Từ trang Nhac Xưa
Có nhiều nơi ở miền Nam mà chúng ta đã đi qua, đã ở đó, đã nghe nói tới hoặc đã đọc được ở đâu đó... riết rồi những địa danh đó trở thành quen thuộc; nhưng chắc ít khi ta có dịp tìm hiểu tại sao nó có tên như vậy? Như bản thân tôi không phải là nhà địa lý học, cũng không phải là giáo viên dạy sử địa, nên có khi tôi thắc mắc một số địa danh có gắn liền với địa hình, địa thế. Nhưng có điều đáng buồn là khi tôi hỏi nhiều thầy giáo sử địa (đã và đang dạy) một số khái niệm về địa hình, địa thế thì y như rằng ai cũng cười và bảo không biết. Tôi tự tìm hiểu các tài liệu từ một số sách cũ của các học giả miền Nam: Vương Hồng Sển, Sơn Nam và cuốn Nguồn Gốc Địa Danh Nam Bộ của Bùi Đức Tịnh, nên chia sẻ những hiểu biết của các tiền bối về tên gọi một số địa phương trên quê hương mình.
- GIỒNG
Bắt đầu bằng một câu hát dân gian ở vùng Ba Tri, tỉnh Bến Tre:
"Gió đưa gió đẩy,
về rẫy ăn còng,
về bưng ăn cá,
về giồng ăn dưa..."
Giồng là chỗ đất cao hơn ruộng, trên đó nông dân cất nhà ở và trồng rau, đậu, khoai củ cùng một số loại cây ăn trái.Bởi vậy nên mới có bài hát: "Trên đất giồng mình trồng khoai lang..."
Một con giồng có thể bao gồm một hay nhiều xã. Ở Bến Tre, Giồng Trôm đã trở thành tên của một huyện.
Lại nhắc đến một câu hát khác:
"Ai dzìa Giồng Dứa qua truông
Gió rung bông sậy, bỏ buồn cho em..."
Giồng Dứa ở Mỹ Tho, khoảng từ chỗ qua khỏi ngã ba Trung Luơng đến cầu Long Định, ở bên phải quốc lộ 4 là Giồng Dứa. Sở dĩ có tên như thế vì vùng này ở hai bên bờ sông có nhiều cây dứa. (Dứa đây không phải là loại cây có trái mà người miền Nam gọi là thơm, khóm. Đây là loại cây có lá gai dáng như lá thơm nhưng to hơn và dày hơn, màu xanh mướt. Lá này vắt ra một thứ nước màu xanh, có mùi thơm dùng để làm bánh, đặc biệt là bánh da lợn).
- TRUÔNG
Vừa rồi có nhắc đến truông, hồi xưa về Giồng Dứa thì phải qua truông, vậy truông là gì?
Truông là đường xuyên ngang một khu rừng, lối đi có sẵn nhưng hai bên và phía trên đầu người đi đều có thân cây và cành lá bao phủ. Ở vùng Dĩ An có truông Sim. Ở Tây Ninh có Truông Mít, Truông Bình Linh. Ở miền Trung, thời trước có truông nhà Hồ.
"Thương em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang"
Tại sao lại có câu ca dao này?
Ngày xưa truông nhà Hồ thuộc vùng Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, còn gọi là Hồ Xá Lâm. Nơi đó địa hình trắc trở, thường có đạo tặc ẩn núp để cướp bóc nên ít người dám qua lại.
- PHÁ
Phá là lạch biển, nơi hội ngộ của các con sông trước khi đổ ra biển nên nước xoáy, sóng nhiều thường gây nguy hiểm cho thuyền bè. Phá Tam Giang thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, phía bắc của phá Tam Giang là sông Ô Lâu đổ ra biển, phía nam là sông Hương đổ ra cửa Thuận An.
- BÀU
Bàu là nơi đất trũng, mùa mưa nước khá sâu nhưng mùa nắng chỉ còn những vũng nước nhỏ hay khô hẳn. Khác với đầm, vì đầm có nước quanh năm. Ở Sài Gòn, qua khỏi Ngã Tư Bảy Hiền chừng 1 km về hướng Hóc Môn, phía bên trái có khu Bàu Cát. Bây giờ đường xá được mở rộng, nhà cửa xây rất đẹp nhưng mùa mưa vẫn thường bị ngập nước. Ở Long Khánh có Bàu Cá, Rạch Giá có Bàu Cò. Ở Tây Ninh thì rất nhiều tên bàu: Bàu Cỏ, Bàu Năng, Bàu Cà Na, Bàu Nâu…
- ĐẦM
Đầm là chỗ trũng có nước quanh năm, mùa mưa nước sâu hơn mùa nắng, thường là chỗ tận cùng của một dòng nước đổ ra sông rạch hoặc chỗ một con sông lở bờ nước tràn ra hai bên nhưng vẫn dòng nước vẫn tiếp tục con đường của nó. Ở Cà mau có Đầm Dơi, Đầm Cùn. Ở quận 11 Sài Gòn có Đầm Sen, bây giờ trở thành một trung tâm giải trí rất lớn.
- BƯNG
Bưng từ gốc Khmer là bâng, chỉ chỗ đất trũng giữa một cánh đồng, mùa nắng không có nước đọng, nhưng mùa mưa thì ngập khá sâu và có các thứ lác, đưng... mọc. Mùa mưa ở bưng thường có nhiều cá đồng.
"...về bưng ăn cá, về giồng ăn dưa".
Ở Tây Ninh có Bưng Trao Trảo, Ở Ba Tri, tỉnh Bến Tre, có hai bưng là Bưng Trôm và Bưng Cốc.
- LÁNG
Láng chỗ đất thấp sát bên đường nước chảy nên do nước tràn lên làm ngập nước hoặc ẩm thấp quanh năm. Ở Đức Hoà (giữa Long An và Sài Gòn) có Láng Le, được gọi như vậy vì ở láng này có nhiều chim le le đến kiếm ăn và đẻ. Vùng Khánh Hội (quận 4 Sài Gòn) xưa kia được gọi là Láng Thọ vì có những chỗ ngập do nước sông Sài Gòn tràn lên. Người Pháp phát âm Láng Thọ thành Lăng Tô, một địa danh rất phổ biến thời Pháp thuộc.
- TRẢNG
Trảng chỗ trống trải vì không có cây mọc, ở giữa một khu rừng hay bên cạnh một khu rừng. Ở Tây Ninh có nhiều địa danh trảng như: Trảng Dài, Trảng Sụp, Trảng Mây, Trảng Tròn, Trảng Nổ; nổi tiếng nhất là Trảng Bàng, địa danh xuất phát từ một cái trảng xưa kia có nhiều cỏ bàng vì ở vùng ven Đồng Tháp Mười. Ở Biên Hoà có Trảng Bom, Trảng Táo.
- ĐỒNG
Đồng là khoảng đất rất rộng lớn bằng phẳng, có thể gồm toàn ruộng, hoặc vừa ruộng vừa những vùng hoang chưa khai phá. Một vùng trên đường từ Gia Định đi Thủ Đức, qua khỏi ngã tư Bình Hoà, trước kia toàn là ruộng, gọi là Đồng Ông Cộ. Ra khỏi Sài Gòn chừng 10 km trên đường đi Lái Thiêu có Đồng Chó Ngáp, được gọi như thế vì trước kia là vùng đất phèn không thuận tiện cho việc cày cấy, bị bỏ hoang và rất vắng vẻ, trống trải. Ở Củ Chi có Đồng Dù, vì đã từng dược dùng làm nơi tập nhảy dù. Và vừa to, rộng hơn rất nhiều là Đồng Tháp Mười.
- HỐ
Hố là chỗ đất trũng sâu, mùa nắng khô ráo nhưng mùa mưa có nơi nước lấp xấp. Ở Củ Chi có Hố Bò, vì bò nuôi trong vùng thường đến đó ăn cỏ. Biên Hoà có Hố Nai, là nơi những người Bắc đạo Công Giáo di cư năm 1954 đến lập nghiệp, tạo thành một khu vực sầm uất.
Nguồn :Hồ Đình Vũ
Ảnh:Phá Tam Giang từ Wikipedia
Ảnh:Phá Tam Giang từ Wikipedia
bài rất hay
Trả lờiXóa