Tác giả: Tôn Thất Thông, tháng 6.2020
Vừa mới giảm hạn chế tiếp xúc, ở Đức đã xảy ra nhiều ổ dịch Covid-19 trong các lò mổ thịt (abattoir) từ nam chí bắc. Trong lúc điều tra, các ký giả chuyên nghiệp phát hiện và đưa ra công luận một sự thực kinh hoàng khác, đáng quan tâm hơn cả Covid-19, ấy là điều kiện làm việc và sinh sống của công nhân mổ thịt, mà tuyệt đại đa số là lao động lương thấp đến từ các xứ nghèo ở Đông Âu. Vào thế kỷ 21, trong một đất nước giàu có bậc nhất châu Âu, mà vẫn tồn tại tình trạng sinh sống thiếu nhân phẩm như thế, nó nói lên điều gì?
Thợ Đông Âu trong các lò mổ thịt
(Nguồn tin lấy từ các báo online hàng ngày đáng tin cậy: Spiegel, Focus, Zeit, Welt, NZZ, Tagesschau, Heute).
Chỉ hai tuần sau khi lệnh giãn cách được nới lỏng, hàng loạt lò mổ thịt ở Đức trở thành những ổ dịch gây chấn động: Thí dụ Westfleisch ở Coesfeld với 250 ca nhiễm, Vion ở Bad Bramstedt với 110, Müller Fleisch ở Birkenfeld với 300, nhiều xí nghiệp thuộc tập đoàn Wiesenhof với 525 ca nhiễm v.v… và chấn động nhất gần đây là công ty Tönnies ở Rheda, ngoại thành Gütersloh với 1553 ca dương tính (ngày 23.6), đấy là chưa kể còn 2000 nhân viên chưa thử xong.
Tönnies là lò mổ thịt lớn nhất của Đức, chiếm 30% công suất sản xuất thịt toàn quốc, mỗi năm mổ hơn 18 triệu con lợn. Tönnies có tổng cộng 6500 nhân viên, đại đa số thợ đến từ Đông Âu, đặc biệt là trong phân đoạn giết lợn, xẻ và phân loại thịt. Những nhóm thợ đông nhất bao gồm 2500 người từ Romania, 1500 từ Ba Lan, 500 từ Bulgaria. Tổng số thợ Đông Âu chiếm hết 80% toàn bộ nhân viên công ty. Khổ thay, họ không phải là nhân viên ăn lương của Tönnies, mà được những công ty môi giới lao động gởi đến làm việc theo thời vụ và theo nhu cầu của Tönnies. Họ làm việc dưới những hợp đồng hết sức tồi tệ với các môi giới lao động. Nhiều người không hề có một hợp đồng nào trong tay.
Trong công ty Tönnies, những người thợ này chịu áp lực của điều kiện làm việc rất khắc nghiệt, nhiệt độ từ 6 đến 10˚C, đứng ngồi san sát, làm việc không ngừng nghỉ để theo kịp dây chuyền sản xuất nhanh, lệnh của công ty môi giới là: không ai được phép nghỉ bệnh. Ít khi họ làm việc dưới 10 giờ trong ngày, có lúc lên đến 15, 16 giờ. Tất nhiên, họ đều ghi vào bảng giờ làm việc, nhưng cuối tháng ít người nhận được tiền phụ trội nào. Tình trạng tồi tệ đó cũng không lạ gì đối với chính quyền. Báo cáo tổng kết năm 2019 của bang NRW „Tổng khảo sát: Lao động công bằng trong ngành thịt“ cho chúng ta một bức tranh ảm đạm, thiếu nhân phẩm trong ngành công nghiệp này. 85% các công ty mổ thịt được khảo sát đều bộc lộ tình trạng tồi tệ khắp nơi. [Tải báo cáo ở đây để xem: https://www.dnevnik.bg/file/4033147.pdf].
Nhưng đấy chỉ là bề mặt nổi. Tảng băng chìm chưa ai làm báo cáo mới là bức tranh khủng khiếp hơn. Mặc dù về mặt chính thức, người thợ được hưởng lương tối thiểu theo luật định, nhưng những cáo già môi giới có đủ mánh khóe để qua mặt luật pháp. Ngoài ra, họ đòi thợ Đông Âu đủ mọi thứ chi phí: phí môi giới được trừ vào lương hàng tháng, tiền thuê nhà, phí chuyên chở đến chỗ làm, phí áo quần bảo hộ lao động, và người thợ … phải mua của người môi giới một tấm đệm để có chỗ ngủ. Tất cả đều theo một bảng giá trên trời dưới biển. Thí dụ: mỗi người thợ phải mua tấm đệm hạng bét với giá 300€ (giá thị trường: 100€).
Tồi tệ nhất là tình trạng ăn ngủ của người thợ. Một nữ ký giả đã khóc òa khi vào khảo sát phòng ngủ của 8 người thợ người Romania. Đó là căn phòng 20 mét vuông chỉ có một cửa sổ, với 8 tấm đệm cá nhân xếp san sát bên nhau, diện tích còn lại là đường đi chỉ đủ cho một người. Căn phòng nồng nặc một mùi hôi thối khó biết từ đâu: mùi thịt bám hàng ngày vào áo quần, mùi mồ hôi của 8 con người lao động lực lưỡng, mùi ẩm mốc từ vách tường, mùi thối từ các tấm đệm lâu ngày không được tẩy rửa. Mỗi người thợ phải trả tiền chỗ ngủ như thế cho công ty môi giới lao động 300€ mỗi tháng, tức họ thu được 2400€ tiền thuê mỗi tháng. Để so sánh: với một căn phòng trung lưu trong khu phố trung bình ở Berlin, người thuê trả khoảng 8€ mỗi mét vuông, cộng thêm mọi thứ phụ phí, mỗi tháng cũng chỉ trên dưới 350€ với một căn phòng 20 mét vuông có trang bị vệ sinh đạt tiêu chuẩn.
Trong điều kiện làm việc sinh sống như thế, người thợ mổ thịt nhận lương ròng khoảng 900-1200€ mỗi tháng! Nhưng cũng dễ hiểu, tại sao họ chịu làm việc dưới điều kiện như thế: Đối với một vài nước Đông Âu, như người Romania, họ chỉ cần đi làm „thợ khách“ ba tháng là có thể nuôi gia đình một năm. Họ đã bỏ lại gia đình con cái ở quê nhà, sang xứ Đức làm việc cực khổ dưới điều kiện không khác gì nô lệ, làm những công việc mà người bản địa không muốn ngó ngàng tới. Họ bị các môi giới bóc lột tận xương, chỉ vì họ không biết ngôn ngữ và luật lệ địa phương. Ai hưởng lợi trong hệ thống nô lệ hiện đại này?
Chúng ta thử tính sổ xem: Trước hết là người chủ hãng. Họ luôn luôn có thợ lương thấp và không lo lắng gì về đình công bãi thị đòi tăng lương, không bị ràng buộc trong luật sa thải lao động: khi cần thợ thì ra biên giới đón về, khi ít việc thì có thể sa thải qua đêm; Thứ hai, người môi giới lao động. Số tiền chênh lệch giữa lương trả cho thợ và hóa đơn đưa công ty vốn rất cao khó lòng trưởng tượng, nhưng đó chỉ là một phần nhỏ. Tính hết tất cả những phí dịch vụ để „phục vụ“ cho thợ ngoại quốc, một người môi giới có thể thu được trên một triệu Euro với không quá 50 người thợ làm theo hợp đồng với các lò mổ. Mạng lưới môi giới này tổ chức không kém Mafia, hoạt động quốc tế đến từng làng quê hẻo lánh nhất của các nước nghèo. Sống với phương tiện hiện đại, nhưng họ vẫn mang trong người bản chất thú vật của người buôn nô lệ thế kỷ 15, 17. Thứ ba, chính quyền sở tại. Qua thợ rẻ tiền, nền kinh tế của Đức được vận hành tốt, bảo đảm GDP tăng lên không ngừng, xuất khẩu được gia tăng, thu được nhiều thuế. Cho nên, mặc dù biết rõ tình trạng tồi tệ trong các lò mổ thịt, họ vẫn làm ngơ, ngày nào tình trạng đó chưa bị phơi bày ra ánh sáng. Và thứ tư, người tiêu thụ đầu cuối như chúng ta cũng tham gia vào vở kịch ấy. Chính nhờ những người thợ Đông Âu, mà chúng ta có được thịt ngon với giá rẻ mạt. Làm sao chúng ta mua được thịt heo hạng nhất với giá 10€ mỗi kí lô, nếu không có những người thợ rẻ tiền từ Đông Âu? Chúng ta đều hưởng lợi trên sự bóc lột lao động và trên điều kiện sống thiếu nhân phẩm của thợ mổ thịt.
Cũng may là Covid-19 đã soi sáng phần nào mặt trái của xã hội chúng ta đang sống.
Ôn lại lịch sử hậu chiến
Về tình trạng tồi tệ thiếu nhân phẩm của thợ ngoại quốc tại Đức, chúng ta đã biết từ giai đoạn phục hưng kinh tế hậu chiến. Thuở đó trong thập niên 1960, Tây Đức còn nghèo, đang trên đường cải thiện cuốc sống vật chất, thu nhập đầu người chỉ mới 5000 DM mỗi năm (bây giờ: 40.000€ hay 80.000 DM). Chính mấy triệu thợ ngoại quốc đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao phồn vinh của Tây Đức. Các lãnh đạo chính trị không ngớt lời ca ngợi sự đóng góp của họ vào nền kinh tế, nhưng sau hậu trường, đời sống của họ cũng hết sức tồi tệ thiếu nhân phẩm. Xin trích dẫn vài trang trong cuốn „Thần kỳ kinh tế Tây Đức giai đoạn 1949-1969“ để độc giả có hình dung và so sánh với thời hiện đại (xem thêm sách bên dưới, trang 124-140).
Một triệu con người này trong thị trường lao động Đức đã góp phần làm cho nền sản xuất chúng ta tiếp tục đi lên, vật giá chúng ta ổn định và vị trí của chúng ta trên thị trường thế giới được củng cố. Vai trò của những người thợ khách[1] trên thị trường lao động trong những năm tới chắc chắn sẽ còn quan trọng hơn.
Bộ trưởng lao động Theodor Blank, năm 1964.
Những người thợ ngoại quốc này là ai, nguồn gốc thế nào, đến Đức với động cơ gì? Dorte Huneke tóm tắt như sau về những người thợ ngoại quốc gốc Thổ Nhĩ Kỳ[2]: „Điểm giống nhau là họ có một hộ chiếu Thổ và một hợp đồng lao động. Ngoài ra thì khác nhau nhiều hơn là giống nhau. Họ đủ loại: đàn ông, phụ nữ, người Thổ gốc Kurds, Zirkan, Laze[3], Hy Lạp, Armenia; họ là tín đồ Cơ Đốc, Do Thái, Hồi giáo giòng Shia, Sunni, Alevi; họ là nông dân, ngư dân, người cộng sản, kẻ quốc gia, đủ loại già trẻ. Hầu hết đều thiếu học, nhiều người không biết chữ. Quan trọng nhất là một thân hình vạm vỡ và không bệnh tật. Hàng triệu người nộp đơn xin đi mặc dù chỉ một phần tư được chấp nhận. Họ ra đi để trốn nạn thất nghiệp tại quê nhà, một đất nước nghèo đói về kinh tế, ngột ngạt về chính trị. Có người hy vọng có cơ hội sống cuộc đời độc lập ra khỏi tù túng của truyền thống gia đình, hoặc hy vọng được theo đại học ở châu Âu. Người khác thì đơn giản trốn chạy nghèo đói, áp bức, hay bị truy lùng vì chính trị. […] Người ta nghe đồn đãi rằng ở đó đất đá cũng bằng vàng hoặc những huyền thoại tương tự về Tây Đức. […] Không ai nghĩ rằng họ sẽ sống lâu dài tại đây. Họ đi làm trong xí nghiệp chỉ để kiếm tiền giúp gia đình, hoặc mua sắm máy móc trữ sẵn trong kho đợi ngày về nước. Vui chơi giải trí là chuyện xa xỉ. Nhiều người thấy không cần học tiếng Đức. Thế mà cuối cùng đa số đều ở lại lâu dài, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác. […] Đến nay trong đầu thế kỷ 21 thì người gốc Thổ thuộc một trong những nhóm thành đạt nhất trong giới làm phim, bác sĩ, doanh nhân. Họ điều khiển chương trình truyền hình Đức, họ là cầu thủ đội bóng quốc gia, họ thành lập sân khấu kịch nghệ, họ đoạt giải thưởng văn chương, họ thành công trong khoa học, họ đại diện cho nước Đức trong quốc hội châu Âu. Đi tiên phong dọn đường cho những thành đạt đó là thế hệ ’thợ khách’ của thập niên 1960“.
Trong vòng vài năm sau hiệp ước đầu tiên với Ý, việc tuyển dụng thợ ngoại quốc còn được tiến hành thận trọng để rút kinh nghiệm; vả lại, công đoàn và giới truyền thông cũng thường lên tiếng chống đối. Bước ngoặc trong thị trường lao động Đức năm 1960 làm thay đổi mọi chuyện. Lần đầu tiên sau chiến tranh, số người thất nghiệp (270.000 người) ít hơn số công ăn việc làm đăng ký tại sở tìm việc (645.000). Cũng là lần đầu tiên nạn thất nghiệp xuống dưới 1%.
Đấy là biểu hiện của toàn dụng lao động lần đầu xuất hiện và còn kéo dài suốt một thập niên. Không ai còn nghi ngờ về tình trạng thiếu hụt lao động cần phải lấp đầy để phục vụ kinh tế.
Trước tình trạng đó, mọi cuộc tranh luận nên hay không nên tuyển dụng lao động ngoại quốc trở thành thừa thãi. Quá hiển nhiên là phải có lao động ngoại quốc mới bảo đảm phát triển kinh tế và nâng cao phồn vinh cho dân Đức. Cũng quá hiển nhiên là phải kiếm gấp một số lượng lớn lao động ngoại quốc mới bảo đảm tốc độ phát triển và bù trừ cho những giảm sút lao động nói trên. Nhật báo Thế Giới (Die Welt) viết năm 1964: „Để phát triển và mở rộng nền kinh tế quốc gia, lao động ngoại quốc vô cùng quan trọng – đúng thế, phải nói là họ không thể thiếu được. […] Những ngành mới phát sinh và những ngành phát triển cực nhanh hoàn toàn phụ thuộc vào sự tăng trưởng lao động ngoại quốc, khi mà tính cơ động của lao động bản xứ không đủ cao để đáp ứng nhu cầu[4]“.
Các hiệp hội công nghiệp cũng thừa nhận rằng yếu tố cơ động là ưu điểm tuyệt đối của lao động ngoại quốc. Các hợp đồng lao động đều rất ngắn hạn. Khi hết hạn hợp đồng một năm mà xí nghiệp không cần nữa thì người lao động ngoại quốc phải cuốn gói về quê[5], công đoàn không quan tâm can thiệp. Một thời gian sau, khi sản xuất đòi hỏi thêm hàng ngàn lao động, xí nghiệp có thể có ngay trong vòng một thời gian ngắn, hoặc tuyển dụng lại người thợ cũ đã quen việc. Đối với người thợ Đức được luật lao động bảo vệ, chuyện như thế khó lòng xảy ra. Người lao động ngoại quốc vì thế được xem như một lực lượng lao động trừ bị, đóng vai trò rất quan trọng trong giai đoạn tái cấu trúc kinh tế, giai đoạn mà sự tăng giảm và chuyển dịch lao động xảy ra rất nhanh.
Ngày 10.9.1964, người thợ thứ một triệu, Armando Rodrigues de Sá từ Bồ Đào Nha, đến Cologne và đối diện bất ngờ với cuộc đón tiếp long trọng mà có lẽ trong đời anh ta không bao giờ thấy. Quà tặng là chiếc xe gắn máy do thị trưởng thành phố Cologne trao tặng tận tay tại nhà ga khi chiếc tàu vừa cập bến. Cũng trong ngày này, bộ trưởng lao động Theodor Blank phát biểu khá đầy đủ về tầm quan trọng đặc biệt của lao động ngoại quốc trong nền kinh tế hậu chiến CHLB Đức.
Ngoài mối lợi lớn lao về kinh tế mà chúng ta dễ dàng nhận thấy qua các thống kê, còn có những mối lợi phi vật chất cũng vô cùng quan trọng cho chính trị, xã hội và ngoại giao Đức. […] Ngoài ra như Bộ trưởng Theodor Blank phát biểu năm 1964: Việc tuyển dụng lao động ngoại quốc đã làm cho việc hợp nhất châu Âu, sự hòa hợp giữa những con người thuộc nhiều nguồn gốc và văn hóa khác nhau trở thành hiện thực.
Lời ca ngợi sự đóng góp của lao động ngoại quốc thập niên 1960 cho nước Đức không hề thiếu. Chúng ta có thể nghe từ những bài diễn văn của các chính trị gia cao cấp, cả báo chí truyền thông cũng không hề tiếc lời khen. Nhưng để tương xứng với những lời khen ngợi công khai đó, chính phủ đương thời không có nỗ lực đầy đủ để hỗ trợ những người mới đến, giúp họ tránh được những thua thiệt trong nghề nghiệp và xã hội, nhất là giúp họ có một cuộc sống đầy đủ nhân phẩm trong một quốc gia văn minh.
Cựu Thủ tướng Helmut Schmidt trả lời trong cuộc phỏng vấn năm 2011: „Người Đức không nhận thức hết những khó khăn nào để hòa nhập người ngoại quốc. Chúng ta không hề có một một hỗ trợ nào cho sự hòa nhập ấy. Cho đến bây giờ cũng thế. Vì thế tôi tự phê phán mình. Và phê phán những người khác. Chúng ta không làm tốt việc ấy. […] Ở trên cùng các cấp bậc chính trị vẫn còn thiếu ý thức và kiến thức về vấn đề này[6]“. Trở lại những thua thiệt của lao động ngoại quốc thời hậu chiến, chúng ta có thể nêu lên vài thí dụ:
1) Về điều kiện làm việc: Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy các nghiên cứu về thị trường lao động đều có chung một kết luận: Đa số thợ ngoại quốc trong những năm cuối thập niên 1960 đều làm việc ở những vị trí thấp trong các lĩnh vực nặng nhọc nhất[7] như hầm mỏ, kỹ nghệ nặng, lắp ráp dây chuyền, xây dựng hoặc… hốt rác thành phố. Lý do được cắt nghĩa như sau[8]: Tình hình phát triển kinh tế mạnh mẽ trong những năm cuối thập niên 1950 đưa đến hậu quả là tình trạng toàn dụng lao động dần dần đạt mức tối ưu[9]. Tình trạng đó cho phép người đi làm có nhiều khả năng chọn lựa về ngành nghề, nơi làm việc cũng như lương tiền. Trong lúc thợ ngoại quốc bị ràng buộc bởi giấy phép lao động [ở một thành phố nhất định, có lúc chỉ trong một xí nghiệp nhất định], thì người Đức hưởng nhiều lợi thế hơn, họ có thể chọn lựa chỗ làm tốt hơn, ngành nghề nhẹ nhàng hơn, hoặc đã thăng tiến lên những vị trí cao hơn. Vì thế trong những năm đầu mới đến, lao động ngoại quốc làm việc tương đối cực nhọc, phải làm những công việc ở tầng thấp nhất trong công nghiệp mà người Đức không thích đảm nhận.
2) Công đoàn: Sự đối xử bất công với thợ ngoại quốc cũng nói lên mặt trái của các công đoàn. Mặc dù công đoàn vốn từ lâu có truyền thống đoàn kết với công nhân bị áp bức, nhưng trong lĩnh vực này thì truyền thống đoàn kết ấy dường như không vượt qua khỏi ranh giới chủng tộc. Qua cuộc đình công tháng 8.1973 tại hãng FORD ở Cologne „một vấn đề lớn bộc lộ rõ là, theo nhận xét của nhiều thợ Thổ Nhĩ Kỳ thì quyền lợi của họ đối với xí nghiệp không được hội đồng công nhân viên bảo vệ đúng mức, mặc dù 90% thợ Thổ Nhĩ Kỳ đều là thành viên của công đoàn[10]. Điều này xuất phát từ thực tế là đơn xin gia nhập công đoàn luôn luôn được kèm theo hợp đồng lao động. Người thợ chỉ việc ký cho xong chuyện. […] Sau khi luật bầu cử hội đồng công nhân viên được ban hành năm 1972, thợ ngoại quốc có quyền ứng cử, nhưng thực tế là 98% thành phần hội đồng đều là người Đức. Có trường hợp một ứng viên người Thổ ở hãng FORD được bầu với 31% số phiếu, cuối cùng cũng không được công nhận“[11].
3) Nhà ở: Đây là vết nhơ tồi tệ nhất trong việc đối xử với thợ ngoại quốc. Trong hợp đồng tuyển dụng có ghi rõ giới chủ nhân phải giải quyết chỗ ở đàng hoàng cho thợ khách, nhưng không quy định rõ rệt chất lượng cho nên các thợ khách phải sống trong những điều kiện hết sức tồi tệ. Hầm tránh bom thời chiến không phải là ngoại lệ, doanh trại quân đội Quốc Xã để lại đã là cao cấp lắm, bên trong nội thất thì hầu như không có gì. Nhiều người phải ra thuê nhà ở ngoài sau một thời gian.
Nhà tư nhân cho thuê thì thế nào? Chúng ta hãy đọc nhật báo Thương Mại (Handelsblatt) tháng 2.1967 về một cuộc khám xét[12]: „Trong một căn phòng chưa tới 15 mét vuông có sáu thợ khách người Thổ và Hy Lạp. Giường chồng kê sát nhau không đủ lối đi. Ở giữa phòng, bên dưới bóng đèn treo lủng lẳng là chiếc bàn được che phủ bởi những tờ nhật báo thay cho khăn trải bàn. Thật vô ích để đi tìm một tấm màn che cửa sổ, nói gì tới một bức tranh treo tường. […] Kiếm không ra chữ để diễn tả phòng vệ sinh. […] Ở một căn nhà khác: Ngay cả trong hầm nhà cũng có sáu người Bắc Phi trong một căn phòng bé tí. Phòng vệ sinh thì bẩn thỉu và hẹp đến độ không quay người được. […] Mỗi phòng loại đó, chủ nhà đòi 480 DM[13]“.
Các chủ nhà tư nhân thu tiền thợ khách gấp mười giá thị trường với điều kiện sống rất thiếu nhân phẩm. Họ đã làm giàu bằng cách lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người thợ khách. Tất nhiên đó chỉ là số rất ít, nhưng sự tồn tại loại người đó trong một xã hội văn minh nói lên điều gì?
Thợ ngoại quốc thì sống như thế, trong lúc CHLB Đức đã xây dựng một chương trình chung cư xã hội tuyệt vời, đã ban hành đạo luật nhà thuê thật ngặt nghèo để bảo vệ người đi thuê. Nhưng họ thả lỏng cho giới chủ nhân tiết kiệm tiền trên nhân phẩm người thợ. Họ thả lỏng cho giới chủ nhà tham lam đối xử với các thợ khách không bằng gia súc. Trên quê hương của Kant, của Max Weber, của Dahrendorf, những bộ óc tuyệt vời luôn luôn lấy nhân phẩm con người làm trung tâm điểm cho mọi tư tưởng, thế mà chính phủ có thể làm ngơ trước điều kiện sống tồi tệ của những người thợ khách đã có công tạo thêm phồn vinh cho xã hội. Đấy có phải là vết nhơ lịch sử mà giới lãnh đạo cao cấp thời đó phải nhận lãnh trách nhiệm? Có phải Thủ tướng Angela Merkel muốn rửa sạch vết nhơ đó khi gần đây mở cửa biên giới đón một triệu người nhập cư? Chỉ Angela Merkel mới có thể trả lời câu hỏi đó. [Chấm dứt đoạn trích dẫn sách].
Hậu chiến và hậu Covid: có gì khác nhau?
Giữa thợ Thổ Nhĩ Kỳ thập niên 1960 và thợ Đông Âu thế kỷ 21, điều kiện sinh sống đều tồi tệ và thiếu nhân phẩm không khác nhau. Tuy nhiên, Tây Đức thuở đó còn khó khăn, mọi người đều phải vật lộn với miếng cơm manh áo, có mấy ai quan tâm đến điều kiện sinh sống của những người „thợ khách“? Nhưng trong thế kỷ 21 hiện đại này, tri thức và đạo đức con người đã tăng lên vượt bực, thế mà vẫn còn kiếp sống nô lệ đằng sau hậu trường xã hội, đó chẳng phải là một sự sỉ nhục cho lương tâm loài người hay sao?
Xin cám ơn Covid. Nếu không có những ổ dịch trong các lò mổ thịt, có lẽ hiếm có ký giả nào chịu khó khảo sát một vấn đề ít người quan tâm. Nhưng nhờ lương tâm nghề nghiệp của các ký giả có lòng, họ đã đánh thức lương tâm người tiêu thụ Đức trước điều kiện sống tồi tệ của người thợ Đông Âu. Nếu những nhóm Mafia môi giới lao động vẫn giữ tính tàn bạo không kém người buôn nô lệ thế kỷ 17, thì người dân Đức dường như được thức tỉnh ít nhiều. Trên TV người ta ghi nhận một ý thức mới trong giới tiêu thụ. Họ sẵn sàng mua thịt với giá cao hơn, nếu qua đó, lương tiền thợ mổ thịt được nâng cao và súc vật được nuôi và xử lý nhân đạo hơn, tức là một loại thuế trên giá mua thịt. Chút ít như thế vẫn còn hơn không. Ít ra, bằng con đường phản đối ôn hòa, họ đã gây được sức ép lên giới lãnh đạo chính trị.
Sức ép từ người dân đã có tác dụng với tin vui hôm nay: chính phủ Đức sẽ bàn thảo để đưa ra đạo luật cải cách ngành mổ thịt. Chúng ta hãy chờ xem điều gì sẽ được thông qua, nhưng ít nhất là vài chuyện đã rõ ràng: Chính phủ sẽ cấm môi giới lao động làm mướn, các lò mổ thịt phải thu nhận nhân viên trực tiếp, chịu mọi ràng buộc của luật lao động hiện hành và bảo hiểm xã hội; tiền lương tối thiểu sẽ tăng lên; công ty mổ thịt phải chịu trách nhiệm về sức khỏe và điều kiện sinh sống của thợ ngoại quốc.
Hy vọng rằng, kiếp sống nô lệ cuối cùng sẽ từ từ biến mất trên đất nước này. Thật nực cười, con vi-rút Covid nhỏ xíu cũng lay chuyển được một bộ máy hành chính rườm rà, cải thiện được tình trạng tồi tệ vốn dĩ vẫn tồn tại hơn nửa thế kỷ nay.
Hy vọng xã hội hậu Covid sẽ không còn giống xã hội trước đây vài tháng.
Tôn Thất Thông, tháng 6.2020
Xem thêm:
Tài liệu tham khảo
- Abelshauser, Werner.Lịch sử kinh tế Đức từ 1945 đến ngày hôm nay. Deutsche Wirtschaftsgeschichte von 1945 bis zur Gegenwart.
ISBN 978-38-3890-204-3. - Dahrendorf, RalfXã hội và dân chủ ở Đức. Gesellschaft und Demokratie in Deutschland. R. Piper Verlag 1965
- Foerster, LenaQuê hương mới bên bờ sông Rhein? Neue Heimat am Rhein?
APUZ Nr. 1-3/2017 (Aus Politik und Zeitgeschichte) - Hardach, KarlLịch sử kinh tế Đức trong thế kỷ 20. Wirtschaftsgeschichte Deutschlands im 20. Jahrhundert. ISBN 3-525-33380-3
- Herbert, UlrichLịch sử lao động ngoại quốc tại Đức từ 1880-1980.
Geschichte der Ausländerbeschäftigung in Deutschland.
ISBN 3-8012-3019-8 - Huneke, DorteTừ nơi lạ trở về quê hương. Von der Fremde zur Heimat.
de – Bundeszentrale für Politische Bildung - NZZ Neue Zürcher Zeitung, 27.6.2020: Schlachthöfe in Deutschland: Warum ohne Osteuropäische nichts geht (Lò mổ thịt ở Đức: Tại sao không hoạt động được nếu thiếu thợ Đông Âu).
Ghi chú
[1] Thợ khách: dịch nguyên gốc Gastarbeiter, chữ thường dùng để nói lên ý nghĩa là họ đến một thời gian ngắn và trở về nước, như một người khách. Thuật ngữ Gastarbeiter bị phê phán nên sau 1972, người ta dùng thuật ngữ „Ausländische Arbeitsnehmer – Lao động ngoại quốc“ hoặc „Arbeitsmigrant – Nhập cư lao động“
[2] Xem tài liệu D. Huneke
[3] Zirkan là dân thiểu số vùng Caucasus, Laze ở vùng Bosnia-Herzogevina
[4] Xem tài liệu U. Herbert trang 209
[5] Nhiều thợ ngoại quốc được xí nghiệp xin gia hạn để ở lại, mỗi lần một năm. Có người được kéo dài 10 năm, như thế là có điều kiện để có giấy phép cư trú dài hạn. Đấy là trường hợp của đa số người Thổ. Riêng người Ý và Tây Ban Nha thì hơn 90% về nước sau vài năm làm việc.
[6] Xem ZEIT Online ngày 20.10.2011 – Die Furcht des Helmut Schmidt
[7] Xin xem tuyệt tác của Günter Wallraff – Ganz Unten (Dưới đáy xã hội). Đấy là một phóng sự công phu, trung thực về những người ’thợ khách’. Sách này đã được dịch sang tiếng Việt Nam.
[8] Xem tài liệu L. Foerster
[9] Xem Thống kê thất nghiệp, lương và vật giá.
[10] Phí hội viên cũng rất cao: 1% lương đối với người đi làm nguyên ngày.
[11] Xem tài liệu L. Foerster
[12] Xem tài liệu U. Herbert trang 214-216
[13] Để độc giả so sánh: Tôi du học Tây Đức năm 1969, ở trong một phòng cư xá sinh viên đầy đủ nội thất, bếp, tủ lạnh, phòng tắm v.v… mỗi tháng trả 60 DM (đổi qua Euro là 30€).
Trong thời đại hiện nay, cần phải xóa được những tệ nạn xã hội và những kẻ bóc lột kiểu nô lệ.
Trả lờiXóa