Thứ Năm, 4 tháng 6, 2020

- Lê Trung Ngân : Xa Rồi Cánh Diều Tuổi Thơ

Xa Rồi Cánh Diều Tuổi Thơ
Qua Tết năm nay, khi những ngày tháng Hai nắng bắt đầu chói chang, trời bắt đầu khô hanh với những cơn gió trời lồng lộng ngả nghiêng trên những hàng cây là lúc đám cháu nội nhà tôi (đứa 8 tuổi, đứa 4 tuổi) háo hức được ba mẹ tranh thủ buổi chiều mát trời và hết việc ở cơ quan chở 2 cháu đi thả diều. Bây giờ, những cánh diều trong thành phố giờ khó có thể tung bay ở khắp nơi khi phố phường càng lúc càng đông đúc. Nhưng dù sao vẫn còn những mảnh đất trống trong nội ô tòa thánh Cao Đài hay trong khoảng ruộng còn sót cặp theo các khu dân cư…
Chiều tối, bọn nhỏ về mà háo hức còn đọng lại trên những tiếng nói ríu rít của chúng như còn nuối tiếc cho thời gian thả diều quá ít ỏi. Cũng có lúc rãnh, tôi nhìn lên trời thấy đủ loại diều đang tung tẩy trên bầu trời chiều vừa dịu nắng. Những con diều hình bướm, hình cá chép, cá mập, cá đuối, cá heo và cả những nhân vật trong phim hoạt hình như: Doraemon, Hugo, thỏ, rùa… Trẻ em giờ thật sướng, muốn gì có nấy. Ba mẹ bỏ ra mười lăm, hai chục nghìn, đã có con diều nylon đủ màu sắc. Sang hơn một chút, ba bốn chục nghìn là mua được mấy con diều vải chắc chắn có thể xài đến 2 - 3 mùa diều. Con nào cũng đẹp đẽ, bắt mắt khi bay tít trên cao. Tôi chợt nghĩ về những đứa trẻ tay cầm cuộn chỉ gai, mắt hướng lên trời theo cánh diều đang no gió, nhìn vẻ mặt vui sướng, tươi cười của chúng, lòng cũng muốn bay theo những cánh diều kia dù mình đã xa lắm rồi trò chơi hấp dẫn này.
Từ bao đời nay, thả diều đã trở thành trò chơi truyền thống được nhiều người yêu thích. Đặc biệt, thú chơi diều đã in dấu ấn trong ký ức tuổi thơ của hầu hết những người được sinh ra, lớn lên ở các vùng quê. Lâu lắm rồi tôi không còn chơi diều nữa, tuổi thơ của tôi đã qua từ lâu. Trong bộn bề lo toan cuộc sống, tưởng như mình đã quên những ngày tháng êm đềm ấy. Rồi tôi có con, chúng lớn lên nơi phố thị, chỉ quen chơi với chiếc diều được mua. Phố phường chật hẹp, nhà cao chắn gió, rồi diều bị dính vào dây điện nguy hiểm. Riết rồi chúng cũng không còn cái đam mê thả diều nữa. Mà thấm thoát chúng cũng đã lớn rồi. Mới hay thời gian trôi nhanh quá. Từng thế hệ nối tiếp nhau đi qua, nhưng những chiếc diều giấy trên đồng quê vẫn luôn là một hình ảnh gợi nhớ bao cảm xúc. Từ niềm vui của các cháu, tôi chợt nhớ về “thằng tôi” của hơn 60 năm về trước… Mà hể mỗi khi nhắc đến thời thơ ấu, tôi cũng như những người đồng niên ai lại không bồi hồi nhớ đến những cánh diều vi vu giữa bầu trời lồng lộng gió. Cánh diều chấp chới trên nền trời xanh, giữa một không gian thoáng đãng tạo ra một khung cảnh nên thơ, thanh bình.
Không gì thú vị bằng vào mỗi buổi chiều, gối đầu lên đống rơm dưới tàng cây, ngước nhìn bầu trời xanh trong, cánh diều lượn bay trên đồng chiều lộng gió. Mùi rơm rạ sau vụ gặt, mùi khói đồng, mùi cỏ cây đồng nội hòa quyện thành một mùi thơm nồng rất đặc trưng của quê hương.
Thú chơi diều rất đa dạng về hình thức và cũng lắm công phu. Thời đó, muốn chơi thả diều thì phải tập làm diều. Diều có cái to bằng cái quạt nan, có cái to bằng phân nửa bộ ván. Khó nhất trong công đoạn làm một con diều là tìm tre, trúc rồi kỳ cạch ngồi chuốt bộ gọng diều gồm cung diều và cây tim.
Thoạt nhìn tưởng đơn giản nhưng nếu không khéo tay, chuốt bộ khung dày quá, diều sẽ không thể bay nổi còn nếu chuốt mỏng quá, khung nhẹ, diều lên quá cao gặp gió sẽ dễ bị gãy. Sau khi hoàn thành bộ khung là đến công đoạn dán giấy. Mà giấy hồi đó đâu phải dễ tìm. Giấy báo thì không chắc, dễ rách khi gặp gió. Giấy tập chắc hơn nhưng làm gì có nhiều vì tập học đã khó có tiền mua làm gì dư dán diều!!!. Chỉ còn cách là đi xin giấy bao xi măng: nó chắc hơn vì có một lớp giấy áo ngoài lớp nhựa.
Đầu tiên là dán đầu diều, đầu diều phải được dán thật chắc nếu không sẽ có thể bị bung ra khi gặp gió to ở trên cao, sau đó là dán tai diều và đuôi diều. Cách làm đơn giản là cắt giấy thành những dải dài rồi dán liên tiếp với nhau, chiều dài của đuôi diều phải có tỉ lệ phù hợp với đầu diều. Đuôi ngắn quá thì đầu diều dễ bị “đảo”, đuôi dài quá thì diều khó “lên” nổi. Từ khi bắt đầu đến khi làm xong một con diều có khi mất đến hơn mấy ngày. Vậy nên, người làm diều, ngoài bàn tay khéo léo còn cần phải có sự kiên nhẫn mới có thể tạo nên được những con diều vừa ý. Còn dây diều thì làm gì có dây nhựa như bây giờ. Chúng tôi ra bãi rác lượm những miếng quấn vỏ xe mới được các nơi thay vỏ xe cho khách quăng đi. Đem về, tôi tét 2 miếng giấy dầu, lấy sợi chỉ gai ở giữa khá chắc rồi nối lại quấn vào hộp sữa bò làm dây diều.
Làm xong thì rũ nhau đi thả. Những đám trẻ chúng tôi thường chọn những bãi cỏ rộng, thoai thoải, hoặc ra hẳn vuông ruộng trống không rồi thi nhau thả diều. Diều nào bay cao nhất là đạt giải “quán quân” và người làm diều và người thả vui hả hê. Nhưng cũng có khi gặp phải cơn gió to, cánh diều chao đảo một lúc trên không trung rồi từ từ rơi xuống. Cả bọn lại hò nhau cuốn dây thu diều, sửa sang đâu đấy rồi lại tiếp tục thả. Cũng có khi gió to quá, dây diều chịu không nổi nên đứt luôn, thế là con diều bị cuốn bay đi xa biền biệt kéo theo sự tiếc nuối của bọn trẻ chúng tôi vì phải làm lại con diều mới. Có hôm mê mải thả diều, bọn trẻ chăn trâu bạn bè của tôi để trâu xuống ruộng ăn mạ nhà người ta, cả bọn lại í ới gọi nhau lùa trâu lên bãi rồi nhìn nhau, miệng cười mà bụng lo ngay ngáy.
Có những hôm gặp chiều mát, chúng thả diều tới khi trăng lên, để người lớn ra kêu về ăn cơm mới chịu cuốn diều về, hẹn nhau ngày mai lại tiếp tục cuộc chơi.
Những năm gần đây trên thị trường đồ chơi trẻ em xuất hiện những con diều làm bằng nilon hoặc giấy tráng kim do Trung Quốc sản xuất. Những con diều kiểu này khá đa dạng về hình dáng, chủng loại: diều cá mập, diều con bướm, diều siêu nhân, diều máy bay… có màu sắc sặc sỡ, bắt mắt.
Nhưng theo những người thường xuyên chơi diều thì độ bền của những chiếc diều này không được tốt, diều khó thả và bay không cao bằng những chiếc diều truyền thống tự làm. Mặt khác, so với những con diều do chính tay mình làm ra, khi thả những chiếc diều sặc sỡ, mua sẵn trên thị trường, sự thú vị đã giảm đi ít nhiều.
Ngày nay, trước sự phát triển của nhịp sống hiện đại, các nhà máy, công xưởng, các dự án khu công nghiệp, dịch vụ thi nhau mọc lên. Những không gian thoáng đãng, lộng gió ở các vùng nông thôn đang dần bị thu hẹp, thú chơi thả diều cũng vì thế mà bị mai một. Mặt khác, cũng phải nhận thấy rằng, chương trình học tập trên lớp rồi việc học thêm và áp lực thi cử đã ngốn hết thời gian của học sinh. Ngày càng khiến cho các em không còn đâu những giây phút thảnh thơi thư thái cùng cánh diều vi vu. Bên cạnh đó, sự lấn át của các phương tiện giải trí nghe, nhìn hiện đại như: trò chơi điện tử, internet hay những tập truyện tranh nhiều màu đã khiến cho không ít trẻ em không mầy mặn mà với những cánh diều truyền thống.
Có lẽ vì vậy mà bây giờ, ít có cậu bé nào ở thành thị còn lưu lại được trong ký ức tuổi thơ sâu nặng hình ảnh một cánh diều chấp chới giữa nền trời xanh. Những bàn tay chẻ tre, dựng khung diều, dán giấy diều đã được thay thế bằng những bàn tay gõ nhanh như múa trên bàn phím vi tính hay quẹt nhanh trên smart phone hay máy tính bảng.
Xã hội đã có sự biến đổi, trẻ em ngày nay đã có đầy đủ điều kiện hơn về cả vật chất và khoa học kỹ thuật để phát triển tài năng, trí tuệ. Nhưng đời sống tâm hồn của trẻ sẽ được cân bằng hơn nếu trẻ có được những sân chơi bổ ích để thư giãn, vui chơi.
Tôi mong ước hãy để mỗi trẻ em được giữ lại cho mình những ký ức tuổi thơ êm đềm từ thú chơi thả diều mang lại. Còn với riêng tôi, cánh diều ngày xưa của tuổi thơ hồn nhiên đầy ước vọng giờ chỉ còn là những ký ức xa xăm!

1 nhận xét:

  1. Cánh diều gắn với tuổi thơ đầy thơ mộng, nhưng tất cả mọi người đều phải xa nó bởi bộn bề cuộc sống

    Trả lờiXóa

ĐỜI ĐÁ VÀNG ,TIẾC MÀU TRĂNG CŨ - Thơ Ngọc Ánh

ĐỜI ĐÁ VÀNG Em đếm thời gian trên ngón tay Thêm mùa Thu nữa đã tàn phai Thôi đừng nhắc lại câu vàng đá Làn tóc mây trời theo gió bay Anh hiể...