Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2020

Giai Thoại Văn Chương : BẠC TÌNH NỔI TIẾNG ĐƯỜNG THI

 Tằng kinh thương hải nan vi thủy,  曾經滄海難爲水,
                                Trừ khước Vu sơn bất thị vân.        除卻巫山不是雲。

        Hai câu thơ trên có nghĩa : 
                                              Chẳng là biển rộng không là nước,
                                              Trừ bỏ Vu Sơn chẳng phải mây !

        Ý của lời thơ là :"Nếu không phải là nước của biển xanh mênh mông thì không phải là nước.  Ngoại trừ những mây mù trên đỉnh Vu Sơn ra, còn lại đều không phải là mây !"  Tác giả  là NGUYÊN CHẨN một đại văn thi sĩ đời Đường đã làm thơ khóc vợ với 2 câu thơ trên. Ý của ông là :"Ngoại trừ vợ ông ra, thì không có người đàn bà nào trên đời nầy đáng cho ông yêu nữa cả !". Chung tình đến thế, yêu vợ đến thế là cùng. Nhưng ... khóc vợ chết thì nói thế, chứ đời sống thực tế của ông thì ông là ... KẺ BẠC TÌNH NHẤT trong tất cả những đàn  ông bạc tình ở trên đời nầy ! Mời đọc tiểu sử của ông dưới đây sẽ rõ ...

Chờ đợi mõi mòn, cuối cùng nàng cũng được tin : Mặc dù chàng thi rớt, nhưng lại được quan lớn hai đời là Kinh Triệu Doãn Vi Hạ Khanh biết đến tài, tin tưởng rằng Nguyên Chẩn sẽ phát tích trong tương lai, nên mới gã cho cô con gái út là Vi Tùng. Nên chàng lưu lại đất Trường an để chờ đợi khoa thi sau.

      Vi Tùng 韋叢 tự là Huệ Tùng 蕙叢, mặc dù là tiểu thơ con nhà quan nhưng rất hiền thục, không ham phú quý hư vinh, hết lòng thương yêu chăm sóc và giúp đỡ cho chồng dùi mài kinh sử để chờ đợi khoa thi. Thế mà khi Nguyên Chẩn đã thi đậu làm quan lớn rồi thì Vi Tùng lại vắn số chết đi khi mới vừa 27 tuổi. Trong ba bài thơ KHIỂN BI HOÀI 遣悲懷 làm để điếu tang vợ, thì bài thứ nhất Nguyên Chẩn đã tả lại cảnh chịu thương chịu khó của vợ như sau :

              謝公最小偏憐女,   Tạ công tối tiểu thiên lân nữ,
              自嫁黔婁百事乖。   Tự gía kiềm lâu bách sự quai.
              顧我無衣搜藎篋,   Cố ngã vô y sưu tẫn giáp,
              泥他沽酒拔金釵。   Nệ tha cô tửu bạt kim thoa.
              野蔬充膳甘長藿,   Dã sơ sung thiện cam trường hoắc,
              落葉添薪仰古槐。   Lạc diệp thiêm tân ngưỡng cổ hoài.
              今日俸錢過十萬,   Kim nhật bổng tiền qúa thập vạn,
              與君營奠復營齋。   Dữ quân doanh điện phục doanh trai.
Có nghĩa
Gái út Tạ công được mến yêu,
                          Gã cho hàn sĩ lắm tiêu điều.
                          Lo ta áo cũ moi rương nát,
                          Vì mỗ rượu ghiền bán lược yêu.
                          Rau cháo đỡ lòng ăn xí xóa,
                          Lá cây làm củi ước rơi nhiều.
                          Nay ta bổng lộc hơn mười vạn,
                          Phúng điếu mong nàng sớm độ siêu !

       Tình nghĩa vợ chồng thật thắm thiết mặn nồng, đọc thơ ai dám bảo đây là ông chồng phong lưu lãng tử bạc tình ? Ấy thế, mà trong khoảng thời gian vợ nằm bệnh cũng chính là thời gian Nguyên Chẩn đang dan díu với Đệ nhất Nữ Tài Tử đời Đường là Tiết Đào 薛濤, khi ông đang giữ chức Án Sát Ngự Sử ở đất Tây Xuyên. Thế mà lại khóc vợ thảm thiết với 2 câu thơ để đời thiên cổ đã nêu ở đầu bài : 

                         Tằng kinh thương hải nan vi thủy,  曾經滄海難爲水,
                         Trừ khước Vu sơn bất thị vân.        除卻巫山不是雲。

       Rất nhiều người thắc mắc là : Không biết hai câu thơ trên đây Nguyên Chẩn làm để khóc vợ hay khóc cho mối "tình chị em" nhưng không kém phần say đắm với Tiết Đào, hay là khóc cho tiểu thơ Thôi Oanh Oanh đang mõi mòn chờ đợi ở dưới Mái Tây. Chỉ biết không chỉ Tiết Đào mê đắm Nguyên Chẩn mà Nguyên Chẩn cũng rất say mê bà chị ca kỹ tài danh lớn hơn mình đến 11 tuổi nầy, chàng đã vắt óc tổn hao tâm tư để viết nên một bài thất ngôn luật thi để "Ký Tặng Tiết Đào 寄贈薛濤" như sau :

             錦江滑膩蛾眉秀,    Cẩm Giang hoạt nhị nga mi tú,
             幻出文君與薛濤。    Huyễn xuất Văn Quân dữ Tiết Đào.
             言語巧偷鸚鵡舌,    Ngôn ngữ xảo thâu anh vũ thiệt,
             文章分得鳳凰毛。    Văn chương phân đắc phụng hoàng mao.
             紛紛辭客多停筆,    Phân phân từ khách đa đình bút,
             個個公卿欲夢刀。    Cá cá công khanh dục mộng đao.
             別後相思隔煙水,    Biệt hậu tương tư cách yên thủy,
             菖蒲花發五雲高。    Xương bồ hoa phát ngũ vân cao.

    Có nghĩa :
Cẩm Giang làm mượt nga my,
                  Có Tiết Đào đẹp thua gì Văn Quân.
                  Nói năng anh vũ hót xuân,
                  Văn chương phụng múa xa gần đều khen.
                  Văn nhân chẳng dám đua chen,
                  Công hầu đều phục mấy phen mộng hồn.
                  Chia thay nhung nhớ bồn chồn,
                  Xương bồ hoa tỏa ngát hơn mây trời !
         
         Nhưng hạnh phúc lại chẳng dài lâu, chỉ vỏn vẹn đến với nàng trong 3 tháng. Vì tháng 7 năm đó, chàng Giám Sát Ngự Sử Nguyên Chẩn lại được lệnh vua điều đến Lạc Dương. Tiết Đào vô cùng thất vọng, nàng như hụt hẫng khi hạnh phúc vuột khỏi tầm tay. Cũng may là sau đó ít lâu thì lại nhận ngay được thơ của Nguyên Chẩn tỏ tình lưu luyến nhớ thương. Cứ thế tình yêu của lứa đôi tuy xa cách phương trời, nhưng lại được trải lòng trên những câu thơ trăm nhớ ngàn thương của thư đi tin lại. Chính thời gian nầy Tiết Đào đã nghĩ ra việc sáng chế một mẫu giấy chỉ đủ để chép một bài thơ cho gọn đẹp, đó là TIẾT ĐÀO TIÊN 薛濤箋 và sáng chế nầy còn lưu truyền mãi cho đến hiện nay. Nhưng rồi người tình tài hoa trẻ tuổi đẹp trai cũng bặt vô âm tín, mặc dù thơ của Tiết Đào đã gởi đi mấy lượt :

              風花日將老,  Phong hoa nhựt tương lão,
              佳期猶渺渺。  Giai kỳ do miễu miễu.
              不結同心人,   Bất kết đồng tâm nhân, 
              空結同心草.   Không kết đồng tâm thảo.
  Có nghĩa :
Gió đưa hoa rụng về đâu,
                Giai kỳ biết đến khi nào gặp đây ?
                Đồng tâm người ở chân mây,
                Đồng tâm cỏ kết còn đây rành rành.
       
       Cuối xuân năm Nguyên Hòa thứ 6 (811), Nguyên Chẩn đến Giang lăng thăm bạn đồng liêu là Lý Cảnh Kiệm. Kiêm biết Chẩn vừa mới chết vợ, đời sống neo đơn, không ai chăm sóc cho cái ăn cái mặc, bèn làm mai biểu muội của mình là An Tiên Tần 安仙嬪 gã cho Nguyên Chẩn làm trắc thất (vợ lẽ). Cũng trong năm đó, Tễ Tướng Bùi Độ qua đời, Nguyên Chẩn mất đi chỗ dựa, bèn theo Kinh Nam Tiết Độ Sứ đi chinh phạt một nhóm dân tộc thiểu số đứng lên bạo động làm phản ở Hồ Nam. Chỉ được mấy năm An Tiên Tần cũng cởi hạc quy tiên ở Giang Lăng, sau khi để lại cho Nguyên Chẩn một đứa con. Chàng cũng đã thương nhớ người thứ thất nầy qua ba bài thơ "Giang Lăng Tam Mộng 江陵三夢" với các câu như :

               平生每相夢,   Bình sinh mỗi tương mộng,
               不省两相知。   Bất tỉnh lưỡng tương tri.
               况乃幽明隔,   Huống nãi u minh cách,
               夢魂徒尔为。   Mộng hồn đồ nhĩ vi.
     Có nghĩa :
 Bình sinh mỗi lúc cùng mơ,
                    Hai người tri kỷ dật dờ hai phương.
                    Huống nay cách trở âm dương,
                    Mộng hồn ngơ ngẩn người thương đâu rồi !

     Hoặc như :
                    君骨久为土,   Quân cốt cửu vi thổ,
                    我心長似灰。   Ngã tâm trường tự hôi.
                    百年何处尽,   Bách niên hà xứ tận,
                    三夜夢中来。   Tam dạ mộng trung lai.
    Có nghĩa 

                     Xương nàng đã hóa bụi hồng,
                     Tim ta cũng tắt lửa lòng từ lâu.
                     Trăm năm nào có gì đâu,
                     Ba canh hồn mộng đêm sầu khôn vơi !

      Sầu thảm khóc thương thê thiếp thì nói thế chớ không phải thế. Mùa xuân năm Nguyên Hòa thứ 11 (816) Nguyên Chẩn 37 tuổi, lại được thượng cấp là Sơn Nam Tây Đạo Tiết Độ Sứ Quyền Đức Dự làm mai để cưới một tiểu thơ con nhà khuê các khác là Bùi Thục 裴淑. Bùi Thục là con của ngự sử Bùi Vân, trên đường đi nhậm chức ghé qua ra mắt Quyền Đức Dự, Trong buổi tiệc chiêu đãi Nguyên Chẩn và Bùi Thục phải lòng nhau, nên mới có mối lương duyên nầy. Lần thứ ba tân hôn, Nguyên Chẩn ngây ngất với hạnh phúc tràn đầy bên cô dâu trẻ, mãi đến khi sinh con được ba tháng mới trở về Thông Châu, nhậm chức Quắc Châu Trưởng Sử.

      Tuy đã ba lần kết hôn, hai lần ruồng rẫy người yêu, Nguyên Chẩn vẫn chưa chịu yên thân. Năm Trường Khánh thứ 3 (823) Nguyên Chẩn cải nhậm Thứ Sử Việt Châu kiêm Chiết Đông Quan Sát Sứ. Một lần nữa đi về nơi sông nước, Nguyên Chẩn chợt nhớ đến Tiết Đào, người tình xưa nay đã qúa tuổi năm mươi. Nhưng chưa kịp gặp lại thì đã gặp ngay được nàng ca kỹ, ca linh, ca sĩ nổi tiếng nhất xứ Việt Châu là Lưu Thái Xuân 劉采春. Vốn xuất thân trong giới bình dân, là một cô đào vừa diễn vừa ca, có chồng là Châu Qúy Sùng cũng là một linh công (kép diễn tuồng). Mặc dù tuổi đã gần 30, nhưng phong tư còn yểu điệu, đặc biệt là giọng hát vút cao như bay theo làn gió cuốn vút tận mây xanh, được giới mộ điệu khen tặng là "Bán nhập giang phong bán nhập vân 半入江風半入雲" ( Nửa theo làn gió của sông nước nửa như bay bổng tận mây xanh), nên...
       Khi quan lớn Thứ sử kiêm Quan Sát Sứ Nguyên Chẩn lúc bấy giờ đã ngoại 40, vừa gặp mặt lần đầu đã chết mê chết mệt ngay với cô ca linh tài hoa hương trời sắc nước nầy, quên mất tiêu người tình cũ Tiết Đào vẫn còn đang làm thơ chép trên giấy "Tiết Đào Tiên" để gởi đến cho mình lời thơ nhung nhớ. Nguyên Chẩn "rước" Lưu Thái Xuân về "dinh" với quan lớn, bỏ lại gánh hát, bỏ chồng bỏ con, bỏ cả vùng sông nước nơi đã hun đúc nên giọng hát thiên phú tài hoa của nàng. Những tưởng cuộc sống giàu sang phú qúy sẽ đem lại hạnh phúc mãi mãi với ông chồng quan lớn lại vừa là thi nhân tài tử đã có những lời thơ ca ngợi giọng hát của nàng như :
               更有惱人腸斷處,    Cánh hữu não nhân trường đoạn xứ,
               選詞能唱"望夫歌"。  Tuyển từ năng xướng VỌNG PHU CA !
  Có nghĩa :
                   Cất giọng khiến người sầu đứt ruột,
                   Chọn từ nên khúc "Vọng Phu Ca"!   
Nào ngờ...
      Cuộc sống tưởng chừng như hạnh phúc sẽ miên trường kia chỉ kéo dài được có 7 năm. Năm Công Nguyên 829, Nguyên Chẩn được điều về Trường An, hồi triều để giữ chức Thượng Thư Tả Thừa. Bỏ lại Lưu Thái Xuân chờ đợi mõi mòn ròng rã suốt hai năm trường. Khi biết ra thì Nguyên Chẩn đã có người yêu khác là Linh Lung, một hồng nhan tì thiếp của Bạch Cư Dị. Thẹn với chồng với con, với đoàn ca kịch, với sông nước Giang Nam... Khoảng năm Công Nguyên 831, Lưu Thái Xuân đã nhảy xuống sông tự trầm để kết liễu đời mình khi chỉ mới hơn ba mươi tuổi...
     Không cần biết là với thủ thuật nào (mua chuộc, ép buộc hay cưởng chiếm...) Ngài quan lớn Nguyên Chẩn vẫn phải chịu trách nhiệm là kẻ phá hoại gia cang người khác, là kẻ bạc tình lang sẵn sàng vứt bỏ người yêu không thương tiếc để chạy theo công danh hoặc chạy theo một bóng hình khác. Sau cô đào Lưu Thái Xuân, Nguyên Chẩn còn một cuộc tình không chính đáng nữa với Linh Lung 玲瓏, một tì thiếp của Bạch Cư Dị...
      Nguyên và Bạch ngoài việc cùng xướng họa văn thơ, và cùng sáng tạo ra thể nhạc phủ "Nguyên Hòa Thể 元和體" ra, ngày thường đôi tri kỷ tri âm nầy còn có một trò chơi vượt ngoài tầm cho phép của Nho Gia là : Cùng trao đổi tì thiếp với nhau. Nên nhân biết Bạch Cư Dị có một nàng tì thiếp là Linh Lung 玲瓏, xuất thân là ca kỷ ở Hàng Châu rất đẹp và nổi tiếng. Nguyên Chẩn bèn tìm gặp, thì qủa nhiên là một giai nhân tài sắc kiêm toàn, bèn "mượn" nàng về nhà để "chi dụng" qua hơn một tháng mới trả lại cho Bạch Cư Dị. Thật là hết nói cho tính phong lưu lãng tử buông thả không câu nệ của cặp đôi bằng hữu nầy, đã dám vượt lên trên lễ giáo để đi trước thời đại.

Về phần Nguyên Chẩn, suốt một đời phong hoa tuyết nguyệt, thưởng ngoạn biết bao là non xanh nước biếc, rượu ngon gái đẹp. Chàng lãng tử nổi tiếng là bạc tình nầy vừa thề non hẹn biển với người yêu (Thôi tiểu thơ), vừa làm thơ khóc điếu vợ chết (Vi Tùng), vừa dan díu với đạo cô nữ sĩ (Tiết Đào), vừa về kinh cưới con nhà khuê các (An Tiên Tần), vừa cưới con nhà quyền qúy khi trắc thất An Tiên Tần qua đời (Bùi Thục), rồi khi đến vùng sông nước lại chiếm đoạt phá hoại gia cang người khác (Lưu Thái Xuân), cuối cùng thì lại tằng tịu với tì thiếp của bạn (Linh Lung)... Qủa là tiêu biểu cho một kẻ...

      BẠC TÌNH nổi tiếng trong ĐƯỜNH THI, không còn phải biện minh gì nữa cả !

      Hẹn bài viết tới :

                             " NGUYÊN CHẨN : Người chồng khóc vợ chân tình nhất !"


                                                                                                            杜紹德
                                                                                                        Đỗ Chiêu Đức


               🌻 Giai Thoại Văn Chương Nga,Nga,Nga

1 nhận xét:

  1. Ở Nguyên Chẩn giữa thơ và thực tế là hoàn toàn khác nhau mà

    Trả lờiXóa

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...