Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2020

TÔI NGHE TIẾNG NƯỚC REO TRÊN BẾP


(Nguồn: Phố Văn Blog)
nguyễnxuânthiệp
Đây là tựa đề một bài tùy bút trong Sổ Tay của Nguyễn Xuân Hoàng. Thấy cái tên gợi hình và gợi cảm quá nên mình mượn tạm cho bài tản mạn này. Vừa mới đây thôi, ấm nước của nhà mình cũng reo đấy.
Tiếng nước reo trên bếp là âm thanh quen thuộc của nhiều người Việt mình. Với Nguyễn nó gợi lên nhiều hình ảnh và cảm xúc của những chặng đời đã qua. Nó là âm thanh của đoàn viên ấm cúng mà đôi khi cũng là tiếng vọng của cô đơn khi ta đã đi vào buổi chiều của đời với nhiều mất mát.
Ôi, làm sao quên được tiếng nước reo trên bếp ngày nào ở Vương Phủ dưới bóng mẹ cha. Nói ngày nào nhưng cách nay cũng đã hơn sáu chục năm rồi. Thuở ấy mình còn nhỏ nhít, mới học năm đầu trung học. Buổi sáng đang còn mơ mơ trong chăn ấm thì đã nghe tiếng nước reo trên bếp và rồi mùi hương trà tỏa ra. Cha mẹ của Nguyễn có lệ cứ sáng sớm là thức dậy pha trà uống, bất luận đông hay hè. Trước nhà có trồng sẵn hai bụi hoa sói nên cứ việc hái cho vào trà uống. Mùi hương sói cuộn với mùi trà tỏa nhẹ nhàng trong buổi sáng mai tịnh khiết. Thường trong những buổi uống trà như thế cha mẹ bàn chuyện nhà cửa và việc học hành của con cái, cả chuyện láng giềng, mưa nắng. Nguyễn nghĩ không có cảnh nào đầm ấm hạnh phúc hơn. Xin cho tôi… Xin cho tôi được trở về / dù chỉ một lần. trong ngôi nhà thời thơ ấu ấy, bạn ơi.
Cho tới ngày hôm nay, qua bao lớp sóng thời gian, tiếng nước reo trên bếp và mùi trà mỗi sớm mai ấy vẫn còn bám trong trí nhớ của Nguyễn. Nó là tiếng đời hương đời tỏa xuống hồn ta trên dặm trường nhân sinh đầy nhọc nhằn, bão tố…Tiếng reo ấy cứ theo ta theo ta cho tới ngày…. Sau này, ngoài mùi trà còn có thêm mùi cà phê. Không hiểu sao hễ nghĩ tới tiếng nước reo trên bếp và mùi trà mùi cà phê là Nguyễn tưởng tượng ra một vầng trăng vẫn đi cùng mình từ ấu thơ cho tới ngày nay và cả sau này nữa.
Rời Vương Phủ, xa Huế, Nguyễn vào Sài Gòn học rồi đi làm rồi lập gia đình, vào lính, đi tù, cho tới sang định cư ở Mỹ. Đi đâu, về đâu cũng có tiếng nước reo trên bếp. Hồi ở con hẻm đường Nguyễn Phi Khanh Dakao với Trần Đức Thắng tức Trần Đông Phong (ôi, Thắng bây giờ không còn nữa!) những sáng không có việc gì phải đi hai anh em đun bếp pha trà uống cho tới trưa. Trong những bữa trà như thế thường có bánh đậu xanh kèm theo. Cho tới khi lấy vợ, ở căn nhà gần Cầu Quay Mỹ Tho (nhà thuê của bố mẹ Phạm Công Thiện) mỗi sáng mình cũng đun nước pha trà và cà phê hai đứa cùng uống trước khi tới trường dạy học. Ôi, những ngày hạnh phúc rồi qua, rồi chiến tranh gia tăng cường độ và vợ chồng sống xa nhau ít khi sum họp. Khi sống một mình ở căn nhà số 3 Nguyễn Trường Tộ Đà Lạt mình lại có dịp uống trà, thường là vào ban đêm với Tôn Thất Cương và Lê Văn Ngăn. Tiếng nước lại reo vui trên bếp. Những buổi uống trà cúc ấy thật là thú vị. Có cả mùi hương của hoa dạ lý do Lê Văn Ngăn hái mang về phòng (ôi, Ngăn cũng vừa mới ra đi). Tưởng tượng tiếng nước reo trên bếp lửa than, mùi hương tỏa ngát, trong khi mặt trăng đong đưa đong đưa qua những nhánh thông trên mái ngói. Dịp này Lê Văn Ngăn đọc cho mình nghe bài Bên Hồ Thủy Ngữ. Giọng đọc thơ Lê Văn Ngăn cực hay. Bài thơ theo mình cho tới bây giờ:
Gió đưa tình ta sang xa nhau
thời xuân thu gió thổi ngang đầu
quyến luyến mùi hương anh mang áo dạ
bong đổ tường nghiêng một ngọn đèn dầu…
vang hưởng từng khi em cười nói
là quanh đời tiếp tiếp truyền đi
lãng du đưa đẩy chân dừng lại
nỗi vui thầm mấy lá biệt ly…
Ở Đà Lạt, còn có những buổi sớm mai đun nước pha trà trong quán Lục Huyền Cầm của Lê Uyên Phương. Trà tường vi. Thật là tuyệt vời. Tiếng nước reo trong căn nhà gỗ, những cánh tường vi nổi trong chung trà thơm ngát. Hai anh em bàn về việc đưa những bài Sử Ca (thơ Nguyễn Xuân Thiệp, nhạc Lê Uyên Phương) lên sân khấu –có ban hợp xướng, và người đọc thơ dẫn chương trình và cái màn phông là cảnh một ải quan với vầng trăng khuyết. Tất cả những dự tính đó cũng như bao điều đẹp đẽ ở đời cuối cùng đã không thực hiện được. Chỉ còn tiếng nước reo trên bếp hồng và mùi hương trà tường vi trong trí tưởng.
Âm thanh của ấm nước reo trên bếp và mùi hương cúc, dạ lý hương, hương tường vi bỗng tắt hết khi bước chân vào những trại tù Cộng Sản. Thỉnh thoảng lắm mới nghe được tiếng nước sôi trong những lon guigoz cải thiện rau củ. Ôi những âm thanh của nhọc nhằn, khổ ải.
Cho tới ngày ra trại, đi định cư ở Mỹ. Sang tới Mỹ ấm nước lại reo mỗi buổi sáng mai. Cuộc đời ấm trở lại. Xin hãy đọc một đoạn trong bài Trà Ca: Đầu xuân, một bạn văn ở Los Angeles gởi cho gói trà. Trà mang nhãn hiệu Tuyết Sơn, mở ra thơm ngát. Lúc bấy giơ tuyết phủ trắng thành Oklahoma, nơi tôi ở. Chỉ trong một đêm, phong cảnh đã đổi khác, như trong truyện thần tiên của Hans Christian Andersen. Buổi sáng mở cửa nhìn ra vườn, ngạc nhiên đến sững sờ, vừa cảm động vừa hân hoan. Tuyết, lần đầu tiên nhìn thấy trong đời. Vội vàng vào bếp đun ấm nước. Tiếng nước reo như tiếng gió qua lũng thông vàng. Hương trà bốc lên trong tĩnh lặng sớm mai khi tuyết đã trắng mái nhà, cây cối, bờ rào và những con đường hiu quạnh. Một vài bóng quạ chập chờn, điểm những chấm đen thẫm, như trong tranh mộc bản. Nâng chung trà lên, nóng ấm trong lòng bàn tay. Uống vào một ngụm, nhìn ra tuyết bay, thấy mình là người hạnh phúc trên đời. Thì ra, hạnh phúc vẫn có đấy, dẫu hiếm hoi và nhỏ bé so với những nỗi khổ vô cùng tận của kiếp người. Vậy, bạn bè ơi, hãy tận hưởng những hạnh phúc phù du ấy đi, để hồn tan trong hương trà buổi sớm mai, và nghĩ đến những điều tốt đẹp trên đời.
Đó là những ngày đầu mới tới Mỹ ở Oklahoma. Sau này ở Dallas, trong ngôi nhà của con trai trên đường White Swan hay trong căn townhouse thuê trong khu Woodcreek, tiếng nước vẫn reo mỗi sáng mai. Vợ phải thức dậy đi làm sớm nên mình dậy theo nấu ấm nước pha cà phê và trà hai người cùng uống. Ôi những tháng năm hạnh phúc đã qua làm sao quên được. Bây giờ, mỗi sáng mình vẫn đun ấm nước pha cà phê nhưng cà phê chỉ một mình. Cuộc đời sang trang khác, cô liêu và quạnh quẽ, may còn tiếng nước reo để tưởng tượng một hình bóng xa…
NXT

1 nhận xét:

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...