(Kiến Thức) - Tính đến trưa ngày 24/6, tỉnh Đắk Nông đã ghi nhận 12 người dương tính với vi khuẩn bạch hầu, trong đó đã có một cháu nhỏ tử vong. Bệnh này thường gặp ở trẻ nhỏ và có nguy cơ biến chứng cao nếu không được điều trị kịp thời.
Bệnh bạch hầu là một loại bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Loại bệnh này thường gặp ở trẻ nhỏ và có nguy cơ biến chứng cao nếu không được điều trị kịp thời.
Tính đến trưa ngày 24/6, tỉnh Đắk Nông đã ghi nhận 12 người dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Đặc biệt trong đó đã có một cháu nhỏ tử vong.
Trường hợp mắc bệnh bạch hầu tử vong mới đây là cháu Sùng Thị H. (SN 2011, ngụ cụm 2, thôn 6, xã Quảng Hòa). Vào ngày 19/6 vừa qua, cháu H được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông trong tình trạng ho, đau họng, khó thở. Bệnh nhân sau đó tiếp tục chuyển biến nặng và được chuyển đến Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM. Đến sáng 20/6, cháu H. tử vong do bệnh bạch hầu ác tính biến chứng vào tim.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM): "Trẻ em mắc bệnh bạch hầu gặp biến chứng nặng hoặc tử vong chủ yếu là do khả năng miễn dịch của trẻ nhỏ chưa đủ, hơn nữa trẻ nhỏ thường không biết cách miêu tả triệu chứng bệnh vì thế thời gian phát hiện bệnh thường muộn hơn người lớn, dẫn đến việc điều trị bệnh ở giai đoạn đã muộn".
Tuy nhiên, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết nếu bệnh bạch hầu ở trẻ được phát hiện sớm và kịp thời thì các biến chứng sẽ không nghiêm trọng hơn so với người lớn, lúc này mức độ nguy hiểm sẽ ngang nhau.
Bệnh bạch hầu ở trẻ được phát hiện sớm và kịp thời thì các biến chứng sẽ không nghiêm trọng hơn so với người lớn. Ảnh minh họa. |
Biến chứng nguy hiểm của bạch hầu
Bạch hầu là 1 bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, có khả năng lây lan mạnh và nhanh chóng tạo thành dịch. Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.
Người mắc bệnh bạch hầu thường có tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng và có thể dẫn đến tử vong trong vòng 6 ngày. Biến chứng thường gặp nhất trong bệnh bạch hầu là viêm cơ tim và viêm dây thần kinh.
Biến chứng viêm cơ tim có thể xảy ra trong giai đoạn toàn phát của bệnh hoặc cũng có thể xảy ra chậm vài tuần sau khi bệnh đã khỏi. Khi viêm cơ tim xuất hiện sớm trong những ngày đầu của bệnh, tiên lượng thường rất đen tối, tỉ lệ tử vong rất cao.
Biến chứng viêm dây thần kinh thường ảnh hưởng đến dây thần kinh vận động và thường hồi phục hoàn toàn nếu bệnh nhân không tử vong vì biến chứng khác. Liệt màn khẩu cái (màn hầu) thường xuất hiện vào tuần thứ ba của bệnh. Liệt các dây thần kinh vận nhãn, cơ chi và liệt cơ hoành có thể xảy ra vào tuần thứ năm của bệnh. Viêm phổi và suy hô hấp có thể xuất hiện do hậu quả của liệt cơ hoành.
Các biến chứng khác có thể xảy ra như viêm kết mạc mắt hoặc suy hô hấp do tắc nghẽn đường hô hấp có thể xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là nhũ nhi.
Tử vong vào khoảng 5-10% có thể tăng cao đến 20% ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi. Tỉ lệ tử vong của bệnh bạch hầu dường như không thay đổi trong 50 năm qua.
Mọi người nên nghiên cứu bài viết này, bệnh bạch hầu rất nguy hiểm
Trả lờiXóa