Thứ Hai, 27 tháng 7, 2020

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 64 : LƯỚI LỤC

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 64 : 
                                      
                                               LƯỚI LỤC
 Đó là câu nói trong sách Lão Tử thời Chiến Quốc. Nguyên là "Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất thất 天網恢恢,疏而不失". Có nghĩa : Lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng không lọt mất. Sau trong Tấn Thư - Nhậm Thành Vương truyện mới đổi thành :"Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu 天網恢恢,疏而不漏". Trong sách Minh Tâm Bửu Giám của ta lại thêm vào hai câu đầu như trong "Thái Thượng Cảm Ứng Thiên Tinh Hoa Tiết Lục 太上感應篇精華節錄" là :

                      種瓜得瓜,    Chủng qua đắc qua,
                      種豆得豆。    Chủng đậu đắc đậu.
                      天網恢恢,    Thiên võng khôi khôi,
                      疏而不漏。    Sơ nhi bất lậu.
      Có nghĩa :
                          Trồng dưa thì được dưa,
                          Trồng đậu thì được đậu.
                          Lưới trời tuy lồng lộng, nhưng...
                          Tuy thưa mà khó lọt lắm !
       
          Câu trên cho ta biết rằng, đạo trời rất công bằng, tuy trông như lỏng lẻo, nhưng lại rất chặc chẽ, ai làm ác thì rốt cuộc rồi cũng sẽ bị trừng phạt mà thôi ! Như trong truyện Nôm khuyết danh Phương Hoa-Lưu Nữ Tướng có câu :

                                 Thiên nhan nổi trận lôi đình,
                      Phán rằng :"Thử thiết sao khinh LƯỚI TRỜI".

         Trong Truyện Kiều, Tả lúc Thúy Kiều báo ân báo oán, khi cho gọi đến Tú Bà, Mã Giám Sinh, Bạc Bà, Bạc Hạnh... Thúy Kiều đã phán :

                               Nàng rằng: LỒNG LỘNG TRỜI CAO,
                               Hại nhân, nhân hại sự nào tại ta ?
         
         Theo Sử Ký-Ân Bản Kỷ của Tư Mã Thiên đời Tây Hán : Thang xuất, kiến dã trương võng tứ diện, Chúc viết : Tự thiên hạ tứ phương, giai nhập ngô võng. Thang viết : Hi, tãn chi hĩ ! Nãi khứ kỳ tam diện. Chúc viết : Dục tả, tả. dục hữu, hữu. Bất dụng mệnh, nãi nhập ngô võng 湯出,見野張網四面,祝曰:『自天下四方,皆入吾網。』湯曰:『嘻,盡之矣!』乃去其三面。祝曰:『欲左,左;欲右,右。不用命,乃入吾網。Có nghĩa :
      " Vua Thành Thang đời Ân, môt hôm đi tuần, thấy người bẫy chim giăng lưới bốn mặt, khấn rằng :"Chim chóc từ bốn phương đều bay vào lưới nầy". Vua bèn than :" Ôi, thế thì chim chóc bị bắt hết còn gì !" Bèn bắt bỏ đi ba mặt. Người giăng lưới lại khấn rằng :" Con nào muốn bay qua trái thì bay, muốn bay qua phải thì bay; còn con nào muốn chết thì hãy bay vào lưới của ta !". Nên...

      LƯỚI THANG ý chỉ lòng dạ nhân từ, có độ lượng, không làm tuyệt đường sinh sống của sinh linh. Trong truyện Nôm khuyết danh Trê Cóc có câu :

                          Lòng ngay chẳng dám mưu mô,
                      LƯỚI THANG rộng mở ơn nhờ xiết bao !

      Tích trên còn cho ta một thành ngữ VÕNG KHAI NHẤT DIỆN  網開一面, có nghĩa : Lưới chỉ giăng có một mặt, thường dùng để chỉ lòng dạ nhân từ nên tha cho ai đó "Một con đường sống".
        Sau Lưới Thang ta có LƯỚI THỎ, do bài THỐ TA 兔罝, thuộc chương Chu Nam 周南 trong Kinh Thi 詩經 như sau :

                      肅肅兔罝,   Túc túc thố ta, 
                      椓之丁丁。   Trác chi đinh đinh.
                      赳赳武夫,   Củ củ võ phu,
                      公侯干城。   Công hầu can thành.
    Có nghĩa :
                      Lưới thỏ vừa chắc vừa xinh,
                      Gỏ vào nghe tiếng đinh đinh vang rền.
                      Võ phu vạm vỡ làm nên,
                      Giúp công hầu nọ giữ yên thành trì.

        Ý thơ là ca ngợi sự cần chính và giỏi giáo hóa của Chu Văn Vương, khiến cho kẻ vũ phu săn thỏ cũng có thể trở thành một dũng tướng giữ thành. Trong tác phẩm Sãi Vãi của cụ Nguyễn Cư Trinh khi cho ông Sãi luận về chữ MUỐN đã có câu rằng :

                      LƯỚI THỎ giăng, sãi muốn cho củ củ võ phu,
                     Gót lân xéo, sãi muốn cho chơn chơn công tử.

   
      Nói đến LỤC trong Văn học Cổ là người ta nghĩ ngay đến LỤC CỰC 六極. Theo sách Thượng Thư-Hồng Phạm 尚书·洪范 thì Lục Cực là :Nhất viết HUNG ĐOẢN CHIẾT 一曰凶、短、折,Nhị viết TẬT 二曰疾,Tam viết ƯU 三曰忧,Tứ viết BẦN 四曰贫,Ngũ viết ÁC 五曰恶,Lục viết NHƯỢC 六曰弱。Có nghĩa : LỤC CỰC là 1. Chết yểu, 2. Khuyết tật, 3. Lo buồn, 4. Nghèo khổ, 5. Có tật xấu, 6. Suy nhược.

      Trong bài Hàn Nho Phong Vị Phú của cụ Nguyễn Công Trứ cũng đã có nêu :

                     LỤC CỰC bày hàng sáu, rành rành kinh huấn chẳng sai;
                     Vạn tội lấy làm đầu, ấy ấy ngạn ngôn hẳn có. 
      
       Ngoài LỤC CỰC là sáu điều xui điều xấu ra, trong văn học cổ còn có LỤC LỄ 六禮 là Sáu nghi lễ trong hôn nhân ngày xưa, từ bắt đầu cầu hôn cho đến lúc hoàn tất hôn sự. Theo sách Lễ Ký-Hôn Nghị 禮記。婚議 đời nhà Chu quy định, LỤC LỄ là :

       1. Nạp Thái 納采 : là nhờ mai mối mang lễ vật đến dạm hỏi.
       2. Vấn Danh 問名 : là hỏi tên họ, ngày sinh tháng đẻ của cô dâu.
       3. Nạp Cát 納吉 : là nhà trai báo cho nhà gái biết ngày lành tháng tốt
          và đưa lễ đính hôn (như Đám Nói của ta). 
       4,Nạp Trưng 納徵 : là Nạp sính lễ do nhà gái đòi hỏi.
       5,Thỉnh Kỳ 請 期 : là cho nhà gái biết ngày lành tháng tốt để rước dâu.
       6. Thân Nghinh 親迎 : Còn gọi là Nghinh Thân,là ngày Rước Dâu.

       Trong truyện Nôm Hoàng Trừu (Công Chúa Đội Đèn) có câu :
                                  Sắm làm LỤC LỄ phương viên,
                           Truyền quan viết điệp tâu lên cửu trùng.
Còn nói đến LỤC LANG 六郎 thì người ta lại nghĩ ngay đến Dương Lục Sứ Dương Diên Chiêu 杨延昭, người con thứ 6 trong Dương Gia Tướng, anh dũng thiện chiến, trấn thủ biên cương hơn 20 năm trường. Đó là Tống Sử, còn đời Đường, lúc Võ Tắc Thiên làm hoàng đế cũng có một người tình gọi là LỤC LANG. Đó chính là Trương Xương Tông, rất đẹp trai. Nịnh thần Dương Tái Tư nói với Võ rằng :"Người ta nói Xương Tông đẹp như hoa sen, thần thấy không đúng, phải nói là hoa sen đẹp như là Xương Tông vậy !" Xu nịnh đến thế là cùng !
      Trong truyện Nôm khuyết danh Phương Hoa-Lưu Nữ Tướng của ta có câu :

                            Thong dong vịnh tuyết đề mai,
                      Tuổi chừng nhị bát, sắc vời LỤC LANG. 
     
        Tư Mã Tương Như chẳng những nổi tiếng về phú về đàn, mà còn sở hữu một cây đàn nổi tiếng tên là LỤC Ỷ 綠綺. Khi ngao du đến nước Lương, Tư Mã Tương Như đã làm bài "Như Ngọc Phú" tặng cho Lương Vương. Để đáp tạ lại Lương Vương đã tặng cho Yư Mã Tương Như cây đàn nầy. Tương truyền thân đàn toàn một màu xanh đen bóng loáng ấn hiện hàng chữ "Đồng Tân Hợp Tinh 桐梓合精". Có nghĩa : Cây đàn là do hai loại gỗ quý Ngô đồng và cây tân ghép lại mà thành. Đàn đẹp người đàn lại giỏi âm luật đàn rất hay nên cây đàn càng nổi tiếng. Cây đàn LỤC Ỷ của Tư Mã Tương Như hợp cùng cây đàn HIỆU CHUNG 號鍾 của Tề Hoàn Công, cây đàn NHIỄU LƯƠNG 繞樑 của Sở Trang Vương và cây đàn TIÊU VĨ  焦尾 của Thái Ung thành "Trung Quốc cổ đại Tứ Đại Danh Cầm 中國古代四大名琴. Trong thơ Nôm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng có câu :

                                 LỤC Ỷ tiếng thanh đêm tựa ngọc,
                                 Lan châu chèo vỗ nước bằng là.
 Đàn LỤC Ỷ và Trác Văn Quân lén nghe đàn

       Cuối cùng ta có LỤC Y SỨ GIẢ 綠衣使者 là chức hàm được vua phong của con chim Anh Vũ 鸚鵡 mà giới bình dân của ta gọi là con Két Xanh. Theo tích sau đây :
       Tương truyền năm Khai Nguyên Thiên Bảo đời Đường Huyền Tông, ở Trường An có một phú hộ tên là Dương Sùng Nghĩa, vợ là Lưu thị thông gian với tên hàng xóm là Lý Yểm, rồi cùng âm mưu giết chết Dương Sùng Nghĩa bỏ xuống giếng khô cạnh nhà. Khi án phát, quan huyện đến thẩm tra thì hiện trường chỉ còn có một con két, quan bèn hỏi chơi rằng :"Nhà ngươi biết ai đã giết chủ gia không?" Không ngờ con két lại mở miệng đáp :"Là bà chủ Lưu thị và ông hàng xóm Lý Yểm chớ ai !". Quan bèn theo lời tra hỏi, quả nhiên phá án. Vua Đường Huyền Tông biết chuyện bèn phong cho con két chức Lục Y Sứ Giả. Từ đó mọi người đều gọi con két (chim Anh Vũ 鸚鵡) là LỤC Y SỨ GIẢ 綠衣使者, là Người đưa tin tức. Cho đến hiện nay, người Hoa vẫn còn gọi người đưa thư (Bưu tá) là Lục Y Sứ Giả.

       Trong truyện Nôm khuyết danh HOA ĐIỂU TRANH NĂNG của ta cũng có câu :

                          So tài mẫn tiệp nói năng,
                      LỤC Y SỨ GIẢ và chàng thăng ca.

      Không gọi là Lục Y Sứ Giả thì gọi là CHIM XANH theo tích sau đây :

      Vào đời Tây Hán, khi Hán Vũ Đế về già cứ muốn tu tiên để được trường sinh bất tử, nhà vua thường hay trai giới và ngồi thiền ở Thừa Hoa Điện. Một hôm, có hai con chim xanh bay đến vòng quanh điện chỗ vua ngồi; nhà vua bèn hỏi Đông Phương Sóc là chim gì. Đông Phương Sóc cho biết đó là sứ giả của bà Tây Vương Mẫu mang tin tức đến đó. Nên sau nầy nhắc đến Chim Xanh là người ta đều nghĩ ngay là chim đưa tin của cỏi tiên, như trong bài thơ VÔ ĐỀ của Lý Thương Ẩn đã kết với hai câu :

                   蓬萊此去無多路,   Bồng Lai thử khứ vô đa lộ,
                   青鳥殷勤爲探看。   Thanh điểu ân cần vị thám khan.
    Có nghĩa :
                          Đường đến Bồng Lai chừng mấy nẽo,
                          CHIM XANH dọ lối phải nhờ xem.
  
       Khi đã phải lòng Thúy Kiều rồi, chàng Kim cứ "Nỗi nàng canh cánh bên lòng biếng khuây", nên mới "Xăm xăm đè nẽo Lam Kiều lần sang" tìm đến tận nhà của Thúy Kiều, thì chỉ thấy :

                           Thâm nghiêm kín cổng cao tường,
                      Cạn dòng lá thắm, dứt đường CHIM XANH !
 Dứt đường Chim Xanh, là hết đường thông tin tức, CHIM XANH muốn bay vào đưa thư cũng không có lối để bay vào, vì quá thâm nghiêm với ...Kín cổng cao tường !

       Hẹn bài viết tới !

                                                                                                     杜紹德
                                                                                                 Đỗ Chiêu Đức

🌹🌹🌹🌹

1 nhận xét:

Thơ MP.Trường Giang Thủy : TÓC DÀI TÓC NGẮN , HOA LÒNG

  TÓC DÀI TÓC NGẮN Tóc dài xưa nợ bàn tay, Gỡ từng sợi rối thẹn ngày gió thu... Nắng hồng dính vệt sương mù Soi trên tóc ngắn bạc từ hôm qua...