Thứ Năm, 11 tháng 6, 2020

Phảng Phất Mùi Vị Tuổi Thơ - Lẹ Trung Ngân

Giữa nhịp sống hối hả và bận rộn, đôi lúc tôi giật mình khi thấy hai đứa cháu nội nô đùa nhau mà tôi chạnh lòng nhớ về tuổi thơ. Ấu thơ bao giờ cũng là quãng thời gian tuyệt vời nhất trong tiềm thức của mỗi con người, đó chính là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn ta, ru ta lớn lên và đặt trong ta những hoài niệm trong trẻo nhất của cuộc đời. Nhưng khi thời gian trôi qua, mỗi người cứ lớn lên và tuổi thơ trở thành quá khứ. Ai cũng nghĩ rằng quá khứ là thứ đã qua và mãi mãi không bao giờ trở lại, nhưng nếu cảm nhận bằng tâm hồn lắng sâu, ta sẽ thấy con đường ta đang đi, phảng phất mùi vị tuổi thơ dù cho nay nó đã đổi khác.
Phải vậy không? Thí dụ như: Trẻ con thích tắm mưa, để cùng lũ bạn hàng xóm reo vui dưới những cơn mưa, đùa nghịch và vui cười vô tư lự, nhảy lên những chiếc mo cau hò hét, kéo nhau phóng đi trong mưa cho nước mưa tạt vào mặt thích thú…
Rồi lớn lên ta sợ mưa, nhưng phải tắm mưa vì không đem theo áo mưa. Nhưng mưa bây giờ không còn đọng lại tiếng cười vui mà bao giờ cũng là những nỗi niềm bâng khuâng. Khi lớn lên, có khi ta vẫn còn yêu mưa nhưng theo cách của người đã trưởng thành. Không ngồi mo cau nhưng ta cũng phóng xe, mưa cũng tạt vào nhưng là để cho ta tỉnh táo giữa những mộng mị đời thường trắc trở. Có những lúc ta lầm lũi đi trong mưa như tắm mưa, nhưng không phải để reo hò, mà để lặng đi che giấu những giọt nước mắt. Nước mưa đối với trẻ con có vị ngọt của tiếng cười, có mùi thơm của tình bạn bè không toan tính và có màu hồng tươi vui của tuổi trẻ. Còn mưa với những người đang lớn lại có vị mặn của nước mắt, có mùi đắng chát của sự đời bất công và có màu của sự hoài nghi..
Lúc TRẺ CON thích chơi bắn thun, ta thích thú nhìn những sợi thun co giãn được búng qua búng lại dưới bàn tay của những đứa trẻ rất “có nghề”.
Khi LỚN LÊN sợi thun được ta mang vào cuộc sống, vào tình yêu, vào công việc và vào những mối quan hệ xung quanh ta. Khi ta yêu, cả hai cùng kéo dãn một sợi thun, kéo tiếp thì sợ đứt mà buông ra thì sợ làm cho nhau đau chính vì vậy mà trong một mối quan hệ, ta cứ kéo, cứ giữ mà lòng thì cứ hoang mang lo sợ. Trong công việc, kéo thun thì sợ quá sức thả thun thì sợ bấp bênh vì thế mà chẳng bao giờ ta cân bằng được mình giữa hỗn độn những việc làm. Và cứ thế, sợi thun của cuộc đời cứ kéo ta vào thả ta ra, giữ lại cũng không được thả ra lại sợ đau, biết đi về đâu để tìm thấy trạng thái đúng nhất của sợi thun và biết về hướng nào để tìm thấy bình yên trong tâm hồn..
Lúc TRẺ CON ta thích chơi trò chơi gia đình, có đứa làm ba, kẻ làm mẹ cùng vài đứa con nheo nhóc, ta hái lá làm thức ăn, chăm chăm chút chút cho cái “gia đình” nhỏ đó và vui vẻ diễn-như-một-thành-viên-thực-sự.
Khi LỚN LÊN, vẫn ước gì việc lập một gia đình cũng đơn giản và bình dị như vậy nhỉ? Tìm kiếm một tình yêu đã khó mà tìm được người để kết hôn lại càng gian nan hơn. Con trai thì muốn gái đảm đang, gái biết chăm chút cho gia đình. Con gái thì cần trai giỏi dang, không rượu chè, thương vợ con… Tất cả những điều kiện dù cho là hợp lý thì con người cũng đã nhận ra, cuộc sống là những sự lựa chọn, còn đâu nữa những vô tư không lo nghĩ như lúc ấu thơ nữa nhỉ.
Rất nhiều những trò chơi cùng ta lớn lên theo năm tháng, đi theo ta suốt chiều dài nỗi nhớ và chất thêm vào kho ký ức ta không ít những những nụ cười trong veo. Dẫu biết rằng sự đời trần trụi, cuộc đời “ghê” lắm, nhưng hãy để những ký ức tuổi thơ mãi theo ta suốt chiếc thuyền cuộc sống. Len lỏi trong dòng đời vừa lắm người vừa lắm chuyện này… ta chỉ ước một lần được chạm lại ký ức, được tắm mưa không lo nghĩ, được kết bạn không toan tính và được yêu không nghi ngại.
Nhưng lỡ lớn rồi, cũng đành ném nước mắt sau mưa, ném nụ cười sau đau đớn, ném những trò vui sau bộn bề cuộc sống mà mạnh mẽ đứng lên đối diện với cuộc sống theo cách của người-lớn thôi.
Mời Xem :Thưởng Thức Tuổi Xế Chiều - Lê Trung Ngân

1 nhận xét:

  1. Những người cao tuổi rất trân trọng tuổi thơ đầy lãng mạn, hồn nhiên và yêu đời; nên người cao tuổi rất quý trẻ nhỏ

    Trả lờiXóa

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...