Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2020

TRÊN ĐỈNH DỐC SƯƠNG MÙ - Tùy Bút Của Nguyễn Đức Tùng


Uống cà phê phải uống ở Đà Lạt.
Buổi sáng sớm, sáu giờ, tôi với anh Tường từ khách sạn đi ngược lên mấy cái dốc tìm tới quán cà phê quen thuộc, mở cửa sớm. Quán nằm ngay trên đỉnh dốc nhìn xuống chợ Đà Lạt, có cái tên ít người nhắc. Ông chủ quán vui tính, thích trò chuyện, biết nhiều chuyện thời xưa, lúc Đà Lạt mới mở mang thời đệ nhất cộng hoà. Chúng tôi ngồi ngoài hiên để ngắm cảnh. Người ngồi chật cứng, chạm tay vào nhau, nhưng buổi sáng Đà Lạt rất lạnh, tôi mặc áo len vẫn lạnh nên ngồi sát vào nhau không thấy bất tiện. Tối hôm trước chúng tôi tìm tới cà phê Tùng, một quán nổi tiếng từ xưa, người chủ cũ cùng quê bạn của anh tôi, nhưng quán nay đã đổi chủ. Không khí ồn ào và nhếch nhác đúng như xã hội hiện nay, những người trẻ tuổi mặc cả quần đùi quá đầu gối, mang theo trẻ con đang bú sữa vào giữa mịt mù khói thuốc, cảnh lang chạ y như trên tàu lửa, cái nhếch nhác của một đất nước sau năm bảy lăm. Mới nhấp ly cà phê tôi đã đứng lên, bỏ ra ngoài, anh tôi đi theo. Mặc dù cà phê ở đó pha vẫn ngon, chúng tôi chỉ chụp bức hình kỷ niệm trước quán rồi đi. Từ trên quán cà phê đầu dốc này buổi sáng nhìn xuống thung lũng sương mù đẹp tuyệt của Đà Lạt, lòng tôi dâng lên cảm xúc. Nhiều năm trước tôi đã đến đây với mối tình đầu và hai đứa đi lang thang khắp nẻo đường, các thung lũng, đi dọc bờ hồ, uống cà phê trong các ngõ hẻm, tất cả buổi sáng, tất cả buổi trưa, tất cả buổi chiều.
Tôi ngồi nhìn, giọt cà phê của tôi bao giờ cũng là cà phê đen không có đường, cho hương vị của chất nước ấy tan vào họng, sau đó mới cho sữa hay đường, đôi khi rất ít đường hoặc sữa. Một ngày nọ lúc tôi còn bé, mẹ tôi hôn tôi lên trán trước khi tôi đi ngủ như đôi khi bà vẫn làm, năm đó tôi sáu tuổi hay bảy tuổi mà sao vẫn nhớ. Bởi vì khi mẹ tôi quay người đi tôi nhận thấy nụ hôn của mẹ có mùi thơm hơi lạ, một lúc sau nhận ra đó là mùi cà phê. Mẹ tôi không bao giờ biết uống cà phê, chỉ ăn trầu, uống nước chè xanh, nhưng ba tôi thì thỉnh thoảng. Hôm đó mẹ tôi uống một hớp cà phê của ba tôi, có lẽ do ông mời hay năn nỉ, hai người có một dịp đặc biệt nào đó chăng, kỷ niệm ngày cưới chẳng hạn, tôi không biết. Cà phê phin có lẽ là một sáng tạo riêng của Việt Nam, tôi có một người thầy dạy tiếng Pháp là người Ba Lê chính gốc, ông thường uống cà phê trong cái bát lớn chứ không uống trong phin như của Việt Nam, ông bảo tôi người Pháp không uống phin như Việt Nam. Bây giờ thì trên thế giới nhiều người đã biết đến lối pha cà phê của chúng ta. Người bán cà phê dùng chiếc muỗng để nén cà phê xuống vừa phải, chật quá nước sẽ không chảy, lỏng quá cà phê sẽ loãng, và dùng nó để quệt lên đáy phin, làm cho nước chảy nhanh lên hay chậm lại. Cà phê nhỏ xuống ở tốc độ vừa phải, khối lượng rất ít, không pha thêm nước, bạn cứ uống nóng. Ngay cả khi uống cà phê đá, bạn dùng số nước đá lớn, thì lượng cà phê đầu tiên bao giờ cũng phải đậm và ít. Mùi cà phê ở Đà Lạt, uống trong sương mù dâng lên ngùn ngụt từ thung lũng, trong không khí chật chội một cách vui vẻ, người chủ quán tươi cười hiếu khách, một cô thu ngân xinh đẹp có gò má rất hồng, nổi tiếng vì xứ cao nguyên con gái má hồng, ngồi sau quầy tính tiền, thỉnh thoảng cúi xuống đọc một cuốn sách mà bạn có thể tin chắc đó là một cuốn tiểu thuyết ái tình diễm ảo, vào lúc đó ly cà phê của bạn thật ngon, thơm, mùi vị giữ lại lâu trên đầu lưỡi.
Ở khách sạn Dalat Palace nhiều năm trước, tôi và người bạn gái đã uống một ly cà phê đặc biệt. Hồi ấy các khách sạn đều bị quốc dân hóa, cà phê tư nhân bị cấm. Phải chờ đợi khổ sở mới mua được một ly cà phê, trả tiền trước ở quầy xong mang cái vé ra một quầy khác. Một người bán hàng ở quầy thứ hai này vẻ mặt cau có sẽ giao cho bạn một ly cà phê khi bạn chìa ra cái vé, và bạn tự mang về chỗ ngồi của mình. Bạn có thể cám ơn cô ấy nếu muốn nhưng không được hỏi lại gì cả và nhất là không được xin thêm dù là tí đường hay tí muối. Trong bối cảnh ấy tôi và nàng đã uống chung một ly cà phê sữa đá, vì lục tung túi áo tiền tôi đã hết nhẵn, đó là ngày cuối cùng chúng tôi ở Đà Lạt và hai đứa muốn thưởng thức cảnh đẹp từ trên ngọn đồi của Dalat Palace. Hồi ấy cả nước nghèo nhưng cảnh rất đẹp vì thiên nhiên vẫn còn nguyên vẹn, không như bây giờ đã bị con người can thiệp quá nhiều. Chúng tôi ngồi bên cửa sổ nhìn xuống đồi, trong tiếng dương cầm khá hay từ phòng khác vọng lại. Trong khi hai đứa uống ly cà phê chung được vài hớp, tôi đang thả hồn mơ mộng, thì tôi bất ngờ nhìn thấy một con ruồi lơ lửng trong cốc cà phê. Một con ruồi đen, to, hai cánh xòe ra, có lẽ đã chết. Tôi chờ cho người bạn gái quay mặt đi, lấy cái muỗng múc nó ra, kín đáo hất đi. Tôi làm như không có gì, tiếp tục uống ly cà phê ấy, tất nhiên uống một mình. Không biết vì tiếc hay vì bối rối, mất tự chủ, tôi ngồi uống ly cà phê ấy trong im lặng, uống hết, mặc cho người bạn gái hơi ngạc nhiên, tuy vậy cô nàng không nói gì.
Đôi khi sau này nhớ lại, hình ảnh con ruồi lại hiện ra trong trí tôi như một sinh vật thuộc thời cổ đại, không phải ruồi, một thứ côn trùng lạ, đã hóa thạch trong lớp hổ phách trong suốt của thời gian, nằm im ở đó, ghi lại một đời sống ban sơ, sự hiện hữu của thế giới một triệu năm trước. Bên kia ly cà phê sữa đã uống vài hớp là khuôn mặt nhìn nghiêng của nàng, rủ tóc mai lòa xòa, trông còn xa hơn cả sinh vật nọ, xa hơn một triệu năm kia, trong buổi chiều sương xuống bạn kéo cao cổ áo mà chuẩn bị ra về.
NĐT

1 nhận xét:

Mời nghe một bài thánh ca của tác giả Hàn Thư Sinh

Hàn Thư Sinh là bút hiệu của Tiến Sĩ Trần An Bài , nguyên Dự Thẩm Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn , cũng là Giảng Sư Thỉnh Giảng tại Học Viện CSQG...