Cậu tôi
Nhà cậu tôi và nhà của cha mẹ tôi chỉ cách nhau một
miếng vườn nhỏ và hàng dừa say quả. Do đó, lúc nhỏ tôi hay
sang nhà của cậu để nô đùa với con của cậu mợ.
Cậu là người em họ của mẹ tôi, nhưng mẹ và cậu đối xử
với nhau thân-thiện như hai chị em ruột vậy.
Khi tôi được năm tuổi, là đứa con út trong một gia đình có
chín người con, chị kế tôi lớn hơn tôi bốn tuổi, nên tôi không
thích chơi với chị, do đó tôi hay sang chơi với Lan 6 tuổi và
Mai 4 tuổi, là hai đứa con gái của cậu tôi. Có khi Lan và Mai cũng sang nhà tôi chơi, nhưng rất ít khi vì nhà tôi vựa lúa và đậu bắp, có nhiều người lạ ra vào nên chúng tôi không thích. Trái lại nhà cậu có vườn cây ăn trái, muốn ăn lúc nào cũng có.
Cậu tôi mắc cái võng dưới hàng cây bóng mát, những lúc cả
ba đứa cùng ngồi trên cái võng, chúng tôi thích thú đón nhận
những làn gió mát từ sông thổi vào trong những ngày hè nóng
bức, và cùng nhau nói chuyện ngây-ngô.
Chúng tôi chơi nhiều trò chơi, như: trốn kiếm, nhảy dây,
nhảy cò-cò, bịt mắt bắt dê hay chơi đánh đũa.
Mợ tôi là một bà nội trợ vui tánh, giỏi-giang, mợ hay nấu
xôi, làm bánh cho chúng tôi ăn. Trái cây nhà cậu có nhiều
loại, tôi thích nhất là ổi “Xá lị” và mận “Hồng đào” ăn giòn
ngon tuyệt. Cậu mợ tôi coi tôi như con, nên ban ngày, tôi ở
nhà cậu nhiều hơn là ở nhà tôi.
Những tưởng thời gian êm-đềm đó cứ mãi tồn tại trong
mái nhà ấm-cúng của cậu mợ, nào ngờ gia đình cậu tôi lâm
vào hoàn cảnh bi thương, tang tóc! Vợ xa chồng, trẻ thơ mất
mẹ là vì mợ tôi thọ bệnh nặng đột-ngột qua đời. Mợ tôi mất đi
lúc mợ còn quá trẻ, cậu tôi đau buồn, hut-hẫng xiết bao! bà
con chòm xóm ai cũng ngỡ-ngàng thương tiếc.
Cậu mợ đối xử với bà con xóm giềng rất tử tế, nhất là cậu
khoẻ mạnh, hoạt bát, những ngày cúng đình hay có lễ-lạt
trong làng, cậu cùng nhóm thanh nên trong xóm tham gia,
giúp đỡ ban chức sắc trong làng hầu buổi lễ được tươm tất.
Cậu cũng hay giúp bà con trong xóm mỗi khi họ cần đến cậu.
Những lúc rảnh cậu thường dùng lá dừa để thắt con cào-
cào, hoặc xếp thuyền hay máy bay bằng giấy cho chúng tôi
chơi. Cậu là người học chữ nho, nên cậu bắt chước mấy cụ đồ
dạy chúng tôi học thuộc lòng như con vẹt những chữ sau đây:
Nhất=một, nhị=2, tam=3, gia=nhà, quốc=nước, tiền=trước,
hậu=sau, ngưu=trâu, mã=ngựa...Có khi cậu kể chuyện cổ tích
cho chúng tôi nghe, chúng tôi thích lắm. Cậu biết chúng tôi
ưa ăn kẹo đậu phọng làm bằng đường thốt-nốt, mỗi khi nghe
chị bán kẹo rao lanh-lảnh: “Ai mua kẹo đậu phọng đường thốt
nốt không?”. Cậu cho mỗi đứa hai cắc để mua (ngày xưa giá
miếng kẹo tròn bằng miệng chén ăn cơm giá là hai cắc, bằng
hai mươi cents bây giờ), chúng tôi ăn thỏa thích.
Mợ là người nội trợ đảm đang, mợ có tài nấu ăn. Trong
xóm khi có đám cưới, họ hàng thường nhờ mợ làm thợ nấu
giúp họ. Mợ còn là thợ dệt hàng Mỹ-A Tân châu rất giỏi. Đặc
biệt là mợ biết giàn khung cửi, mợ mắc tơ tằm từ cái trục tơ
lớn, trục tơ có hàng ngàn mối chỉ, mợ kết nối những mối chỉ
vào bốn cái go thế nào để cho thợ dệt thay đổi chân đạp, go bị
kéo xuống, rẽ chỉ ra, thợ dệt phóng thoi
qua và dập cái khổ (flax comb) xuống
cho tơ nằm khít với nhau, mà cho ra khi
thì cây hàng bông dâu, bông mặt đệm,
bông mặt võng hay bông qui...(khung
cửi có bốn chân đạp, có những sợi dây dài nối liền với bốn cái
go). Việc mắc cửi, mợ làm thật tài tình như người kỷ sư lành
nghề vậy.
Khi hay tin mợ tôi mất, mẹ tôi như chới-với, mẹ cứ ôm
hai cái đầu của Lan và Mai mà nước mắt tuôn trào! Trông cậu
rất thiểu não, như kẻ không hồn.
Trước khi mợ qua đời, những khi rảnh việc, sở thích của cậu
là đờn-ca và đánh cờ với những người đàn ông trong xóm,
bây giờ cậu bỏ hết các thú vui riêng, dành bao nhiêu thời giờ
lo cho hai đứa con côi và người mẹ già yếu đuối, mắt bà lại
kém. Ngoài công việc trên, cậu phải lo việc đồng áng và vườn
cây ăn trái nữa. Bây giờ khung cửi của mợ nằm im, không
còn nghe âm thanh khua động, trông thật là buồn!
Sau khi mợ tôi qua đời, tánh tình Lan và Mai cũng có
phần thay đổi, nhất là Mai, nó hay cau có, giận hờn. Lắm khi,
chúng tôi cùng nhau đang chơi vui vẻ, không biết nó nghĩ gì,
có lẽ nó nhớ mợ tôi, nó đuổi tôi về nhà. Mai nói: “Mày về
chơi với chị mầy đi, mầy có mẹ, tao không có mẹ”
Nhận thấy gia đình cậu đơn chiếc, mẹ tôi cố nhín thời
gian để phụ cậu một phần nào, hầu giúp cậu những khi cậu
quá bận rộn.
Thỉnh-thoảng cậu đem sang nhà tôi một mớ quần áo cũ
của Lan và Mai, gồm có những cái quần sút đường chỉ hay
những chiếc áo bị mất nút, cậu nhờ mẹ tôi khâu lại.
Ngày rằm tháng tám năm đó, mẹ tôi sang nhà cậu, mẹ nấu giùm nồi chè xôi nước bằng đường thốt-nốt rất thơm ngon để cậu cúng rằm. Nấu xong mẹ tôi phải về nhà để lo nấu cúng ở nhà. Sau khi cúng rằm, cậu cho chúng tôi cùng ăn thỏa-thích. Số chè còn lại, cậu sợ kiến bò vào, cậu để nồi chè trên gióng và treo trên cao trong nhà bếp.
Sau giấc ngủ trưa, tôi lại chạy sang chơi với Lan và Mai. Lúc bấy giờ cậu tôi đang bận việc đồng áng trong cánh đồng sau nhà
cậu, bà năm (mẹ của cậu) còn đang nghỉ trưa trong gian phòng bên cạnh nhà bếp.
Sau một hồi chạy giỡn ngoài vườn, chúng tôi thấy đói bụng, thèm ăn chè, nhưng chúng tôi không thể đem nồi chè xuống được.
Lan bảo tôi:
-Mầy đội cái sàng, tao chọt đít nồi cho bể là có chè ăn.
Tôi ngây thơ nghe lời Lan. Lan dùng cây giầm chọt đít nồi, vì
là nồi đất nên dễ bể, chè rơi xuống cái sàng nước chè chảy
xuống rất nhanh, ướt cả đầu và quần áo tôi. Tôi sợ quá khóc thét lên, bà năm thức dậy, vì mắt bà kém, thấy nước đường thốt nốt chảy tung tóe khắp trên đầu và cơ thể tôi, bà la lớn lên: “Bớ
làng xóm ơi, cháu tôi bị bể đầu máu ra lai-láng nè, mau tới
cứu giúp giùm!”
Nghe bà năm la, nhiều người chạy lại, thấy cảnh tượng
mà mấy đứa trẻ gây ra, ai cũng ngậm ngùi thương xót những
đứa trẻ ngây thơ mất mẹ! Mẹ tôi là người đến trước tiên, mẹ
tôi khóc nhiều, có lẽ không phải mẹ tiếc nồi chè mà thương cảnh gà trống nuôi con của cậu tôi và hai đứa cháu côi cút của bà! Mẹ tôi tắm rửa tôi và dọn “Bãi chiến trường ” mà lũ trẻ ngây thơ đã tạo nên! Hay tin, cậu tôi cũng bỏ cuốc xẻng vội chạy về nhà, thấy cảnh con côi, thiếu bàn tay dịu hiền của mẹ chăm sóc, cậu buồn tênh, nước mắt đọng trên mi, cậu lắc đầu thở dài não nuột!
Sau đó ít lâu, cậu tôi cùng thợ gặt, đang gặt lúa trong đồng, lúc đó Mai lại trèo vô một cái hũ không, mà cậu tôi đã rửa sạch, cậu phơi khô để đựng đậu, cậu chưa kịp đem hũ vào nhà. Mai lại trèo vào hũ và ngồi gọn trong đó. Không biết nó thu mình thế nào mà chân tay nó nằm gọn khít-khao trong hũ. Đến khi muốn ra thì ra không được, Mai khóc thét lên, Lan và tôi cố lôi kéo em ra, nhưng em không thể ra khỏi hũ được. Tôi vội chạy về nhà báo tin, mẹ tôi qua kéo nó ra cũng không có kết quả, cuối cùng mẹ tôi đành đập bể hũ để bế Mai ra! Về nhà nghe kể câu chuyện, cậu chỉ biết ngậm-ngùi sầu khổ.
Thấy hoàn cảnh đơn chiếc của cậu thật đáng thương, nhiều
người lại khuyên cậu nên tìm vợ kế cho có người chăm sóc hai
đứa nhỏ, nhưng cậu nhất quyết từ bỏ ý định đó.
Một ngày kia, khi mặt trời sắp lặn, chim chóc bắt đầu bay
về tổ, chúng kêu ríu-rít trên những cây cao bên bờ ruộng.
Dường như chúng vui mừng khi chúng được sum hợp với
nhau trong tổ ấm sau một ngày đi kiếm ăn vất vả. Nông dân
trong cánh đồng lần lượt ra về. Cánh đồng lúc đó trở nên
vắng vẻ. Còn chút việc cần phải làm cho xong, cậu ở nán lại
làm. Khi đó, cậu nghe tiếng hò của một cô gái lỡ thời, có lẽ
cô ta có cảm tình với cậu tôi, cô bạo-dạn hát lên câu hò tỏ
tình sau đây:
“Vợ hiền anh chết đã lâu,
Phòng không gối chiếc, phòng không gối chiếc, em vào
hầu được không?”
Cậu hò trả lời:
“Vợ anh tuy chết đã lâu,
Anh xin ở vậy, anh xin ở vậy cho vẹn câu chung tình”.
Biết ý định của cậu, sau nầy không còn ai khuyên cậu lấy
vợ kế nữa.
Mỗi sáng sớm cậu tôi mang một thau quần áo dơ xuống
cây cầu ván ở bờ sông ngồi giặt, người trong xóm thấy cảnh
cậu ngồi giặt quần áo mà chốc-chốc đưa mắt trông chừng hai
đứa con thơ đang chơi bên mé sông, ai cũng phải ái ngại, xót
xa cảnh gà trống nuôi con của một người đàn ông còn quá trẻ,
giữa đường gãy gánh tơ duyên!
Mỗi buổi chìều tà, khi mặt trời sắp lặn, lúc ấy cậu cùng hai
đứa con hay ngồi ở cái băng dài trước nhà cậu, mắt hướng xa
xôi, trông cậu thật buồn, thỉnh thoảng cậu thở dài, tôi thương
cậu quá. Ai trông thấy ba cha con cậu, họ cũng cảm nhận
rằng:
“Cám cảnh bơ-vơ gà mất mẹ,
Đỗ-quyên lẻ bạn tiếng thon-von.”
Tuy cậu tôi quyết không tục huyền, nhưng về sau, khi Lan
và Mai đều lập gia-đình và bà năm cũng đã qua đời, có lẽ cậu
cảm thấy quá cô đơn, sống lẻ-loi trong ngôi nhà vắng lặng, nên
cậu đành lỗi hẹn với vong linh mợ. Cậu cưới một bà góa-phụ
ở xóm trên cho có bạn trong tuổi chiều tà bóng xế.
Thời gian qua nhanh, những kỷ niệm xưa dù cách nay hơn
nửa thế kỷ, nhưng những hình ảnh ngôi nhà gỗ xưa, vị trí
những loại cây ăn trái hay cái võng thân thương trong vườn
của cậu, vẫn còn in rõ nét trong óc tôi, Nhất là những trò chơi
ngây ngô của ba đứa trẻ thuở nào tôi làm sao quên được! Nhớ
đến những nỗi khó khăn của cậu khi không còn bóng dáng
của mợ tôi, cũng như hoàn cảnh côi cút của Lan và Mai, tôi
ngậm-ngùi thương mến.
Hồ thị Đậm (Tây ninh quê tôi 2020 )
🌺🌺🌺🌺
Mời Xem :Tình cảm gia-đình Việt-nam
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Thơ MP.Trường Giang Thủy : TÓC DÀI TÓC NGẮN , HOA LÒNG
TÓC DÀI TÓC NGẮN Tóc dài xưa nợ bàn tay, Gỡ từng sợi rối thẹn ngày gió thu... Nắng hồng dính vệt sương mù Soi trên tóc ngắn bạc từ hôm qua...
-
CON MỂN VÀ ĐIỀM BÁO KHÔNG MAY MẮN Con thú rừng có tên “ Mển ” hay“ Mang” , còn gọi là hoẵng , kỉ , là mộ...
-
Năm nào cũng vậy, do thức dậy sớm đi chợ sớm, nên má là người đầu tiên mở ngày ba mươi Tết ra. Không biết có phải số má cực, vía má cực kh...
-
Bối cảnh lịch sử: Nguyễn Du (chữ Hán: 阮攸; sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766–1820), tên tự Tố Như (素如), hiệu Thanh Hiên (清軒), biệt hiệu Hồ...
rất hấp dẫn
Trả lờiXóa