PLO)- Vị tướng có công xác lập chủ quyền quốc gia trên vùng đất mới Nam bộ, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được triều đình ghi công, nhân dân đời đời nhớ ơn.
Sử cũ cho hay, tháng 5 năm Canh Thìn (1700), Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh mất, thọ 51 tuổi, kết thúc đời binh nghiệp với những chiến công hiển hách.
Từ đó đến nay đã 320 năm trôi qua, lễ giỗ ngài nhân dân không bao giờ quên.
Tướng dẹp Chiêm, phục Man
Hiện nay ở nhiều nơi trên mảnh đất Nam bộ, có nhiều đình, đền thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh như ở Châu Đốc, ở Long Xuyên… thể hiện sự ghi nhớ công ơn của nhân dân với vị tiền hiền mơ mang bờ cõi nước nhà cho dân cách đây hơn ba thế kỷ.
Đền thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh ở Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc. Ảnh: Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc
Chẳng nói đâu xa, như ở Cù lao Phố, thuộc Biên Hòa, Nguyễn Liên Phong trong Điếu cổ hạ kim thi tập cho biết thật linh thiêng:
“Chỗ ấy là chánh mả ngài và phủ thờ ngài, trước phu thờ có bực hẫm gần gần, thường khi đêm thanh trời lặng, có cặp cá vược mun dài hơn hai trượng hụp lặn, đùa giỡn như hầu chực trước miễu ngài”.
Đó là về phần tâm linh, tín ngưỡng. Còn về thân thế sự nghiệp đức Lễ Thành hầu, Điếu cổ hạ kim thi tập đã đặt tên ông trước nhất trong cuốn sách này ở phần “điếu” cho biết, Nguyễn Hữu Cảnh gốc người Thanh Hóa, gia đình từ ông nội Nguyễn Triều Văn cho đến thời Nguyễn Hữu Cảnh đời đời làm tướng cho chúa Nguyễn.
Riêng với đời binh nghiệp của ông, Nguyễn Liên Phong có ghi lại đôi câu đối đúc kết:
Dẹp Chiêm Thành sắp đặt Cao Man, làm tướng làm thần vinh sống thác,
Dâng Ngũ Quảng mở mang Lục tỉnh, dày công dày đức tạc non sông.
Sự nghiệp của ông, được Đại Nam liệt truyện (Quốc sử quán triều Nguyễn), cho biết “lúc trẻ tuổi Hữu Cảnh theo cha đi đánh dẹp, có công được làm Cai cơ”.
Năm Nhâm Thân (1692) theo lệnh chúa Nguyễn dẹp loạn vua Bà Tranh của Chiêm Thành làm phản, lấn cướp Diên Ninh (là Diên Khánh thuộc Khánh Hòa). Lần ấy ông bắt Bà Tranh đem về, đổi nước ấy làm trấn Thuận Thành.
Năm Kỷ Mão (1699) vua nước Chân Lạp là Nặc Thu làm phản. Ông được cử làm Thống suất đi đánh và năm Canh Thìn (1700) dẹp yên được.
Trên bước đường binh nghiệp của mình, công lao lớn nhất của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, ấy là vào năm Mậu Dần (1698).
Khẳng định chủ quyền quốc gia ở đất Sài Gòn - Gia Định
Đại Nam thực lục (Quốc sử quán triều Nguyễn) khi nói về bước ngoặt cương vực lãnh thổ của dân tộc ta năm Mậu Dần (1698), đã viết:
“Bắt đầu đặt phủ Gia Định. Sai Thống suất Nguyễn Hữu Kính kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long (nay thăng làm phủ), dựng dinh Trấn Biên (tức Biên Hòa ngày nay), lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình (nay thăng làm phủ), dựng dinh Phiên Trấn (tức Gia Định ngày nay), mỗi dinh đều đặt các chức lưu thủ, cai bạ, ký lục và các cơ đội thuyền thủy bộ tinh binh và thuộc binh.
Mở rộng đất được nghìn dặm, được hơn bốn vạn hộ, bèn chiêu mộ những dân xiêu dạt từ Bố Chính trở về Nam cho đến ở cho đông. Thiết lập xã thôn phường ấp, chia cắt giới phận, khai khẩn ruộng nương, định lệnh thuế tô dung, làm sổ đinh điền.
Lại lấy người Thanh đến buôn bán ở Trấn Biên lập làm xã Thanh Hà, ở Phiên Trấn, lập làm xã Minh Hương. Từ đó người Thanh ở buôn bán đều thành dân hộ của ta”.
Năm ấy Thống suất Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh được chúa Nguyễn cử đi kinh lược vùng đất phía nam. Vốn về hình thức, đây là đất của Thủy Chân Lạp, nhưng dân cư thưa thớt, phần nhiều hoang vu.
Bước chân khai phá đất đai của lưu dân người Việt đã hiện diện nhưng phần nhiều còn ở tình trạng tự phát, không có sự quản lý của chính quyền.
Kinh lược đất này, Chưởng cơ họ Nguyễn đã thay mặt chính quyền chúa Nguyễn cắt đặt đơn vị hành chính, lập ra dinh (Trấn Biên, Phiên Trấn), huyện (Phước Long, Tân Bình).
Không chỉ thế, để thuận tiện cho việc quản lý nhân khẩu, như Vùng đất Nam bộ thời kỳ từ đầu thế kỷ XVII đến năm 1858 (Nguyễn Đức Cường chủ biên), cho biết ông đặt ra các chức quan hành chính, quân đội thay mặt nhà nước thực hành chức năng quản lý với lưu thủ, cai bạ và ký lục ở dinh để giữ và chăm dân; Ty Xá sai, Tướng thần lại để làm việc; tinh binh, thuộc binh thủy bộ để hộ vệ.
Với sự kiện này, từ đây mảnh đất Sài Gòn - Gia Định đã chính thức thuộc vào lãnh thổ Đàng Trong của các chúa Nguyễn.
Đền thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh ở Đồng Nai. Ảnh: Cổng thông tin điện tử, khoa học công nghệ Đồng Nai
Kể từ thời điểm này, các chúa Nguyễn đã xác lập quyền lực thực tế của mình “trong việc quản lý ruộng đất, hộ khẩu và trưng thu các nguồn lợi tự nhiên cũng như nguồn thu thuế qua việc trao đổi giao thương với thương nhân các nước trên vùng đất mới”.
Ý nghĩa của sự kiện năm Mậu Dần (1698) gắn liền với tên tuổi của Lễ Thành hầu. Bởi vậy dẫu trải qua hơn 300 năm vật đổi sao rời, nhưng công lao của tiền nhân vẫn được hậu thế ghi nhớ và ngưỡng vọng.
Hàng năm, cứ đến lễ giỗ đức Lễ Thành hầu vào ngày 9 tháng 5 âm lịch, nhân dân Nam Bộ nhiều nơi tổ chức để khắc tạc công lao tiền hiền.
(tc chuyển)
bài rất hấp dẫn
Trả lờiXóa