Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2020

Cây Chùm Ruột Sau Nhà Ngày Xưa- Lê Trung Ngân




Tôi không biết từ lúc nào khi tôi còn nhỏ, trong mảnh sân sau căn nhà nhỏ luôn mát rượi bởi bóng mát của cây chùm ruột. Nhờ những tán lá sum suê của nó nên ánh nắng chói chang của những ngày hè dịu đi rất nhiều. Khoảng sân râm mát dưới gốc là chỗ cho bọn trẻ chúng tôi tụ tập chơi bắn bi, chơi bán quán… Thế là cả bọn nhỏ háo hức đợi cây có trái. Sang xuân, lá chùm ruột rụng dần, bắt đầu cho mùa chùm ruột. Từ trên những nhánh cây mảnh khảnh, mỗi ngày lại nhú lên những chùm trái non bé tẹo xanh ngắt. Bắt đầu vào mùa nắng, những trái chùm ruột cựa mình, lớn nhanh như thổi. Từng trái, từng trái to dần trong những ánh mắt ngắm nghía vừa tò mò vừa náo nức của chúng tôi. Vài ngày sau, đám chùm ruột chi chít ấy dần thành những hòn cu li đèn dẹt…
Rồi một sáng mai thức dậy, màu xanh của chùm ruột chuyển dần sang vàng nhạt. Cả cây, từ gốc đến ngọn, chi chít những trái chùm ruột mọng nước, xung quanh có khía như những trái cà chua tí hon vàng ươm. Ngắm chùm trái bóng lộn, nặng trĩu trên cành, tôi thấy ứa nước miếng. Hấp dẫn đến độ không thể dằn lòng, tôi đưa tay bứt một trái, bỏ vào miệng, rồi... vừa nhai vừa nhăn mặt: Chua khủng khiếp!. Ngày trước, trẻ con nhà quê chúng tôi có những món ăn hết sức ngộ nghĩnh. Nhiều khi chẳng bổ béo gì, cũng không lót dạ qua cơn đói khổ nhưng ăn vì thèm và vì tinh nghịch. Cái thời gian khó thì làm gì có nhiều loại bánh trái như bây giờ, mà nếu có cũng chẳng có tiền mua, nên ăn vặt theo kiểu “cây nhà lá vườn” là lẽ đương nhiên.
Một hôm, cậu Tám từ dưới quê lên chơi. Vừa nhìn thấy cây chùm ruột, mắt cậu sáng lên: “Ô! Chùm ruột? Tốt lắm!”. Rồi cậu lấy rổ ra tuốt một nắm trái to, đem rửa sạch, bỏ vào cái tô rồi lấy cái chày giã nhẹ, cho thêm trái ớt, mấy muỗng đường, nửa muỗng cà phê muối, chút bột ngọt … Mấy phút sau, cậu gọi: “Mấy đứa đâu, lại đây”. Lần lượt từng đứa xúc một muỗng nhỏ món ăn cậu mới làm, nhai nhai thử, mắt lim dim, đầu gật gật… Ngon lắm! Đủ thứ vị: chua, ngọt, cay, mặn… giòn tan, sần sật trong miệng… Chúng tôi xúc tiếp muỗng thứ 2, thứ 3… Chẳng mấy chốc, tô chùm ruột hết sạch. Từ đó trở đi, tôi học cách làm của cậu Tám, thấy cây chùm ruột sai trái; cứ không học bài là tôi vội rủ đám bạn mang bao nylon leo lên cây hái quả. Cứ thấy quả to, sum suê từng chùm nên bọn tôi tham mắt, mải mê hái đến nỗi kiến vàng bò khắp người không hay. Kết quả bị lũ kiến cắn trên da tay, da đầu, kể cả nước đái kiến bắn vào mắt. Ấy vậy mà vẫn không quên chiến lợi phẩm.
Khi đã an toàn “trở về mặt đất”, chúng tôi mang thau, đổ chùm ruột vào và bắt đầu dầm. Cả nhóm phân công từng việc: đứa ra sau vườn hái ớt hiểm, thằng thì chạy về nhà lấy hũ đường thùng (đường mật mía), nước mắm mang sang. Riêng tôi dùng chày nhỏ dần từng quả cho giập để ra bớt chất chua. Hỗn hợp đường mật mía, nước mắm, ớt trộn đều, sao cho vừa ăn, để riêng. Sau khi dầm chùm ruột, cho hỗn hợp ấy vào trộn đều. Cứ thế mỗi đứa một muỗng múc ăn ngấu nghiến kèm theo nhiều “trạng thái cảm xúc”: nhăn mặt, hít hà, lè lưỡi…
Vậy đó mà chỉ mươi phút là cái thau không còn một quả chùm ruột. Cái vị chua lè được đường và nước mắm “chế ngự” làm cho trẻ con thích thú. Ăn xong, đứa nào cũng nốc cả gáo nước mưa ừng ực như vừa lạc vào sa mạc. Rồi thoáng chốc bụng đói cồn cào, cả “lũ quỷ sứ” ù té về nhà lục cơm nguội. Có đứa bị “Tào Tháo rượt”, ôm bụng tìm nhà vệ sinh đến nỗi cười lộn ruột.
Cái tuổi thơ nghịch ngợm của chúng tôi là thế. Nó đi ngang qua cuộc đời của từng đứa nhanh như cái chớp mắt: nhẹ nhàng, dịu dàng nhưng cũng dữ dội, chông gai. Để khi giật mình nhìn lại thì đã trưởng thành rồi. Mỗi đứa đi một nơi, chỉ có ngày lễ, Tết mới tìm về nhau mà trò chuyện rôm rả. Đến giờ ngồi nhớ lại, đám bạn đó bây giờ trở thành người thiên cổ...
... Cậu Tám còn chỉ má tôi về công dụng làm thuốc của chùm ruột: nào là nó chứa nhiều vitamin C, nào là lá chùm ruột nấu nước tắm chữa lở, đắp ngoài chữa vết thương, vỏ cây tiêu độc, sát trùng, rượu vỏ cây chữa đau răng, viêm họng… Đó là chưa kể, lá chùm ruột còn để gói nem chua nữa. Chưa hết. Trưa hôm đó, cậu Tám vào bếp, đãi cả nhà món canh chua chùm ruột, ngon hết biết. Bữa chiều có nước rau muống luộc dầm chùm ruột, húp đã hơn cả vắt chanh. Nhưng ngon nhất vẫn là món mứt chùm ruột cậu Tám vừa làm vừa bày cho mẹ. Cậu rửa từng trái, để ráo rồi đem phơi nắng. Khi trái vừa héo, cậu bỏ vào bị, đập nhè nhẹ cho ra bớt nước chua rồi sên với đường, thêm chút muối, ít gừng… Nồi mứt chùm ruột màu mật ong của cậu có đủ vị ngọt, chua, mặn, cay… ngon không thể tả. Cậu còn bày cách làm chùm ruột muối để bảo quản được lâu. Khi dùng, ngâm nước cho bớt mặn rồi đem rim, sẽ có món ô mai chùm ruột. Ngày hè, món nước đá ô mai chùm ruột ngon chẳng kém nước xí muội, chanh muối…
Những năm về sau, nhà tôi mở rộng, một phần vì sợ chúng tôi leo trèo dễ té (vì nhánh cây chùm ruột dòn, dễ gảy), một phần vì con cái lớn nhanh nên cây chùm ruột bị chặt bỏ. Cả nhà ai cũng tiếc. Sau này, nhiều lần được ăn mứt chùm ruột, nhưng tôi không thấy ngon như món mứt chùm ruột của cậu Tám. Cũng chẳng ở đâu có nước đá ô mai hay món canh chua chùm ruột đã gắn bó với chúng tôi suốt một thời thơ bé. Nhớ lại món chùm ruột dằm nước mắm đường ngày xưa, nhiều lúc tôi nghĩ: “Đời người như vị chùm ruột dầm mắm đường, có lúc thì cay đắng, mặn chát nhưng cũng có lúc ngọt ngào, chua ngoa.” Ai trong chúng ta không một lần trải qua? Nhờ có những vị đời ấy đã giúp chúng tôi kiên cường trước những cam go của cuộc sống này!

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ (Dỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :                Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ                                       Ăn x ổi  ở th ì,...