Lầu mai vừa rút còi sương,
Mã sinh giục giã vội vàng ra đi
Đó là hai câu thơ trong Truyện Kiều tả lúc Mã Giám Sinh đã rước được Thúy Kiều về chốn trú phường, bèn gấp rút lên đường khi trời vừa rựng sáng lúc "LẦU MAI vừa rút còi sương" báo một ngày mới bắt đầu.
LẦU MAI là chỉ Chòi canh về sáng. RÚT CÒI SƯƠNG là Tù-Và buổi sáng thổi cho biết là sương sáng đã rơi, ngày mới đã bắt đầu.
LẦU chữ Nho là LÂU 樓, Lâu là Lầu, Lầu là Lâu, nói Nôm na là cái GÁC, mà Gác chữ Nho là CÁC 閣. Trong Văn học Cổ ta hay gặp nhóm từ HỒNG LÂU TỬ CÁC 紅樓紫閣, có nghĩa : Lầu màu đỏ, gác màu tím; mà ta hay nói thành LẦU SON GÁC TÍA. Chỉ nơi ở của bậc vương hầu giàu sang quyền qúy. Trong truyện Nôm khuyết danh Bích câu Kỳ Ngộ, chàng thư sinh Tú Uyên khi đã gặp Giáng Kiều bèn :
Mượn người thăm hỏi gần xa,
HỒNG LÂU TỬ CÁC đâu mà đến đây?
HỒNg LÂU 紅樓 Thường dùng để chỉ nơi ở của các cô gái con nhà giàu ngày xưa, như hai câu thơ đầu trong bài thơ Tần Trung Ngâm 秦中吟 của Bạch Cư Dị :
紅樓富家女, Hồng lâu phú gia nữ,
金縷繡羅襦. Kim lũ tú la nhu.
Có nghĩa :
HỒNG LÂU con gái giàu sang,
Váy là lụa tốt chỉ vàng thêu hoa.
Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều tả lại xuất thân quyền qúy của nàng cung nữ xinh đẹp là :
HỒNG LÂU còn khóa then sương,
Thâm khuê còn dấm mùi hương khuynh thành.
Hồng Lâu là LẦU HỒNG, là chỗ ở của Hoạn Thư vợ của chàng Thúc Sinh trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du :
Đêm ngày lòng những giận lòng,
Sinh đà về đến LẦU HỒNG xuống yên.
Nói thêm : HỒNG LÂU còn là HỒNG LÂU VIỆN 紅樓院 do Đường Tuấn Tông xây nên để làm nơi ca hát diễn kịch, nên HỒNG LÂU NỮ 紅樓女 là từ dùng để chỉ các Cô Đào ca múa hát xướng ở đó. Đến giữa năm Nguyên Hòa, Đường Hiến Tông lại đem HỒNG LÂU VIỆN tặng cho Quảng Tuyên Thượng Nhân 廣宣上人 là một Thi Tăng 詩僧 (Một Nhà sư thi sĩ); nên nơi nầy lại là nơi tụ tập của các văn nhân tao nhã. Bản thân nhà sư Quảng Tuyên cũng có một tập thơ đề là HỒNG LÂU TẬP 紅樓集. Ngoài ra, ta còn có tập truyện HỒNG LÂU MỘNG 紅樓夢 rất nổi tiếng của Tào Tuyết Cần cuối đời Minh đầu đời Thanh, tả lại cuộc sống xa hoa của một gia đình qúy tộc đang đến hồi xuống dốc.
Trong bài thơ HỎI ÔNG TRỜI của Trần Tế Xương cũng có nhắc tới HỒNG LÂU như là một nơi ăn chơi giải trí :
Ta lên ta hỏi ông trời:
Trời sinh ta ở trên đời biết chi?
Biết chăng cũng chẳng biết gì,
Biết ngồi Thống Bảo, biết đi ả đầu.
Biết thuốc lá, biết chè Tàu,
Cao lâu biết vị, HỒNG LÂU biết mùi.
Còn thật sự là nơi chơi bời chứa các cô gái kỹ nữ ngày xưa thì gọi là THANH LÂU 青樓, là LẦU XANH. Như trong Truyện Kiều có câu :
LẦU XANH có mụ Tú Bà,
Làng chơi đã trở về già hết duyên.
Đúng ra, lúc ban đầu THANH LÂU chỉ chỗ ở của các bậc đế vương. Trong Tùy Viên Thi Thoại của Viên Mai đời Thanh có ghi : "Tề Võ Đế vu Hưng quang lâu thượng thi thanh tấc, vị chi Thanh Lâu 齊武帝于興光樓上施青漆,谓之青 樓". Có nghĩa : Tề Võ Đế cho sơn lầu Hưng Quang lại bằng màu xanh, nên gọi là THANH LÂU. Vào đời Tam Quốc Tào Tử Kiện cũng có thơ rằng :
Thanh lâu lâm đại lộ, 青樓臨大路,
Cao môn kết trùng quang 高門結重關.
Có nghĩa :
LẦU XANH dựng ở ven đường,
Nhà cao sân rộng mấy từng cửa ngăn.
Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều khi tả nàng cung nữ được vua yêu đã có câu :
Trên gác phượng, dưới LẦU XANH,
Gối du tiên vẫn rành rành song song.
Từ đời Đường Tống trở về sau, THANH LÂU mới chỉ chỗ ở của các kỹ nữ, gái điếm, như trong bài Khiển Hoài của Đỗ Lục đời Đường :
落魄江湖載酒行, Lạc phách giang hồ tải tửu hành,
楚腰纖細掌中輕. Sở yêu tiêm tế chưởng trung khinh.
十年一覺揚州夢, Thập niên nhất giác Dương châu mộng,
贏得青樓薄倖名。 Doanh đắc thanh lâu bạc hãnh danh !
Có nghĩa :
Bầu rượu lang thang khắp lữ trình,
Eo thon mình nhẹ khéo là xinh.
Mười năm tỉnh giấc Dương Châu mộng,
Nổi tiếng LẦU XANH kẻ bạc tình !
Những câu thơ trên của Đỗ Mục lại làm cho ta nhớ đến hai câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du khi nói về Sở Khanh là :
Bạc tình nổi tiếng LẦU XANH,
Một tay chôn biết mấy cành phù dung.
Cũng trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du đã nói về cuộc sống của Thúy Kiều trong những ngày đầu ở Lầu Xanh như sau :
LẦU XANH mới rủ trướng đào,
Càng treo giá ngọc càng cao phẩm người.
Biết bao bướm lả ong lơi,
Cuộc vui đầy tháng trận cười suốt đêm !...
Khi được sư Giác Duyên hỏi về cuộc đời chung thân của Thúy Kiều, đạo cô Tam Hợp đã tóm tắt về cuộc đời của nàng Kiều trong đó có hai câu :
... Hết nạn nọ, đến nạn kia,
THANH LÂU hai lượt, thanh y hai lần...
Ngoài ra, ta còn có LẦU TẦN là TẦN LÂU 秦樓, do tích Tần Mục Công thời Xuân thu, có con gái là Lộng Ngọc rất giỏi về thổi tiêu, nên Tần Mục Công mới cho xây một ngôi lầu gọi là Phụng Lâu để cho Lộng Ngọc ở đó thổi tiêu tấu nhạc vui chơi. Phụng Lâu nầy vì do Tần Mục Công cho xây nên còn được gọi là TẦN LÂU. (Sau Lộng Ngọc lấy Tiêu Sử cũng rất giỏi thổi tiêu, hai vợ chồng cùng tu tiên và cởi rồng phụng bay lên trời).Nên TẦN LÂU là LẦU TẦN dùng để chỉ chỗ ở của những bậc quyền qúy hay vua chúa. Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu lúc nói về nàng cung nữ đã bị thất sủng có câu :
LẦU TẦN chiều nhạt vẻ thu,
Gối loan tuyết đóng, chăn cù giá đong.
Còn khi tả tài sắc của nàng cung nữ, thì Nguyễn Gia Thiều lại gọi là LẦU THU để cho biết nàng thổi tiêu hay như là Tiêu Sử vậy :
Cầm điếm nguyệt phỏng tầm Tư Mã,
Địch LẦU THU đọ gã Tiêu Lang,
Còn LẦU THẨN hay LẦU THẬN là do thành ngữ CUNG NGAO LẦU THẬN là HẢI THỊ THẬN LÂU 海市蜃樓. NGAO 鰲 là một loại rùa biển lớn có thể đội cả một hòn đảo lớn trên lưng; THẬN 蜃 là một loại rồng biển như giao long. Theo Sử Ký-Thiên Quan Thư 史记·天官书 : Con thận trên biển thở hơi có thể kết thành những lâu đài thành quách, núi non sông nước, cảnh vật con người hiện lên trên bầu trời của khoảng không mênh mông trên mặt biển. Vì là cảnh ảo nên rất dễ mất đi. Theo khoa khí tượng học hiện nay thì đó là do hiện tượng quang học bức xạ phản chiếu trong thiên nhiên mà tạo nên những ảnh ảo ở những khoảng không trên biển, trên sa mạc hoặc nơi đồng không mông quạnh. Trong văn học cổ ta gọi là CUNG NGAO LẦU THẬN như trong bài "Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh" (1874) của cụ Nguyễn Đình Chiểu có câu :
Người lạc phách theo miền giang hải, CUNG NGAO LẦU THẬN, dành một câu thân thế phù trầm;
Kẻ du hồn ở cõi sơn lâm, lũy kiến đồn ong, còn bốn chữ "âm dung phảng phất".
Trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập của Lê Thánh Tông cũng có câu :
Aỉ tắt khói lang không rửa quét,
Bể thanh LẦU THẨN phẳng như tờ.
Cuối cùng, ta có LẦU BAN SÁU KỶ. LẦU BAN là BAN LÂU 斑樓 là Lầu có màu sắc sặc sỡ; còn 6 kỷ : Mỗi một Kỷ là 12 năm, nên 6 kỷ là = 72 năm. Đây là tích chỉ Lão Lai Tử trong Nhị Thập Tứ Hiếu. Ông đã 72 tuổi mà con ăn mặc sặc sỡ như trẻ con, ca múa trợt té dưới thềm để làm vui lòng cha mẹ già đã trên 90 tuổi. Trong truyện Nôm khuyết danh Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện có câu :
Thưa rằng dạy thế sao đành,
LẦU BAN SÁU KỶ, song huỳnh mười thu.
Về tích của Lão Lai Tử trong Nhị Thập Tứ Hiếu, cái áo sặc sỡ mà Lão Lai mặc, trong truyện Nôm Quan Âm Thị Kính gọi là ÁO LAI :
ÁO LAI chưa múa sân nầy,
Thời đem kinh bố mà thay gọi là.
Còn trong Truyện Kiều thì cụ Nguyễn Du gọi là SÂN LAI, khi tả cô Kiều ở lầu Ngưng Bích nhớ về cha mẹ :
SÂN LAI cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm !
Ta kết thúc bài viết nầy với LÂU 樓 là LẦU và CÁC 閣 là GÁC; một LẦU một GÁC như hai câu thơ trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều :
LẦU đãi nguyệt đứng ngồi dạ vũ,
GÁC thừa lương thức ngủ thu phong.
LẦU ĐÃI NGUYỆT 待月樓 là Lầu đợi trăng lên; GÁC THỪA LƯƠNG 乘涼閣 là cái gác để hóng mát.
Xin được kết thúc LÂU=LẦU, CÁC=GÁC ở đây. Hẹn bài viết tới !
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
Mời Xem : 🌷 THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 59 : LAN, LANG
Bài viết của tác giả rất hay, phân tích sâu sắc, cảm ơn tác giả
Trả lờiXóa