Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2020

Lý do khiến người Phần Lan luôn trung thực

Srishti Chaudhary - BBC Travel



                                  Nguồn hình ảnh, Getty Images
Đó là tháng 12, khi tôi vừa mới đến Helsinki. Tuyết còn mới phủ dài trên những con đường và tôi hối hả mặc đồ để giữ ấm trước cái lạnh; găng, mũ, khăn choàng.
Tôi hướng đến ga xe lửa để tìm mua một thẻ SIM Phần Lan, và ghé vào một số cửa hàng và quầy để tìm thẻ SIM tốt nhất.
Rồi tôi chợt nhận ra rằng mình đã để quên mũ ở đâu đó và bực bội dò ngược lại đoạn đường. Tôi nhìn vào trong các cửa hàng, làm ra vẻ đội mũ, hỏi xem có ai nhìn thấy nó không. Cuối cùng tôi cũng nhìn thấy nó, treo trên một cây thông Noel nhỏ nằm trên một quầy hàng và cười bắt lấy nó.

Không sợ mất đồ

Điều đó đưa đến một trong những quan sát đầu tiên của tôi về Phần Lan: rằng người Phần Lan là những người rất trung thực. Trong chuyến đi của mình, tôi dần phát hiện ra rằng lòng trung thực được trân trọng trong xã hội ở đây và là nền tảng của mọi giao tiếp: mọi người được mặc định là luôn trung thực, và lòng tin lẫn nhau được ngầm hiểu trừ khi được chứng minh ngược lại.
"Thành thật là một đặc điểm của văn hóa Phần Lan - ít nhất là nếu chúng ta so sánh với các nền văn hóa khác," Johannes Kananen, giảng viên tại Khoa Khoa học Thụy Điển, Đại học Helsinki, nói. "Trong tiếng Anh có một thành ngữ rằng sự thật có giá trị đến nỗi nó nên được sử dụng nhỏ giọt. Nhưng ở Phần Lan, mọi người nói thật mọi lúc."
Tình huống tìm lại mũ bỏ quên của tôi không hề là duy nhất, vì ở Phần Lan tài sản bị mất dường như luôn tìm đường trở về với chủ sở hữu.
"Đó là một thói quen rất lạ lùng ở xung quanh đây, việc đem treo những đôi găng tay bị thất lạc lên cành cây," Natalie Gaudet, làm việc tại Đại học Aalto, giải thích rằng việc này giúp người ta dễ dàng nhìn thấy chúng từ xa. "Trẻ em luôn làm mất găng tay và mọi người thường treo chúng lên một cái cây gần đó để người mất có thể tìm thấy trên đường trở về."
Trong một xã hội nơi sự trung thực được hiểu ngầm, mọi người hiểu rằng chỉ có chủ sở hữu đến nhận đồ bị mất.
Một vài năm trước, tạp chí Reader's Digest đã làm 'Thử nghiệm mất ví', theo đó các phóng viên của họ 'đánh mất' 192 chiếc ví ở các thành phố trên khắp thế giới.
Trong mỗi ví có 50 đô la Mỹ cùng với thông tin liên lạc, ảnh gia đình và danh thiếp. Mười một trong số chiếc 12 ví đánh mất ở thủ đô Phần Lan đã được trả lại cho chủ sở hữu, khiến Helsinki trở thành thành phố 'trung thực' nhất trong số những nơi được thử nghiệm.
Nhưng điều gì làm cho Phần Lan trở thành một đất nước trung thực đến vậy?

Nguồn gốc lịch sử

Nhà nước Phần Lan không có lịch sử quá lâu đời; trong hàng thế kỷ, đất nước Phần Lan ngày nay thuộc vương quốc Thụy Điển. Trong khi tiếng Thụy Điển là ngôn ngữ của tầng lớp thượng lưu, thì tiếng Phần Lan trở nên gắn liền với tầng lớp thấp, nông dân và giới tăng lữ.
Chỉ đến năm 1809, Phần Lan mới có được quy chế tự trị do Sa hoàng Alexander Đệ nhất của Nga trao cho trong Chiến tranh Phần Lan, và trở thành Đại Công quốc Phần Lan, tiền thân hiện đại của đất nước Phần Lan ngày nay. Đó là khi bản sắc Phần Lan rõ rệt bắt đầu định hình và ngôn ngữ Phần Lan bắt đầu phổ biến.
Nói như Urpu Strellman, nhà môi giới xuất bản ở Helsinki, thì "Một hình ảnh đã được tạo ra, một hình ảnh rập khuôn về người Phần Lan như những người nghiêm khắc, khiêm tốn, chăm chỉ, biết vâng lời Chúa vốn vượt qua những thời khắc khó khăn, sẵn sàng đón nhận mọi thứ định mệnh đem đến cho họ. Đây là những đặc tính liên quan chặt chẽ đến sự trung thực."
Cảnh quan phần lớn là thôn quê, cộng với mùa đông Bắc cực âm u, đòi hỏi phải đón nhận những thái độ này nếu Phần Lan muốn xây dựng đất nước. Từ 'sisu' trong tiếng Phần Lan mô tả khái niệm về sự kiên cường, bền bỉ và cứng cỏi vốn đã đi vào bản sắc dân tộc và đặc điểm văn hóa.
Thêm vào đó, một khi Phần Lan tách ra khỏi vương quốc Thụy Điển, họ đã có thể thành lập Giáo hội Phúc âm Luther và đạo đức Tin lành.
Trong cuốn sách 'Bàn về di sản của Giáo hội Luther ở Phần Lan', Klaus Helkama và Anneli Portman đã xem xét về cội rễ Tin lành trong giá trị về tính trung thực ở Phần Lan.
Họ cho rằng điều này đã được các hoạt động truyền giáo Tin lành vốn tập trung vào giáo dục và in ấn đại chúng đem tới; và đến lượt nó, những thứ này dẫn đến sự tự vấn và kích hoạt tính trung thực.
Giáo hội Luther ở Phần Lan là một trong những giáo hội lớn nhất thế giới.
Những phẩm chất đó giờ đã bắt rễ ăn sâu vào văn hóa Phần Lan, Kananen nói. "Sự thành thật và trung thực được đánh giá cao và được tôn trọng."
Ông nhắc đến ví dụ về vụ bê bối đã xảy ra với các vận động viên trượt tuyết Phần Lan khi nước này đăng cai Giải Vô địch Trượt tuyết Bắc Âu FIS năm 2001. Sáu vận động viên hàng đầu Phần Lan đã bị phát hiện dùng doping và bị loại. Vụ bê bối được báo chí trong nước đưa tin như là nỗi tủi hổ của công chúng, và ở trong nước có một cảm giác mất mặt tập thể.
"Đối với người Phần Lan, điều tệ nhất về vụ tai tiếng này không phải là bản thân vụ tai tiếng," một bài báo đăng trên Tạp chí Lịch sử Thể thao Quốc tế viết. "Điều tồi tệ nhất là, cùng với vẻ ngoài về sự trung thực trong thể thao nói chung, huyền thoại về người Phần Lan trung thực, chăm chỉ đã sụp đổ."

'Tự hào dân tộc'

"Tất cả chỉ vì niềm tự hào dân tộc," Kananen nói. "Trái lại, ở Na Uy khi một trong những nữ vận động viên trượt tuyết của họ bị phát hiện doping, cả nước bảo vệ cô ấy và muốn hình phạt đối với cô ấy càng nhẹ càng tốt."
Thật vậy, phần lớn niềm tự hào của người Phần Lan đến từ mức độ lòng tin cao trong xã hội, điều này đến lượt nó là chỉ dấu cho thấy tâm lý chung là mọi người đều được tin tưởng rằng họ hành động trung thực.
"Ở Phần Lan, nhà nước là bạn chứ không phải thù," Kananen nói. "Nhà nước được nhìn nhận là hành động vì lợi ích chung - vì vậy các quan chức nhà nước hành động vì lợi ích chung của mọi người. Có lòng tin rất lớn vào những người đồng bào và những người phục vụ người dân, trong đó có cảnh sát. Người dân Phần Lan cũng là những người rất vui lòng đóng thuế. Họ biết rằng tiền thuế được sử dụng cho lợi ích chung và họ cũng biết rằng không ai gian lận khi đi thu thuế."
Tuy nhiên, thông thường, mọi thứ có thể chỉ đơn giản là bởi quy mô cộng đồng.
Gokul Srinivasan, kỹ sư ngành robotic tự động và là doanh nhân sống ở Helsinki, giải thích rằng trong một cộng đồng nhỏ nếu ai đó bị bắt gặp nói dối một lần, họ sẽ không được coi là đáng tin cậy nữa.
Mặc dù Phần Lan lớn hơn gần ba lần so nước Anh, nhưng dân số của họ chỉ bằng một phần mười - với phần lớn trong số 5,5 triệu dân tập trung ở các trung tâm đô thị ở phía nam. Do vậy, nhiều khả năng là những người hoạt động trong cùng một lĩnh vực nào đó thì đều biết nhau.
"Nếu một người Phần Lan xem bạn là người không đáng tin cậy, bạn nên xem rằng đó là cây cầu đã bị đốt cháy, và nó sẽ dẫn đến những cây cầu khác cũng bị cháy," Srinivasan nói. "Họ không có thói quen nói sau lưng, nhưng nếu có ai đó yêu cầu thư giới thiệu thì đó sẽ là một vấn đề."
Tôi nghĩ rằng những điều này nghe có vẻ rất nặng nề đối với một quốc gia mới đây đã được bầu chọn là 'quốc gia hạnh phúc nhất thế giới' năm thứ ba liên tiếp.
Khi tôi đến Phần Lan, tôi rất háo hức muốn xem mức độ 'hạnh phúc' này được thể hiện như thế nào. Hạnh phúc, suy cho cùng, là liên hệ với sự trung thực: trong một phúc trình được Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ công bố có một nghiên cứu đã xác định được mối liên hệ giữa việc cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần với việc nói sự thật.

'Thẳng ruột ngựa'

Nếu đặt sự thành thật sang một bên, mức độ hạnh phúc được cho là của nước này chắc chắn sẽ không hiển nhiên.
Trong mắt tôi, người dân Phần Lan rất giúp ích nhưng không xen vào chuyện người khác, ấm áp nhưng khắc kỷ, rõ ràng nhưng không biểu cảm quá mức.
Tuy nhiên, điều hiển nhiên là phong cách giao tiếp trực tiếp của họ, điều mà Strellman cho là xuất phát từ các giá trị cốt lõi của họ là sự trung thực và thẳng thắn.
"Chúng tôi rất dở trong việc trò chuyện phiếm - luôn im lặng tốt hơn là nói về cái gì đó không đi đến đâu," bà nói. "Có một ý nghĩ mạnh mẽ là cần phải nói mọi việc đúng như bản chất của nó, không đưa ra những lời hứa suông và không cố gắng đánh bóng mọi thứ. Người Phần Lan đánh giá cao sự thẳng thắn hơn là mồm miệng giỏi."
Người Phần Lan xem những lời họ nói rất nghiêm túc, vì vậy mỗi từ thực sự nói ra đúng nghĩa của nó.
Trong một nghiên cứu của nhà dân tộc học Donal Carbaugh, ông giải thích lý do vì sao những cách nói so sánh theo mức cao nhất sẽ bị người Hà Lan cho là quá tự phụ. Một nguyên tắc trong giao tiếp của người Phần Lan, ông viết, là phải tập trung vào những gì bạn nói.
Kananen đồng ý: "Người Phần Lan có xu hướng hiểu các câu nói theo nghĩa đen. Vì vậy, nếu bạn nói rằng bạn ăn chiếc burger ngon nhất trước giờ thì điều đó có thể dẫn đến cuộc trò chuyện mà bạn phải nói về tất cả các loại burger bạn đã từng ăn và tiêu chí chính xác để đánh giá burger nào là tốt nhất. Trừ phi bạn có thể chứng minh đó là chiếc burger ngon nhất từ trước đến nay một cách khách quan, nếu không thì người ta sẽ hơi nghi ngờ bạn, và, vâng, chắc chắn là bạn đã quá tự phụ."
Tất nhiên, có những lỗ hổng trong việc này. "Mặt trái của nền văn hóa này là xu hướng chỉ cho phép một 'sự thật' tồn tại vào thời điểm đang xảy ra quá nhiều thứ, từ kinh tế, y tế cho đến công nghệ ," ông nói.
"Đây là sự thật mà chúng tôi có thể đọc được từ các tờ báo và những gì các chuyên gia nói với chúng tôi. Chúng tôi không giỏi chấp nhận sự đa dạng ý kiến vì có một niềm tin sâu sắc rằng chỉ có một sự thật."
Tuy nhiên, trong phần lớn các trường hợp, trung thực hóa ra lại là điều tốt nhất, như người Phần Lan có thể nói với bạn - mặc dù bạn phải mất một chút thời gian để quen.
Sau đó trong tuần, tôi cùng một người bạn Phần Lan tới Turku, một thành phố ở nam nước này và lang thang khắp trung tâm để tìm bia ngon.
Chúng tôi đến nhiều quán bar, để áo khoác trên móc áo ở lối vào. Khi chúng tôi uống bia và tán gẫu, tôi không thể không liếc nhìn chiếc áo khoác của mình. Không có khóa an ninh và không ai coi chừng chúng cả.
"Đừng lo," bạn tôi nhắc, có thể đã là lần thứ 100 rồi. "Không ai lấy đâu."
Cuối cùng tôi cũng bắt đầu tin vào điều đó.

Srishti Chaudhary
Cờ
Bản Đồ (Wikipedia TV)

1 nhận xét:

Mời nghe một bài thánh ca của tác giả Hàn Thư Sinh

Hàn Thư Sinh là bút hiệu của Tiến Sĩ Trần An Bài , nguyên Dự Thẩm Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn , cũng là Giảng Sư Thỉnh Giảng tại Học Viện CSQG...