Thứ Năm, 30 tháng 7, 2020

Đi Về Một Nơi Không Tới- Đoản văn của Thuyên Huy

 Đi Về Một Nơi Không Tới
(Đoản Văn Không Đề)
Viết cho những mảnh vụn của đời mà ai đó đã có lần đi qua, có khi đi qua mà không tới.
1.


Buổi chiều, trời đầu thu, anh ngồi trầm ngâm buồn, ở một góc, trước hiên cái quán cũ quen nhìn ra đường, con đường mà anh đã đi đi về về, không đếm hết nổi bao nhiêu lần trong suốt những năm tháng nợ nần với kiếp học trò bút nghiên giấy mực. Ly cà phê, tự nãy tới giờ vẫn còn nguyên, nguội rồi nhưng nhờ mấy vạt nắng hờ hắt vào cũng còn được chút hơi đủ ấm, anh cứ nhìn ra đường, hàng dừa xanh không cao không thấp, lá xanh lá úa vàng xen kẻ mấy cây phượng già hoa héo hoa hắt tàn, chạy theo hai bên, lạ không lạ quen không quen, ở một phía dưới dốc cuối đường, một màu trắng như mây trắng bay bay, áo nối tiếp áo thả tả dài vờn gió, giờ tan trường, những tà áo lạ.


Anh thẫn thờ cay mắt, cố tìm trong đó, tìm để mà thấy mình còn muốn tìm, vậy thôi, không có tà áo trắng năm xưa, nuốt ngụm cà phê nguội lạnh đáy ly cùng lúc phía trong quán, tiếng ai đó hát bài tình ca quen thuở anh mới biết yêu người, bắt đầu cho buổi chiều đông khách, anh gật đầu chào cô chủ, bước chập choạng đi ra đường, nhìn xuống đất, chiều xuống thật nhanh, phía bờ bên kia sông, phố chợ nhá nhem lên đèn, vàng vọt, le lói.


Đã trễ rồi nhưng anh cũng còn đón kịp chuyến xe chiều rời phố đi vội vàng, dù đã nôn nóng muốn mau về hồi sáng sớm. Từ khung cửa sổ, anh nhìn lại sau, hàng dừa, những cây phượng già không đuổi theo, trong hồn anh hình như đã chết, chết như mối tình, không ai phụ ai, không ai trách ai, chỉ là những vai phải đóng trọn cho vở tuồng đời, tình tiết do trên cao sắp sẳn bằng hai chữ định mệnh.

Anh ngồi xuống ghế, người trên xe lặng thinh, nhìn về phía trước, anh cũng nhìn phía trước, mím môi thở dài vĩnh biệt.

2.

Anh ngồi giữa trời, nắng cuối hạ chang chang đổ, nghĩa địa khô cằn, nứt nẻ, mấy cây Sao già trụi lá, cành nhánh khẳng khiu, vẫn còn cố đứng dưới trời nhưng chẳng cho người một chút gì gọi là bóng mát, con quạ đen đậu trên đầu ngọn một cây cao nhất nhìn xuống anh kêu rời rã, anh lặng thinh bên hai nấm mộ, khói nhang quyện lờ mờ màu khói bếp chiều quê, anh cố dằn không khóc, vì hôm nay là một ngày vui mà ba mẹ, đã mong đã chờ từ những ngày còn sống.

Ba mất sớm vì một tai nạn ngoài đồng lúc anh còn quá nhỏ, chôn ở nghĩa địa của làng, khu đất nằm chơ vơ ven bờ ruộng, ngó ra cái truông nứa chằng chịt, không biết gì hơn, mẹ ở vậy, một thân một mình nghèo xơ nghèo xác, lầm lũi chắt chiu, làm công lựa thóc lựa gạo cho một nhà máy xay lúa trong xã. Nhà tranh, vách đất, cột ngã cột xiêu, mái lành mái rách, mẹ con cứ vậy chấp vá mà sống mà vui với phận người trời định. Rồi ngày cũng qua ngày anh lớn lên, với hơi ấm áo bà ba sờn vai bạc màu bùn của mẹ, tay dắt tay mang mẹ dẫn anh tới trường tiểu học xã, rồi trường trung học quận, từ đó cũng cơm chiều cá kho khô, rau mồng tơi luột, nhưng mẹ vui không biết làm sao mà nói, mẹ không nói ra nhưng chắc mẹ đang mơ sẽ có một ngày, cây đèn dầu cũng vui lây, được ngồi bên anh lâu hơn hơn trước.

Vậy đó, mẹ lại theo ba, bỏ anh ở lại, những ngày đầu mùa thi giữa hạ, con quạ trên ngọn cây không còn ở đó, tiếng mất tiếng còn, tạ từ bay đi, chắc phải lâu lắm mới gặp lại, cơn gió nhẹ bất chợt về ngang từ phía truông nứa, lùa bó nhang thơm, nấn níu chút lửa muộn rực sáng, sửa lại cho ngay ngắn, anh lấy tờ giấy chứng chỉ Tú Tài Một, còn thơm mùi con dấu Nha Khảo Thí đỏ, cẩn thận để trước đầu mộ, chỗ anh ngồi, chấp tay xá rưng rưng thì thầm “ba mẹ ơi, con thi đậu rồi”. Giờ thì anh mới bật khóc thành tiếng.

3.

Chiều thứ bảy, trời và phố xá Sài Gòn vẫn vậy, cũng hai ba cơn mưa bất chợt, vội đến rồi đi, cũng người đuổi chân người, ngựa xe rộn rã ngược xuôi, có quen có lạ trên vĩa hè rộng thênh thang hai bên đường, đường lên đường xuống. Anh ngồi đó, ngay cái bàn thấp của một tiệm kem, ngã tư, ngó qua rạp chiếu bóng quen, không thấy người chờ vào xem, vắng đủ cho cô gái bán vé che miệng ngáp dài thoải mái, cặp tình nhân còn trẻ nắm tay lắc lư theo nhịp chân ngang qua nhìn vào cười, anh cũng nhìn theo cười đáp lễ nhưng không biết cái cười của vui hay của buồn.

Anh cứ ngồi đó, đọc cái địa chỉ trên tấm giấy nhỏ màu xanh lá, ngó ra đường chờ, không phải chờ ai, mà dường như là chờ để bỏ đi. Tấm giấy cất kỹ trong bóp, từ tay của người con gái tiếp viên Air Vietnam, có cái tên ngồ ngộ “Ly Cơ”, trên chuyến bay giữa trưa từ Đà Lạt về, hôm anh được rời Cao Nguyên nghỉ phép. Chuyến bay vắng khách, anh không khỏe cho lắm vì mấy ngày bị cảm lạnh, anh được cô nàng săn sóc tận tình, đủ thứ, thuốc men nước uống, ngồi ghế trống bên cạnh, hỏi thăm nhau vài chuyện, chuyện mình chuyện người rồi quen nhau, quen nhau không chờ không đợi. Phi cơ đáp, Ly Cơ theo tiễn anh ra tới đường, ở đó cũng như anh, cô nàng trao lại tấm giấy nhỏ, hẹn gặp lại mà không hứa là bao giờ. Ngồi trên taxi, nhìn lại sau, anh ngẫn ngơ, hồn tưởng chừng như để quên ở lại.

Nắng dịu hơn, trời đứng gió, rạp chiếu bóng đông người trở lại, anh đứng dậy, quyết định bỏ đi, nhẩm đọc thầm địa chỉ trên tờ giấy, phải tới đó vì ngày mai sẽ trở ra nhiệm sở, cho dù không được việc. Đứng chờ đèn xanh đỏ qua đường, nghe có tiếng gọi mẹ dễ thương, anh quay lại, tay dắt con bé độ ba bốn tuổi, người con gái ngẫng đầu lên, cả hai cùng gọi tên, bổng dưng trời chợt mát. Ly Cơ chỉ về hướng bải giữ xe phía quốc hội, định lấy xe chở con bé tới tìm anh, anh cũng định qua đường đón taxi tới nhà cô nàng.

Hai người lớn nắm tay con bé đi hai bên, không ai nói gì hết mà cũng không biết phải nói gi đây, chỉ nhìn nhau cười, cái cười bắt đầu cho một câu chuyện, anh nói thầm, hy vọng không phải là một câu chuyện buồn.

4.

Trở lại nơi này, chắc cũng đã bỏ đi hơn bảy tám năm, cảnh vật vẫn như cũ, căn biệt thự ra vào cũng hai chợ chồng bác sáu, tóc cả hai giờ trắng một màu bông bưởi, còn đó cái ghế đá xanh lục bình giữa khu vườn đầy hoa Sứ đỏ, cái ghế mà anh đã ngồi mỗi buổi chiều tàn nắng, chập chững tối, nhìn qua bên kia khung cửa sổ căn nhà sàn gỗ đen, có tiếng đàn dương cầm và đứa con gái nhà giàu ngoan đạo, học chung trường, đi về chung đường, ban đầu thì người trước người sau nhưng rồi thì bên người bên mình, nói cười vụng vặt.

Cũng cái ghế đá trong vườn, anh ngồi đó nhìn qua, khung cửa sổ không thấy mở dù trời đã giữa trưa, nắng và nắng, có tiếng người hỏi nhau bên nhà đó nhưng không phải tiếng người quen, anh đứng dậy, bước tới gần bên rào chút nữa, đúng là không phải tiếng người quen năm cũ.

Không có đạo nhưng giòng đời đưa đẩy, anh lại sống vài năm ở trọ tại nhà bác sáu, ông “Bỏ” của nhà thờ tỉnh, vợ chồng bác có một người con gái, lấy chồng xa, thỉnh thoảng lắm mới về thăm ngày ta ngày tết. Khu nhà thờ riết rồi ai cũng quen anh, cái thằng cháu “bá dơ” của ông sáu Bỏ, phụ việc quét dọn sắp bàn sắp ghế, nhổ cỏ tỉa cây, thuộc kinh thánh lễ nhưng vẫn là người ngoại đạo. Thứ Bảy Chủ Nhật, đứa con gái ngoan đạo cùng gia đình đi lễ, chuông vang vang, anh đứng bên ngoài hành lang chờ, người bên trong a men, anh cũng a men nhưng a men gì không ai hiểu, chỉ mình anh hiểu.

Thương thầm, thương một mình, chần chừ, ngập ngừng chưa dám nói, sau mùa thi, mùa hè qua, hối hả từ quê nhà trở lại trường, đứa con gái không còn bên căn nhà sàn gỗ đen nữa, người quen trong xóm nhà thờ cho biết, nghe nói đã có người Sài Gòn lên làm lễ đính hôn rồi, từ đó anh rời nhà bác sáu “ông Bỏ nhà thờ”, đến ở chung với nhóm bạn nửa quê nửa tỉnh xa tít ngoài ngã ba bến xe cũ, cuối năm học anh bỏ đi biền biệt.

Anh trở lại cái ghế đá, ngồi nhìn căn nhà sàn gỗ lần nữa, nói với mình, đúng là không phải tiếng người năm cũ, tiếng bác sáu gái gọi vọng ra, anh đứng dậy đi vào nhà, bỏ lại sau lưng những cánh hoa Sứ úa, trong vườn ngậm ngùi tơi tả rụng.

5.

Đứng ở trước mộ, nhìn ra con đường đất màu bùn, có chút nắng bên kia sông rựng lên nhưng sương đêm chưa chịu tan vội, trời vẫn còn mờ, chập chờn sáng, lác đác mấy cái nhà mái tranh mái lá trên đồng, đèn dầu chưa tắt, hàng Sim dọc theo đường, chạy dài bên bờ đê ruộng mùa này hoa nở muộn, muộn như ngày chị, cũng con đường này ra bến đò theo chồng về xứ xa, bỏ lại anh với ngoại, tiễn chị đi, chị vui hay không thì anh không biết nhưng chị cũng như ngoại đều khóc.

Anh lớn lên rồi cũng như chị, bỏ ngoại đi, lây lất đời tha hương xứ người vì trót mang nợ đời cơm áo, ngoại ở lại một mình, bóng già thui thủi, mắt già trông mong, chị ít khi về, anh có về đôi ba lần rồi thôi, người trong ấp, trong làng, cho là hai chị em không tròn hiếu đạo.

Ngoại mất hôm anh về sau Tết năm nào đó, đám tang chị không về, mộ ngoại chôn ở gò đất cao khoảnh vườn chuối, không xa con rạch nhỏ chạy ra vàm lớn, căn nhà trống trơn, những gì của ngoại anh đã gởi chôn theo bà, trong đó có cuốn tập, năm anh học lớp nhất trường làng, được cô giáo cho bài viết “tả ngoại em” của anh mười điểm, để ngoại vui dưới đó. Anh lại ra đi, đi miệt mài, đi biền biệt, không biết chị có về đó lần nào không.

Bây giờ năm sáu năm về lại nhà xưa, gò đất cao sau nhà giờ có thêm cái mộ nằm bên cạnh ngoại, rồi thì cuối cùng chị cũng về, không biết chị về bao lâu rồi, chị đã hết đi xa.

Anh quàng túi xách vải bạc màu lên vai, trời sáng hẳn từ lâu, phía bến đò cuối đường đã có tiếng người gọi nhau ơi ới, đứng chấp tay lạy tạ trước ngoại và chị, thêm một lần anh bỏ ngoại đi và lần này chị là người ở lại, bước ra đường, anh bật khóc.

Thuyên Huy
Melbourne những ngày bó gối tháng sáu năm 2020

🌷🌷🌷🌷
Mời xem :                   MONG MANH - Thơ Thuyên Huy

         🌼🌼🌼🌼        Thảo Nhân - Chuyện Ngắn của TH

1 nhận xét:

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...