vào bếp. Cứ mẹ làm gì là tôi theo đến đó. Nhiều lúc mẹ bực mình. Nhưng mẹ chưa bao giờ nặng lời hay đánh mắng tôi. Thử nghĩ trong bếp, lửa củi nóng hừng hực. Mà một cái đám giỗ thì bếp nấu biết bao là thức ăn, có bao nhiêu là người lên xuống, con mình cứ quẩn quanh bên chân, sao mà không bực cho được.
Bà con hàng xóm nhìn vào. Nhiều lúc, mẹ kéo tay tôi ra khỏi bếp, rồi khẻ khàng lấy trong túi ra lúc thì cục xôi, lúc thì nửa lá gan gà (thứ mà tôi thích ăn nhất) và bảo để cho mẹ làm việc không kịp. Với “quà” của mẹ, tôi lững thững ra sân, ra ngõ, từ từ thưởng thức trong khi mấy đứa khác cứ nhìn mà thèm thuồng.
Cũng xó bếp nhà mình, những lần bị ba la rầy vì không nghe lời, bị bạn bè trêu chọc hay bị đứt tay vì nghịch dao, tôi lại nấp vào đó, ngồi thu mình lại. Có khi khóc, có khi chỉ ngồi lặng im thôi. Mà nói cho đúng thì nhà tôi lúc ấy ngoài xó bếp không còn chỗ nào kín để tìm một chút riêng trong lúc buồn như vậy.
Mẹ về, gọi mấy lượt không thấy tôi trên nhà, thế nào cũng vào bếp. Y như một nếp quen dần như vậy. Nếu tôi ngồi im, mẹ xoa đầu bảo đi tắm rồi ăn cơm. Nếu tôi khóc, mẹ ôm vào lòng và dịu dàng hỏi vì sao. Tôi sai thì mẹ bảo lần sau đừng làm vậy nữa để khỏi bị la. Thế là lòng tôi ấm lại ngay.
Giờ thành thói quen, cho dù đi đâu, khi về đến nhà là tôi chạy ngay vào bếp. Vào chỉ để xem trong nồi có gì, trong garde manger có gì. Chẳng phải thèm ăn thèm uống gì mà như một thói quen đã thấm dần dần vào trong máu thịt. Tuổi thơ nghèo khó mà trong lành đã đi qua những năm tháng đầu đời tôi như thế đó. Vẹn nguyên của lần ký ức trở về nơi xó bếp nhà quê.
Rồi tôi lớn lên, xa nhà xa quê đi học xa, mang theo hơi ấm của bếp nhà, của tình mẹ nghĩa cha vào cuộc hành trình trên những nẻo đường mưu sinh mới.
Ở đâu trên đất nước thân thương này, những người mẹ quê cũng tần tảo sớm hôm trong xó bếp nhà mình để làm ấm lên gia đình, nuôi dưỡng tình cảm yêu làng xóm, yêu quê hương và lớn hơn là yêu đất nước cho những đứa con thơ. Họ bình nhiên coi đó là một nhiệm vụ của mình đối với gia đình, xã hội.
Nhưng thật ra, từ xó bếp, những đứa con được mẹ dạy cho rất nhiều điều từ kiến thức đến ứng xử trong cuộc sống. Con gái thì được mẹ dạy cho cách nấu nướng, nữ công gia chánh. Con trai thì mẹ bảo ban việc nhà, việc ứng xử trong làng trong họ. Thật ra xét cho cùng thì ở quê, người cha không có nhiều thời gian gần gũi con cái bằng mẹ. Có khi vì lao động nặng nhọc hơn nên những người cha thường tìm những giây phút nghỉ ngơi trong thời gian rãnh. Con cái nhiều lúc thấy vậy không dám lân la hỏi chuyện. Mẹ thì lúc nào cũng rộng lòng nghe con chia sẻ và hướng cho con bước những bước đầu tiên vững vàng để vào đời. Nhớ những buổi trời mưa dai dẳng, tôi hay thường xuống bếp để sưởi ấm và được nhìn bàn tay gầy của mẹ thuần thục làm những món ăn cho gia đình. Ngoài trời mưa lạnh thì bữa cơm chiều càng thêm ấm áp khi cả nhà ngồi quây quần vui vẻ bên nhau.
Dần theo thời gian, không biết có bao nhiêu cái bếp đã cũ không còn nấu được bị bỏ đi và bao nhiêu cái bếp khác được thay thế. Đến những ngày cha mẹ đã già, chị Ba mua nồi cơm điện về nấu. Kho cá, nấu canh thì cũng bằng bếp gas. Mẹ tôi chê nồi cơm điện nấu cơm không ngon bằng nấu củi và cũng không có nước cơm để chan mỗi khi thiếu canh. Thương và hiểu tính ý của mẹ nên chị Ba cũng chiều. Và thế là cái bếp củi lại cháy cho đến khi cha mẹ qua đời.
Có lẽ thật buồn nếu những đứa trẻ sau này lớn lên không biết cái thú, cái vui cũng như cái thân thương của xó bếp nhà quê.
Tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa chóng mặt đã gần như đưa cái xó bếp vào lãng quên với không ít người. Mấy ai lên nhà lầu bếp điện xênh xang mà còn nhớ đến khói bếp cay xè chụm bằng rơm, bằng củi. Rồi những đứa trẻ cứ lớn lên với bếp hiện đại, với phòng ăn bóng nhoáng gạch men và đồ sứ, đồ i-nốc mỗi ngày một kiểu. Thậm chí có trẻ được ba mẹ chở đi ăn nay nhà hàng này mai nhà hàng nọ. Đành rằng cuộc sống hiện đại cũng thật sướng, thật tiện lợi. Nhưng cái gì cũng phải trả giá. Tất cả đều có chung nguồn cội : Cái xó bếp thương yêu đến chảy tràn nước mắt ấy là nơi nuôi nấng ấu thơ của chị gái tôi, của anh trai, tôi và cả em tôi nữa...
Ngay lúc này, tôi thèm được mẹ quất mấy roi vào mông vì cái tội lì lợm. Mà, ba tôi cũng thiệt là kỳ, cây roi dạy con, lại vắt ở nuông vách trên cùng trong cái xó bếp nhà quê, vắt hơi cao một chút, như cái hồi nhỏ của tôi, không bao giờ với lên lấy được đem giấu...Chợt nghĩ thầm, may mà nhà mình còn một xó bếp để mà đi về thương nhớ, để mà còn hỏi han được mẹ già tóc trắng vài câu và khi mỏi mệt trở về với gia đình sau những ngày lang bạt.
Xó bếp nhà quê là một trong những cái mà có lẽ nhiều người trong chúng ta sau này phải đành chấp nhận đánh mất. Tình cảm giữa trẻ thơ và gia đình cũng vì thế mất dần đi khi áp lực công việc ở thời buổi công nghiệp hóa của ba mẹ ngày càng cao lên.

🌴🌴🌴🌴
Mời xem :Ca Dao Cuối Hạ Xưa - Đoản văn của Lê Trung Ngan

1 nhận xét:

Mời nghe một bài thánh ca của tác giả Hàn Thư Sinh

Hàn Thư Sinh là bút hiệu của Tiến Sĩ Trần An Bài , nguyên Dự Thẩm Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn , cũng là Giảng Sư Thỉnh Giảng tại Học Viện CSQG...