Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2020

Đôi Điều Tâm Sự ; BÀY TỎ TẤC LÒNG- Đỗ Chiêu Đức

BÀY TỎ TẤC LÒNG

        Trước tiên, xin mời nghe chuyện Mark Twain và người phụ nữ cao ngạo sau đây :
       
         
       Trong 1 buổi tiệc, Mark Twain ngồi cạnh một người phụ nữ. Theo phép lịch sự, ông đã nói với người này “Cô thật xinh đẹp”
       Người phụ nữ đó không hề cảm kích mà còn cao ngạo nói rằng “Rất tiếc là tôi không thể nói lời khen tương tự như thế dành cho ông”
       Mark Twain bình thản đáp “Không sao, cô có thể giống như tôi nói 1 lời dối lòng là được rồi”
Người phụ nữ nghe xong, xấu hổ quá cúi gầm mặt xuống bàn mà không nói được lời nào.
Ý nghĩa :  Tảng đá mà bạn ném ra, người bị nó làm cho vấp té cũng chính là bản thân bạn. Nếu bạn nói lời cay nghiệt thì người cuối cùng chịu nhục nhã vẫn là bạn.
        Đọc  chuyện " Những chuyện hay và ý nghĩa " của Kim Oanh gởi nêu trên, làm cho tôi nhớ lại hồi 20 năm trước ....
       Khi tôi đã nhận được visa định cư ở Mỹ, thì không những tôi, mà tất cả bạn bè của tôi nữa, đều mừng cho gia đình tôi sắp sửa định cư ở một " thế giới mới ", cái thế giới mà mọi người dân ở Việt Nam đều ao ước, cái thế giới mà xăm ở Lăng Ông Bà Chiểu ghi là " QUI MÃ " là " Qua Mỹ " !
      
 Thôi thì hết người nầy đến người kia, xúm nhau làm tiệc tiễn hành, gọi là để tiễn ngưởi " QUI MÃ ". Hết bà con dòng họ, đến bạn học cũ, rồi đồng nghiệp cùng dạy chung ...
       Một hôm, khi vừa bước chân vào một buổi tiệc, một anh bạn bước đến niềm nở bắt tay, ân cần kéo ghế mời ngồi. Anh bạn nầy nổi tiếng là người rất hoạt bát, là một tay ăn nói giỏi. Thấy bạn qúa nhiệt tình, tôi buộc miệng nói :
      - Cám ơn anh, hôm nay anh lịch sự qúa !
        Anh bạn cười ranh mảnh nói :
     - Anh Đức nói vậy, bộ ngày thường tôi không " lịch sự " sao ?
        Tôi ngớ người ra, sượng sùng, vì mình không có ý đó, trong một lúc, tôi lúng túng không biết nói sao, chỉ mở miệng cười trừ ... Chợt ... Cũng không hiểu là bản năng tự vệ hay trời xui đất khiến như thế nào đó, sau khi cười hề hề xong, tôi buộc miệng nói :
     - Bạn hiểu lầm ý tôi rồi ! Tôi nói là " HÔM MAY anh Lịch Sự QÚA ". Có nghĩa là : Ngày thường anh đã " Lịch Sự rồi ", Hôm nay " Càng Lịch Sự hơn "!
       Bây giờ thì đến phiên anh bạn tôi ngẩn ra, rồi cười lỏn lẻn nói :
     - Vậy hả ! ... Rồi tỏn tè bỏ đi nơi khác ...
       Mọi người có mặt vổ tay cười ồ lên !
       Tôi luôn rất lấy làm đắc ý về chuyện nầy.

       Bây giờ, đọc chuyện của K O gởi, tôi chợt nhớ lại chuyện xưa, nhớ lại anh bạn đồng nghiệp của thuở nào bị tôi làm cho " tỏn tè " trước mặt bạn bè, tôi không còn thấy tự hào, đắc ý nữa, mà chỉ thấy trong lòng tràn đầy hối hận, luyến tiếc, muốn nói vài lời đãi bôi với bạn, thì bạn đã không còn nữa !

       Có những chuyện chỉ làm cho ta đắc ý trong một lúc, rồi sau đó phải nuối tiếc cả đời !

                                                         Đỗ Chiêu Đức

                    CHÔN hay HỎA THIÊU


Gởi các bạn già,

       Tôi là thầy Đồ, nói thế có nghĩa là tôi cũng am tường về Âm dương Ngũ hành Bát quái.... vì nó có trong Kinh Dịch để giải thích về vũ trụ quan của người xưa. Tôi cũng biết ít nhiều về kinh Phật qua văn chương và qua cuộc sống thực tế nông thôn VN, nơi mà tôi lớn lên từ nhỏ. Tôi cũng thuộc it nhiều kinh Phật vì tôi học chữ Nho với một ông Thầy Chùa ở quê tôi. Nhưng ...
       Tôi chỉ say mê nghiền ngẫm về Âm dương Ngũ hành như là một cách lý giải về những vật chất chung quanh ta, như Ban ngày là là Dương, Ban đêm là Âm, mặt trời là Dương, mặt trăng là Âm, đàn ông là Dương, đàn bà là Âm.... và vật chất quanh ta là do Ngũ Hành : Kim , Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ mà thành, và Ngũ Hành cũng ứng với Ngũ Tạng là Tâm, Can, Tì, Phế, Thận .... Cũng như tôi rất tâm đắc về luật Nhân Qủa của nhà Phật, như :
      " Dục tri tiền thế nhân, kim sinh thụ gỉa thị. Dục tri lai thế qủa, kim sinh tác gỉa thị 欲知前世因,今生受者是. 欲知来世果,今生作者是 ". Có nghĩa : " Muốn biết cái nhân của kiếp trước, thì hãy xem sự thụ hưởng của kiếp nầy ( Ví dụ : Kiếp trước ăn ở nhân đức, nên kiếp nầy được giàu sang vinh hiển ). Còn Muốn biết cái qủa của kiếp sau, thì hãy xem việc mà ta đang làm ở kiếp nầy ( Ví dụ : Kiếp nầy ta ỷ giàu hiếp đáp người nghèo khó, thì kiếp sau sẽ là ăn mày ...).
       NHÂN 因 là Cái hạt giống, QỦA 果 là Cái Trái do hạt giống đó sinh ra. Nên ta nói " Gieo nhân nào thì gặt qủa nấy ". Phật giáo và Nho giáo gặp nhau ở điểm nầy. Hồi nhỏ đọc Minh Tâm Bửu Giám thấy có câu :
       " Chủng qua đắc qua, chủng đậu đắc đậu.
          種豆得豆,種瓜得瓜。
          Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu 
          天網恢恢,疏而不漏 ! ".  
Có nghĩa :
          Trồng dưa thì được dưa, trồng đậu thì được đậu.
          Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà không lọt !.

   Tôi mê những văn thơ có liên quan đến Phật giáo, như :

               Phù thế còn nhiều duyên nghiệp qúa,
               Lệ lòng mong cạn chốn am không.
               Cửa thiền một đóng duyên trần dứt,
               Quên hết người quen chốn bụi hồng !
                                                    Jean. Leiba.
  hay như trong Kiều :
               Cho hay giọt nước cành dương,
               Lửa lòng tưới tắt mọi đường trần duyên.
             .........................................
               Sự đời đã tắt lửa lòng,
               Còn chen vào chốn bụi hồng mà chi ?!

        Tôi chỉ thích và kính trọng những ông Thầy Chùa gầy gò khổ hạnh giỏi chữ Nho ở thôn quê, nơi tôi ở hồi nhỏ, và ....
        Tôi ghét cay ghét đắng những ông thầy chùa mập mạp, phốp pháp, lên xuống xe hơi ... ở thành phố; mấy ông Thích Đô La nầy hễ mở miệng ra là phải cúng dường... cúng chiếu ! và ...
        Tôi rất ghét những nghi thức mà họ cúng bái vong linh người chết, kinh của họ đọc, ngoại trừ những câu tiếng Phạn như : " Nam  mô tô rô bà ra, đát tha nga đa da, đát điệt tha, án tô rô, tô rô, bát ra tô rô, ta bà ha ..." không biết là nghĩa gì ?! và cũng không biết là họ đọc có đúng không ?! Họ đọc tầm bậy cũng chẳng ai biết gì !!! Thế thì ĐỌC ĐỂ LÀM CHI ???!!!
         Còn những câu chữ Nho, thì vài ông thầy chùa lớn tuổi còn đọc đúng, chớ các ông tre trẻ thì đọc... tùm lum tà la hết trọi ! Như câu : " Phụ mẫu ân thâm chung hữu biệt, Phu thê nghĩa trọng DÃ phân ly 父母恩深終須別 夫妻有義也分離 " thì họ đọc thành " DẠ phân ly 夜分離 " nghe kỳ cục hết sức ! Vì câu trên có nghĩa :
        " Cha mẹ đối với ta có ơn sâu, nhưng rốt cuộc cũng phải tử biệt. Vợ chồng nghĩa nặng, nhưng cuối cùng CŨNG phải phân ly."
      DÃ PHÂN LY 也分離 là " Cũng phải chia ly ". Họ đọc thành DẠ PHÂN LY 夜分離 là " Ban đêm mới phân ly ", làm thể như ban ngày họ còn ngủ chung với nhau được vậy !
       Nhưng dù đúng dù sai, thì cũng chỉ là những lời nói sáo, như : " Bạch ngọc giai tiền văn diệu pháp, huỳnh kim điện thượng lễ Như Lai 白玉階前聞妙法,黃金殿上禮如來 ( Trước thềm ngọc trắng nghe đạo pháp huyền diệu, Trên điện vàng ròng lễ bái đức Như Lai ). Chúc thực kiền thành, chư tang quyến thành tâm hiến dâng phạn cúng 祝食乾誠,諸喪眷誠心獻奉飯供".

        Nghi thức cúng vong linh, nhưng đâu có vong linh nào biết ăn biết nghe, người sống nghe cũng điếc con ráy luôn, mời " ăn cơm " mà nói " dâng phạn "!.Khi sống thì không có tu hành gì cả, chùa cũng không có đi, nhưng khi chết rồi lại phải quy y, có Pháp Danh hẵn hoi. Thiệt tức cười hết sức ! Người chết thì cũng đã chết rồi, còn làm cho tốn kém mà chi ? Tiền Nhà Quàn, tiền Thầy cúng, tiền tẩn liệm, tiền hoa quả nhang đèn, vòng hoa các cái .... trên một chục ngàn đô. Nhưng sau đám tang bỏ hết ngoài mả cho chuột tha. Có người còn " cắc cớ " làm khổ con cháu bằng những lời trăn trối hết sức "Cà Chớn" :" Khi tao chết, tao muốn về VN để nằm gần mồ mả ông bà cho ấm cúng !". Nói một câu nhẹ nhàng, con cái tốn ba bốn chục ngàn đô như chơi, chưa kể đứa có ý kiến nầy, đứa ý kiến khác, cải nhau ỏm tỏi, rồi đâm ra giận hờn nhau không thèm nhìn mặt nhau sau khi cha mẹ đã chết. Thế mới khổ chứ !!!....
       

              Nên, tôi dặn con cái tôi trước rằng, khi ba chết, các con làm thủ tục chuyển từ nhà xác sang nhà quàn xong thì ngày hôm sau cho hỏa thiêu liền, khỏi phải quàn lại làm lễ cúng bái gì cả, làm rùm beng nằm đó chỉ bực mình thêm thôi, chết mà không được yên thân đó. Thiêu xong thì... bỏ luôn đi, đừng có hốt tro cốt gì cả, để ở nhà thì ô nhiễm trong nhà, tội nghiệp con cháu, rải xuống biển thì ô nhiễm biển, tội nghiệp cá tôm. Còn để ở trong chùa thì phải nghe mấy ông thầy chùa đọc kinh tầm bậy tầm bạ càng bực mình hơn, mà lại phải tốn tiền nữa, thôi thì bỏ phức cho rồi ! Khỏi phải thờ phượng gì cả, ở Mỹ nầy nhà cửa bít bùng, có đốt nhang được đâu mà thờ phượng ! Các con có nhớ ba thì treo một tấm hình ở phòng khách hay ở đâu đó cũng được. Đến ngày giỗ ba thì cứ nấu một mâm cơm rồi anh em xúm lại ăn uống họp mặt cho vui, đó cũng là cái cớ để anh em có dịp họp mặt nhau cho thân mật; cũng có thể mời thêm vài người bạn của ba tới dự cho vui cũng được. Ở Mỹ nầy, ba có được mấy người bạn đâu, và có được mấy người rảnh rổi để đi điếu mình đâu, làm đám ma làm chi cho tốn kém vô ích ! Mua đất mua cát, xây mồ xây mả tốn kém đâu phải ít, nhưng sau đó con cháu có thời gian và có nhớ, có rảnh để hằng năm phải đi cúng mả không ?! Chỉ tạo thêm phiền phức cho con cháu mà thôi ! Nên ba chối rất thật tình, rất thực tế,  không có lẫy hờn gì cả !

     Quý bạn già thân mến,

          Tại quý bạn gợi ý, nên tôi sẵn đà tâm sự cho vui, mong là không làm phiền và mất thời giờ của Quý Vị !

                                                              Thân mến,
                                                        Đỗ Chiêu Đức 

                            TÊN TỰ TÊN HÚY
      Vì anh Lê Hoàng Viện có lòng hỏi đến chữ HÚY , nên tôi xin được mạn phép góp ý như sau :

        Chỉ nói một cách giản dị cho dễ hiểu mà thôi :
    * HÚY 諱 : là Huý kỵ, là Tránh né. ( Bỏ nghĩa nầy không nói ).
       HÚY là Tên của Vua hoặc bậc tôn trưởng đã chết. Dùng rộng ra HÚY là Tên người đã chết. Còn người còn sống thì gọi là DANH 名. Cho nên trên Mộ Bia hoặc trên Bài Vị ta chỉ thấy chữ HÚY mà không thấy chữ DANH. Vì thế mà ta còn gọi HÚY là : Tên Cúng Cơm. Ví dụ :
                       Image result for nguyễn du
         Cụ NGUYỄN DU, nói theo chữ Nho là " Tính Nguyễn Danh Du 姓阮名攸 là : Họ Nguyễn tên Du ". Khi chết rồi thì trên Bài vị hoặc Mộ bia phải ghi là :
                    Nguyễn môn HÚY Du 阮門諱攸.
Có nghĩa :
               Người chết tên DU của nhà họ NGUYỄN.

     * TỰ 字 : là Chữ. Ta gọi là Tên Chữ, là tên được đặt cho khi bắt đầu đi học. Thường là do Phụ Huynh hay các cụ Đồ là Thầy dạy học đặt cho. Có thể có mà có thể không. Ví dụ :

            Nguyễn Du TỰ là Tố Như
    
     * HIỆU 號 : là Tiếng gào thét của con cọp ( Chữ Hiệu 號 có bộ HỔ bên tay phải ). Ta có từ HIỆU TRIỆU 號召 : là Hô hào, kêu gọi. Vì HIỆU là tiếng Gầm của hổ, nên Tên Hiệu là tên đặt kêu cho oai, thường là do chính mình tự chọn tên hiệu cho mình, để thể hiện bản chất, ý chí, chí hướng hoặc hoài bão ... của chính mình hay với một dụng tâm dụng ý nào đó ... chỉ có mình biết mà thôi. Ví dụ :

            Nguyễn Du TỰ là Tố Như HIỆU Thanh Hiên

     * BIỆT HIỆU 別號 : là Tên gọi đặc biệt trong một tình huống, hoàn cảnh hay trong một giai đoạn nào đó của cuộc đời, như khi về ẩn cư ở núi Hồng Lĩnh thì Nguyễn Du xưng BIỆT HIỆU là Hồng Sơn Liệp Hộ 鴻山獵戶 ( Nhà săn bắn ở núi Hồng ) và Nam Hải Điếu Đồ 南海釣徒 ( Người đi câu ở biển phía Nam ) ...
                   Image result for nguyễn du
      Nếu là Mộ Bia hoặc Bài Vị muốn viết cho đủ về cụ Nguyễn Du thì phải viết như thế nầy :

Nguyễn môn húy Du tự Tố Như hiệu Thanh Hiên biệt hiệu Hồng Sơn Liệp Hộ chi mộ ( hoặc chi linh vị ).
     阮 門 諱 攸 字 素 如 號 清 軒 別 號 鴻 山 獵 戶 之 墓(或 之 靈 位)。

     Nhưng, thường chỉ viết gọn là :

     Nguyễn môn húy Du tự Tố Như chi mộ ( hoặc chi linh vị ).
          阮     門    諱    攸 字  素   如   之  墓(  或     之 靈 位 ).

    Còn nói ...
          HIỆU là bắt chước, nhái theo là ...
          HIỆU 效(効)Hiệu nầy có bộ PHỘC là Cây thước hoặc bộ LỰC 力 là Sức ở bên tay phải, nên có nghĩa là  phải Ra Sức để làm việc gì đó cho có kết qủa. Ta có các từ như : Hiêu quả 效果, Hiệu Lưc 効力, Công Hiệu 功効 ... Nghĩa phát sinh là Nhái theo , là Bắt chước, như : Hiệu Phỏng 効仿 là Nhái theo. Hiệu Pháp 効法 là Bắt chước cách làm của người khác...
          Chữ Hiệu nầy không ăn thua gì với chữ Tên Hiệu cả ! Chỉ là từ Đồng Âm mà thôi !
  
          Mời đọc các bài Chữ Nho ... Dễ Học của  Đỗ Chiêu Đức sẽ rõ !
                                                         
              CÁC THUYẾT về BẢN TÍNH CON NGƯỜI

        Câu " Nhân Chi Sơ, Tính Bổn Thiện 人之初,性本善 " là câu đầu tiên của TAM TỰ KINH là quyển sách dạy cho nhi đồng học vỡ lòng ngày xưa. được biên soạn vào đời Minh, nhưng có sửa chửa thêm thắt qua nhiều thời đại, đến cuối đời Thanh mới hoàn chỉnh.

        * Còn học thuyết cho là TÍNH NGƯỜI VỐN LƯƠNG THIỆN là của Á Thánh Mạnh Tử 孟子 thời Chiến Quốc.
        * Còn học thuyết cho là Tính người VỐN ÁC là của Tuân Tử 荀子 cũng thời Chiến Quốc.
        * Còn học thuyết cho là Tính người VÔ THIỆN VÔ ÁC là của Cáo Tử 告子 đời Đông Chu.
        * Còn học thuyết cho là Tính người VỪA THIỆN VỪA ÁC là của Dương Hùng 楊雄 đời Tây Hán.

        Còn Khổng Tử chỉ chủ trương phát huy đạo TRUNG THỨ trong câu nói : " Ngô đạo nhất dĩ quán chi 吾道一而貫之 ". Có nghĩa " Đạo ta chỉ có một mối mà gồm thâu tất cả !". Một Mối đó chính là TRUNG 忠 và THỨ 恕 đó, và đó cũng chính là đạo NHÂN 仁. Cụ Đào Trinh Nhất của ta vì tên là NHẤT, nên lấy hiệu là QUÁN CHI, đều do câu nói nầy mà ra cả.

                                                         Đỗ Chiêu Đức


 Mời Xem :🌷🌷🌷🌷
          


     

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận : CHÉN trong TRUYỆN KIỀU (Đỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận  :                      CHÉN trong TRUYỆN KIỀU                                                                      ...