Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2020

Nhớ về trường Petrus Ký những năm đầu của thập niên 1950


Người xưa đã từng nói: “Thời gian qua nhanh như bóng câu qua cửa sổ.” Bây giờ tôi mới thấy là câu nói đó rất đúng. Thấm thoát mà đã hơn sáu mươi năm trôi qua kể từ ngày tôi trúng tuyển kỳ thi vào lớp Đệ Thất của Trường Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký vào năm 1953 và hơn nửa thế kỷ sau khi tôi rời Trường vào năm 1960 để tiếp tục học lên ở bậc đại học. Thời gian bảy năm theo học tại ngôi trường thân yêu đó đã để lại trong tâm hồn tôi những kỷ niệm sâu đậm mà suốt cuộc đời này tôi sẽ khó có thể quên được. Từ lâu tôi đã muốn ghi lại những gì còn nhớ được về ngôi trường, về những kỷ niệm với các thầy cô, với bạn bè nhưng cứ lần lữa mải vì rất nhiều lý do, chủ quan cũng có mà khách quan cũng có. Trước năm 1975, bạn bè gặp nhau tương đối dễ dàng, những lúc như vậy mặc sức mà nhắc chuyện trường xưa, thầy cô, bạn cũ, đâu thấy cần phải ghi lại trên giấy làm gì. Sau năm 1975, lúc còn ở trong nước, bạn bè tản lạc, nhìn chung quanh chỉ thấy những xa lạ, tâm trí chỉ xoay quanh một chữ “đi,” thử hỏi còn lòng dạ nào mà ngồi ghi lại những kỷ niệm về những ngày xưa thân ái đó. Ra khỏi nước, trong một thời gian khá dài, chuyện cơm áo cho bản thân và gia đình trong một môi trường mới với nhiều thủ thách, kỷ niệm xưa lại bị nhận chìm vào tiềm thức. Bây giờ, sau khi đã nghĩ hưu, đã bước vào tuổi “thất thập cổ lai hi” này, nếu không ghi lại thì còn đợi đến bao giờ nữa. Nghĩ như vậy, tôi cố gắng đưa tâm tư trở về khung thời gian cũ, tìm lại những khuôn mặt thân thương của thầy cô và bạn bè ngày xưa trong những kỷ niệm vui buồn dưới mái trường thân yêu. Xin mời các bạn cùng tôi làm một chuyến “du hành xuyên thời gian” để trở về những năm đầu của thập niên 50 của thế kỷ trước.
Vào năm 1953, Trường Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký là ngôi trường trung học công lập duy nhứt của Sài Gòn dành cho nam sinh, dạy về văn hóa của chương trình Trung học Việt Nam (Trường Cao Thắng cũng là trường trung học công lập nhưng dạy về kỹ thuật). Trong ngôn ngữ hàng ngày của người dân Sài Gòn thì đó vẫn là Lycée Petrus Ký (với 3 chữ viết tắt là L.P.K.), và học sinh chúng tôi vẫn tự gọi mình là “dân Petrus Ký,” tôi chưa từng nghe ai tự gọi mình là “dân Trương Vĩnh Ký” cả. Và, dĩ nhiên, không cần nói ra, chúng tôi rất tự hào mình là “dân Petrus Ký.”
Cảm tưởng đầu tiên của tôi đối với ngôi trường là “Trường Petrus Ký lớn quá.” Mà nó lớn thật, thưa các bạn. Không những lớn mà còn bề thế nữa. Đối với một cậu bé 12 tuổi như tôi, xuất thân từ một ngôi trường tiểu học nhỏ bé của khu Đa Kao, Trường Petrus Ký là một thế giới mới lạ, có quá nhiều điều cho tôi khám phá.
Khám phá đầu tiên về ngôi trường quá lớn này là cái khu vực để xe đạp cho học sinh. Đây quả thật là một chuyện quá lạ lùng đối với tôi. Xin mở một dấu ngoặc nhỏ ở đây để nói vài lời về cái xe đạp đầu tiên trong đời của tôi. Năm đó, sau khi tôi thi đậu vào Trường Petrus Ký, mặc dù chỉ là hạng 356 trên 550 học sinh trúng tuyển, nghĩa là rất “thường thường bực trung” thôi, Mẹ tôi rất mừng và thưởng cho tôi một chiếc xe đạp nhập cảng từ Pháp, hiệu Saint- Etienne, mua tại một tiệm bán xe đạp lớn ở đường Boulevard de la Somme dưới Chợ Cũ--về sau, trong thời Cộng Hòa, đường này được đổi tên lại là Đại Lộ Hàm Nghi. Đó là tài sản lớn đầu tiên trong đời tôi mà tôi đã o bế, lau chùi rất cẩn thận mỗi ngày, nhưng, nói thật tình, hình như chỉ được đâu khoảng năm, sáu tháng đầu tiên gì đó mà thôi. Xin phép được đóng dấu ngoặc lại ở đây. Ngày đầu tiên nhập học, tôi được Anh Tư tôi hướng dẫn trước nên biết mà sắp hàng bên cổng dành cho học sinh đi học bằng xe đạp. (Xin phép được nói thêm một chút về người anh thân thương này, năm ấy, Anh Tư tôi, anh Lâm Vĩnh Tế, lên Deuxième Année, chương trình Pháp, cũng của Trường Petrus Ký; về sau, Anh Tư tôi được học bổng Colombo đi du học tại Canada vào năm 1960, và năm 1967 Anh đậu Tiến sĩ về Hóa Lý tại Đại Học Montréal). Đến giờ mở cổng, một số vị Giám Thị đứng rải rác để trông coi việc học sinh dẫn xe dạp vào. Từ cổng vào là một con đường trải đá ong cán nhỏ, dài khoảng 60, 70 mét, hai bên lề có trồng cách khoảng nhiều cây rất cao, hình như là cây sao hay cây dầu gì đó, tôi không còn nhớ rõ. Sau khi vào cổng độ 15, 20 mét, thì bên phía tay trái hiện ra khu nhà để xe đạp cho học sinh. Đây là một khu vực khá rộng, bề ngang độ 50 mét, bề sâu vô độ 40 mét, trên đó có cất các dãy nhà nhỏ không có vách, nền tráng xi măng, cột gổ sơn mầu đỏ sậm, trên có lợp mái tôn; mỗi nhà có chiều dài độ 8 mét, chiều ngang độ 4 mét, bên trong có hai hàng giá để dựng xe đạp. Giữa các dãy nhà đều có lối đi rộng rãi có trãi đá ong. Có các thầy giám thị hiện diện để chỉ cho các học sinh mới biết phải dựng xe trong dãy nhà nào. Tôi tin rằng về sau khi Sài Gòn đã có thêm nhiều trường trung học mới dành cho nam sinh như Chu Văn An, Võ Trường Toản, Nguyễn Trãi, Hồ Ngọc Cẩn, không có một trường nào có một khu vực để xe đạp cho học sinh bề thế, có quy củ và đẹp như vậy.
Nếu đứng từ đường Nancy (về sau đổi tên thành Đại lộ Cộng Hòa, hiện nay đã đổi tên thành đường Nguyễn Văn Cừ) ngay trước cổng chánh nhìn vào, đầu tiên ta thấy ngay cổng chánh bằng gạch rất đồ sộ, với 2 cột cao độ 4 mét trên có 2 câu chữ Hán, mà chắc chắn “dân Petrus Ký” ai cũng còn nhớ: “Khổng Mạnh Cương Thường Tu Khắc Cốt, Tây Âu Khoa Học Yếu Minh Tâm.” Phía trên gần tới đầu hai cột có tấm biển nối liền hai cột với tên trường đấp nổi lên: “Trường Trung Học Petrus Ký.”
Cổng chánh của trường Petrus Ký.
Qua khỏi cổng là một sân đất có trải đá xanh cán nhỏ, chiều sâu vô độ hơn 10 mét. Ở 2 góc sân là hai cây bông điệp rất lớn, vào mùa Hè (cũng là mùa thi) sẽ trổ bông đỏ rực rỡ. Qua hết sân này lại có một cổng nữa dẫn lên hành lang chánh của trường. Cổng này rất đặc biệt, được làm theo kiểu cổng của Văn Miếu: hai bên là hai cột cao, phía trên có một vòm cong (trên vòm này cũng có khắc chữ nhưng tôi không còn nhớ, bạn nào còn nhớ xin nhắc giùm), trên nữa là mái gạch đỏ, trên mái này lại chồng thêm một phần kiến trúc nữa giống như bên dưới nhưng nhỏ hơn và thấp hơn, điều khác biệt là ở ngay giữa phần kiến trúc bên trên này là một nguyệt môn tròn, đường kính khoảng hơn 1 mét. Bước lên tam cấp tại cổng này là ta bước vào ngay chính giữa của một hành lang dài và rộng, lót gạch bông, luôn luôn được lau chùi bóng loáng, gọi là Hành Lang Danh Dự, nối liền khu vực văn phòng làm việc của nhân viên bên tay phải và phòng họp của giáo sư bên tay trái.
Hành lang danh dự.
Học sinh, trừ một vài trường hợp đặc biệt, thí dụ, được gọi lên văn phòng trong giờ học chẳng hạn, không bao giờ được sử dụng hành lang này. Vượt ngang hành lang này, bước xuống tam cấp đối diện với cổng, ta sẽ nhìn thấy toàn cảnh của trường. Ngay trước mặt là Sân Danh Dự của Trường. Sân này tương đối vuông vức, mỗi cạnh đài độ 40 mét, có hai lối đi chánh cắt thẳng góc nhau ngay giữ sân, chia thành 4 sân cỏ nhỏ, ngay chính giữa sân là khu tượng đài kỷ niệm Nhà Bác học Petrus Trương Vĩnh Ký. Học sinh chúng tôi chỉ được phép xuống sân này một năm hai lần: bãi trường Tết và trước khi nghĩ Hè, để chụp hình kỷ niệm ở trước bức tượng Petrus Ký. Hai bên là hai dãy nhà hai tầng dùng làm lớp học, và đằng cuối sân là một dãy nhà chắn ngang, đó chính là khu vực các phòng thí nghiệm.
Hình lớp đệ Nhị A (niên khóa 1958-59) chụp nhân dịp bãi trường Tết tại tượng đài kỷ niệm Petrus Ký với các Thầy Trương Văn Cao, Trần Văn Binh, Đinh Xuân Thọ và Bùi Trọng Chương.
Ngoài cái chuyện kích thước to lớn của ngôi trường, học sinh mới chúng tôi còn được thêm cái thích thú và khám phá mới nữa: đó là những phòng học và cơ sở đặc biệt. Khi đến giờ môn Hội Họa (chỉ có trong chương trình các lớp Đệ Nhứt Cấp mà thôi), chúng tôi đến học tại phòng vẽ; đây là một phòng rất rộng, không có các bàn học như các lớp học thường, mà trang bị toàn giá vẽ. Các giá vẽ này được đặt chung quanh phòng thành một vòng tròn, ở giữa có một bục gổ cao. Học sinh đứng sau các giá vẽ, nhìn vào bục gỗ cao ở giữa, trên đó có để một vật để cho học sinh vẽ, có khi là một ấm trà, có khi là một nải chuối, hay một trái xoài, vv. Tôi còn nhớ, năm Đệ Ngũ (niên khóa 1955-1956), giáo sư môn Hội Họa của bọn tôi là Thầy Trương Đinh Ý. Về sau tôi mới được biết chuyên môn chánh của Thầy là điêu khắc. Thầy Ý chính là điêu khắc gia đã thiết kế và thực hiện tượng Phật nằm khổng lồ tại núi Tà Cú (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Binh Thuận) dài 49 mét, cao 11 mét. Xin đọc thêm bài viết về tượng Phật khổng lồ này tại địa chỉ Internet sau đây:

Các giờ học môn Âm Nhạc (chỉ học ở Lớp Đệ Tứ) thì học tại phòng nhạc, phòng này vẫn trang bị bàn ghế như lớp học thường nhưng có thêm một đàn dương cầm. Tôi còn nhớ Giáo sư môn Âm nhạc này là Thầy Marcel (người Pháp lai), có tật ở chân, và có cặp mắt có thần mà bọn tôi sợ nhứt là khi Thầy cho làm bài tập gọi là “dictée musicale.” Thầy ngồi vào dương cầm và đờn một đoạn nhạc, và bọn tôi phải ghi ra giấy cho được các nốt nhạc đó. Một kỷ niệm khó quên với giờ Âm Nhạc này là một hôm, đúng vào giờ của Thầy Marcel, có một trận đá bóng quan trọng giữa hai trường Petrus Ký và Chu Văn An. Gần nữa lớp Đệ Tứ F của bọn tôi trốn học, đi coi trận bóng đó để ủng hộ đội banh nhà. Kết quả là cả bọn đều bị phạt “cấm túc” vào Chúa Nhựt cuối tuần đó. Tôi sẽ nói rõ hơn về hình phạt kỷ luật này của Trường Petrus Ký trong một đoạn sau. Các giờ môn Lý Hóa thì học tại các phòng thí nghiệm. Các phòng này được xây cất theo lối đại giảng đường (amphithéâtre), với bàn học đặt trên những bệ xi măng xây theo lối nấc thang, phía trước thấp, phía sau cao lên dần dần. Ngoài ra còn có Thư Viện nơi học sinh chúng tôi đến mượn sách giáo khoa cho các môn học vào mỗi đầu năm học. Và sau cùng là Bệnh Xá nơi bọn tôi đến chích ngừa mỗi năm , hoặc đến xin thuốc uống khi bị cảm ho hoặc được xức thuốc đỏ mỗi khi bị thương tích. Khi tôi vào học năm 1953, Trường Petrus Ký đã không còn chế độ nội trú nữa nên một số cơ sở của Trường đã không còn được sử dụng nữa như Phòng Ăn và Phòng ngủ dành cho học sinh nội trú. Khu vực Phòng Ăn về sau được dùng làm trụ sở cho Tổng Thư Viện dọn từ Hà Nội vào sau tháng 7 năm 1954. Các dãy nhà làm Phòng ngủ về sau được chia lại cho các trường Đại Học Khoa Học và Đại Học Sư Phạm để làm phòng học cho các ban. Tất cả các cơ sở này đều tập trung vào phía sau của Trường Petrus Ký. Tại đây còn có khu nhà cho nhân viên của Trường như quý vị Giáo sư và Giám thị cũng như nhân viên văn phòng Trường. Khu nhà ở này nằm đối diện với sân bóng đá và khu tập thể dục, ở giữa là một con đường trải đá xanh chạy ra đến tận đường Trần Bình Trọng.
Đối với bọn học sinh mới bọn tôi còn một chuyện lạ nữa, đó là sự hiện diện của các thầy giám thị. Ở trường tiểu học chỉ có các thầy cô giáo, các nhân viên thơ ký và lao công mà thôi, làm gì có giám thị.. Nhưng ở Trường Petrus Ký thì khác, lúc nào và ở đâu cũng thấy các thầy giám thị. Xếp hàng vào lớp cũng mấy thấy, ra chơi trong hành lang, lại cũng mấy thầy, lên văn phòng xin giấy tờ cũng mấy thầy. Có thể nói, ngoài các giờ học ở trong lớp với các giáo sư, các sinh hoạt của học sinh chúng tôi hoàn toàn do các thầy giám thị kiểm soát. Dĩ nhiên là bọn tôi sợ các thầy giám thị quá chừng, nhưng qua thời gian, một mối liên hệ tình cảm thân thương tự nhiên nẩy nở giữa anh em học sinh chúng tôi với các vị ấy, có thể nói còn thân tình hơn với các giáo sư nữa. Theo tôi, lý do chánh của việc này là do các thầy giám thị biết rõ tên họ, gia cảnh, hiểu rõ học lực, hạnh kiểm, tánh tình của từng đứa học sinh trong các lớp mà các thầy phụ trách. Nếu tôi nhớ không lầm thì đến khoảng thời gian học lớp Đệ Tứ (năm thứ tư tại trường), tình cảm của anh em học sinh chúng tôi và các thầy giám thị đã rất là gắn bó, tụi tôi coi các thầy như cha (nói chuyện với nhau chúng tôi thường dùng từ Papa để nói về các thầy). Đặc biệt có một người tụi tôi coi như mẹ, đó là cô giám thị Ngà (tôi không còn nhớ họ của cô là gì), mà tụi tôi thường gọi là Má Ngà; cô có một người con trai tên Quang học chung với tôi suốt các lớp Đệ Nhị Cấp. Tôi không nhớ rõ lắm nhưng hình như cô Ngà là vị giám thị nữ duy nhứt của Trường Petrus Ký. Tụi tôi đứa nào cũng thương cô vì cô rất hiền, và như một người mẹ thật sự, cô luôn bao che cho anh em chúng tôi mỗi khi chúng tôi phạm lỗi. Và, như đã nói ở trên, cô lại có con học chung với bọn tôi nên tình cảm giữa cô và bọn tôi thật là gần gủi. Ngoài ra, có một thời gian, lúc bọn tôi còn ở bậc Đệ Nhứt Cấp, vì thiếu giáo sư, nhà trường đã giao cho cô phụ trách môn Vạn Vật cho các lớp Đệ Thất và Đệ Lục. Tôi không bao giờ quên lời cô giảng trong một giờ Vạn Vật, học về con mèo: “Con mèo nó có nghể võ, mấy em có để ý không, khi bị ai liệng xuống đất, luôn luôn nó xuống bằng bốn chân.” Khi gọi bọn tôi lên trả bài, cô luôn luôn cho điểm cao; và cô chưa bao giờ cho đứa nào “cấm túc” cả.
Nói đến “cấm túc” (dịch từ tiếng Pháp consigne) là nói đến chuyện kỷ luật của nhà trường. Đây là một đặc điểm nữa của Trường Petrus Ký. Kỷ luật của nhà trường có thể nói là rất nghiêm khắc. Học sinh đi học luôn luôn phải mặc đồng phục: ngày thường thì quần dài hay quần ngắn màu xanh dương đậm, áo sơ mi trắng tay ngắn, áo phải bỏ vào trong quần; ngày lễ thì đồng phục là toàn trắng từ trên xuống dưới, áo trắng, quần dài trắng, và giày bố cũng trắng luôn. Đi học phải luôn luôn đúng giờ. Nếu đến trường sau khi giờ học đã bắt đầu thì phải lên văn phòng xin một giấy phép vào trình cho giáo sư thì mới được vào lớp. Nếu nghĩ học một ngày thì hôm sau phải đem thơ có chữ ký của phụ huynh, nói rõ lý do nghĩ học, vào trình cho văn phòng thì mới được cấp giấy phép vào lớp. Trước khi vào lớp, học sinh phải xếp hàng đôi ngay trước lớp dưới sự kiểm soát của các thầy giám thị. Khi giáo sư đến và cho phép vào lớp thì học sinh lần lượt vào lớp, đến các bàn học của mình và đứng nghiêm, chờ giáo sư cho phép ngồi xuống mới được ngồi. Giờ ra chơi cũng vậy, học sinh chỉ được ra khỏi lớp khi giáo sư cho phép. Ngày thường Hành Lang Danh Dự và Sân Danh Dự gần như là khu cấm địa đối với học sinh. Tôi còn nhớ hoài, trong mấy năm đầu, mỗi tháng đều có Thầy Giám Học (lúc đó còn gọi bằng tiếng Pháp là Censeur, là Thầy Trương Văn Huấn; thời gian này, Thầy Hiệu Trưởng--còn gọi là Proviseur--là Thầy Phạm Văn Còn) đến từng lớp để trao Bảng Danh Dự (Tableau d’honneur) cho các học sinh xuất sắc cả về học lực lẩn hạnh kiểm.

Trước khi trao Bảng Danh Dự, lần nào Thấy Huấn cũng dạy bọn tôi như sau:
“Khi nào nghe tôi đọc tên, thì phải hô lên “Présent = Có mặt” rồi bước lên đây, khi nào nhận Bảng Danh Dự xong thì phải nói “Merci, Monsieur = Cám ơn, Thầy”, nhớ không ?” Lúc đó bọn tôi nghe nói mỗi lần họp hội đồng giáo sư vẫn còn sử dụng tiếng Pháp.

Thầy Phạm Văn Còn
Hiệu trưởng Petrus Ký 1951-1955.
Hình phạt sử dụng trong hệ thống kỷ luật cũa Trường Petrus Ký là cấm túc (consigne). Nói chung có hai loại cấm túc: một loại phần lớn do các thầy giám thị “ban” cho bọn tôi khi phạm kỷ luật về hạnh kiểm, một loại do các giáo sư “ban” cho khi học sinh không làm bài, không thuộc bài. Mỗi khi các thầy cô giáo sư cho điểm không và đóng khung lại (zéros encadrés) thì đương nhiên đó là cấm túc. Một cấm túc là 4 giờ, và nửa cấm túc là 2 giờ. Việc thi hành cấm túc diễn ra như sau: học sinh bị cấm túc sẽ nhận được giấy báo của nhà trường vào ngày Thứ Sáu trong tuần, mang về nhà cho phụ huynh ký tên, đến ngày Chủ Nhựt sẽ vào trường, đến trình diện tại phòng cấm túc (thường tổ chức tại các phòng thí nghiệm, vì dễ kiểm soát), nộp lại giấy báo đã có chữ ký của phụ huynh, và ngồi trong phòng đó suốt thời gian 2 giờ hay 4 giờ đồng hồ tùy theo bị nửa hay nguyên cấm túc. Trong thời gian này, học sinh phải làm bài do các giáo sư đã chuyển đến trước cho các thầy giám thị trông coi phòng cấm túc. Học sinh nào bị cấm túc trong tháng thì tháng đó đương nhiên không được Bảng Danh Dự dù cho có được điểm trung bình cao. Nhờ hệ thống kỷ luật nghiêm khắc và chặt chẽ này, cộng thêm với đội ngũ giáo sư giỏi và tận tâm, Trường Petrus Ký đã liên tục đào tạo nhiều thế hệ học sinh giỏi và tỷ lệ trúng tuyển rất cao trong các kỳ thi Trung Học Đệ Nhứt Cấp, cũng như Tú Tài 1 và Tú Tài 2. Có năm tỷ lệ đậu Tú Tài là 100%, thí dụ, niên khóa 1972-1973, thi Tú Tài 2, “ban A, có 101 học sinh dự thi, đậu hết 101 em, với 2 người hạng Ưu, 10 người hạng Bình, 25 người hạng Bình Thứ, tỷ lệ 100%.” (Tài liệu trích dẫn: Nguyễn Thanh Liêm, “Trường Petrus Ký và nhà bác học Trương Vĩnh Ký,” trong Đặc san Petrus Ký 1990 : số đặc biệt kỷ niệm giổ một trăm năm nhà bác học Petrus Ký (1-9-1898 – 1-9-1998), tr. 120).
Sau khi tôi học xong năm Đệ Thất (niên khóa 1953-1954), một biến cố chính trị vô cùng quan trọng trong lịch sử hiện đại của đất nước diễn ra : Hiệp Định Đình Chiến được ký kết tại Genève, Thụy Sĩ, vào ngày 20-7-1954 và Việt Nam bị chia đôi tại vĩ tuyến 17. Đồng bào Miền Bắc, để tránh nạn Cộng sản, ồ ạt di cư vào Miền Nam. Để có chổ dạy và học cho giáo sư và học sinh Trường Trung học Chu Văn An từ Hà Nội di cư vào Sài Gòn, Bộ Quốc gia Giáo dục quyết định sử dụng cơ sở của Trường Petrus Ký làm trụ sở tạm thời cho Trường Chu Văn An. Trong thời gian hai năm, hai trường trung học lớn nhứt dành cho nam sinh của Việt Nam tại Sài Gòn cùng sinh hoạt tại một địa điểm. Trường Petrus Ký hoạt động từ 7 giờ sáng đến 1 giờ trưa, và nhường cơ sở của mình lại choTrường Chu Văn An từ 2 giờ trưa. Trước kia, các lớp Đệ Nhị Cấp học buổi sáng, các lớp Đệ Nhứt Cấp học buổi chiều. Nay, vì tổng số giờ học cho cả trường chỉ còn có 6 giờ, Ban Giám đốc Trường Petrus Ký quyết định chỉ có các lớp phải đi thi được học 4 giờ (từ 7 giờ đến 11 giờ sáng), các lớp không đi thi chỉ được học 2 giờ mà thôi (tứ 11 giờ sáng đến 1 giờ trưa). Thành ra, trong hai niên khóa (1954-1955 và 1955-1956), cho hai năm Đệ Lục và Đệ Ngũ, bọn tôi đã đi học trong những giờ giấc rất kỳ cục, ra khỏi nhà lúc 10 giờ rưởi sáng và học xong về nhà khoảng 1 giờ rưởi trưa, và dĩ nhiên là ăn cơm trưa lúc gần 2 giờ chiều.
Trong thời gian hai năm này, tình hình chính trị tại Miền Nam rất sôi động. Chính phủ Ngô Đình Diệm, một mặt phải giải quyết bao nhiêu vấn đề khó khăn trong việc định cư cho gần một triệu đồng bào Miền Bắc di cư vào, mặt khác phải đương đầu với các áp lực chính trị và quân sự của các chính đảng và giáo phái chống đối lúc nào cũng lăm le lật đổ chính phủ. Một trong các nhóm chống đối này là lực lượng Bình Xuyên của Thiếu Tướng Lê Văn Viễn (thường được gọi là Bảy Viễn). Chuyện có liên quan đến Trường Petrus Ký là chuyện phe Bình Xuyên chọn cơ sở giáo dục này làm nơi đóng quân cho một đơn vị Công An Xung Phong của họ (lúc đó, Tổng Nha Cảnh Sát Công An, do Lai Văn Sang, cố vấn quân sự của Bảy Viễn, giữ chức Tổng Giám Đốc, thuộc quyền kiểm soát của Bình Xuyên). Tôi vẫn còn nhớ trong thời gian đó, mỗi ngày lúc dẫn xe đạp vào Trường, bọn tôi đều phải đi ngang qua các trạm phòng thủ của đơn vị Công An Xung Phong này. Họ đặt một trạm canh ngay ngoài cổng với 3 hay 4 người lính và một khẩu súng đại liên. Một trạm canh thứ hai đặt ở hành lang chắn ngang ở cuối con đường trải đá ong. Đường dây điện thoại liên lạc giữa hai trạm canh trải dài theo con đường này. Thỉnh thoảng bọn tôi thấy có một chiếc xe Jeep mui trần từ trong khu vực phía sau Trường chạy ra cổng, trên xe, ngồi cạnh tài xế ở phía trước, có một người có vẻ là cấp chỉ huy, có đeo bên hông một khẩu súng Colt 45 (kiểu súng cao bồi) cán bạc, trông rất oai vệ. Bọn tôi ai cũng tin rằng đó chính là Đại Úy Lê Paul, con trai của Tướng Bảy Viễn, chỉ huy trưởng của lực lượng Công An Xung Phong. Lâu lâu lại có báo động, lính Bình Xuyên, từ khu vực bên trong, với đầy đủ khí giới, chân mang giầy đinh, chạy rầm rầm ra ứng chiến và tăng cường cho các trạm canh. Đó là những khi có các đoàn quân xa chở binh sĩ của Quân Đội Quốc Gia, vẫn còn trung thành với Chính phủ Ngô Đình Diệm, chạy ngang qua khu vực đường Nancy. Chúng tôi đã học hành hai năm trong không khí chiến tranh căng thẳng như vậy. Và, dĩ nhiên, chuyện sẽ đến phải đến. Một buổi trưa cuối tháng 4-1955, tôi còn nhớ đang học giờ Pháp văn với Thầy Phạm Văn Sửu, trong một phòng học trên dãy lầu mà cửa sổ trông xuống con đường trải đá ong từ cổng vào. Bổng nhiên, từ trong lớp, chúng tôi nghe nhiều tiếng la hét, tiếng giày đinh chạy rầm rầm bên dưới đường. Không đầy năm phút sau thì có tiếng súng nổ vang dội, càng lúc càng nhiều. Biết lần này là đánh nhau thật rồi, Thầy Sửu bình tỉnh ra lệnh cho các học sinh ngồi các bàn sát cửa sổ đóng kín các cửa sổ lại, và tất cả học sinh chui xuống ngồi ở dưới các bàn học. Riêng Thầy Sửu thì đi ra ngoài đóng lại cửa chính của lớp học mở ra hành lang trông xuống Sân Danh Dự, rồi trở lại ngồi ngay tại bàn của thầy. (Xin mở dấu ngoặc nhỏ ở đây để nói thêm một ít về Thầy Phạm Văn Sửu. Xuất thân là một Huấn Luyện Viên Thể Dục, Thầy chịu khó học thêm và đậu bằng Tú Tài nên được chuyển sang làm Giáo sư môn Pháp văn cho các lớp Đệ Nhứt Cấp. Trong thời gian này, Thầy lại chịu khó tiếp tục học Đại học Luật Khoa và đậu bằng Cử Nhân Luật, và chuyển sang làm việc trong ngành Tư pháp. Năm 1963, tôi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, và được bổ nhiệm về làm Giáo sư môn Sử Địa tại Trường Trung Hoc Công Lập Kiến Hòa. Lúc đó Thầy Sửu là đương kim Chánh Án Toà Án tỉnh Kiến Hòa. Tôi có đến thăm Thầy mấy lần tại ngôi biệt thự lớn nằm gần Hồ Chung Thủy dành cho vị Chánh Án của tỉnh. Thầy rất mừng cho việc đổ đạt của tôi. Tuy không nói ra, nhưng trong lòng tôi thầm nghĩ: “Chính nhờ Thầy dạy dỗ và nêu gương sáng hiếu học mà nay con mới nên người.” Xin đóng dấu ngoặc lại ở đây). Thầy trò chúng tôi chịu trận như vậy có lẽ đến khoảng 20 hay 30 phút cho đến khi tiếng súng ngưng hẳn. Vài phút sau, mặc dù chưa đến 1 giờ trưa, nhà trường cho lệnh học sinh ra về hết. Khi dẫn xe đạp ra cổng, bọn tôi vẫn còn ngửi thấy mùi khói súng khét lẹt, và, dĩ nhiên cũng trông thấy bộ dạng căng thẳng của những người lính Công An Xung Phong Bình Xuyên đang còn nằm dài suốt con đường trải đá ong cũng như tại trạm canh ngoài cổng. Sau này mới biết đó là cuộc chạm súng giữa đơn vị Công An Xung Phong đóng tại Trường Petrus Ký với một đơn vị nhảy dù của Quân Đội Quốc Gia gồm phần lớn là người Nùng từ Miền Bắc di cư vào. Sau ngày hôm đó coi như bãi trường luôn và chúng tôi chỉ trở lại trường vào đầu niên khóa sau. Ngày đầu tiên trở lại Trường, chúng tôi vui mừng vô cùng vì được gặp lại Thầy Cô và bạn bè. Nhưng đó cũng là một ngày rất buồn vì trông thấy những chứng tích của trận đánh vẫn còn in hằn lên những cơ sở của Trường: vết đạn còn đầy khắp nơi, trên các cửa sổ, các bức tường; bàn ghế trong các lớp học cũng bị hư hại, nếu tôi nhớ không lầm thi hình như bức tượng bán thân bằng đồng đen của Nhà Bác Học Petrus Ký cũng bị trúng một viên đạn.
Tượng bán thân bằng đồng đen của
nhà bác học Trương Vĩnh Ký.
Tôi còn nhớ mãi các dấu tròn cháy nám đen trên các lang can của hành lang trông xuống Sân Danh Dự do lính dù đặt nồi nấu cơm trong thời gian họ chiếm đóng Trường sau khi đánh bật đơn vị Công An Xung Phong ra khỏi vị trí này. Các dấu nám này mãi đến mấy năm sau vẫn còn. Nghe nói khu vực văn phòng và nhà ở của Thầy Hiệu Trưởng Phạm Văn Còn cũng đều bị thiệt hại. Sau biến cố Bình Xuyên đó, toàn thể Ban Giám Đốc, Ban Giáo sư, Giám thị và học sinh của Trường đã cùng nhau xây dựng lại ngôi trường thân yêu và chẳng bao lâu việc dạy và học đã trở về nề nếp cũ như trước. Với niên khóa 1956-1957 này, Trường Chu Văn An đã có cơ sở mới, và toàn thể học sinh Trường Petrus Ký lại được học đủ giờ như xưa. Riêng phần tôi và bạn bè cùng lớp thì náo nức buớc vào năm học mới, Lớp Đệ Tứ F (niên khóa 1956-1957), chuẩn bị cho kỳ thi Trung Học Đệ Nhứt Cấp sẽ diễn ra vào Hè 1957.

Hamilton, ngày 10-3-2014

1 nhận xét:

  1. Ai đã từng được học ở trường này chắc sẽ rất hạnh phúc

    Trả lờiXóa

ĐỜI ĐÁ VÀNG ,TIẾC MÀU TRĂNG CŨ - Thơ Ngọc Ánh

ĐỜI ĐÁ VÀNG Em đếm thời gian trên ngón tay Thêm mùa Thu nữa đã tàn phai Thôi đừng nhắc lại câu vàng đá Làn tóc mây trời theo gió bay Anh hiể...