Thứ Năm, 16 tháng 7, 2020

Thuốc gì có thể chữa lành bách bệnh?

Có một người sau khi chết đi gặp Đức Phật, anh ta khóc như mưa và kể khổ: “Thưa Đức Phật, vì sao Ngài có thể vô tâm như vậy? Ngài để con ban ngày làm tới làm lui mà không có chút thu hoạch, ban đêm thì nơm nớp lo sợ, chẳng có lấy một ngày không đau khổ”.
Phật hỏi, “Vậy đó là vì sao?”
Người kia trả lời: “Ban ngày vì kiếm tiền sống qua ngày, con phải nói nhiều lời, làm nhiều chuyện trái lương tâm, nhưng cũng chỉ vì sinh tồn mà thôi, huống chi con còn chẳng dành dụm được chút nào. Khi đêm tới, con trắng đêm khó ngủ, giống như ở địa ngục vậy. Thưa Đức Phật, đời người vốn không dễ dàng, tại sao Ngài hết lần này lần khác hành hạ con?”
Đức Phật nói: “Con, vì muốn kiếm sống mà lừa dối người khác, không phải là đi con đường chính đáng để sinh tồn. Ta từ bi, quyết sẽ không để một người đứng đắn vào tuyệt cảnh. Tâm của con mọc đầy cỏ độc, cần một loại thuốc, mới có thể trừ sạch”.
Người đàn ông vội vàng hỏi: “Đó là thuốc gì vậy? Xin hãy cho con biết tên, con sẽ lập tức mua ngay!”
Đức Phật nói: “Tên của loại thuốc này là Đạo đức. Đạo đức là linh dược vạn nghiệm, có thể trị bách bệnh”.

Hai chữ “Chân chính” quý giá

Đại sư Huệ Năng (Tổ thứ 6 của Thiền Tông Trung Quốc), vì để khảo nghiệm tuệ căn của các tăng lữ trong chùa, đã xây dựng bức Pháp tượng trang nghiêm của Tổ sư Đạt Ma trên đỉnh núi và truyền lời, ai có thể đường đường chính chính làm cảm động huệ nhãn (con mắt tinh tường) của Tổ sư, người ấy có thể kế thừa y bát (áo cà sa và cái bát của thầy tu; chỉ truyền công, truyền thụ Pháp lại cho đời sau).
Khi nghe thấy điều này, các tăng nhân nghị luận không thôi, trụ trì muốn xây Pháp tượng của Đạt Ma là muốn chuẩn bị cho tương lai, ai có thể cảm động huệ nhãn của Tổ sư thì có thể trở thành người nối nghiệp trụ trì. Mọi người cũng bàn tán, đường lên đỉnh núi gập ghềnh khó khăn, thậm chí có không ít cao tăng viên tịch (nói người tu hành theo Đạo Phật qua đời) trên đường đi! Có thể thấy rằng đường lên núi hết sức gian nan hiểm trở.
Các tăng nhân trong chùa đã phát hiện một lối tắt lên đỉnh núi. Theo con đường này, chặng đường sẽ rút ngắn một nửa, thời gian cũng giảm bớt một nửa. Một số tăng nhân đi con đường bằng phẳng sau núi, chặng đường tuy dài, nhưng không có chướng ngại.
Chỉ có một nhà sư tên Thiện Tâm quyết định chọn con đường chính diện lên đỉnh núi. Từ con đường này, địa thế dốc, đường núi quanh co khúc chiết, và đầy chông gai. Nhà sư Thiện Tâm leo từng bước khó khăn, vượt mọi chông gai, đổ không ít mồ hôi cũng không ít máu.
Lên tới đỉnh, Thiện Tâm thấy các sư huynh sư đệ trong chùa đã sớm đứng trước Pháp tượng của Tổ sư Đạt Ma. Mọi người chăm chú quan sát Thiện Tâm lững thững bước lên.
Thiện Tâm không xấu hổ, chậm rãi bước đến bức tượng và chạm vào đôi mắt của bức tượng.
Lúc này Đại sư Huệ Năng đi ra và tuyên bố rằng nhà sư Thiện Tâm là người có tuệ căn, có thể kế thừa y bát của Ông, cũng quyết định truyền lại vị trí trụ trì tương lai cho anh. Chúng tăng vừa nghe vậy hết sức kinh ngạc, có người than phiền: “Thiện Tâm đến trễ nhất, phương pháp liều lĩnh nhất, không có chút linh tính nào. Trụ trì sao có thể nhường chức vị cho cậu ấy?”
Tuy nhiên, Huệ Năng nói: “Cuộc đời người tu hành, quý ở hai chữ ‘Chân chính’. Lời nói chân chính, suy nghĩ chân chính, hành động chân chính. Mọi người đều đi đường tắt, chỉ có Thiện Tâm là từ đường chính từng bước từng bước leo lên; mọi người đều đi đại lộ, chỉ có Thiện Tâm từ trong bụi gai, cam chịu chảy mồ hôi, chảy máu mà tới. Anh ta đang đi trên con đường của Đức Phật nhưng các vị thì không. Ta sao có thể giao chùa của mình cho những người có hành động bất chính như vậy chứ? Hãy nhớ lấy: Phải đi Chính đạo!”.
Mọi người á khẩu không nói nên lời.
Lời nói chân chính, suy nghĩ chân chính, hành động chân chính, là tiêu chuẩn của tu luyện trong Phật gia. Đối mặt với sự nghiệp hoặc tình cảm, nhiều người trước nhất nghĩ tới cách tìm đường tắt, cuối cùng dẫn tới một con đường sai lệch. Không chỉ là trong tu luyện, trong đời người bất kể làm chuyện gì đều phải bước thật ngay chính, không thẹn với lòng, dù bước đi có chậm nhưng bạn đang đi đúng đường.
“Hãy nhớ rằng: Phải đi Chính đạo!”
Theo Secret China
Ngọc Mai (biên dịch)

1 nhận xét:

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...