Thứ Ba, 28 tháng 7, 2020

Những vụ hối lộ trong Sử Việt (Nghiên Cứu Lịch Sử )

Nguyễn Tài
1. Hối lộ để đánh tráo ngôi vua thời Lý.
Thái phó Tô Hiến Thành (1102-1179) là bậc hiền thần dưới thời vua Lý Anh Tông, văn võ song toàn, từng có công đánh dẹp Ai Lao, Chân Lạp, một số cuộc nổi loạn trong nước. Ông sớm được phong chức lớn và rất được tin dùng. Vua Lý Anh Tông khi sắp mất, đã giao thái tử Long Cán cho ông. Tô Hiến Thành được quyền thay vua nhỏ tuổi nhiếp chính.
Bấy giờ, Đỗ thái hậu muốn phế Long Trát để lập con trai lên làm vua, bèn đem một mâm vàng bạc đưa cho vợ của Tô Hiến Thành. Biết chuyện, Tô Hiến Thành nói rằng: “Ta là đại thần nhận mệnh của tiên tổ, lo giúp đỡ vua còn bé, nay lại lấy của đút mà làm chuyện phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở suối vàng”.
Thái hậu lại gọi Tô Hiến Thành đến thuyết phục nhưng ông vẫn một mực nói: “Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có chịu làm, huống chi lời của tiên đế còn ở bên tai, điện hạ lại không nghe việc của Y Doãn, Hoắc Quang hay sao? Thần không dám vâng lệnh”.
Âm mưu phế lập của thái hậu không thành, bà ta vẫn chưa chịu từ bỏ. Năm 1178, khi hết quốc tang, Đỗ thái hậu lại ban yến cho quần thần ở điện của mình và dụ rằng: “Hiện nay, tiên đế đã chầu trời, vua nối ngôi thơ ấu, nước Chiêm Thành thất lễ, người phương Bắc quấy nhiễu. Các khanh chịu ơn nặng của triều đình, nên lo việc của nước nhà. Kế sách ngày nay không gì bằng lập lại thái tử, để vận nước được lâu dài, lòng dân được yên.”
Các quan đều chắp tay tâu: “Thái phó nhận mệnh rõ ràng của thiên tử, bệ hạ cũng đã nhiều lần dỗ bảo rồi, bọn thần không dám trái mệnh”.
Tô Hiến Thành lúc bấy giờ lãnh cấm binh, nghiêm hiệu lệnh, thưởng phạt công bằng, quần thần lẫn người trong nước đều hết sức nể phục.
2.Vua mất mạng vì bề tôi tham nhũng.
Năm 1376, chúa Chiêm Thành là Chế Bồng Nga mang quân sang quấy rối biên giới Đại Việt. Vua Trần Duệ Tông sai Đỗ Tử Bình đem quân đi đánh. Chế Bồng Nga dâng 10 mâm vàng cầu hòa.
Nhận sính lễ cầu hòa của địch, lòng tham làm mờ mắt viên hành khiển họ Đỗ. Thay vì tâu lên vua, ông ta giấu đi, làm của riêng mình, rồi nói dối vua Chế Bồng Nga kiêu ngạo, khinh nhờn, vô lễ, khuyên vua nên đem quân đi đánh. Nghe lời, vua Trần Duệ Tông quyết tâm thân chinh.
Cuối năm 1376, Trần Duệ Tông dẫn 12.000 quân đánh Chiêm Thành. Đầu năm 1377, quân Trần tiến đến cửa Thi Nại của Chiêm Thành, lên đến Thạch Kiều, chuẩn bị tiến vào kinh thành Đồ Bàn nước Chiêm.
Chế Bồng Nga lập đồn giữ ngoài thành Đồ Bàn, sai viên quan nhỏ Mục Bà Ma đến trá hàng, nói dối Duệ Tông là Bồng Nga đã chạy trốn, chỉ còn thành không, nên tiến quân gấp.
Trúng kế địch, là người nóng nảy, vua Duệ Tông muốn tiến quân ngay. Đại tướng Đỗ Lễ can ngăn không được. Vua thúc quân tiến nhanh vào thành, “quân lính nối gót nhau như xâu cá mà đi. Cánh quân đi trước và cánh quân ở sau hoàn toàn cách biệt”.
Thấy quân Trần rơi vào ổ phục kích, quân Chiêm Thành tứ phía đổ ra đánh. Quân Đại Việt không chống cự nổi, vua Trần Duệ Tông bị hãm trong vòng vây, trúng tên tử trận, trở thành vị vua duy nhất trong lịch sử Việt Nam tử trận.
Trốn thoát trở về, Đỗ Tử Bình bị thượng hoàng Trần Nghệ Tông bắt, bỏ trong xe tù, rao đi khắp phố. Khi Tử Bình về qua phủ Thiên Trường, người dân đua nhau chửi mắng, lấy gạch ngói ném vào xe tù.
“Đại Việt sử ký toàn thư” có phần viết về Đỗ Tử Bình: “Nước đến khi sắp mất, tất nhiên trời sinh ra một người để phá hoại. Việc Tử Bình được tiến cử, là lúc mối hấn khích ở biên giới Nhật Nam đã chớm nảy nở, nguy cơ tai họa của Duệ Tông đã ngấm ngầm phục sẵn, mà từ đó, dần dần gây ra mối suy sụp cho cơ nghiệp nhà Trần”.
3. Ăn trộm của một huyện không thể tha.
Trịnh Khả (1403-1451) có mặt trong hội thề Lũng Nhai và trở thành một trong những vị tướng của Lam Sơn, lập được nhiều công lao. Năm 1428, ông được Lê Lợi phong hàm Kim tử vinh lộc đại phu, Tả lân hổ vệ tướng quân, tước Liệt hầu, có tên trong bảng khắc danh sách 93 vị công thần khai quốc.
Đầu đời Lê Nhân Tông, Trịnh Khả được phong hàm Nhập nội suy trung tán lí dương vũ công thần, kiêm Lỗi Giang trấn phủ quân; Thượng tướng quân, cai quản việc các quân các vệ ở Tây Đạo, tước Quận thượng hầu. Lúc này, cùng với Lê Thụ, ông là bậc tể phụ của triều đình, nhưng khác với Lê Thụ, ông thẳng thắn, biết tự nhận lỗi của mình.
Sinh thời, ông rất ghét bọn quan lại tham ô và bọn xu nịnh, Đại Việt thông sử viết:” Viên Chủ bạ Nam Đạo là Đàm Thảo Lư ẩn lậu 4 quan tiền thuế, theo luật không đến nổi xử tử, nhưng y đã từng vu hãm Nguyễn Thiên Tích nên ông ghét lắm, bèn quyết định ghép vào tội chết.” Viên Chuyển vận phó sứ huyện Văn Bàn là Trương Tông Ký ăn hối lộ, việc phát giác, án làm xong sắp đem chém thì tả hữu xin tha, ông nói: “Ăn trộm của một nhà còn không tha được huống hồ ăn trộm của một huyện sao tha được.”
Để kẻ bị tội tâm phục khẩu phục, Trịnh Khả lại cho tra xét lại và cuối cùng vẫn xử tội chết, điều đó khiến các quan vừa nể vừa sợ.
4. Xử tội công bằng, không nhận tiền chuộc.
Vua Lê Thánh Tông là người kiên quyết chống tham nhũng và tuỳ theo tội mà xử nặng nhẹ, nhưng có khi tội nặng ông vẫn tha mạng sống để họ hối lỗi, từ đó mà phụng sự triều đình tốt hơn. Có kẻ phạm tội bị buộc vào tội tử hình và có người đứng ra xin cho nộp tiền chuộc nhưng Lê Thánh Tông bảo bầy tôi trong triều:”Xin cho người mắc tội được nộp tiền chuộc, như thế thì người giàu có nhiều của đút lót mà khỏi tai vạ, người nghèo vì không có tiền mà phải chịu tội lỗi, thế là làm trái cả phép tắc của tổ tông và hạ lệnh cho pháp ty xét cử theo luật định”.
Một lần, con trai của Tây quân Đô đốc Lê Thiệt cưỡi ngựa phi thẳng vào chổ đông người, gây ra tai nạn mà bỏ mặc. Khi biết là con của Lê Thiệt, vua sai lính nọc ra đánh 50 roi và cách chức Lê Thiệt.
Lê Thánh Tông cũng cấm vợ các quan lớn không được đi lại, chơi bời với nhau vì sợ họ cấu kết rồi đi cửa hậu, con cái của các quan lớn cũng không được lợi dụng chức quyền của bố mình để làm việc phi pháp.
5. Chặt tay để răn đe.
Minh Mạng là vị vua thứ hai của nhà Nguyễn, không chỉ ban chiếu dụ nhằm đưa ra các chủ trương hạn chế, ngăn ngừa nạn tham nhũng mà còn xử lý rất nghiêm khắc, đặc biệt là hàng quan. Minh Mạng cho rằng xử tội chết có thể khắc khe nhưng rất cần thiết để ngăn chặn tệ tham nhũng và làm gương cho kẻ khác.
Tư vụ Nội vụ phủ Nguyễn Đức Tuyên ăn bớt nhựa thơm bị phát hiện, vua dụ:” Tội của Tuyên đáng lẽ cho trói mang dong ra chợ Cửa Đông chém đầu nhưng lần này tạm chặt một bàn tay thủ phạm treo lên, xoá tên ra khỏi sổ quan, để lại cho cái đầu để suốt đời phải hối hận và nhờ đó mọi người mới biết mà tỉnh ngộ”.
Viên coi kho Đinh Văn Tang tham nhũng trong cân đong thóc gạo bằng việc đổi cách làm phương hộc nên đã bị chém đầu và chặt một bàn tay ướp muối phơi khô rồi treo lên để mọi người thấy mà ghê.
Đối với người thân, Minh Mạng cũng xử lý nghiêm khi họ phạm tội, không phân biệt người thân hay sơ, tất cả đều bình đẳng trước pháp luật.
6. Vụ tham nhũng lớn nhất sử Việt.
Tự Đức( 1847-1883) là vị vua thứ tư của triều Nguyễn, ông nổi tiếng về chống tham nhũng, hối lộ và xử nghiêm bằng luật.
Vũ Dinh là quan thanh liêm, chính trực có lần cho lính theo dõi bắt quả tang người coi kho lấy trộm tiền, giấu vào túi áo rồi tìm cách trốn ra quán uống rượu. Bản án được lập:
Nhất nhật nhất tiền
Thiên nhật thiên tiền
Thằng cứ một đoạn
Thuỷ trích thạch xuyên
Dịch: Một ngày một đồng
Ngàn ngày ngàn đồng
Dây cưa gỗ đứt
Nước chảy đá mòn
Tội biển thủ không trị nặng thì một ngày kia, kho tàng nhà nước sẽ trống rỗng, cho nên phải chém. Vua xem xong liền phê chuẩn y án.
Tháng 12/1854, thương nhân nước ngoài tố giác nhiều quan lại triều đình ăn đút lót của thuyền buôn ngoại quốc ở Quảng Nam. Biết tin, vua Tự Đức lập tức phái quan Quản viện đô sát cầm đầu đoàn thanh tra triều đình đến Quảng Nam điều tra làm rõ. Kết quả, những tố giác là có thật.
Án được trình lên, chiếu theo Hoàng Việt luật lệ, 17 người bị xử tội giảo giam hậu (bắt thắt cổ chết nhưng còn tạm giam đợi lệnh), 25 người bị tội lưu đày, 12 người bị tội làm lao dịch, 8 người bị phạt đánh gậy và cách chức.
Trong vụ án này, nhiều quan lớn bị kết tội như Tham tri Bộ Hộ Phan Tĩnh, nguyên Bố chánh Đào Trí Phú, nguyên đốc học Phan Bật chia nhau 60 lạng bạc bị tội lưu đày. Tri phủ Điện Bàn là Nguyễn Bá Đôn ăn hối lộ 12 lạng bạc, án sát Đặng Kham nhận đút lót 82 lạng bạc. Sau khi bị bắt giam, Đặng Kham lâm bệnh chết trong tù.
Tham khảo:
– Đại Việt Sử Ký Toàn Thư-
– Hoàng Việt Luật Lệ-
– Đại Việt Thông Sử-

1 nhận xét:

Mời nghe một bài thánh ca của tác giả Hàn Thư Sinh

Hàn Thư Sinh là bút hiệu của Tiến Sĩ Trần An Bài , nguyên Dự Thẩm Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn , cũng là Giảng Sư Thỉnh Giảng tại Học Viện CSQG...