Thứ Tư, 24 tháng 6, 2020

Lịch sử xung đột biên giới Trung – Ấn (Nghiên Cứu Quốc Tế )


Nguồn: Russell Goldman, “India-China Border Dispute: A Conflict Explained“, The New York Times, 17/06/2020.
Biên dịch: Nguyễn Thanh Hải
Cái chết của 20 binh sĩ Ấn Độ trong vụ ẩu đả với phía Trung Quốc là cuộc đụng độ chết chóc nhất trong nhiều thập niên giữa hai quốc gia sỡ hữu vũ khí hạt nhân, nhưng đây không phải là lần đầu tiên.
Không có bên nào nổ súng trong cuộc đụng độ mặc dù đây là lần chạm trán dữ dội nhất trong nhiều thập niên giữa quân đội hai nước dọc đường biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya.
Thay vào đó, quân lính của hai quốc gia có vũ khí hạt nhân sử dụng vũ khí làm từ những gì tìm thấy được ở vùng đất khắc nghiệt cao 4.200m so với mực nước biển.
Cuộc đụng độ diễn ra vào một đêm trăng sáng, dọc theo những vách đá cao lởm chởm trên thung lũng Galwan. Hai bên sử dụng những cây gậy quấn dây thép gai, chiến đấu khốc liệt trong nhiều giờ.
Một số binh sĩ Ấn Độ đã chết sau khi ngã xuống dòng sông bên dưới thung lũng. Một số khác bị đánh đến chết. Đến ngày hôm sau, 20 lính Ấn Độ đã thiệt mạng. Hiện vẫn chưa rõ thương vong của phía Trung Quốc.
Binh lính của hai quốc gia không được phép sử dụng súng ở khu vực tranh chấp, một điều phản ánh về mức độ thù địch trong hàng ngũ của quân đội hai bên tại vùng biên giới tranh chấp.
Vụ đụng độ hồi tối thứ Hai, tại một trong những vùng đất nguy hiểm nhất trên hành tinh, là đỉnh điểm của những ngày tháng căng thẳng leo thang và nhiều năm tranh chấp.
Cuộc đụng độ xảy đến vào thời điểm đầy khó khăn khi cả thế giới đang phải tập trung chống lại đại dịch Covid-19 và những nhà lãnh đạo mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa ở cả hai nước đều đang muốn thể hiện sức mạnh của mình.
Dưới đây là diễn tiến tình hình và các cuộc xung đột giữa hai quốc gia từ trước đến nay và những gì mà Thời báo New York (The New York Times) đã đưa tin về các sự kiện này.
Năm 1914: Một đường biên giới mà Trung Quốc không chấp nhận
Mâu thuẫn xuất hiện ít nhất là từ năm 1914, khi các đại diện của Anh, Trung Hoa Dân Quốc và Tây Tạng gặp nhau tại Simla, vùng đất ngày nay thuộc về Ấn Độ, để đàm phán một hiệp ước quyết định vị thế của Tây Tạng và dàn xếp vấn đề biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ thuộc Anh.
Trung Quốc đã từ chối ký thỏa thuận vì không đồng ý với các điều khoản được đề xuất cho phép Tây Tạng tự trị dưới sự kiểm soát của Trung Quốc. Nhưng Anh và Tây Tạng đã ký một hiệp ước thiết lập cái gọi là “đường McMahon”, đặt theo tên của một quan chức thuộc địa Anh, Henry McMahon, người đã đề xuất đường biên giới.
Ấn Độ khẳng định rằng “đường McMahon”, một đường biên giới dài 550 dặm dọc theo dãy Himalaya, là đường biên giới hợp pháp chính thức giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Nhưng Trung Quốc chưa bao giờ chấp nhận nó.
Tin của NYT: 11/07/1914 – Britain warns China that if it does not sign the border agreement on Tibet, there will be trouble. (Anh cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ gặp rắc rối nếu không chịu ký vào bản thỏa thuận)
Năm 1962: Chiến tranh biên giới Trung – Ấn 
Năm 1947, Ấn Độ tuyên bố độc lập khỏi Anh. Hai năm sau, nhà cách mạng Trung Quốc Mao Trạch Đông tuyên bố Trung Quốc đã hoàn thành cuộc Cách mạng Cộng sản và thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Gần như ngay lập tức, hai quốc gia – hiện đông dân nhất thế giới – xảy ra bất đồng về vấn đề biên giới. Căng thẳng gia tăng trong suốt những năm 1950. Trung Quốc kiên quyết cho rằng Tây Tạng chưa bao giờ có độc lập và vì vậy không thể ký hiệp ước phân định đường biên giới quốc tế. Có một vài nỗ lực đàm phán hòa bình nhưng thất bại.
Trung Quốc đã tìm cách kiểm soát các con đường quan trọng gần biên giới phía tây của họ ở Tân Cương, trong khi Ấn Độ và các đồng minh phương Tây coi bất kỳ nỗ lực xâm nhập nào của Trung Quốc đều là một phần của âm mưu lớn hơn nhằm xuất khẩu chủ nghĩa Cộng sản theo kiểu Mao ra toàn khu vực.
Năm 1962, chiến tranh bùng nổ.
Quân đội Trung Quốc vượt qua “đường McMahon” và kiểm soát các vị trí nằm sâu trong lãnh thổ Ấn Độ, chiếm giữ các con đèo và thị trấn. Cuộc chiến kéo dài một tháng nhưng đã khiến hơn 1.000 binh sĩ Ấn Độ chết và hơn 3.000 người bị bắt làm tù binh. Quân đội Trung Quốc chịu thiệt hại ít hơn với 800 nhân mạng.
Đến tháng 11, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tuyên bố ngừng bắn, vẽ lại một đường biên giới không chính thức dựa trên những vùng đất quân đội Trung Quốc đã chiếm được. Nó được gọi là Đường kiểm soát thực tế (Line of Actual Control).
Tin của NYT: 14/10/1962- Two giants of Asia confront each other across an ill-defined border that threads across bleak and inaccessible Himalayan peaks. (Hai gã khổng lồ châu Á đối đầu nhau trên một đường biên giới chưa được định rõ dọc theo các đỉnh núi lạnh lẽo và khó tiếp cận trên dãy Himalaya).
Năm 1967: Ấn Độ đẩy lùi Trung Quốc
Căng thẳng đã trở lại một lần nữa vào năm 1967 dọc theo hai con đèo, Nathu La và Cho La, kết nối Sikkim – lúc đó là một vương quốc và là xứ bảo hộ của Ấn Độ – với khu tự trị Tây Tạng Trung Quốc.
Một vụ ẩu đả đã nổ ra khi binh lính Ấn Độ bắt đầu đặt dây thép gai dọc theo những gì họ nhận là biên giới của mình. Vụ ẩu đả sớm leo thang khi một đơn vị quân đội Trung Quốc bắt đầu nã pháo vào binh lính Ấn Độ. Trong cuộc xung đột xảy ra sau đó, hơn 150 lính Ấn Độ và 340 lính Trung Quốc đã thiệt mạng.
Các cuộc đụng độ vào tháng 9 và tháng 10 năm 1967 ở hai con đèo này về sau được xem là cuộc chiến tranh toàn diện lần thứ hai giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Nhưng lần này Ấn Độ đã thắng thế, phá hủy các công trình phòng thủ của Trung Quốc ở Nathu La và đẩy lùi quân Trung Quốc vào sâu lãnh thổ nước này gần Cho La. Tuy nhiên sự thay đổi vị trí chiếm đóng cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc và Ấn Độ có những quan điểm khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau, về vị trí của Đường kiểm soát thực tế.
Đây là trận chiến cuối cùng mà hai bên có binh lính thiệt mạng cho đến khi trận ẩu đả ở thung lũng Galwan xảy ra vào hôm thứ Ba. Các hãng tin Ấn Độ cho biết phía Trung Quốc cũng có thiệt hại nhân mạng tuy nhiên Bắc Kinh vẫn kín tiếng về vấn đề này.
Tin của NYT: 12/09/1967- Chinese troops in Tibet opened artillery fire across a Himalayan pass on Indian Army positions in Sikkim. (Quân đội Trung Quốc ở Tây Tạng nã pháo qua một con đèo trên dãy Himalaya vào các vị trí đóng quân của Ấn Độ ở Sikkim)
Năm 1987: Những cuộc đụng độ không đổ máu
20 năm sau, Ấn Độ và Trung Quốc lại đụng độ một lần nữa tại khu vực biên giới tranh chấp.
Năm 1987, quân đội Ấn Độ đang tiến hành một hoạt động huấn luyện để tính thời gian di chuyển quân lính đến biên giới. Việc lượng lớn binh lính và khí tài tiến đến sát các tiền đồn của Trung Quốc gây bất ngờ cho các chỉ huy nước này. Họ đã phản ứng bằng cách đưa quân tiến tới cái họ xem là Đường kiểm soát thực tế.
Cả Trung Quốc và Ấn Độ sau đó đều xuống thang và cuộc khủng hoảng được ngăn chặn do hai bên đều không muốn bùng nổ một cuộc chiến ngoài dự tính.
Tin của NYT: 08/05/1987- India and China accuse each other of massing troops along their Himalayan border. (Ấn Độ và Trung Quốc cáo buộc lẫn nhau tập trung quân đội dọc biên giới ở dãy Himalaya)
Năm 2013: Tình hình xấu đi ở Daulat Beg Oldi
Hai bên đều chơi trò “mèo vờn chuột”.
Sau nhiều thập niên thực hiện việc tuần tra biên giới, một trung đội của Trung Quốc đã dựng một doanh trại gần Daulat Beg Oldi vào tháng 4 năm 2013. Ấn Độ nhanh chóng làm theo, thiết lập căn cứ của họ cách đó chưa đầy 300m.
Các doanh trại sau đó được tăng cường bằng quân lính và các khí tài hạng nặng.
Đến tháng 5, các bên đã đồng ý dỡ bỏ cả hai doanh trại, nhưng tranh chấp về vị trí của Đường kiểm soát thực tế vẫn tồn tại.
Tin của NYT: 02/05/2013 – Where China meets India in a high-altitude desert, push comes to shove. (Tình trạng bế tắc khi Trung-Ấn giáp mặt tại một hoang mạc trên dãy Himalaya)
Năm 2017: Bhutan bị lôi vào xung đột
Tháng 6 năm 2017, Trung Quốc bắt đầu xây dựng một con đường ở cao nguyên Doklam, một khu vực trên dãy Himalaya không phải do Ấn Độ kiểm soát mà bởi Bhutan, một đồng minh của Ấn Độ.
Cao nguyên nằm trên biên giới giữa Bhutan và Trung Quốc, nhưng Ấn Độ coi đây là vùng đệm gần với các khu vực tranh chấp khác với Trung Quốc.
Quân đội Ấn Độ đưa vũ khí và xe ủi đến đối đầu phía Trung Quốc với ý định phá hủy con đường. Tình trạng bế tắc xảy ra sau đó, những người lính ném đá vào nhau và binh sĩ cả hai phía đều bị thương.
Vào tháng 8, hai nước đồng ý rút quân khỏi khu vực và Trung Quốc ngừng xây dựng con đường.
Tin của NYT: 28/08/2017- China and India agree to give some ground in order to end the standoff (Trung-Ấn đồng ý nhượng bộ để chấm dứt tình trạng bế tắc)
Năm 2020: Ẩu đả nổ ra
Vào tháng 5, các cuộc hỗn chiến đã nổ ra nhiều lần. Trong một cuộc đụng độ tại hồ băng Pangong Tso, binh lính Ấn Độ đã bị thương nặng và phải sơ tán bằng trực thăng. Các nhà phân tích Ấn Độ cho biết binh sĩ Trung Quốc cũng bị thương.
Trung Quốc đã tăng cường lực lượng bằng các loại xe ben, máy xúc, xe chuyển quân, pháo và xe bọc thép, các chuyên gia Ấn Độ cho biết.
Tổng thống Trump đã đăng bài trên Twitter để hòa giải cho cái ông gọi là “một tranh chấp biên giới dữ dội” (a raging border dispute).
Rõ ràng những vụ đụng độ này là nghiêm trọng nhất kể từ năm 2017 và là điềm báo cho một cuộc đối đầu chết chóc sắp xảy ra.
Tin của NYT: 30/05/2020- Both sides insist they don’t want a war, but thousands of troops have been sent. (Hai bên tuyên bố không muốn chiến tranh nhưng vẫn gửi hàng nghìn quân đến khu vực tranh chấp)
Russell Goldman là một biên tập viên cao cấp cho chuyên trang quốc tế Thời báo New York. Ông là người thắng giải Biên tập xuất sắc của Hiệp hội các nhà xuất bản châu Á.FacebookTwitterLinkedInChia sẻ

Xem Thêm :

Xung đột chết người tại biên giới Trung – Ấn: Điều gì đang xảy ra?

1 nhận xét:

  1. Những mâu thuẫn Trung-Ấn cần được giải quyết qua đối thoại, không thể dùng vũ lực

    Trả lờiXóa

ĐỜI ĐÁ VÀNG ,TIẾC MÀU TRĂNG CŨ - Thơ Ngọc Ánh

ĐỜI ĐÁ VÀNG Em đếm thời gian trên ngón tay Thêm mùa Thu nữa đã tàn phai Thôi đừng nhắc lại câu vàng đá Làn tóc mây trời theo gió bay Anh hiể...