Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2020

Thảm trạng gia đình người Việt ở Mỹ trong mùa dịch

Bỏ quên

Nghe tiếng phone reng, Hoàng bực mình cho là phone quảng cáo, nhưng
vẫn dở phone lên gắt gỏng :
- Alo ! cái gì mà gọi hoài vậy.

- Dạ cho chúng tôi gặp ông Lợi, chúng tôi gọi hai ngày nay không ai bắt phone.

- Ông Lợi không có nhà.
- Chúng tôi rất cần gặp ông Lợi

- Ông Lợi đi làm hai giờ chiều mới về, có gì nói với tôi được không,
tôi là người nhà ông Lợi,
- Xin bà làm ơn nói với ông Lợi đến nhà dưỡng lão CampBell đưa ông cụ
về nhà vì dịch corona nhà dưỡng lão được lệnh phải giải tán.

Hoàng hoảng hốt nghĩ cái hoạ sắp tấp vào nhà, liền xuống giọng năn nỉ :
- Thưa bà, xin bà có cách gì tạm để ông già trên đó không, tốn mấy
chúng tôi xin chịu, nhờ bà làm ơn giúp cho chúng tôi, chúng tôi sẽ hậu
tạ riêng bà.

- Không được cô, tôi là nhân viên đâu có quyền hành gì, 19 người già
trong viện xét nghiệm có 4 người dương tính, bị nhiễm virus, hiện cho
nằm bịnh viện, số còn lại kết quả âm nên cấp tốc trả về nhà cách ly 14
ngày.
Đó là lệnh của ban phòng chống dịch. Hiện người ta về nhà hết, trừ ông
cụ, bởi vậy cô phải báo cho ông Lợi biết, cấp tốc đến đưa ông cụ về.
Thôi, cảm ơn cô.

Bỏ phone xuống Hoàng sững sờ : Làm sao bây giờ.
Lợi có một bà chị và một đứa em. Gọi phone bà chị, nhờ bà chị nhận ông
già về tạm mấy ngày dịch hoành hành rồi sẽ tính sau :
- Chị nên đưa cha về một thời gian ngắn rồi sẽ tính, chị lo cho cha,
bọn em chịu tất cả phí tổn cho chị

- Không được, nhà tui có một phòng, lớn nhỏ năm người ở, đưa cha về
ở chỗ nào. Nhưng mà cậu mợ nghĩ sao, ba năm nay ổng đã ở yên rồi, thì
để ổng ở tiếp cho hết đời, đem về làm gì.
- Bây giờ người ta không cho ở nữa, tất cả viện dưỡng lão đều bị đóng
cửa. Thôi để em thuyết phục chú út thử.

Chú út viện lý do hai vợ chồng chú cả ngày đi làm , vì làm y tá ở
bịnh viện nên dù mọi người đều phải ở nhà, hãng xưởng đều đóng cửa,
nhưng hai vợ chồng chú không được ở nhà, thì làm sao có thì giờ chăm
sóc ông già.

Trước lý do đó chị không thể năn nỉ câu thứ hai. Không còn cách gì
nữa, năn nỉ ai cũng không được, chị liền nghĩ đến cách cuối cùng là
im lặng xem như không được tin tức gì hết, và có thể cảnh sát xem như
ông già không có thân nhân, và họ sẽ giải quyết theo hướng đó, hướng
không có thân nhân.

Chị mỉm cười khen mình người sáng ý, thông minh. Chị biết rất rõ anh
bạn của chồng chị, cách nay ba năm, có bà mẹ già ở Pháp sang thăm, bà
bị bịnh, anh gấp rút đưa vào bịnh viện, độ vài tuần sau bà cụ qua
đời. Bịnh viện liên lạc thân nhân mới hay, là số phone giả, địa chỉ
giả.

Chiều hôm đó Lợi về hơi sớm. Đường vắng quá, một vài người lớn tuổi đi
bộ có vẻ ké né trên lề đường, đeo khẩu trang, ra dáng thận trọng
nghiêm nghị khác những ngày thường.

Quang cảnh khác hẳn, hơi rờn rợn, hình như ma quái núp trong cỏ cây,
nơi nào đâu xa lạ hoang vu, chứ không phải nơi anh thường đi ngày hai
bận, đi cắt cỏ cho một trường học gần nhà.

Anh vừa bước vào nhà, nghe phone reng, trong phòng bên cạnh chị chạy
ra nhưng không kịp.
- Alo ! dạ..dạ .. dạ vâng …dạ..dạ tôi đến ngay.

Vừa đặt phone xuống, anh nói ngay :
- Bọn nó đuổi ông già về, bây giờ anh phải đi đón về.

Chị cố bình tỉnh, tuy giọng hơi run run :
- Thì anh ăn cơm rồi sẽ tính sau.
-Tính cái con mẹ gì, nó bảo trước đây hai ngày, họ về hết rồi, nếu
chiều nay không ai đón về, nó báo cho cảnh sát biết và xem như xong
nhiệm vụ.

- Hay là anh để cho cảnh sát nó giải quyết xem sao.
- Làm thế cha anh sẽ chết lạnh dọc đường cái trong đêm nay.

Bực mình anh vẫn giữ nguyên bộ quần áo cắt cỏ ra xe. Anh nghĩ cũng
tại anh, năm đó ông già không chịu đi, lấy lý do già rồi đi làm gì,
tiếng Anh không nói được không biết lái xe, hơn nữa, mẹ anh mới mất
chưa giáp năm, bỏ đi thấy tội nghiệp quá.

Nhưng anh bảo cha anh nên đi, tuổi già ở Mỹ có đũ thuốc men, có bác
sĩ giỏi, có binh viện tốt, nhất là tránh được cái nạn dùng thuốc giả,
thuốc độc, của Trung quốc.

Bà chị cả của anh, người em trai út và nhất là vợ anh, liên tục lén
anh, viết thơ về khuyên ông già nên ở lại Việt nam lo mồ mã cho mẹ mới
mất, rồi sẽ gửi tiền, gửi thuốc Tây về cho ông.

Bởi vậy ông quyết định xoá bỏ hồ sơ H.O. Khi được tin xoá bỏ hồ sơ,
anh phải cấp tốc về quê khuyên bảo ép buộc ông làm lại hồ sơ. Thế mà
phải chờ đến trên mười năm, hổ sơ mới được tái xét, mới được ra đi.

Freeway 17 vắng quá, anh chạy hơi quá tốc độ nên chưa đến một giờ đã
ra exit Campbell.
Theo con đường nhỏ đi sâu vào rừng rậm. Tuy chưa đến 4 giờ chiểu
nhưng như sắp tối, vắng một cách kinh hoàng.

Anh nghĩ làm nhà dưỡng lão ở nơi này có khác gì một nhà tù nhốt mấy
ông già gần đất xa trời.

Đậu xe phía trước, anh chạy vòng vào sân sau, không có một bóng người
nào, phía trong hành lang xa, một ông già nhỏ thó ngồi bất động trên
cái ghế dài bên cái xách vải .
“ Trời ơi ! cha tôi đây Trời !” Anh nhào tới ôm cha anh, ông già mỉm
cười, nước mắt dầm dề :
- Thấy con cha mừng quá. Hai hôm nay cha ở đây một mình. Nếu tối nay
con không đến, cha mò lần ra đường cái. Trời còn thuong cha.

- Cha ngồi đây lâu chưa ?”
- Hồi sáng giờ. Bà y tá bảo cha dọn đồ ra ngồi chờ người nhà lên, họ đóng cửa.

Lợi xách túi vải nói :
- Con cõng cha ra xe, đường đi nhiều rễ cây dễ bị vấp ngã.

Ông giả lẩm nhẩm :
- Cha ở đây đúng ba năm 4 tháng 18 ngày.

Lợi mừng thầm, ông già mình tuy ốm yếu nhưng trí óc còn khá sáng suốt
mới nhớ được số ngày tháng năm ở khu rừng này.
- Bọn con đều khoẻ mạnh hết.?
- Dạ, vì bịnh dịch đang lan tràn nên ai ở nhà nấy không dám ra đường,
nên mình con đi đón cha..

- Hai đứa cháu nội của cha lớn lắm hả, có đứa nào có vợ chưa.
- Chưa cha, bọn nó còn nhỏ, còn đi học mà.

Lợi lái xe chạy chậm vì đoạn đường xấu, sợ xe xóc làm mệt cha già.
Nghe tiếng thở đều đều ông già ngoẽo đầu qua một bên thiu thiu ngủ.
Lợi định tạm để cha già ở cách ly tại garage xe. và anh định nghỉ cắt
cỏ ít nhất 2 tuần để chăm sóc cha.
Anh nguyện lần này chính anh, chinh bàn tay anh, sẽ làm mọi thứ, từ
nấu ăn, giặt dũ đến tắm rửa, đổ bô, lau cầu, không để ai nhúng vào,
nhất là vợ anh.

Nhắc đến vợ, anh lo lắng rồi đây anh phải cố gắng chịu đựng, cố gắng
nhịn nhục tối đa, để tránh những cuộc đổ vỡ cãi vã to tiếng. Nhất là
không để cho ông già nghe được những lời cãi vã.
Anh chắc chắn phải làm được vì ông già sống ở garage biệt lập.

Bữa cơm tối hôm đó tuy rất đói nhưng anh ăn không ngon vì hình ảnh cha
anh khi chiều làm anh rất xúc động, anh cảm thấy tội lỗi, một ông
già gầy ốm một mình ngồi cheo leo ở bìa rừng vắng vẻ tiêu điều, vào
một buổi chiều sắp tắt.

Tại sao một ông già phải bị đày đoạ như thế. Mâm ăn có 4 người, hai
con anh ngồi một bên, vợ anh với anh một bên.
Hai đứa nhỏ và vợ anh mỗi người chăm chú vào chiếc Iphone, không để ý
gì đến việc ăn uống.
Bỗng chị hỏi :
-Cha ăn uống gỉ chưa ?

- Cha mệt đang ngủ ngoài garage, anh đang nấu cháo cho cha
- Chắc anh gặp cha đang lang thang ngoài đường cái chứ gì?

Anh giả vờ không hiểu câu nói móc của chị, vì khi ra xe đi đón ông
già, anh bảo nếu không lên đêm nay, ông già có thể chết lạnh trên
đường cái.
Anh bình thản trả lời :
- Không, ông già ngồi cheo leo một mình ở hè nhà dưỡng lão.

Hai đứa nhỏ thôi ăn đứng dậy, mỗi đứa rót một ly nước, lên lầu
Chị cũng thôi ăn, đứng dậy, anh liền bảo :
- Em ngồi lại anh có vài điều muốn bàn với em.

Chị ngồi xuống nhìn thẳng vào anh.
Anh đem cha vể đây ở tạm một thời gian, có thể nửa năm, một năm để ổng
ổn định sức khoẻ, anh sẽ dẫn ổng về lại Việt Nam ở với bà cô ruột anh
cũng đang sống một mình với đứa cháu trong họ.

Anh sẽ làm hết mọi việc từ đi chợ, nâu ăn, rửa chén, dọn dẹp trong
nhà, lau chùi cầu tiêu nhà cửa, v..v..anh chỉ tha thiết xin em một
điều ..một điều.. là cố gắng vui vẻ với ông già trong lúc ổng còn ở
nhà này với chúng ta.
Nghĩa là em sẽ không làm gì hết, cố nhiên việc chăm sóc ông già là
việc của anh, nếu em …thấy không thể được thì cũng nên cho anh biết.

Không khí nặng nề im lặng. Chị đứng dậy, chậm chậm đi lên lầu. Khi
chị đi rồi anh bực mình tại sao lại đặt vấn đề với chị một cách thẳng
thừng thô bạo như vậy, vô tình đẩy chị vào thế chống đối, anh cảm thấy
mình kém cõi quá, làm vấn đề đáng lẽ đơn giản, hoá ra khó khăn phức
tạp hơn.

Nhà anh có 4 phòng, trên lầu 3 phòng ngủ, 2 phòng tắm. Hai con hai
phòng anh chị một phòng.
Tầng trệt 1 phòng ngủ 1 phòng tắm. Khi ông già chưa đến nhà dưỡng lão,
ở phòng dưới này. Để ông già nằm một mình ở garage anh không yên tâm,
đêm hôm có việc gì ông già kêu không ai nghe, anh đặt môt giường nhỏ
anh nằm cạnh ông già.

Lấy lý do vì dịch corona, cách ly xã hội, nên anh yên tâm để ông già ở
Garage cho đến khi hết dịch.
Cũng vì lý do đó anh giải thích với ông vợ anh và hai con anh chưa dám
ra garage.
Thật sự ông già hiểu hết sự việc, nhất là suốt hơn ba năm nay, ba chục
người bị “lưu đày” ( chữ của các cụ ở nhà dưỡng lão Campbell ) ở
chung với nhau . Hầu như họ chung một tâm trạng bị con, tống họ ra
khỏi nhà, vì tốn kém thì ít, vì người nào cũng có tiền già, tiền
chánh phủ cấp cho tạm đũ sống, có lẽ vì người càng già càng làm cuộc
sống của chúng mất tươi trẻ, mất hạnh phúc, và cũng chính người già bị
gán cho là cái ổ vi trùng, ổ bịnh tật.

Người già đồng nghĩa với dơ dáy. v..v.. Tất cả họ, những người Việt
nam ở trại Campbell, đều là cựu sĩ quan miền Nam Việt Nam sau ngày mất
nước tháng Tư năm 75 (1975), trung bình mỗi người chịu gần 10 năm tù

Vì cùng chung một tâm trạng, một ngôn ngữ họ thông cảm với nhau họ
không quá chán nản quá cô đơn như ở các nhà dưỡng lão khác nói tiếng
Anh là chính, nên người nào không nói được, chịu rất nhièu thiệt
thòi, có khi bị đánh đập vì bị xem như bất tuân các mệnh lệnh của y
tá y công.
Vì chia xẽ vì thông cảm vì cùng cảnh ngộ họ tránh được những cãi vã,
những xô xác với nhau, nhưng họ mỗi ngày mỗi chuốt thêm những oái
oăm, những nỗi buồn vì bất hạnh với gia đình, với con cháu.

Mỗi ngày họ phết thêm vào bức tranh tập thể đó, một nét buồn thảm ảm
đạm. Thế cho nên họ thiếu hẳn niềm vui, người nào cũng mang một bộ mặt
âu sầu buồn thảm.
Thậm chí có người than rằng ở tù tuy mất tự do, tuy nhục nhã, nhưng
ít nhất một tháng, hoặc 6 tháng, có gia đình đến thăm nuôi, và gia
đình còn thương xót, còn tôn trọng, còn kính nể người đang ở tù, và
còn hi vọng người tù còn có ngày về để cùng xây dựng lại cuộc sống,
tạo lại hạnh phúc.

Trái lại vào trại dưỡng lão không mất tự do, nhưng gần như không cần
tự do nữa, như bước vào giai đoạn cuối cuộc đời .
Họ thật sự bi bỏ quên. Có người suốt năm không có người đến thăm.
Theo ông khi vào trại, tổng số là 30 nguòi, và gần 4 năm sau chỉ còn
19 người. Mười một người lìa trần vì buồn bã quá, vì chán nản đến cùng
cực, vì tủi thân, vì bị bỏ quên, chứ không phải vì những bịnh nan y.
Có những người không chịu uống thuốc, có người phản đối đi bịnh viện.

Từ ngày đưa cha về nhà anh thay thế vợ làm mọi việc trong nhà, anh
mới biết rằng tuy công việc nhẹ, nhưng bực mình quá.
Quần quật từ sáng đến tối, không hết việc. Anh dọn cho cha anh và
chính anh ăn ngoài garage, sợ cha buồn anh giải thích vì trong thời kỳ
cách ly nên phải như thế. Vợ con anh ăn trong nhà.

Tuy ông hiểu điều giải thích của anh là đúng trong thời kỳ cách ly
này, nhưng ông vẫn buồn buồn tủi thân. Ông mỉm cười tự thấy mình càng
già càng khó tính, càng cô đơn càng khó tính.

Ông nghĩ đáng lẽ ở tuổi mình tuổi gần 80 phải dễ dãi , phải cởi mở,
sao cũng xong cũng tốt. Ông nhớ lại cái đề tài này, trong nhà dưỡng
lão, thường đem ra bàn luận với nhau trong nhóm anh em, và lúc nào
ông cũng ở phe chỉ trích những người khó tính, và quả quyết vì tính
xấu đó, mà con cháu nó không muốn sống gần với mấy người già, dù đó
là ông bà nội ngoại.

Mấy người bạn của ông không đồng ý và cho rằng vì hai nền văn hoá Đông
phương Tây phương đối lập nhau, nên mới có những bi kịch như vậy.
Rồi họ dẫn chứng ở Việt Nam chẳng hạn  đứa bé lên ba đã
được cha mẹ dạy dỗ lễ độ chào hỏi, trong khi ở Mỹ trẻ con lên đại học
chưa có thói quen chào hỏi.
Vấn đề này với ông, chưa ngã ngũ, chưa tìm ra câu giải đáp thoả mãn.

Từ ngày ra khỏi nhà dưỡng lão Campbell. ông sống một mình ở garage
ông hay nghĩ đến người vợ quá cố của ông.
Nếu bà còn sống, thì có lẽ đời ông không như thế này, không có chuyện
ở nhà “ lưu đày Campbell”.

Càng nhớ đến bà, ông càng thấy ở bà có phẩm cách cao quí, một người
vợ tuyệt vời, một người đàn bà suốt đời biết hi sinh cho chồng cho
con, một người kính trọng cha mẹ ông hơn cả ông kính trọng.
Có hôm trong giấc chiêm bao ông thấy bà ngồi cạnh giường ông, ông mừng
quá ngồi dậy thì bà lặng lẽ đúng dậy ra đi im lặng không nói một lời.
Rồi những đêm tiếp theo, ông mong được gặp bà nhưng không thấy. Ông
tính sẽ nói với anh lập bàn thờ thờ mẹ để đêm đêm có chỗ ông thắp cây
nhang, tội nghiệp. Nhưng ý nghĩ này bị dập tắt ngay, vì ông, và bạn
bè ông đều biết, có bao giờ bọn chúng chấp nhận bàn thờ.

Anh vui vẻ hỏi cha :
- Hôm nay con đi chợ, cha muốn mua thứ gì, muốn ăn uống gì, con mua cho cha.
- Không, không, khỏi mua gì con, cha ăn gì cũng được, nhà có gì ăn nấy.

Anh vừa ra xe, thì chị và hai đứa nhỏ đến cửa trong nhà xuống garage,
chị nói lớn trong nước mắt :

- Hai cháu và con chào cha. Nhờ cha nói với ổng có cái thư để trong
tủ lạnh. Ổng không cần vợ, không cần con, nên bọn con ra đi. Nói
xong chị và hai đứa nhỏ lui vào nhà. Ông bối rối không kịp nói gì.
Mệt quá ông nằm đừ lên giường cảm thấy khó thở. Ông mê man vào giấc
ngủ hồi nào không biết.

Anh đặt mâm cơm lên bàn mới hay cha anh đang ngủ. Anh ngạc nhiên sao
giờ này cha anh còn ngủ :
- Cha, cha, dây ăn cơm rồi hãy ngủ cha.

Ông già ngồi dậy bần thần không biết ở đâu. Anh nói lớn:
- Hình như cha bị cảm phải không.
- Không, hơi mệt thôi, không sao đâu.

Ông ngồi dậy cố nuốt miếng cơm, nước mắt dầm dề :
- Vợ con với hai đứa nhỏ bỏ nhà đi rồi
- Cha nói cái gì vậy cha ?

Ông lặp lại :
- Vợ con bỏ nhà đi rồi. Nó có ra chào cha và dặn cho con biết có thư
trong tủ lạnh.

Anh vội vàng chạy vào nhà. Thư viết : “ Ông xem mẹ con tui không ra
gì nên chúng tôi phải ra đi”. Viết vội vã chữ nguệch ngoạc, chỉ một
câu thôi, không ký tên không đề ngày.

Tức qúa anh xé nát tờ thư, ngồi thừ xuống ghế nước mắt tuông chảy, anh
khóc. Anh ngồi như thế đến 1 giờ sáng, giật mình nghĩ đến ông già,
anh vội bước ra garage cố điềm tỉnh dấu cha anh.

Cha anh nằm im lặng hình như chưa ngủ, vì ông già cựa mình và thỉnh
thoảng ho. Anh nghĩ phải cố gắng bình thản trước cha anh. Mong hết cơn
dịch anh sẽ đưa cha anh về Việt nam rồi anh sẽ đi tìm vợ con anh. Nhất
định không để đổ vỡ gia đình. Anh nghĩ, lỗi do mình, mình bất tài quá
nên mới ra nông nỗi này.

Nguyễn Liệu


(Hoa Huỳnh chuyển)

1 nhận xét:

  1. Đây là một trong rất nhiều nỗi cơ cực của các gia đình tại Mỹ trong mùa dịch

    Trả lờiXóa

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...