Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2020

TÔI LÀ AI? - Nguyễn Đức Giang



Thầy Nguyễn Đức Giang

Lời dẫn nhập

Trên chuyến bay từ San Francisco đi Tokyo, tiêu đề một bài viết hơi lạ lạ đã lôi kéo sự chú ý của tôi “ WHO AM I?” đăng trong tạp chí của hãng hàng không PAN AM. Bài viết một chuyện có thật về một thanh niên Nhật Bản thuộc thế hệ thứ hai di dân. Không ngờ tâm sự của người thanh niên này mấy mươi năm sau lại phản ảnh phần nào tâm sự của mình. Đã lâu ngày, tôi quên mất tên tuổi của các nhân vật trong chuyện nên tự đặt tên và thêm ít nhiều gia vị cho câu chuyện được đậm đà.

Chuyện Người ta

Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt trên chiến trường Á Châu và Thái Bình Dương với sự đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện của Nhật, thật ra với điều kiện Nhật hoàng Hirhito không bị cáo buộc tội phạm chiến tranh. Nhật hoàng vẫn tại vị, không chịu chung số phận với hai nguyên thủ quốc gia khác của phe Trục là Hitler và Mussolini.

Nước Nhật đang chuyển mình vươn lên sau cuộc chiến triền miên với địa bàn quá rộng lớn, vượt quá tiềm năng tài nguyên và nhân lực quốc gia. Sự đổ vỡ do chiến tranh gây nên, nhất là hai quả bo

m nguyên tử tàn phá khủng khiếp Hiroshima và Nagasaki còn hằn sâu trong tâm tư của mỗi một ngưởi Nhật, vốn có lòng tự hào dân tộc cao, mà đành phải chấp nhận một cuộc đầu hàng tủi nhục với sự hiện diện của kẻ thù trên quê hương của mình.

Không một nước nào, một thành phố nào trên thế giới mang sắc thái tân cổ giao duyên rõ nét như nước Nhật và thủ đô Đông Kinh. Những đền đài xưa cổ xen lẫn với những cấu trúc tân kỳ. Những bộ kimono sặc sỡ, cổ kính điểm những nét chấm phá sinh động hòa vào những dòng người xuôi ngược mang y phục Tây phương…

Micheal Sơn­ Điền chăm chú thu hình những cụ già Nhật đang thong thả dạo quanh công viên hoàng gia. Lặng lẽ như sự vắng lặng trong khu vực công viên, họ kính cẩn hướng về hoàng cung nghiêng mình trước khi thả bộ đi dạo, và động tác đó được lặp lại trước khi rời công viên. Sơn­ Điền - từ đây anh được gọi như vậy ­băn khoăn tự hỏi: Cái gì tượng trưng cho nước Nhật? Những trung tâm thương mại và kỹ nghệ sầm uất, sinh hoạt náo nhiệt chẳng kém gì ở những thành phố lớn Âu Mỹ? Hay những thế giới độc đáo kiểu Nhật Bản như khu vực công viên hoàng gia với những cụ già tôn sùng Nhật hoàng trong lặng lẽ, âm thầm?

Nước Nhật với người Nhật khác với bức tranh Sơn­ Điền tự phát họa trước khi về thăm tổ quốc và thân nhân. Nó xa lạ như sự xa lạ của cái tên Micheal Sơn­ Điền, nửa Mỹ nửa Nhật mà khi ở giữa lòng tổ quốc anh mới cảm nhận được. Sơn­ Điền được sinh ra ở Mỹ. Thân phụ anh, Sơn­ Điền Đại­ Bản­ từ đây gọi là Đại­ Bản ­di cư sang Mỹ từ những năm đầu thế kỷ 20. Những khó khăn và thiệt thòi của thời gian đầu lập nghiệp nơi đất mới đã làm cho Đại ­Bản nghĩ rằng ở Mỹ mà không Mỹ thì khó có thể thành công trên nhiều phương diện. Quả thật, Đại­ Bản đã thành công trên thương trường sau hơn ba mươi năm cần cù, bươn chải và cũng đã thành công trong việc Mỹ hóa gia đình. Hai con ông, một trai một gái chỉ còn cái họ Sơn ­Điền là không Mỹ hóa được. Cái họ này cũng đi dần vào quên lãng, vì ở nhà, ở trường hay bất cứ nơi đâu anh đều được gọi là Micheal. Sơn­ Điền là một người Mỹ trong hình hài Nhật Bản. Anh không nói được tiếng mẹ đẻ, thông thạo tiếng Mỹ là đương nhiên, còn nước Nhật anh chỉ biết một cách mơ hồ.

Tình tự dân tộc lần đầu tiên trổi dậy trong lòng anh như một người Nhật là vào mùa đông năm 1941, khi anh học năm cuối cùng của bậc trung học. Tháng 12 năm 1941 Nhật tấn công Trân Châu Cảng mà không tuyên chiến, hủy diệt ba phần tư hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. Tin sốt dẻo gây xúc động cả nước. Vào đầu giờ học ngày hôm sau tin tức này là đề tài thời sự nóng bỏng cho thầy trò cả lớp. Mọi con mắt xoi bói đều chiếu vào anh, oán hận hay khâm phục anh không nhận ra được. Anh chỉ biết có một dòng máu nóng tự hào cuồn cuộn trong cơ thể. Sơn­ Điền ngẩng mặt nhìn thẳng về phía trước, tưởng mình là một phi công trong phi đoàn Thần Phong đang biến hạm đội Mỹ thành những miếng mồi ngon cho cuộc không tập. Chiến tranh Mỹ Nhật tiếp diễn, nhưng gia đình Sơn ­Điền bàng quan đọc tin tức về những thất bại dần dà của Nhật trên mặt trận Thái Bình Dương một cách dửng dưng.

Mùa thu năm 1945, hai quả bom nguyên tử hủy diệt hai thành phố Hiroshima và Nagasaki buộc Nhật phải đầu hàng. Những đôi mắt trong lớp lại chiếu vào Sơn ­Điền. Những cái nhìn kiêu căng hay thương hại? Anh cúi mặt xuống, cảm thấy tủi nhục của một kẻ thất trận. Nhưng rồi tình tự Nhật Bản trong người anh cũng phai lạt dần theo thời gian.

Nhật Bản càng ngày càng phát triển mạnh về kinh tế. Theo cam kết với Đồng Minh, Nhật không có bộ Quốc Phòng mà chỉ có Cục Phòng Vệ Dân Sự. Đồng Minh e ngại một lực lượng quân sự hùng mạnh của Nhật được tái lập có thể tạo bất ổn ở Á Châu. Sự lo xa đó đã tạo cơ hội thuận lợi cho Nhật. Quốc phòng đã có Mỹ lo, Nhật rảnh tay phát triển kinh tế. Chẳng bao lâu, Nhật trở thành một trong những cường quốc kinh tế hàng đầu. Những thành tựu của Nhật cũng chẳng gây hứng khởi gì cho gia đình Sơn ­Điền­

Sau khi tốt nghiệp đại học, Sơn ­Điền quyết định trở về thăm tổ quốc và thân nhân. Giao tiếp với đời sống gia đình Nhật Bản hằng ngày, lúc đầu Sơn­ Điền cảm thấy thích thú do tính hiếu kỳ: chậm chạp trong cung cách cúi mình chào hỏi, chậm chạp trong bộ kimono gò bó với đôi guốc Nhật hai quai, chậm chạp và phức tạp trong cung cách uống trà và những lễ nghi xưa cũ tưởng như đã quá lỗi thời… Người ta có cảm tưởng người Nhật quá lãng phí thời gian và quá bảo thủ. Thật ra có hai con người trong mỗi người Nhật, một người xem ra chậm chạp nhưng ôm chắc lấy nguồn gốc dân tộc, bảo vệ truyền thống dân tộc và một người khác nhanh nhẹn tháo vát chạy trước cả đà văn minh kỹ thuật thái tây.

Sơn­ Điền sinh ra và lớn lên ở Mỹ hơn một phần tư thế kỷ. Anh hoàn toàn được nuôi dưỡng và giáo dục kiểu Mỹ nên thiếu hẳn Nhật tính trong người. Dần dà anh cảm thấy thiếu thoải mái. Khó chịu nhất là bà nội anh và bà con gần gũi chẳng ai gọi được tên anh, và đi đâu anh cũng phải cặp kè một người anh em họ thông dịch. Sự ngăn cách giữa anh và thân nhân qua người thông dịch càng ngày càng lớn, hoặc ít ra anh cũng cảm thấy như vậy. Anh khó mà biết được trong sự lễ phép quá độ của người Nhật là lịch thiệp xã giao hay niềm nở chân tình.

Sơn­ Điền viện cớ đi du lịch để tránh sự gò bó Nhật Bản quanh mình, tránh cái bóng ma thông dịch mà anh tin chắc không nói lên đầy đủ một cách trung thực tâm tình và ý nghĩ của anh, nhưng lại làm cho anh có cảm tưởng bị lệ thuộc... Một lần anh gọi taxi về khách sạn, hẳn nhiên là bằng tiếng Anh. Bằng một thứ tiếng Anh không trôi chảy, người tài xế quát vào mặt anh: "Cút! Tao có đói cũng không thèm chở một tên mất gốc, chạy theo Mỹ". Người tài xế đã hiểu lầm Sơn­ Điền, và phản ứng thô bạo của anh ta cũng chẳng có gì khó hiểu. Từ đó mỗi khi cần giao thiệp, Sơn­ Điền nhận mình là du khách Đại Hàn để tránh những ngộ nhận phiền toái.

Nhật Bản đến giữa thế kỷ thứ 19 vẫn còn là một nước chậm tiến, bế quan tỏa cảng. Năm 1854, trước áp lực của hạm đội Mỹ, Nhật buộc lòng phải mở các hải cảng cho Mỹ giao thương. Theo đóm ăn tàn, Nga, Anh, Pháp, Đức, Hòa Lan nhảy vào. Người Nhật xem việc nhượng bộ ngoại quốc là một sĩ nhục quốc thể và qui trách cho chế độ Mạc Phủ, mỗi vùng một lãnh chúa. Chế độ này bị áp lực phải giải thể năm 1871. Mọi quyền hành đều tập trung vào tay Minh Trị Thiên Hoàng Mutsihito để canh tân xứ sở theo khuôn mẫu Tây phương. Hơn 20 năm sau, Nhật có dịp thử thách kết quả công cuộc canh tân với chiến thắng Trung Hoa trong vụ tranh chấp ảnh hưởng trên bán đảo Triều Tiên năm 1895 và 10 năm sau đó, đánh tan hạm đội Baltique của Nga ở eo biển Đối Mã. Đầu thế kỷ 20, Nhật nghiễm nhiên trở thành cường quốc bậc nhất tại châu Á và dần dà bành trướng thế lực trong vùng qua chiêu bài Đại Đông Á.

Thời gian đầu Đệ Nhị Thế Chiến, Nhật mau chóng thu được những thắng lợi lớn rộng khắp Á Châu: chiếm Trung Hoa, thắng Pháp ở Đông Dương, Anh ở Miến Điện và Singapore, Hòa Lan ở Nam Dương, Mỹ ở Phi Luật Tân nhưng cuối cùng phải đầu hàng vô điều kiện. Lòng tự hào dân tộc bị xúc phạm, danh dự mà người Nhật quí trọng hơn sinh mạng bị tổn thương. Vậy có người Nhật nào có thể dễ dàng chấp nhận những đứa con hư hỏng, đua đòi đã chối từ tiếng mẹ đẻ.

Nước Nhật chối bỏ Sơn­ Điền hay Sơn ­Điền chối bỏ Nhật Bản? Anh không trả lời được câu hỏi tự đặt ra. Điều rõ ràng là Sơn ­Điền cảm thấy quá xa lạ trên phần đất gọi là tổ quốc của mình, xa lạ cho đến nỗi có khi anh phải buộc lòng chối bỏ cả gốc gác. Những hăm hở, rộn rã lúc ban đầu biến mất, nhường chỗ cho sự chán chường. Anh rút ngắn thời gian lưu trú tại Nhật Bản. Đi đâu đây? Rời bỏ một tổ quốc để trở về một tổ quốc ư? Chiếc máy bay nhẹ nhàng cất cánh mang theo tâm tư nặng trĩu trong lòng Sơn­ Điền. Anh rời một quê hương để trở về một quê hương hay lửng lơ giữa không trung không bến bờ ? Chưa bao giờ anh có những ý nghĩ mông lung không định hướng như lúc này. Ngồi cạnh anh là một trung úy Mỹ trẻ tuổi, và chung quanh đa số hành khách là quân nhân Mỹ trở về sau khi mãn hạn phục vụ ở Nhật hay Đai Hàn. Đối với quân nhân trẻ phục vụ ở ngoại quốc, còn đề tài nào hấp dẫn hơn gái đẹp bản xứ để ồn ào đủa cợt với nhau trên chuyến bay đường dài. Sơn Điền nghe mà nóng rát cả mặt. Viên trung úy bắt chuyện cho có chuyện giữa người đồng hành

- Anh người nước nào? - Tôi người Nhật, Sơn ­Điền trả lời. - Anh không muốn nói thêm là công dân Mỹ gốc Nhật. Nói như thế cũng không gỡ được chút thể diện nào mà còn tỏ ra hèn nhát. - Anh là người Nhật mà nói tiếng Mỹ thật lưu loát. Viên trung úy khen.

Sơn­ Điền lạnh toát người khi chợt nhận ra một sự thật. Người Nhật không chấp nhận anh, vì anh không biết nói tiếng Nhật và thiếu Nhật tính. Còn người Mỹ thì chỉ coi anh là một người Nhật nói thông thạo tiếng Mỹ. TA LÀ AI? Sơn­ Điền tự hỏi. Tại sao có những cặp mắt soi bói của bạn học khi nghe Nhật tấn công hay đầu hàng? Phải chăng vì ta là người Nhật? Tại sao ta bị người tài xế taxi mắng nhiếc? Phải chăng vì ta là người Nhật nhưng chỉ nói được tiếng Mỹ? Sơn ­Điền không xác định được cho mình một căn nguyên lý lịch rõ ràng. Từ những vấn nạn đó, anh nhận thức được rằng: Người Nhật sinh sống ở ngoại quốc không thể nào từ bỏ mối liên hệ với đất mẹ, đồng thời cũng không thể không chấp nhận một thực tại, ảnh hưởng của đời sống nơi xã hội mình đang dung thân. Rõ ràng là cần phải giữ cội rễ của mình và hội nhập vào xã hội mới, chứ không đồng hóa hoàn toàn..

Khác với quan điểm của phụ thân, Sơn­ Điền vạch cho mình một đường đi lối về, đi vào xã hội Mỹ và về với Nhật Bản. Anh hăng hái hoạt động cho chủ trương đó, nỗ lực học tiếng Nhật, tích cực xây dựng cộng đồng Nhật Bản trên cơ sở duy trì truyền thống và văn hóa Nhật.

Cộng đồng Nhật Bản đã phát triển mạnh ở Mỹ. Họ đã thành công trên nhiều lãnh vực kể cả trong địa hạt chính trị. Sự hiện diện của một bộ trưởng gốc Nhật trong nội các của Tổng Thống George W. Bush là một bằng chứng cụ thể. Tuy thế, trong mọi hoàn cảnh và cương vị, không một người Nhật nào phủ nhận mình là con cháu của Thái Dương Thần Nữ.

Chuyện của mình

Do một cơ duyên đưa đẩy ngoài ý muốn lúc ban đầu, tôi định cư ở Đan Mạch kể từ mùa đông năm 1982. Trước đây ít người Việt biết đến Đan Mạch, có biết chăng chỉ biết danh xưng một cách mơ hồ. Cách đây không lâu, đài truyền hính Đan Mạch thực hiện một cuộc phỏng vấn trên đường phố New York. Nhiều người Mỹ không biết vị trí địa dư của nước này trên thế giới, có người cho Đan Mạch là thủ đô của Thụy Điển.

Đan Mạch là một nước quân chủ lập hiến với dân sộ 5,3 triệu và diện tích 44.000km2. Đứng đầu ngành hành pháp là NỮ Hoàng Margrethe II. Thực tế, thủ tướng là nguyên thủ quốc gia. Quốc Hội Đan Mạch độc viện, bầu cử theo thể thức đa số tỉ lệ. Thể thức bầu cử này phản ảnh được nhiều khuynh hướng chính trị khác biệt của nhiều đảng phái. Bất cứ đảng nào đạt được số phiếu theo tỉ lệ tối thiểu đã ấn định so với tổng số phiếu bầu, đều có đại biểu nhiều hay ít ở Quốc Hội. Vì vậy mà nó phản ảnh được tính đa nguyên trong sinh hoạt chính tri. Quốc Hội được gọi bằng tiếng Đan Mạch với một danh từ kép FOLK + TING = FOLKETING. FOLK có nghĩa là Nhân Dân, TING là đồ vật hay vấn đề. Mẫu tự “e” được sử dụng như một dấu nối. Đúng là một Quốc Hội do Dân và Vì Dân.

Đan Mạch có một chút dây mơ rễ má với Việt Nam. Hoàng tế Henrik là một người Pháp, sinh ra và trưởng thành ở Việt Nam vào thời thuộc địa. Tuy vậy ông Hoàng Henrik chẳng có quan hệ gì với cộng đồng người Việt tị nạn. Một vài tờ báo đăng tải về một số dự án Đan Mạch viện trợ cho Việt Nam và đưa ra giả thiết, do liên hệ xa xưa của ông Hoàng mà những dự án ấy được thực hiện. Quả thực không đúng như vậy. Duới chế độ quân chủ lập hiến, quốc vương hay nữ hoàng chỉ đóng vai trò tiêu biểu đại diện tối cao của quốc gia, không có trách nhiệm về phương diện chính trị. Theo đó Nữ Hoàng Đan Mạch cũng không thể ảnh hưởng đến chính sách, đường lối quốc gia, huống chi là hoàng tế chỉ có vai trò vệ tinh của nữ hoàng.

Người Việt ta thường nói “tay làm, hàm nhai”. Câu nói này chưa sát với thực tế cuộc sống ở Đan Mạch, không làm cũng có ăn. Bằng hình thức này hay hình thức khác, tùy hoàn cảnh, những người không có thu nhập đều đặn được hưởng trợ cấp, có dự trù mức tối thiểu nhà cửa, ăn uống, điện nước, kể cả giải trí… từ khi lọt lòng mẹ cho đến khi nhắm mắt. Không có một hạng người nào mà mạng lưới an sinh xã hội không quan tâm đến… Một người ngoại nhập, khi đã có thẻ thường trú, được cấp một thẻ bảo hiểm sức khỏe, có giá trị không những trong nước Đan Mạch mà khắp các nước trong khối Liên Hiêp Châu Âu. Có nghĩa là đi đến bất cứ nước nào trong khối Liên Hiệp, rủi ro bị tai nạn hay đau ốm, bệnh viện sở tại có bổn phận săn sóc. Phí tổn hai nước liên hệ thanh toán với nhau, bệnh nhân không biết đến. Chính vì vậy mà người Đan vui vẻ đóng thuế lợi tức rất cao để trang trải cho những chi phí an sinh xã hội. Giáo dục hoàn toàn miễn phí ở mọi cấp học. Người dân ở mọi lứa tuổi được cống hiến cơ hội thuận lợi để trau dồi học vấn, không còn cái cảnh “tạc bích tụ huỳnh” hay “cá gỗ” của các hàn sĩ xứ Nghệ ngày xưa.

Ở Đan Mạch phụ huynh và giới trẻ chưa vận dụng đủ hoàn cảnh xã hội thuận lợi để thăng tiến sự học vấn. Sự thuận lợi ấy là phụ huynh không chạy ăn từng bữa toát mồ hôi cho con em ăn học. Ngoài ra, không đóng bất cứ một loại phí tổn nào cho học đường, kể cả ở cấp đại học. Từ 18 tuổi, bất luận gia đình thuộc thành phần nào, nếu còn đi học vẫn được cấp học bổng. Đã có nhiều thanh niên nam nữ Việt Nam thành công, hầu hết theo ngành khoa học, rất ít người theo ngành nhân văn, có thể vì khó khăn về ngôn ngữ. Nhưng tỉ lệ người thành đạt so với lứa tuổi còn quá khiêm nhường. Ngoài những khó khăn về ngôn ngữ, còn có nhiều nguyên nhân xa và gần khác. Môt xã hội có đời sống được bảo đảm quá an toàn sẽ làm thui chột ý chí đấu tranh sinh tồn, là lực cản của chí tiến thủ. Một yếu tố nội tại không nâng giới trẻ và cộng đồng Việt Nam tại Đan Mạch lên ngang tầm vóc với giới trẻ và cộng đồng Việt Nam ở nhiều quốc gia khác là “chủng loại xã hội” của cộng đồng.

Trước năm 1975, nhiều nước như Anh, Pháp, Mỹ, Đức. Úc, Gia­ Nã Đại… công nhận giá trị tương đương văn bằng Việt Nam nơi có nhiều sinh viên đến du học và có nhiều người Việt sinh sống. Tuy họ sống còn rời rạc, nhưng là nền móng đầu tiên cho cộng đồng về sau. Sau năm 1975, phần nhiều “người Việt có máu mặt” cũng đến định cư ở những nước này. Biến cố trọng đại 1975 đã lay chuyển tận gốc rễ từng gia đình, từng cá nhân, đã biến nhiều ông thành thằng và nhiều thằng thành ông. Người ta có thể thành công trên nhiều lãnh vực mà không cần đến một trình độ học vấn cao. Tuy không thể lấy văn bằng làm thước đo cho sự thành công, nhưng giáo dục luôn luôn là chiếc chìa khóa để mở nhiều cánh cửa. Cộng đồng Việt Nam tại Đan Mạch còn mới mẻ, tuy ít người nhưng thành phần xã hội quá đa dạng, lại thiếu hẳn yếu tố nhân sự tiên khởi nên chưa có thể bắt kịp các cộng đồng ở những quốc gia khác.

Các nước Tây phương đã đạt được một nền dân chủ tự do rất cao. Tuy vậy vẫn còn nhiều khác biệt trong việc thực thi. Tự do dân chủ không phải chỉ được xác định trong hiến pháp, để rồi có những công dân tự do sống trong những tòa nhà tráng lệ, trong khi nhiều công dân khác tự do chui rúc dưới gầm cầu, trên hè phố… Tự do dân chủ chỉ có một ý nghĩ đich thực khi chính quyền tạo cơ hội thuận lợi cho công dân được hưởng quyền tự do dân chủ ấy. Vì vậy mà ở một chừng mực nào đó nên có sự quân bình xã hội. Đan Mạch không có những ông vua sắt, vua thép, vua dầu hỏa… nhưng họ tự hào với một xã hội rất ít người giàu, nhưng người nghèo lại càng ít hơn. Nhìn vào sinh hoạt chính trị và xã hội Đan Mạch cũng như các nước Bắc Âu, ta có thể nói đó là những nước “tư bản theo định hướng siêu xã hội chủ nghĩa”.

Có chừng trên 17.000 người Việt tị nạn ở Đan Mạch. Con số này có thể thiếu chính xác. Số thống kê công bố hằng năm của Hội Đồng Tỵ Nạn về các sắc dân ngoại nhập thấp hơn con số thực tế. Những người đã nhập quốc tịch không nằm trong bản thống kê. Có lẽ chính quyền Đan Mạch muốn hạ thấp số thống kê để người Đan không có cảm tưởng xã hội phải cưu mang quá nặng nề. Đối với người Đan, cộng đồng Việt Nam được tiếng tốt vì tính siêng năng, cần cù, an phận thủ thường và ít vi phạm tệ nạn xã hội “lộ thiên” trắng trợn như giới trẻ quá khích của nhiều sắc dân khác. Những tệ nạn xã hội “không lộ thiên” nảy sinh do hoàn cảnh sinh sống và khe hở của pháp luật. Thu nhập của một người độc thân có công ăn việc làm, tùy công việc, cao hơn trợ cấp xã hội nhiều. Nếu có gia đình, con cái mà chỉ một người đi làm thì lương bổng thấp hơn trợ cấp xã hội cho toàn gia đình. Trong trường hợp này phải đến văn phòng xã hội khai báo có chứng từ lương bổng để xin một khoản bù trừ. Tuy vậy vẫn có người chịu khó thức khuya dậy sớm để đi làm, tránh mặc cảm ăn bám. Chọn thất nghiệp là giải pháp phổ biến nhất, vừa khỏe lại không bị rắc rối giấy tờ khai báo. Có một số li dị dàn cảnh để vợ chồng có thu nhập riêng cao hơn. Người đàn bà đơn lẻ mà có con được xã hội quan tâm đặc biệt. Trên mặt pháp lý vợ chồng phải ra riêng, thực tế gia đình vẫn đề huề sum họp.

Theo luật ngoại kiều, một người ngoại nhập được cấp thường trú có thể bảo lãnh người hôn phối, cha mẹ trên 60 tuổi và con cái dưới 18 tuổi. Luật này đã bị di dân và người tị nạn triệt để lợi dụng, tạo ra tình trạng buôn người và buôn bán hôn nhân một cách hợp pháp. Một người độc thân trở về cố hương để cưới vợ lấy chồng theo nhu cầu hôn nhân thì chẳng nói làm chi. Có những trường hợp cưới hỏi theo đơn đặt hàng, được ấn định giá cả hẳn hoi. Có những trường hợp vì lòng tham, vợ chồng thỏa thuận với nhau li dị trên mặt pháp lý, về nước cưới một cặp vợ chồng đã li dị dàn cảnh để được bảo lãnh, ông nọ bảo lãnh bà kia, bà nọ bảo lãnh ông kia… Có đôi trường hợp trục trặc, lộng giả thành chân, gia đình ly tán. Người tị nạn tự làm cho mình vong thân trong khi xã hội tạm dung khuyến khích họ nên giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc. Nhằm mục đích đó, luật Đan Mạch cho phép người di dân và tị nạn được học tiếng mẹ đẻ từ 3 đến 5 giờ mỗi tuần, giáo chức được trả lương. Ngày nay, để tránh sự thâm thủng ngân sách, việc dạy tiếng mẹ đẻ tùy theo khả năng của mỗi địa phương. Nhiều địa phương đã bỏ việc này. Tuy vậy, vẫn có nhiều đồng hương tình nguyện dạy Việt Ngữ cho con em. Cánh tay nhân ái còn vươn dài đến nhiều nước để nuôi dưỡng những ai tình nguyện muốn trở về quê hương.

Một dân biểu Đan Mạch đã đệ trình Quốc Hội dự thảo Luật Hồi Hương, được thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2000. Lời dẫn nhập kèm bản dự thảo đầy tình người. Dân biểu tác giả bản dự thảo đã phân tích tâm lý, hoàn cảnh của người sống trong một đất nước xa lạ với nhiều sự khác biệt, từ phong thổ, khí hậu đến văn hóa và lối sống hằng ngày, nhất là đối với những vị cao niên. Vì vậy cần tạo điều kiện cho những ai muốn trở về để có thể sống trọn đời thoải mái hơn ở chính quê hương của họ. Qua thời gian luật này có nhiều thay đổi, nhưng nói chung, ngưới tị nạn hồi hương không gặp khó khăn trong cuộc sống hằng ngày. Điều đặc biệt là trong vòng một năm kể từ ngày rời Đan Mạch, nếu cảm thấy cuộc sống ở quê nhà không thích hợp, được sử dụng Quyền Hối Tiếc, xin trở lại Đan Mạch. Nhưng quyền này chỉ được phép sử dụng một lần. Mới đây phong thanh một nguồn tin phát xuất từ chính quyền như thả một cái bong bóng để đo lường dư luận. Nhà nước sẽ cấp một khoản tiền tương đương 20.000USD và phí tổn chuyên chở, chỉ một lần, cho những ai không có quốc tịch Đan Mạch muốn hồi hương. Đề nghị này có tính khả thi, vì nếu được thực thi nó sẽ tiết kiệm nhiều cho ngân sách quốc gia Đan Mạch. Số tiền này chỉ đủ cung cấp cho một người lớn tuổi hưởng trợ cấp trong vòng một năm rưỡi, chưa kể tiền thầy, tiền thuốc, tiền bệnh viện… khi đau ốm. Các sắc dân khác đã đánh tiếng từ chối, nhưng nhiều người Việt cao niên rất quan tâm đến đề nghị này.

Nếu quan niệm một cách giản dị, sống là tồn tại với thời gian thì không nơi nào bằng Đan Mạch có đất lành cho chim đậu. Nhưng lẽ sống vốn phức tạp nên con người, ngoài những nhu cầu thiết thực cho đời sống hằng ngày, còn có những ưu tư khác. Trong cuộc sống của người lưu vong, không có sự mất mát nào lớn lao bằng sự mất mát tình tự quê hương và dân tộc. Gia đình tôi rất hâm mộ bóng tròn, ít khi bỏ qua một trận đấu giữa hội tuyển quốc gia Đan Mạch và hội tuyển của một nước khác. Diễn biến của trận đấu được biểu lộ trên nét mặt người xem. Một chút vui lây hay thoáng buồn tùy theo kết quả trận đấu. Âu đó cũng chỉ là tâm lý thông thường ”ăn cây nào rào cây ấy”. Có lần tôi cùng năm ba đồng hương xuống Đức xem trận đấu giao hữu giũa hội tuyển hai nước. Trong sân vận động, chúng tôi gặp một số khán giả đồng hương định cư ở Đức. Họ cùng với người Đức reo hò: Deutchland! Deutchland! Trong khi chúng tôi cùng người Đan Mạch thì: Danmark! Danmark! Quê hương Việt Nam xa vời vợi. Chúng tôi thiếu tình tự quê hương chân thật nên phải vay mượn của nước tạm dung để biểu lộ tình cảm của mình. Chúng tôi ngồi gần nhau, chuyện trò với nhau nhưng trong tâm tư như có một cái gì ngăn cách. Và trong những lúc đó, điều đáng buồn là mẫu số chung Việt Nam hoàn toàn mờ nhạt.

Tôi kể chuyện người ta và chuyện của mình để tự nhắc nhở, trong cách suy nghĩ và hành động làm sao tìm được hai đường về: về với bản lai diện mục của tự thân và về với tình tự dân tộc để tìm cho ra câu trả lời cho câu hỏi: TÔI LÀ AI ?

Nguyễn Đức Giang


--

1 nhận xét:

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...