Đó là hai câu thơ trong truyện Nôm khuyết danh Phương Hoa- Lưu Nữ Tướng, kể lại chuyện quan Thượng Thư Trương Đài sinh được hai chàng trai; anh lớn là Cảnh Tĩnh, còn em là Cảnh Yên, người đã được đính ước với con gái của quan Ngự Sử Trần Điện là Phương Hoa. Nên LỘNG CHƯƠNG 弄璋 là sanh con trai, "Hai thứ Lộng Chương" là "Hai lần sanh Con Trai". LỘNG CHƯƠNG có xuất xứ như sau đây :
Theo lời thơ bài Tư Can-chương Tiểu Nhã trong Kinh Thi 詩经·小雅·斯干 là :
乃生男子, Nãi sinh nam tử,
載寝之床, Tái tẩm chi sàng.
載衣之裳, Tái y chi thường,
載弄之璋。 Tái lộng chi chương.
Có nghĩa :
Đẻ được con trai,
Được ngủ trên giường.
Được mặc áo quần,
Được chơi ngọc Chương.
CHƯƠNG là một loại đá qúy ngày xưa, phần trên có hai đầu nhọn, là vật cầm tay của qúy tộc khi chầu vua hoặc khi cúng tế thần linh... LỘNG CHƯƠNG 弄璋 : LỘNG là làm, là ghẹo, là Chơi. nên Lộng Chương là cho con trai chơi ngọc Chương, hàm ý là con trai sẽ làm nên sự nghiệp lớn để quang tông diệu tổ. Cũng đồng thời sanh con, nhưng nếu sanh con gái thì gọi là...
LỘNG NGÕA 弄瓦, cũng theo bài Tư Can-chương Tiểu Nhã trong Kinh Thi :
乃生女子, Nãi sinh nữ tử,
載寝之地, Tái tẩm chi địa,
載衣之裼, Tái y chi thế,
載弄之瓦。 Tái lộng chi ngõa !
Có nghĩa :
Đẻ ra con gái,
Chỉ ngủ dưới đất,
Chỉ được lót tả,
Chỉ chơi ngói ngõa.
NGÕA 瓦 là miếng Ngói lợp nhà, nhưng ngày xưa NGÕA là đất nung hình suốt chỉ, dùng cuốn chỉ để dệt vải. Cho con gái chơi suốt chỉ ý là cho giỏi nữ công gia chánh để quán xuyến việc nhà. Ta thấy, sau chế độ mẫu hệ, các vua chúa được lên ngôi thì cũng xuất hiện tư tưởng trọng nam khinh nữ : Sanh con trai thì được ngủ trên giường, được mặc quần áo, được chơi ngọc chương; còn sanh con gái thì nằm dưới đất, chỉ được lót tả và chơi cái suốt chỉ (ngõa). Trong truyện Nôm Tây Sương Ký của ta khi tả bà Trịnh phu nhân sinh ra Thôi Oanh Oanh có câu :
Ứng điềm bà Trịnh phu nhân,
Kịp kỳ LỘNG NGÕA đủ tuần khai hoa.
Lộng Chương Lộng Ngõa
LỘNG CHƯƠNG là Chơi ngọc Chương, LỘNG NGÕA là Chơi miếng Ngói, còn LỘNG NGỌC là Chơi với Đá Qúy. Nhưng LỘNG NGỌC 弄玉 cũng là tên của cô Công chúa út của Tần Mục Công đời Chiến quốc. Theo tích sau đây :
Sách Liệt Tiên Truyện-Quyển thượng 列仙傳·卷上: Thời Xuân Thu Chiến quốc, Tần Mục Công có cô con gái yêu là Lộng Ngọc, thích âm nhạc, nhất là thổi tiêu. Một hôm nằm mộng thấy một thanh niên anh tuấn thổi tiêu rất giỏi. Tỉnh ra mới kể với Tần Mục Công, Công bèn cho người đi tìm thanh niên trong mơ của con gái. Tìm đến Minh Tinh Nhai dưới núi Hoa Sơn, quả nhiên gặp được một chàng trai tuấn tú, tiên phong đạo cốt, tên là Tiêu Sử. Sứ giả mời về cung và được Tần Mục Công gả Lộng Ngọc cho, lại cất cho một tòa lâu đài để vợ chồng cùng luyện thổi tiêu trên đó. Một đêm, vợ chồng đang thổi tiêu dưới ánh trăng, tiếng tiêu réo rắc đã làm cho một con Xích Long 赤龍 (Rồng màu đỏ) và một con Tử Phụng 紫鳳 (Phụng màu tím) bay đến. Vợ chồng cùng cởi xích long và tử phụng bay đi. Tần Mục Công cho người đuổi theo đến giữa núi Hoa Sơn thì mất dạng. Bèn cho lập miếu thờ ở Minh Tinh Nhai dưới chân núi Hoa Sơn mãi cho đến hiện nay.
Tích trên đưa đến thành ngữ THỪA LONG KHÓA PHỤNG 乘龍跨鳳 là Cởi Rồng Cởi Phụng, chỉ vợ chồng cùng lên tiên hay vợ chồng cùng xứng đôi với nhau. Như khi Từ Hải chuộc Thúy Kiều ra khỏi lầu xanh, cụ Nguyễn Du đã hạ câu :
Trai anh hùng, gái thuyền quyên,
Phỉ nguyền SÁNH PHƯỢNG đẹp duyên CỞI RỒNG.
Trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập của vua Lê Thánh Tông thì có câu :
Cô tiên thách mực chày đâm thuốc,
LỘNG NGỌC xin làm bạn thổi tiêu.
LỘNG là Làm, nên ta còn hay gặp thành ngữ LỘNG GIẢ THÀNH CHƠN 弄假成真 để chỉ việc gì đó định làm giả, làm chơi thôi, nhưng không ngờ rốt cuộc lại thành sự thật. Một thành ngữ nữa cũng rất thông dụng trong văn chương là HÍ LỘNG QỦY THẦN 戲弄鬼神 là "Giởn mặt đùa giởn với qủy thần"; cũng có nghĩa là "Làm thần làm qủy để hù dọa người khác".
Còn...
LUÂN 輪 là Bánh Xe, HỒI 迴 là Đi ngược trở về; nên LUÂN HỒI 輪迴 là Bánh xe cứ quay tròn trở về hết vòng này đến vòng khác. Theo Phật Giáo thì cỏi trần gian nầy có Lục Đạo 六道 là sáu con đường. Đó là : 天道、人道、阿修羅道、畜生道、餓鬼道、地獄道 Thiên đạo, Nhân đạo, A-Tu-La đạo, súc sinh đạo, Ngạ quỷ đạo và Địa ngục đạo. Con người sẽ được thác sinh và tồn tại trong 6 đạo đó, tùy theo cái TÂM và việc làm của mình mà mình sẽ được hiện thân ở đạo nào. Ví dụ như tâm tốt và làm nhiều việc thiện, thì khi chết sẽ không sa vào Địa Ngục Đạo, mà sẽ được đưa trở về đầu thai ở Nhân Đạo; Khi sống lãng phí và chà đạp thực phẩm ngũ cốc, thì khi chết sẽ sa vào Ngạ Qủy Đạo... Và chỉ có người tu đắc đạo thì mới thoát khỏi cái vòng lẩn thẩn nầy. Trong truyện thơ Nôm Lâm Tuyền Kỳ Ngộ (Bạch Viên Tôn Các) có câu :
Siêu sinh ngỏ thoát LUÂN HỒI trước,
Bỏ thuở lòng thiền tế độ ta.
Cuối bài Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh, cụ Nguyễn Du cũng đã viết :
Kiếp phù sinh như hình bào ảnh,
Có chữ rằng: “Vạn cảnh giai không”
Ai ơi lấy Phật làm lòng,
Tự nhiên siêu thoát khỏi trong LUÂN HỒI.
Về LUÂN THƯỜNG 倫常, thì LUÂN 倫 nầy có bộ Nhân 亻là người một bên, nên có nghĩa là "Sự quan hệ giữa người và người với nhau". Theo Nho Giáo NGŨ LUÂN là 5 mối quan hệ giữa con người với nhau. Đó là : Quân thần (Vua tôi), Phụ tử (Cha con), Huynh Đệ (Anh em), Phu thê (Vợ chồng) và Bằng hữu (Bạn bè). Còn NGŨ THƯỜNG 五常 là 5 mối quan hệ giao tiếp giữa con người với nhau. Đó là : Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí và Tín. Ngũ Thường còn được gọi là NGŨ NHÂN LUÂN 五人倫. Nên LUÂN THƯỜNG là cái phép tắc trong quan hệ đối xử với nhau của con người trong xã hội theo quan niệm của Nho Giáo. Như trong thơ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có câu :
Ở có đức lành hơn ở dữ,
Yêu nhau chẳng đã một LUÂN THƯỜNG.
Còn về từ KINH LUÂN 經綸 thì KINH 經 là sợi tơ được kéo theo chiều dọc, còn LUÂN 綸 nầy có bộ Mịch 糸là Sợi Tơ ở bên trái, nên LUÂN là sợi tơ đã được xử lý từ kén con tằm, cho nên KINH LUÂN là Những sợi tơ đã được xử lý hoàn hảo có thể đưa vào khung cưởi để dệt thành vải được rồi; dùng rộng ra KINH LUÂN 經綸 là có tài xử lý sắp xếp mọi viêc trong nhà, ngoài xã hội, chốn quan trường và cả trong triều đình nữa, cho tất cả mọi việc đâu ra đó hẵn hoi, nên trong bài hát nói "Phận Sự Làm Trai" của Nguyễn Công Trứ, cụ đã hạ ngay hai câu đầu là :
Vũ trụ chức phận nội
Đấng trượng phu một túi KINH LUÂN.
Còn trong bài hát nói "Nợ Nam Nhi" cụ cũng đã kết bằng ba câu :
Nghiêng mình những vì dân vì nước,
Túi KINH LUÂN từ trước để về sau.
Nghìn thu một tiếng công hầu.
Trong bài "Kẻ Sĩ" cụ càng khẳng định một cách mạnh mẽ hơn là Kẻ Sĩ thì phải có tài Kinh Luân Thao Lược, vì Kẻ Sĩ chính là những công hầu khanh tướng ở sau nầy :
Trước là sĩ, sau là khanh tướng.
KINH LUÂN khởi tâm thượng, binh giáp tàng hung trung,
Vũ trụ chi gian giai phận sự, nam nhi đáo thử thị hào hùng !
rất hay
Trả lờiXóa