Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2020

Thằng mọi đen không là con của chúa! - Hoàng Chính (TC.Da Màu )

 Độc giả có thể nghe tác giả đọc truyện này theo link: https://youtu.be/Ylsyexl0WC4

Đêm phủ tấm màn nhung đen xuống khoảng sân lồi lõm, vắng tanh. Âm thanh bồng bềnh của tiếng ếch nhái rỉ rả chìm trong tiếng nước róc rách vọng lại từ mé sông phía sau dãy nhà tối ám, lẫn vào tiếng chó sủa từ xa vọng lại nghe mơ hồ như có như không. Trong cái khoảng âm u ấy, một chiếc bóng nhỏ bé lừng lững dò từng bước chập choạng trên nền đất ẩm. Cái bóng đen ấy lướt đi – như thể hai chân không chạm đất – trong vũng đêm đen đặc.

Chợt tiếng dép lẹp xẹp vọng ra từ khoảng tối âm u của dãy nhà. Một bóng đen khác thập thò bên khung cửa, rồi phóng vụt về phía đầu dãy nhà, nơi ánh đèn le lói.

Tiếng gõ cửa dồn dập khuấy động cái tĩnh lặng của đêm. Rồi giọng ồm ồm của một đứa con trai vừa bắt đầu vỡ tiếng, vang lên, giật giọng, “Ma sơ ơi, Ma sơ ơi!”

Tiếng lách cách bên trong. Cánh cửa hé mở. Ánh đèn chảy loang bậc thềm.

“Hùng đấy à? Chuyện gì vậy con?” Giọng phụ nữ. Khô và dịu dàng.

“Ma sơ ơi, thằng Mọi Đen lại đi ngoài sân kìa.” Cái giọng ồm ồm lại cất lên. Khuôn mặt dài ngoằng của một thằng bé khoảng mười ba mười bốn tuổi hiện ra dưới ánh đèn. Một khuôn mặt phụ nữ với chiếc khăn trùm trên đầu lấp ló bên trong khung cửa.

“Sao, cái gì, đứa nào bị cái gì vậy con?” Giọng người nữ tu xớn xác.

“Thằng mọi đen. Thằng mọi đen đi ngoài sân.”

Cánh cửa mở toang. Ánh đèn tràn ra khoảng sân đất. Người nữ tu bước hẳn ra ngoài. “Nó đâu? Nó đâu rồi?”

Thằng bé xoay người chỉ về phía góc sân, nơi bóng cây me già đen thẫm lù lù góc tối.

Vị nữ tu quay vào lấy vội vật gì đó rồi lao nhanh ra sân. Ánh sáng ngọn đèn bin trong tay bà lóe lên, vung vẩy theo nhịp bước.

“Thằng bé này lại mộng du nữa rồi!” Bà lẩm bẩm.

Người nữ tu chạy nhanh về phía cái bóng đen đang lừng lững trôi trong vũng đêm keo đặc. Cái bóng của thằng bé tên Hùng cũng thấp thoáng trôi theo. Vị nữ tu đi chậm lại khi đến gần cái bóng đen nhỏ bé kia. Bà nhẹ nhàng đặt tay lên vai nó, thì thào, “An ơi, An ơi, thức dậy đi con.”

Hùng từ sau lưng bà chồm tới, lớn tiếng gọi, “Thức dậy đi, thằng mọi đen!”

Vị nữ tu quay ngoắt lại, gằn giọng nhưng vẫn cố thì thầm với cái đứa vừa nói ra câu ấy. “Tên nó là An, con đừng đóng thêm đinh vào Thánh Giá Chúa như thế,” rồi vội vã đưa cái đèn bin cho nó, dịu giọng, “Con cầm dùm ma sơ.”

Hùng nheo mũi hít cái mùi gây gây của đất ẩm và nhanh nhẹn vồ lấy cái đèn bin.

Dì phước đặt hai bàn tay lên đôi vai bé nhỏ của thằng bé mộng du, níu chặt lấy nó. Giọng bà dịu dàng, “Thức dậy An ơi. Thức dậy đi con.”

Thân thể thằng bé bỗng dưng mềm oặt. Vị nữ tu dùng hai tay xốc nách cái bóng nhỏ bé ấy lên, dìu nó về phía dãy nhà tăm tối sau lưng. Tiếng nhóp nhép bóc lên từ những bước chân kéo lê trên mặt đất ẩm của khoảng sân chưa kịp ráo nước trận mưa ngày hôm trước.

“Hùng, con rọi đèn cho dì đưa nó về phòng.” Dì phước thì thầm.

Cái bóng của đứa thiếu niên nhanh nhẹn gật đầu. Ánh sáng ngọn đèn bin vạch một vệt dài loang lổ sân đất.

“Làm sao con biết nó ở ngoài này,” dì phước hỏi.

“Con… không ngủ…” Hùng ngập ngừng, “Con không buồn ngủ.”

“Sao vậy?”

“Con cứ nghĩ tới ngày mai…” Nó lúng túng nói, rồi quay qua vị nữ tu. “Ma sơ cũng thức mà.”

“Sao con biết?”

“Ban nãy con thấy ma sơ đọc sách.”

Người nữ tu lặng thinh. Ý nghĩ lan man trong đầu. Đúng là bà đang thức đọc sách. Nhưng còn cái gì khác nữa chi phối tâm tư, làm bà không ngủ được. Ngày mai, ngày trọng đại của cô nhi viện; ngày vui của bốn mươi tám đứa trẻ mồ côi; chính cái ngày mai ấy làm tâm trí bà náo nức cơn vui khiến bà khó ngủ.

Gần tới thềm nhà, thằng bé mộng du bừng tỉnh. Nó sựng lại trong cánh tay người nữ tu. Đầu lắc lư, hai mắt mở lớn. Nhận ra dì phước, nó co người lại, ngước mắt nhìn cái kẻ đang cầm đèn bin soi đường.

“Ma sơ,” nó thì thào. “Mình đi đâu?”

Giọng người nữ tu reo vui, “Ơ, con thức rồi hở An?”

Hùng xoay cái đèn bin, chiếu thẳng vào mặt thằng bé, “Mày chiêm bao cái gì vậy, thằng mọi đen?” Câu hỏi tuột ra khỏi miệng Hùng. Thằng bé mộng du nhắm nghiền hai mắt.

“Hùng!” Dì phước ngắt lời nó. “Đừng gọi bạn như thế. Đen, trắng, đỏ, vàng, nâu gì cũng là con của Chúa. Đừng đóng thêm đinh vào Thánh Giá Chúa nữa. Dì nói bao nhiêu lần rồi.”

Giọng nói người nữ tu thả vào cái tĩnh lặng của đêm âm vọng của điều gì đó thật sâu lắng, vô cùng da diết, và đắng chát muộn phiền.

Ba người bước lên bậc thềm. Cánh tay người nữ tu rời hai vai thằng bé, “Hai con vào ngủ đi, đi khẽ thôi. Các bạn khác còn đang ngủ.”

Hai đứa trẻ lặng lẽ gật đầu.

“Còn Hùng,” dì phước vừa đón cái đèn bin từ tay Hùng vừa nói nhỏ. “Đừng bao giờ dùng những từ ấy với bạn. Tất cả chúng ta đều là con của Chúa.”

Trong đêm thanh vắng, chỉ có tiếng côn trùng rì rào đáp lời người nữ tu.

“Nghe không, hai đứa?”

“Vâng, ma sơ.”

“Hai con vào ngủ đi.”

Cánh cửa khép lại sau lưng. Trong ánh đèn lù mù từ chiếc bóng đèn màu xanh ở góc tường, những chiếc giường nhỏ bé xếp hàng dài dọc theo vách tường hiện ra trước mặt hai thằng bé.

Hùng thì thào vào tai bạn, “Có phải mày đang mơ được đoàn từ thiện trao quà không?”

Thằng bé vừa bị gỡ ra khỏi cơn mộng du ngơ ngác, “Sao anh biết?”

“Cái gì tao cũng biết.” Hùng thổi vào tai thằng bạn nhỏ.

Thằng bé mộng du thì thào, “Em đi… lãnh quà của cô Bác Ái…”

Hùng phì cười, “Mày là thằng mọi đen tham lam.”

Bị kêu là thằng mọi đen, thằng bé hơi sựng lại, rồi khẽ lắc đầu lủi thủi bước về phía chiếc giường cỏn con của nó. Bạn nó nhanh chân bước theo, thì thầm vào tai nó, “Tao nói chơi. Mày không phải thằng mọi đen, mày là An Còi. Đúng không? Tao là Hùng Cao, mày là An Còi, vậy nhé?”

Thằng bé gật đầu. Nó là An, nó còi cọc, gọi là An Còi thì đúng quá rồi. Còi hay cọc thì vẫn tử tế hơn thằng mọi đen chứ.

Hai đứa trẻ mò mẫm trong bóng tối. Cái bóng nhỏ bé loắt choắt của thằng bé mộng du lướt nhanh và đậu xuống chiếc giường gỗ ọp ẹp của nó. Trong đầu nó vẫn xào xáo những ý nghĩ ngầu đục. Nó không thích ai gọi nó là thằng mọi đen, dù da nó đen như thể lúc sinh ra bà mụ đã lấy nhọ nồi quệt khắp thân thể nó để chữa bệnh hoặc đánh đuổi tà ma gì đó, rồi quên tắm rửa cho nó. Chính thằng Hùng Cao cấy câu chuyện ấy vào óc nó. Không tin nhưng nghe cái thằng cao nhòng kia lập đi lập lại hoài, nó đâm ra hoang mang, rồi nửa tin nửa ngờ.

An Còi không có bố mẹ. Đúng ra nó cũng có, có điều nó không biết họ là ai. Lúc còn bé, nó nhớ rõ ràng đã có lần nó hỏi dì phước về bố mẹ, dì chỉ nói ngắn gọn là Chúa gửi nó đến đây. Nghe hoài nó cũng muốn tin chuyện ấy dù thằng Hùng Cao luôn luôn nhắc nhở, “Bố mày là tây đen Phi Châu, mẹ mày là Việt Nam. Bố mày là Tây ba lô, mẹ mày vừa đẻ mày ra là ném mày ngay trước cổng cô nhi viện, mày cũng như tao thôi, Chúa không có gửi mày đến đây đâu.”

Nó không tin dù Hùng Cao lớn hơn nó mấy tuổi, và sống ở cô nhi viện lâu hơn nó. Nó biết nó không phải mọi đen dù mặt mũi chân tay, mình mẩy nó đen kịt. Chúa vừa gửi nó đến đây là dì phước đặt ngay cho nó tên An. “An là bình an”. Dì phước bảo thế, “Như là bình an dưới thế cho người thiện tâm vậy. Con phải nhớ như thế, An ạ.”

Và nó luôn thầm nhắc mình như thế.

Trời hầm hập nóng. An Còi đưa bàn tay phẩy chút gió lên mặt. Có tiếng đứa trẻ nào đó nói vu vơ trong giấc ngủ. Tiếng ngáy của đứa nào khác nữa ro ro như tiếng máy những chiếc ghe chạy qua khúc sông tuốt phía sau cô nhi viện. Tiếng giun dế râm ran. Có tiếng ho khan ở cuối phòng. Đứa nào đó ngủ mê, gọi Mẹ ơi giật giọng. Đêm càng vắng những âm thanh ấy càng dâng cao làm An Còi không sao ngủ được.

Đã vậy, lại còn một thứ quấy động đầu óc nó, đầu óc nhiều đứa bạn khác của nó, và cả đầu óc của dì phước nữa. Ấy là chuyện ngày mai đoàn thiện nguyện của cô Bác Ái sẽ đến nơi này. Không đứa trẻ nào biết tên thật của cô Bác Ái. Tháng nào cô cũng đem quà đến tặng cô nhi viện. Cái áo, cái quần nó đang mặc trên người – có hơi rộng một tí nhưng – là quà của cô Bác Ái. Những tập vở và cây bút chì nó dùng để viết trong lớp học cũng từ cô Bác Ái. Cái gối nó gối đầu hàng đêm cũng từ cô Bác Ái. Đôi dép nhựa lẹp xẹp dưới chân nó cũng là cô Bác Ái đem cho. Những gói mì tôm, mì bò, mì thập cẩm, những miếng sô cô la ngọt lịm đều từ bàn tay cô Bác Ái. Những bữa cơm có thịt của bốn mươi tám đứa chúng nó cũng là từ cô Bác Ái. Mấy đứa con gái ở đây, đứa nào cũng mong lớn lên được như cô Bác Ái: có được đôi mắt đẹp, có sẵn cái miệng xinh, có cả dáng người thon gọn, lại còn có tài viết văn làm thơ… như cô Bác Ái. Chúng nó đã nghe cô Bác Ái đọc thơ của cô ấy. Chúng nó không hiểu gì mấy nhưng dì phước và mấy cô giáo ở cô nhi viện thì tíu tít khen hay. Cô Bác Ái có tất cả mọi thứ. Và quan trọng nhất là cô có tấm lòng nhân ái. Dì phước bảo thế.

“Cô Bác Ái là hình ảnh Mẹ Tê Rê Sa.” Dì phước thường nói với bọn trẻ. “Dù trôi dạt về đâu trong cuộc sống, các con cũng nhớ mang theo trong hành trang của mình tấm lòng nhân ái.” Dì dặn dò chúng nó hoài như thế.

Và bao giờ dì cũng kết luận, “Hãy sống như cô Bác Ái vậy.”

Hình ảnh cô Bác Ái với nụ cười rạng rỡ hiện ra rõ nét trước mắt An Còi dù nó đang nhắm nghiền hai mắt, và hình ảnh ấy ru nó vào giấc ngủ thật hiền.

Hôm sau đoàn thiện nguyện đến cô nhi viện lúc xế trưa. Một chiếc xe tải nhỏ chở đầy quà. Không khí cô nhi viện sống động hẳn lên. Tiếng cười nói lao xao khắp mấy gian nhà. Lan cả ra ngoài khoảng sân đất còn ẩm nước trận mưa dai dẳng ngày hôm trước. Bọn trẻ bu quanh đống quà. Quần áo, thực phẩm, và cả đồ chơi nữa. Cô Bác Ái tỏa sáng giữa đám đông những người đàn ông, đàn bà mà bọn trẻ không quen. An Còi và Hùng Cao cũng bám sát chiếc xe đầy quà cáp ấy. Bọn con gái vây quanh cô Bác Ái che cả tầm nhìn của An Còi. Thằng bé chỉ muốn nhìn thấy cô Bác Ái, chỉ muốn nghe giọng nói thanh và sắc của cô, muốn nhìn bước đi nhanh nhẹn như con chim sẻ vẫn nhảy loi choi trên bậc thềm lớp học trong ánh nắng ban mai mỗi sáng. An Còi thèm được có cô Bác Ái là mẹ mình. Nó nghểnh cô nhìn cô. Nó thấy nước da cô trắng bóc. Mắt cô tròn. Môi cô đỏ. Và nó giật mình nhận ra nó không thể có người mẹ đẹp mà lại có tấm lòng nhân ái như cô Bác Ái. Mẹ nó – người ta kể – ném nó ở cổng cô nhi viện khi vừa mới sinh nó ra, như vậy mẹ nó đâu có lòng nhân ái như cô Bác Ái. Thêm vào đó, da nó đen thui còn da cô Bác Ái trắng như… như… nó không biết ví von như thế nào cho đúng, và nó nghĩ đến những trang giấy trắng trong cuốn vở. Da cô Bác Ái trắng như trang giấy mới trong cuốn vở học của nó. Nó sựng lại. Nó không còn mơ tưởng có cô Bác Ái là mẹ nữa. Cô trắng. Nó đen. Chẳng giống nhau chút nào. Thôi vậy. Không mơ ước gì nữa.

Hai tay đặt lên nhau trước ngực, dì phước tươi cười tiếp đón đoàn thiện nguyện. Cô Bác Ái giới thiệu những người đàn ông đàn bà trong đoàn là bạn của cô, “Ông này là nhà văn, ba ông kia là nhà thơ, nổi tiếng hết đấy ma sơ ạ.” Cô nói bằng giọng thanh thoát cùng với một nụ cười.

An Còi ngẩn người ra trước nụ cười rạng rỡ ấy. Như thể bị thôi miên.

Bốn mươi tám đứa trẻ xếp hàng sáu trong khoảng sân ẩm ướt. Hai cô giáo đứng hai bên, mắt lấp lánh những tia vui. Dì phước cảm ơn đoàn thiện nguyện. Cô Bác Ái đáp lời. Giọng cô trong veo.

Và cô hát. Một chú trong đoàn ôm cây đàn guitar, vẩy lên trong không gian vàng hương nắng những hợp âm rộn ràng.

Tràng vỗ tay của bọn trẻ tưởng chừng không bao giờ chấm dứt.

Buổi lễ kết thúc. Bọn trẻ tiếp tay khiêng những gói quà vào văn phòng. Ma sơ hướng dẫn bọn trẻ chỗ nào đặt những gói áo quần, chỗ nào xếp những bọc thức ăn, chỗ nào để những túi đồ chơi. Đám người trong đoàn thiện nguyện cười nói rộn ràng. An Còi xớ rớ cạnh những người lớn ấy, cố khiêng hộ vài gói nhỏ vừa cỡ nó. Giọng nói của những người trong đoàn thiện nguyện bỗng dưng sôi nổi. An Còi nghe được những từ lạ tai. Bầu cử. Gian lận. Hiệp Chủng Quốc. Tài Phiệt. Tư bản… gì gì đó. Rồi một người mở rộng một tờ báo, chỉ tay vào tấm hình một người đàn ông. Và giọng cô Bác Ái vung lên như nhát chém vô hình. Âm thanh xoáy vào tai thằng bé. An Còi khiêng túi đồ chơi lên, không quên liếc mắt nhìn tấm hình trên trang báo. Và ngực nó bỗng thắt lại, nó buông rơi túi đồ chơi xuống chân. Tuông chạy.

Tới giờ cơm chiều dì phước mới phát hiện ra sự vắng mặt của thằng bé An Còi. Dì tập trung bọn trẻ trong sân cô nhi viện, tra vấn, “Các con có biết bạn An đi đâu không?”

Không có tiếng trả lời. Đôi mắt dì dừng lại ở thằng Hùng Cao, cái đứa cao nhất trong bọn trẻ. Nó là đứa hay chọc ghẹo An Còi. Và mỗi lần bị ai đem màu da nhọ nồi của mình ra trêu chọc, An Còi thường biến đi, lẩn trốn trong bụi cây như bị ma giấu, hay lầm lũi ra bờ sông ngồi nhìn nước chảy, hoặc ngồi co ro sau hè một mình.

Dì phước dặn dò bọn trẻ vài điều quan trọng và mọi người đổ xô đi tìm.

Một cô giáo trẻ hỏi nhỏ dì phước là có khi nào bị trêu chọc quá mức, bị bắt nạt liên tục, An Còi nhảy xuống sông để tự giải thoát không. Dì lắc đầu quả quyết, “Không bao giờ.” Nhưng rồi trong lòng dì cũng thoáng chút lo âu. Và dì tất tả đi quanh lối mòn, ra bờ sông.

Chính dì phước là người tìm thấy An Còi. Nó ngồi co ro, thu mình như con nhái bén trên một thân cây mọc gie ra bờ nước, hai chân đong đưa. Dì gọi nó, nó ngần ngừ, rồi riu ríu leo xuống. Nó trượt chân suýt ngã xuống sông. May mà nó bám kịp vào cành cây đong đưa bên bờ nước. Dì phước đi bên nó, cánh tay đặt hờ trên vai nó. Dì biết chuyện gì đã xảy ra. Bởi chuyện này vẫn thường xảy ra. Mỗi lần như thế, An Còi lại bỏ ăn bỏ uống, ra bờ sông ngồi dán lên cái thân chĩa ra bờ nước của cây me già; hoặc chui vào bụi rậm, ngồi co quắp trong ấy, như con chó vừa lỡ chạm mõm vào nồi thịt kho, bị chủ cho một trận đòn tươm máu. Thủ phạm có thể là thằng Hùng Cao. Nhưng đêm vừa rồi dì đã nhắc nhở Hùng Cao không được làm như thế nữa. Cho dù có rắn mặt đến đâu, có mau quên đến cỡ nào cái thằng Hùng đang vỡ tiếng ấy cũng không thể tái phạm ngay ngày hôm sau được.

Vậy thì ai gọi An Còi là Thằng Mọi Đen mới được chứ.

“Đứa nào gọi con như thế?” Dì phước hỏi.

An Còi lặng lẽ lắc đầu. Những giọt nước mắt rụng xuống ngực áo nó.

“Con phải nói để ma sơ dậy dỗ nó. Tất cả mọi người đều là con của Chúa; đen, trắng, đỏ, vàng, nâu gì cũng thế.” Giọng dì quả quyết.

An Còi lặng thinh. Điều này thì nó biết rồi, nhưng đâu phải ai cũng nghĩ như thế.

“Đứa nào gọi con như thế?”

“Không có đứa nào hết.” An Còi nói như hụt hơi.

Lũ trẻ dãn ra khi dì phước và An Còi về tới sân cô nhi viện. Dì dẫn nó vào văn phòng. Dì ấn nó ngồi xuống cái ghế trước bàn làm việc của mình. Dì đi vòng ra sau, ngồi xuống, đặt khuỷu tay lên bàn, chập hai bàn tay chống lấy cằm.

“Tất cả chúng ta đều là con của Chúa.” Dì chậm rãi nói.

An Còi khẽ gật đầu.

“Tất cả chúng ta đều có thể thành công nếu cố gắng, và luôn mang theo lòng nhân ái trong hành trang của mình.” Dì phước lập lại cái câu cũ rích.

An Còi không gật đầu cũng không lắc đầu. Cổ nó cứng lại, thành khúc gỗ.

Vài cái mặt trẻ con thập thò trước cửa văn phòng. Dì phước quơ tay ra dấu đuổi chúng nó đi.

“Con hiểu điều dì nói không?” Dì hỏi.

Thằng bé lại khẽ gật đầu.

“Chúng ta đều là con của Chúa, và ai trong chúng ta cũng có thể trở thành người hữu ích cho xã hội.”

Cái cổ thằng bé lại cứng đơ. Nó còn nhớ như in một lần tan lễ sáng Chủ Nhật ở ngôi giáo đường nhỏ bé gần đó, nó cùng bốn mươi bảy đứa kia hàng dọc lũ lượt về lại cô nhi viện, hai gã thanh niên đèo nhau trên chiếc xe gắn máy bóng loáng vòng vèo lượn qua ghẹo cô giáo của nó, rồi chợt phát hiện thằng bé đen như cục than giữa một bầy da vàng mũi tẹt, một gã đã hét toáng lên, “Thằng mọi đen, mày có phải là con của Chúa đâu mà cũng đi nhà thờ?” Tiếng cười sằng sặc của hai gã thanh niên hôm ấy là những lưỡi dao cùm băm vằm An Còi thành đống bùi nhùi nát vụn.

Thấy vẻ nghi hoặc của An Còi, dì phước mở hộc tủ, lấy ra một tờ báo. Bà mở trang báo đang xếp làm tư làm tám ấy ra, trải lên mặt bàn. Bà chỉ vào người đàn ông da đen trong tấm hình.

“Con thấy ông này không? Ông ấy cũng như con. Con biết ông ấy làm gì không?”

An Còi nhướng mắt nhìn tấm hình. Và nó hoảng hốt quay mặt đi. Tia nhìn của nó bắt gặp tượng Chúa Chịu Nạn treo trên tường.

Dì phước vẫn thong thả, “Ông ấy đã từng làm tới chức Tổng Thống nước Mỹ đấy, con biết không?” Vừa nói dì vừa đẩy tờ báo cho chạm vào người An Còi. “Ông ấy cũng là người như con.”

Dì không nói “Ông ấy cũng da đen như con” nhưng An Còi hiểu hết.

An Còi nhắm nghiền hai mắt. Miệng nó lắp bắp, “Cái ông ấy… ông ấy…”

Dì phước nhướng mắt, săm soi nhìn nó, “Ông ấy… làm sao? Nói cho dì nghe đi.”

Một tràng ngôn ngữ phun ra từ cặp môi đen thẫm, “Ông ấy là Thằng Mọi Đen, Thằng Mọi Đen chỉ giỏi đi ăn mày. Thằng Mọi Đen quỳ gối ăn mày. Con sợ…. Con sợ…”

Vị nữ tu tròn con mắt kinh hãi, “Lạy Chúa tôi! Con sợ gì? Ai nói với con như thế? Hở An?”

An Còi nhìn vào đôi mắt hiền từ của dì phước, “Con không được như ông ấy…”

“Ai nói với con như thế?”

An Còi cắn môi thật chặt, cố kềm cho câu nói không bật ra cửa miệng, nhưng rồi câu nói như con ễnh ương, càng lúc càng phình bụng to xù trong miệng nó, làm nó khó thở, nó buột miệng cho con ễnh ương nhảy chồm xuống mặt bàn, trên trang báo có hình ông Tổng Thống da đen nước Mỹ.

“Cô Bác Ái nói. Cô Bác Ái bảo Thằng Mọi Đen này chỉ giỏi đi ăn mày. Cái chú đeo kính bảo ông này là Thằng Môi Thâm, là Thằng Quỷ Đen, cái chú đánh đàn bảo…”

“Thôi được rồi An ơi.” Dì phước ngắt lời An Còi. Khuôn mặt xanh xám của dì lạnh ngắt. Dì nhớ lại lúc chuyển quà vào văn phòng, đám người làm thiện nguyện bỗng dưng bàn tán sôi nổi chuyện nước Mỹ. Dì nhớ có nghe cô Bác Ái phê phán người nào đó – ở tận bên Mỹ – là không phải sinh ra ở nước Mỹ… nhưng vì phải đi ra đi vào khuân những thùng quà, dì không nghe cô Bác Ái nói mấy chữ “Thằng Mọi Đen”. Dì nghĩ những con người đầy lòng nhân ái như cô Bác Ái không bao giờ nỡ mở miệng gọi một con người khác – cũng là con của Chúa như họ – bằng ba chữ ấy.

Nhưng dì cũng biết không ngôn từ nào đủ độc địa – để làm thằng bé An này bỏ ăn, bỏ ngủ, ngồi miết trên cành cây mọc chuồi ra trên dòng nước – bằng ba chữ ấy. Chuyện ấy xảy ra ở cái cô nhi viện nhỏ bé này hoài chứ hiếm hoi gì.

Vị nữ tu đẩy ghế đứng dậy, bước đến bên An Còi, dịu dàng đặt hai tay lên vai nó. Dì không biết phải giải thích như thế nào với thằng bé mồ côi chưa tròn chín tuổi đầu. Dì ngước nhìn tượng Chúa Chịu Nạn treo trên tường. Rồi dì xoay đầu nhìn những thùng quà từ thiện chất đầy một góc phòng. Dì thầm hỏi trong những gói đủ màu sắc chứa đầy kẹo bánh, áo quần, đồ chơi ấy, có gói nào chứa đầy đinh nhọn để quân lính La Mã có thêm đinh mà đóng vào tay Chúa…

Cơn quặn thắt siết ngang lồng ngực. Mãi dì mới thở dài, lẩm bẩm, như nói cho một mình dì nghe, “Có là mọi đen thì cũng vẫn là con của Chúa, con biết không.”

Và dì lập lại cái câu đã nói có đến hàng nghìn lần với bốn mươi tám đứa trẻ không cha không mẹ, “Con hãy mang theo trong hành trang của mình một tấm lòng nhân ái…”

Cái đầu của An Còi ngúc ngắc nửa như muốn gật, nửa như muốn lắc. Rồi nó quay sang nhìn đống quà chất đống ở góc phòng. Dì phước ngó theo hướng nhìn của nó. Những gói quà chất đống, lan ra cả lối đi. Bỗng dưng dì thấy dường như gói nào cũng tua tủa lòi ra những mũi đinh nhọn sét rỉ.

Rồi hình ảnh người đàn bà làm thơ viết văn, trẻ trung, xinh đẹp, môi mắt long lanh, cười nói rộn ràng lướt thướt hiện ra trong trí người nữ tu. Dì hấp tấp lắc đầu, lẩm bẩm nói với thằng bé côi cút, cọc còi và đen đủi nhất trong đám cô nhi, mà chẳng cần biết nó có hiểu hay không, “Hành trang nhân ái ấy phải phát xuất từ trái tim, nhất định phải đến từ trái tim, con ạ! ”

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2020

Tranh của Lâm Phong Miên TQ




1 nhận xét:

LONG ĐONG NỔI CHỮ - Truyện Ngắn của Trần Doãn Nho

Long đong nỗi chữ (*) • Trần Doãn Nho Chưa từng làm điều ác, nhưng chữ nghĩa làm cho lòng người bỗng dưng nhiễm đầy vết thương. Nhờ một ít k...