Thứ Năm, 9 tháng 7, 2020

Ăn thịt thú hoang - nguồn cơn đại dịch tiếp theo

Liên Hợp Quốc cảnh báo hoạt động buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã, canh tác không bền vững và ô nhiễm môi trường có thể dẫn đến nhiều đại dịch tương tự Covid-19 trong tương lai.


Ngày 6/7, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) và Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế cho biết Covid-19 chỉ là căn bệnh mới nhất trong số hàng loạt dịch bệnh đang leo thang như Ebola, Mers, Sốt Tây sông Nile, Sốt Rift Valley và dịch hạch. Tất cả đều lây lan từ động vật sang người (thường gọi chung là bệnh Zoonotic).
Với tên gọi "Ngăn chặn đại dịch tiếp theo: Bệnh Zoonotic và cách phá vỡ chuỗi lây truyền", báo cáo của hai tổ chức chỉ ra rằng dịch bệnh gia tăng bởi hoạt động săn bắt, sử dụng thịt thú rừng, biến đổi khí hậu và môi trường tự nhiên bị tàn phá.
"Khoa học đã chứng minh nếu chúng ta tiếp tục khai thác động vật hoang dã và hủy hoại hệ sinh thái, chắc chắn các dịch bệnh bắt nguồn từ động vật sẽ tiếp tục leo thang trong những năm tiếp theo", bà Inger Andersen, giám đốc điều hành của UNEP, cho biết. "Đại dịch đang tàn phá cuộc sống và nền kinh tế của chúng ta. Trong những tháng vừa qua, người nghèo và người yếu thế chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Để ngăn chặn các đợt bùng phát tương lai, chúng ta nên chú ý nhiều hơn đến việc bảo vệ môi trường".
Người dân mua thịt dơi tại một khu chợ ở Indonesia, năm 2017. Ảnh: AFP
Theo báo cáo, mỗi năm, khoảng hai triệu người, chủ yếu tại các nước thu nhập thấp và trung bình, đã chết vì các bệnh liên quan đến động vật. Bà Andersen nói Covid-19 có thể là đại dịch tồi tệ nhất hiện nay, nhưng nó không phải căn bệnh đầu tiên hay cuối cùng mà nhân loại đối mặt.
"60% dịch bệnh và 75% bệnh truyền nhiễm mới nổi thuộc nhóm Zoonotic. Ebola, Sars, Zika, cúm gia cầm đều truyền sang người qua động vật", bà nhận định.
UNEP cảnh báo hoạt động tiêu thụ thịt thú rừng của bộ phận thuộc tầng lớp trung lưu là một trong những nguyên nhân khiến virus phát tán rộng hơn. Đây vốn là vấn nạn nhức nhối tại khu vực Đông Á, đặc biệt là Trung Quốc.
Năm 2006, gần 20.000 doanh nghiệp chăn nuôi động vật hoang dã được thành lập ở đại lục. UNEP lo ngại các trang trại này có độ an toàn sinh học thấp. Chủ đầu tư cũng thực hiện các thương vụ bất hợp pháp với đối tượng săn trộm, sau đó bày bán "trá hình" động vật như thể nuôi từ trước.
Trong khi đó, các khu chợ hải sản tối tăm, đông đúc và ẩm ướt lại là nguồn cơn của các dịch bệnh như Sars hay Covid-19.
"Chợ cóc có thể trở thành mối đe dọa về mặt dịch tễ, đặc biệt là những nơi buôn bán thịt thú nuôi, thú rừng sống hoặc không đảm bảo vệ sinh", báo cáo nhấn mạnh.
Hồi tháng 2, chính quyền Trung Quốc ban hành lệnh cấm nuôi nhốt và tiêu thụ động vật hoang dã, bởi có nghi ngờ Covid-19 bắt nguồn từ chợ hải sản Vũ Hán. Trước đó, khi Sars bùng phát, nước này cũng cấm buôn bán cầy hương và rắn.
Tuy nhiên, quy định năm 2003 chỉ là tạm thời, bởi việc sử dụng các loại động vật này trong y học cổ truyền, làm thú nuôi hoặc đồ trang trí đã ăn sâu vào nền văn hóa, thay đổi là điều khó khăn.
Các nhà nghiên cứu cho biết dịch bệnh từ động vật nói chung đã gây thiệt hại hơn 100 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ trong hai thập kỷ qua. Đó là chưa tính đến hậu quả của Covid-19. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính đại dịch lần này sẽ làm thất thoát 9 nghìn tỷ USD trong vài năm tới. IMF cũng dự đoán tăng trưởng toàn cầu giảm 3% trong năm nay.
Một khu chợ ở Hongkong, năm 2019. Ảnh: The Hill
Thomas Gillespie, chuyên gia sinh thái bệnh học, cho biết những yếu tố chính dẫn đến dịch bệnh zoonotic trong tương lai là nạn phá rừng nhiệt đới, chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn (đặc biệt là chăn nuôi lợn gà).
"Chúng ta đang ở ngưỡng khủng hoảng, cần hành động ngay, không thể từ bỏ thời cơ này. Các đại dịch đang trở nên phổ biến hơn. Những gì nhân loại đang trải qua vẫn còn rất nhẹ nhàng", ông nói.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng hầu hết các bệnh do virus corona gây ra gần đây, bao gồm Sars, Mers và Covid-19 khả năng bắt nguồn từ dơi. Động vật này cũng liên quan đến nhiều dịch bệnh khác như Ebola, virus Nipah và đôi khi là bệnh dại.
Jimmy Smith, giám đốc Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế, cho rằng tình hình ở châu Phi đang căng thẳng do sự lây lan của các loại bệnh zoonotic cả cũ và mới.
Giới chuyên gia khuyến nghị giải quyết vấn đề dựa trên phương pháp "One Health" - phối hợp hành động giữa các ngành như y tế, thú y và môi trường để đạt được kết quả sức khỏe tốt nhất có thể cho tất cả các loài. Họ cũng kêu gọi nghiên cứu sâu hơn về các mầm bệnh truyền từ động vật, tiến hành điều tiết và giám sát chặt chẽ thị trường thực phẩm.
Thục Linh (Theo SCMP

1 nhận xét:

Mời nghe một bài thánh ca của tác giả Hàn Thư Sinh

Hàn Thư Sinh là bút hiệu của Tiến Sĩ Trần An Bài , nguyên Dự Thẩm Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn , cũng là Giảng Sư Thỉnh Giảng tại Học Viện CSQG...