Thứ Hai, 6 tháng 7, 2020

Sài Gòn Qua Những Con Đường Xưa Kỷ Niệm- Nguyên Trần

Hồi ức Nguyên Trần

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương

(Thăng Long Thành hoài cổ - Bà Huyện Thanh Quan)

Lời tác giả: Hồi ức nầy viết về những hình ảnh sinh hoạt của thủ đô Sài Gòn cách nay hơn nửa thế kỷ và dựa vào trí nhớ có hơi hẹp bề khổ của một người đã tới tuổi thất thập cổ lai hy nên lẽ dĩ nhiên không tránh được sơ suất. Xin quý độc giả vui lòng lượng thứ cho.

Những người Việt ly hương chúng ta tuy ra đi nhưng lúc nào cũng mang theo quê hương mà trong đó có lẽ hình ảnh Sài Gòn là đậm nét nhất trong tâm tư.Sài Gòn hòn ngọc Viễn Đông, chỉ ngần ấy chữ thôi nhưng cũng đã gây nhiều cảm xúc lâng lâng cho chẳng những người Sài Gòn mà cho tất cả dân miền Nam đã và đang nhớ về thủ đô thân yêu với tình quê hương rạt rào êm ái.

Trong tâm tình đó người viết xin ghi lại những kỷ niệm đáng nhớ của Sài Gòn trên những góc phố mà mình từng đi qua như một hành trang cuối đời. Có thể những hình ảnh nầy có tính cách phiến diện nhưng với tình yêu Sài Gòn thiêng liêng cao đẹp, hy vọng là sẽ được quý độc giả cùng thế hệ chia sẻ vì biết đâu qua hồi ức nầy, quý vị có thể tìm lại được hình ảnh của chính mình trong những ngày xưa thân ái của Sài Gòn mến yêu.


Trước hết, xin mời quý độc giả tìm về con đường Trần Quốc Toản quận 3 Sài Gòn nơi tọa lạc Học Viện Quốc Gia Hành Chánh mà người viết đã từng theo học. Học Viện Quốc Gia Hành Chánh ở địa chỉ số 10 đường Trần Quốc Toản (ngày xưa là đường Pavie) đối diện trường tư thục Hồng Lạc và nhất là

Hình Học Viện Quốc Gia Hành Chánh số 10 Trần Quốc Toản, Quận 3 Sài Gòn. Trường được thành lập từ năm 1952 tại Đà Lạt tới năm 1955 dời về Sài Gòn

nằm cạnh Viện Hóa Đạo và Việt Nam Quốc Tự nơi xảy ra bao biến động chính trị vào những năm 1963-1964. Chính vì thế mà sinh viên QGHC thời bấy giờ nhất là sinh viên ở Ký Túc Xá thường ngửi mùi lựu đạn cay do Cảnh Sát Dã Chiến tung ra để dẹp thành phần xuống đường biểu tình. Trên đường Trần Quốc Toản cũng có Cục Quân Cụ QLVNCH, đặc biệt có một nơi mà ai đi ngang qua cũng phải bịt mũi đó là...Chợ Cá Trần Quốc Toản. Đối diện chợ cá là quán thịt cầy không tên mà ngon nổi tiếng.

Không xa mấy là Ngã Ba Cống Quỳnh - Hồng Thập Tự (d’Arras-Chasseloup Laubat) với nhà bảo sanh Từ Dũ và trường Nữ Hộ Sinh Quốc Gia. Trên đường Cống Quỳnh chạy qua khỏi rạp Khải Hoàn tới gần đường Nguyễn Cư Trinh có trường trung học tư thục lớn và nổi tiếng của giáo sư toán học Nguyễn văn Phú.


Xéo trường NHSQG một chút, trên đường Phạm Viết Chánh có nha Viễn Thông, nha Cải Huấn, trường trung tiểu học Hoàng Thụy Năm và đặc biệt là hai cửa hàng nhỏ chuyên bán thịt rừng nổi tiếng nhất thủ đô.Tới đầu đường Phạm Viết Chánh-Cộng Hòa (Nancy) là ngôi trường trung học nổi tiếng mang tên nhà học giả uyên bác Pétrus Trương Vĩnh Ký. Kế bên là trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, nơi đào tạo các giáo sư Đệ Nhị Cấp rồi trường Đại Học Khoa Học với các giáo sư nổi tiếng một thời Monavon,Proulle, Patat, Đặng Đình Áng, Cù An Hưng…


Xuống lần tới ngả tư Cộng Hòa-Nguyễn Trãi(Nancy-Frère Louis) là Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia một cơ quan công lực trong tinh thần trọng pháp nhân bản.

Riêng con đường ngày xưa luôn được tổ chức những cuộc diễn binh rần rộ là đại lộ Thống Nhất (Norodom) mà trước tiên chúng ta thấy Dinh Độc Lập được thiết kế bởi kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, khôi nguyên La Mã, dinh đứng sừng sửng giữa trời tượng trưng cho uy quyền quốc gia. Xéo đó là trụ sở Bộ Tư Pháp rồi Tòa Đại Sứ Mỹ mà đối diện là rạp Norodom (Thống Nhất) nơi xổ xố kiết thiết hàng tuần với giọng ca Trần văn Trạch :

Xổ số quốc gia giúp đồng bào ta mua lấy xe nhà giàu sang mấy hồi
Triệu phú đến nơi chỉ mười đồng thôi ta đồng kiến thiết trong giấc mộng vàng...


Tới Ngả Tư Hai Bà Trưng (Paul Blanchy) là văn phòng chính của các hãng xăng Esso, Shell rồi hãng nhập cảng xe Peugeot Jean Compte và gần cuối đường là Phủ Thủ Tướng.


Ngay ngã ba Thống Nhất Nguyễn Bĩnh Khiêm (Norodom- Tòa Đại Sứ Mỹ-đại lộ Thống Nhất Docteur Angier) là Thảo Cầm Viên, Vịện,Bảo Tàng trong đó có những di sản quý giá của học giả khảo cổ cụ Vương Hồng Sển, chồng bà Năm Sa Đéc nữ nghệ sĩ nổi tiếng. Đi trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm về phía Nam đối diện khuôn viên Thảo Cầm Viên là trụ sở Tổng Nha Trung Tiểu Học và Bình Dân Giáo Dục, trường Nữ Trung Học Trưng Vương (khung cửa mùa Thu), trường trung học Võ Trường Toản. Đi về phía Bắc là Nha An Ninh Quân Đội, Hồ Tắm Nguyễn Bĩnh Khiêm. Xéo dinh Độc Lập có con đường nhỏ song song với đại lộ Thống Nhất là đường Alexandre de Rhôdes(Paracels) là nơi tọa lạc Bộ Ngoại Giao và Học Viện Quốc Gia Hành Chánh cũ.

Mặt tiền dinh Độc Lập là đường Công Lý (Général Charles De Gaulle) một chiều đổ xuống Sài Gòn. Nếu đi ngược trở lên gần đó là trường Nữ Trung Học nổi tiếng sang trọng Marie Curie. Cũng ngay trên đường Công Lý gần ngả tư Công Lý-Phan thanh Giản(Général Charles De Gaulle-Le Grand de la Liraye) là trường trung học đầu tiên của nước Việt Nam và của cả khối Đông Dương mang tên Collège Chasseloup-Laubat.


Trường Chasseloup Laubat chỉ dành cho giới thượng lưu quyền quý. Có những vị nổi tiếng theo học như Nguyễn An Ninh sau trở thành nhà cách mạng chống Pháp, cụ Vương Hồng Sểnh nhưng đáng kể nhất là ba nhân vật tiêu biểu cho 3 chế độ: ông Hoàng Norodom Sihanouk hoàng gia Cao Miên, ông Phạm Đăng Lâm cựu bộ trưởng Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa , trưởng phái đoàn VNCH hòa đàm Paris và Phạm văn Đồng thủ tướng Bắc Việt.




Trường Chasselloup Laubat được thành lập vào năm 1874. Tới năm 1954 trường đổi tên thành Jean Jacques Rousseau và năm 1967 đổi thành trường trung học Lê Quý Đôn.

Cấu trúc trường Chasseloup Laubat mang nặng tính cách cổ kính Tây Phương làm tăng thêm vẻ thanh lịch quý phái của ngôi trường.


Nhân đây cũng nên nói thêm thứ tự ra đời của các trường trung học tại Việt Nam là:trước tiên là trường Collège Chasseloup Laubat, kế tiếp là trường Collège de My Tho rồi Lycée Khải Định, Lyceé du Protectorat, Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký, trường Nữ Sinh Áo Tím (Gia Long)…


Có thể nói là con đường Hồng Thập Tự (Chasseloup Laubat) là con đường có nhiều Nha Phủ Bộ nhất. Bắt đầu từ bên hông Thảo Cầm Viên hướng về Chợ Lớn ngang qua hông dinh Độc Lập rồi trường trung học kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ và từ nơi đây ở hai bên đường có Hội Hồng Thập Tự Việt Nam, Bộ Tài Chánh, Cơ quan Tiếp Vận Trung Ương, Tổng Nha Ngân Sách Ngoại Viện, Bộ Y Tế, trường Nữ Hộ Sinh Quốc Gia. Gần đó là rạp chiếu bóng Olympic mà sau nầy đoàn cải lương Kim Chung đóng đô thường trực. , kế bên là tiệm bàn ghế nổi tiếng Phan văn Nhị. Đối diện bên kia đường là những quán cháo vịt ngon nổi tiếng mà dân nhậu Sài Gòn tới lui tấp nập.



Nhân nhắc tới đoàn cải lương Kim Chung, tưởng cũng nên nhắc tới nét độc đáo của đoàn hát nầy. Là đoàn hát nổi tiếng mang tên Tiếng Chuông Vàng Bắc Việt từ Hà Nội di cư vào Nam năm 1954 thì ông bầu Long (Trần Viết Long) cùng vợ là đào Kim Chung tiếp tục thành lập đoàn với tên mới là Kim Chung-Tiếng Chuông Vàng Bắc Việt đóng đô tại rạp Aristo đường Lê Lai(Colonnel Boudonnet) với các nghệ sĩ danh tiếng từ miền Bắc như cô đào chánh kiêm bà bầu Kim Chung, kiều nữ Bích Sơn, đào thương Bích Hợp, kép chính Huỳnh Thái, hề Phúc Lai…Đây là một thử thách lớn lao cho ông Bầu Long và nữ nghệ sĩ Kim Chung vì khán giả miền Nam còn xa lạ với một đoàn hát từ miền Bắc nhất là khi nghe các đào kép ca vọng cổ giọng Bắc (về điểm nầy người viết thêm ý kiến riêng là Đào Bích Hợp và kép Huỳnh Thái trong vở cải lương”Kiếp Hoa” ca tân nhạc bằng giọng Bắc thì hết ý luôn) vì bài vọng cổ khởi thủy từ Bặc Liêu miền Nam nên khán giả quen thưởng thức đào kép ca giọng Nam mà theo họ mới đạt được cái âm hưởng giai điệu du dương truyền cảm thắm sâu vào lòng người. Thế nên lúc ban đầu, đoàn Kim Chung ít có khán giả, nhưng sau đó Ban Giám Đốc và các nghệ sĩ thấy ngay nhược điểm của mình trong hoàn cảnh mới nên tất cả đều cố gắng tập ca vọng cổ theo giọng miền Nam…và họ đã thành công vượt bực. Từ đoàn Kim Chung 1, ông bầu Long đã lần lượt cho ra thêm KC 2 , rồi KC 3 cho tới …KC 6 luôn. Có thể nói không cường điệu là ông Bầu Long và nghệ sĩ đoàn Kim Chung đã khéo léo hòa điệu văn nghệ giữa hai miền Nam Bắc một cách thành công. Với sự phát triển lớn lao, đoàn Kim Chung sau đó rời Aristo để tới bao giàn rạp Olympic đường Hồng Thập Tự. Ngoài ra các đoàn Kim Chung khác cũng đi lưu diễn khắp nơi. Nói về kép Huỳnh Thái anh cũng có giọng ca mùi mẩn tới độ nhiều người cho rằng nếu Út Trà Ôn là đệ nhất danh ca miền Nam thì Huỳnh Thái là đệ nhất danh ca miền Bắc.

Nhân nói tới đường Lê Lai thì xích lại cuối đường ngay cửa Tây Chợ Bến Thành ở phía tay trái là nhà ga trung ương của tuyến đường xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho và Sài Gòn-miền Trung. Đối diện ga xe lửa là tiệm bánh trung thu nổi tiếng Tân Tân và tiệm cơm chay Vạn Lộc.


Song song với đường Lê Lai phía mặt kia của ga xe lửa là đường Phạm Ngũ Lão(Colonnel Grimaud), đầu nầy là hãng hàng không Air Việt Nam với các nữ tiếp viên trẻ đẹp đồng phục áo dài xanh huy hiệu con rồng vàng trên cổ áo. Đi ngược về hướng rạp Khải Hoàn có trụ sở tòa soạn nhật báo Sài Gòn Mới của bà Bút Trà, rạp Thái Bình và chợ Thái Bình.

Bây giờ mời quý bạn hãy vào khu downtown của hòn ngọc Viễn Đông với con đường Tự Do (Catinat) thanh lịch đài các. Từ phiá sau nhà thờ Đức Bà, tổng nha Bưu Điện đổ xuống, con đường Tư Do khang trang sạch sẻ để đón chân khách thưởng ngoạn. Trước hết là Bộ Nội Vụ là cơ quan điều khiển tất cả cán bộ chỉ huy nền hành chánh địa phương. Điều đáng nói là tiền thân của Bộ Nội Vụ là bót Catinat của sở mật vụ Pháp mà ai nghe qua cũng sợ hãi kinh hoàng. Đường Tư Do có những cơ sở thương mại kinh doanh nổi tiếng nhất là nhà hàng Caravelle nằm ngay công trường Lam Sơn là nơi tụ họp những chính khách tai mắt của miền Nam để phản đối chính phủ tổng thống Ngô Đình Diệm nên có tên là nhóm Caravelle. Ngoài ra Tự Do cũng có Continental Palace, La Pagode, Brodard là những nơi sang trong thời thượng đón những nam thanh nữ tú hò hẹn tâm tình. Thêm vào đó hotel restaurant Majestic, vũ trường Maxim’s , tiệm quý kim Đức Âm, những tiêm may thời trang Cát Phương, Adam, Tân Tân ,phòng triển lãm là những nơi dành cho giới phong lưu thanh lịch.

Song song với con đường Tự Do là đại lộ Nguyễn Huệ (Charner) rộng thênh thang với Tòa Đô Chánh ngả ba Nguyễn Huệ - Lê Thánh Tôn (Charner-d’Espagne) đứng uy nghi giữa trời. Xéo đó là rạp ciné Rex tối tân nhất Sài Gòn chủ nhân là ông Ưng Thi (cũng là chủ rạp Đại Nam). Điều đáng nói là thời bấy giờ (đầu thập niên 60) mà rạp Rex đã có thang cuốn (escalator). Rạp Rex khai trương năm 1962 với cuốn phim Ben Hur do tài tử Charlton Heston và Stephen Boyd đóng thì xảy ra một biến cố, có một người đẹp nọ đi thang cuốn lúc lên gần tới tầng lầu không hiểu quýnh quáng thế nào mà để cái thang "mắc dịch" không galant chút nào nó cuốn luôn cái quần dài của nàng…


Đối diện rạp Rex là rạp Eden đặc biệt ở tầng 3 có những ô ngăn chia riêng


biệt dành cho các tình nhân muốn có nhiều tự do thoải mái. Ngay kế bên có tiệm bánh mì pâté Đô Chính ngon nổi tiếng. Gần đó có phòng trà Queen Bee mà giới yêu nhạc thường vào nghe mỗi đêm.Thương xá Tax (ngày xưa là hãng Charner) cũng lừng danh với nhiều hàng hiệu. Qua khỏi ngả tư Lê Lợi có kiosque Đống Đa rửa và in hình rất đẹp, rồi Tổng Nha Ngân Khố, hotel Palace. Hằng năm, vào mỗi độ Xuân về, nguyên đại lộ Nguyễn Huệ trở thành chợ Hoa với trăm ngàn kỳ hoa dị thảo muôn hồng ngàn tía nhất là hoa mai hoa đào rực rỡ để người Sài Gòn ngắm nghía chọn lựa mang về chưng Tết.

Đại lộ Nguyễn Huệ sau một cơn mưa.

Nhân nói đường Lê Thánh Tôn (d’Espagne) là nói tới cửa Bắc chợ Bến Thành với nhiều hàng trái cây tươi. Ngoài ra còn có tiệm vàng nổi tiếng Nguyễn Thế Tài, Nguyễn Thế Năng, nhà may Văn Quân thời trang cho đàn ông, tiệm insignes quân đội An Thành, nhất là rạp hát Lê Lợi là nơi mà nữ sinh Sài Gòn xem nhiều nhất với chiếc áo dài trắng thướt tha lẽ dĩ nhiên là có các chàng kèm theo hộ tống hay “kiếm ăn”.

Một con đường sầm uất nổi tiếng khác là đại lộ Lê Lợi (Bonard) một đầu là trụ sở Quốc Hội còn đầu kia là chợ Bến Thành. Đường Lê Lợi từ đầu chợ Bến Thành có những cơ sở chính như: bệnh viện Đô Thành, bót Lê văn Ken, rạp chiếu bóng Vĩnh Lợi, quán cơm Thanh Bạch, nhà sách Khai Trí, nước mía bò bía Viễn Đông, Kem Mai Hương, Hà Nội, quán giải khát Pôle Nord, phòng thông tin Hoa Kỳ, thư viện Abraham Lincoln, nhà hàng khiêu vũ trường Kim Sơn, Bồng Lai và nhiều tiệm Chà bán vải vóc áo quần. Đại lộ Lê Lợi là con đường rộng lớn nhất của thủ đô và cũng tấp nập nhộn nhịp nhất.
Nằm chéo góc với đại lô Lê Lợi là đại lộ Hàm Nghi (Boulevard de la Somme). Đây là một trong những tuyến đường chính của hệ thống xe điện Sài Gòn. Đường Hàm Nghi có những cơ sở lớn như: Đài Pháp Á, Ngân Hàng Việt Nam Thương Tín, Tổng Nha Thuế Vụ, Banque Franco Indochinoise, Chợ Chim,Chợ Chó, trung tâm cờ tướng, tiệm bán insignes quân đội Phước Hùng.

Trạm xe buýt trung tâm của Công Quản Chuyên Chở là giao điểm của lộ Hàm Nghi và đại lộ Trần Hưng Đạo (Boulevard Galliéni). Đại lộ Trần Hưng Đạo là tuyến đường chính và lớn nhất của hệ thống xe điện Sài Gòn. Có rất nhiều cơ sở nằm trên đại lộ nầy như rạp chiếu bóng Đại Nam, Lido,Oscar rạp hát cải lương Nguyễn văn Hảo, phòng trà Đêm Màu Hồng, Vũ trường Văn Cảnh, Arc En Ciel, Tour d’Ivoire, trường tiểu học Tôn Thọ Tường, trường tiểu học Cầu Kho, bộ tư lênh Quân Lực Đại Hàn, Nha Cảnh Sát Đô Thành, Sở Cứu Hỏa Đô Thành, Bộ Lao Động.

Sau nầy, Bộ Tổng Tham Mưu thường tổ chức cuộc diễn hành qui mô hằng năm vào ngày Quân Lực 19/6 trên đại lộ Trần Hưng Đạo.

Cắt ngang đại lộ Trần Hưng Đạo khúc gần rạp hát Đại Nam là đại lộ Nguyễn Thái Học (Boulevard Kichener) mà đoạn đầu ở ngả ba Phạm Ngũ Lão là rạp hát bội Thành Xương (đình Tân Kiểng), ngay ngả tư Trần Hưng Đạo là trường tiểu học Trương Minh Ký, xuống lần tới phía dưới có trường tư thục Huỳnh Thúc Kháng, rạp hát Nam Tiến kế bên là khách san Tân Thời mà chủ nhân là bạn của người viết. Cuối đại lộ Nguyễn Thái Học là Chợ Cầu Ông Lãnh.

Đại lộ Lê Lợi (ngả tư Công Lý) với người Cảnh Sát công lộ
chỉ đường (chim bay cò bay)

Nhắc tới Sài Gòn mà không nói tới ẩm thực là cả một thiếu sót. Nhưng nói tới ẩm thực mà không đề cập tới con đường Nguyễn Tri Phương (rue Lacaze)thì cũng bằng không vì nhiều quán hàng ăn uống nổi tiếng tập trung tại đây. Trước hết phải kể tới hủ tiếu Mỹ Tiên nằm gần đường rầy xe lửa Mỹ Tho góc Nguyễn Tri Phương - Hồng Bàng (Lacaze-Charles Thompson). Hủ tiếu Mỹ Tiên có cái gou^t giống hệt đệ nhất hủ tiếu Phánh Ký Mỹ Tho. Quý độc giả có biết tại sao không? Tôi biết vì ở Mỹ Tho tôi là người lối xóm Chùa Chà của chú Phánh. tiệm hủ tiếu Mỹ Tiên Sài Gòn đã rước chú Phánh lên ở một tháng dạy nấu hủ tiếu nghe nói tiền công là 50 cây vàng. Đế quốc hủ tiếu Phánh Ký sụp đổ vào giữa thập niên 60 khi chú Phánh bỏ nhà theo tiếng gọi ái tình là một cô gái quê ở Ba Dừa quận Cai Lậy (Mỹ Tho). Chú đổi nghề thiến heo để một mình thiếm Phánh không handle nổi tiệm hủ tiếu nên bị tartare Phúc tấn công .

Không xa đó mấy, cơm gà Siu Siu tại chợ An Đông ăn cũng “nhức nhối” lắm. Kế Mỹ Tiên là sạp hủ tiếu Cả Cần (hiện có mở quán ăn tại Montreal), bánh bao bà Năm Sa Đéc, mì vịt tiềm Lacaze, các sạp trái cây tươi sầu riêng, lôm chôm, măng cụt, bòn bon, nhãn, mãng cầu... thật thơm ngon hai bên lề đường. Đặc biệt nhất là những chiếc bàn thấp nhỏ cũng ở lề đường bày bán sò huyết, khô mực ...ngồi kiểu chồm hỗm ăn quên thôi luôn.

Nói tới hủ tiếu là phải nói tới phở. Hương vị phở Sài Gòn thật độc đáo mời gọi

mà tôi không đủ khả năng dìễn tả như nhà văn Vũ Bằng. Tôi đã ăn rất nhiều tiệm phở Sài Gòn từ Phở Tàu Bay ở Lý Thái Tổ, Tàu Thủy ở Nguyễn Thiện Thuật (mới có thời Việt Nam Cộng Hòa), 79 trên đường Võ Tánh(Frère Louis), Minh trong hẽm Pasteur (Pellerin), An Lợi Hai Bà Trưng (Paul Blanchy) cho tới phở Quyền đường Võ Tánh Phú Nhuận (Turc), ngay cả phở Hiền Vương (Mayer), mỗi tiệm có một hương vị đặc biệt riêng lẽ dĩ nhiên là rất thơm ngon nhưng sao tôi vẫn thấy mê tô phở ở chiếc xe không tên trên góc.
đường Trần Quý Cáp - Đoàn thị Điểm (Testard-Larégnière), một địa điểm bình dân đơn sơ mà đông nghẹt thực khách, lúc nào tới cũng phải chờ cả nửa tiếng. Thế mà thiên hạ vẫn sẵn sàng chờ. Bị addiction rồi chăng? Lúc bấy giờ tôi và người bạn tập sự ở Tổng Nha Ngân Sách Ngoại Viện ở gần đó và hầu như cách một ngày là chúng tôi vào ăn xe phở nầy, càng ăn càng thấy ngon và không thấy ngán.

Đường Hàm Nghi ngay trạm chính xe bus
Một món ăn khác cũng khá phổ thông ở Sài Gòn thời đó là bánh mì pâté mà nổi tiếng nhất là Hà Nội đường Nguyễn Thiện Thuật, Hòa Mã Cao Thắng (Audouit) , Đô Chính Nguyễn Huệ, bánh mì gà Thanh Bạch đường Lê Lợi, Hương Lan Bưu Điện. Ngoài ra xe bánh mì bán lẻ Ba Lẹ chợ Tân Định, Tám Cẩu chợ 20 Phan Thanh Giản (Le Grand de la Liraye) cũng hấp dẫn lắm.

Nhắc tới đường Phan Thanh Giản cũng không quên kể tên Trường Nữ Trung Học Gia Long, là trường Nữ Trung Học đầu tiên của miền Nam thành lập vào năm 1915 với cái tên là Trường Áo Tím.


Ngoài ra khu Chợ Cũ trên đường Võ Di Nguy (d’Adran) và Tôn Thất Đạm (Chaigneau) cũng có nhiều hàng quán thức ăn đặc biệt như hủ tiếu cá, mì xào và những quầy vịt quay thịt quay thật đậm đà hương vị BBQ. Bánh mì Chợ Cũ nổi tiếng nhất Sài Gòn với những ổ bánh mì dòn thơm. Khu vực nầy còn có rất nhiều tiệm hàng xén bán đồ tạp hóa và tiệm trà bánh. Riêng đường Tôn Thất Đạm có rạp hát Nam Việt chiếu toàn phim cũ.

Gần đó là đường Tôn Thất Thiệp (Ohier) có nhà hàng Tài Nam nổi tiếng món đuôn (chà là) chiên bơ, hủ tiếu Nam Vang Thanh Xuân. Chùa Chà Và cũng nằm trên con đường nầy.

` Thưa quý bạn! Bài viết đã quá dài mà nói chuyện về đường phố Sài Gòn thì nói hoài cũng không hết đâu. Đó là chưa kể tới vùng Chợ Lớn, Phú Lâm, Ba Chiểu, Gia Định,Tân Định, Phú Nhuận, Khánh Hội, Gò Vấp...Thôi thì xin dừng tại đây với những hình ảnh kỷ niệm viết ở trên hy vọng cũng đủ phần nào để chúng ta ôn lại khúc phim êm đềm thơ mộng của một thời hít thở không khí của Sài Gòn dễ thương. Sài Gòn luôn luôn trong tâm tưởng chúng ta cho dù đã cách xa hơn nửa vòng trái đất.

Sài Gòn (bánh mì pâté Hương Lan trước Bưu Đìện)

1 nhận xét:

Thơ MP.Trường Giang Thủy : TÓC DÀI TÓC NGẮN , HOA LÒNG

  TÓC DÀI TÓC NGẮN Tóc dài xưa nợ bàn tay, Gỡ từng sợi rối thẹn ngày gió thu... Nắng hồng dính vệt sương mù Soi trên tóc ngắn bạc từ hôm qua...