Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2021

Chuyện của người không đề- Thuyên Huy

 Chuyện Của Người - Không Đề

Viết cho người nào đó có thể là người trong chuyện

Chuyện Một

    Năm nó lên ba, một ngày ba đi đâu đó về có chị theo, chị mười tuổi, mẹ mừng lắm, nhà có thêm người, giờ nó có chị giống như mấy đứa nhỏ nhà hàng xóm trong chợ. Chị hiền lắm, cái gì cũng cười, cái gì cũng biết làm, quét nhà nấu cơm phụ mẹ sáng trưa chiều tối, chị lo cho nó đủ thứ, dắt nó đi chơi, chỉ con bướm con chim, nói này nói nọ nhưng nó chẳng biết gì nhiều. Từ ngày đó, nó ngủ với chị, với bài ca nhè nhẹ mà chị hát ru em, không còn đòi mẹ nữa. Chị vô học lớp nhất trường làng, nó biết buồn biết nhớ mỗi khi chị đi học, vắng nhà, trường cách nhà con đường đất mòn, dày đặc hàng bông Dăm Bục, không bao xa, cứ nghe trống trường, tiếng học trò lao xao, ồn ào ra về bên đó, nó chạy ra trước cổng rào nhà chờ, chị hối hả về, hai chị em ôm nhau cười khúc khích.

    Chị lên tỉnh, học trung học, Đệ Thất rồi Đệ Lục thì nó vô lớp năm trường làng, chị xa nhà, thứ bảy chủ nhật mới về, nó nhớ chị nhiều hơn lúc trước, nó buồn, ba mẹ cũng buồn theo, có chị quen rồi, nó không còn chờ nghe tiếng trống trường và tiếng học trò lao xao mà chờ tiếng xe đò nhỏ giữa trưa từ trên tỉnh về ngừng cho khách xuống ngoài đường lộ. Cứ vậy, chị về, nhà vui, ai cũng vui, nó không màng theo mấy thằng bạn đá banh, đánh đáo, tạt lon, chị cũng phụ mẹ nhiều hơn trước, xách nước, giặt giũ, nó theo chị chạy chơi ngoài khu đồng cỏ, nhiều hoa dại cuối chợ, phía bìa làng. Nó thích nhất là chị lấy cái vợt mà ba làm cho, chạy đuổi bắt mấy con bướm đủ màu, thật đẹp, đem về nhà, chị lấy kim chích, chích mấy con bướm thuốc gì đó, không biết chị kiếm ở đâu, bỏ vào cái hộp mủ trắng trong suốt, thêm mấy nhánh cây khô nhỏ tí teo, bướm chết nhưng vẫn còn nguyên màu sắc, đậu một chỗ trên nhánh cây, nhìn như còn sống, nó khoái chí, hảnh diện nói về chị khi đám bạn trầm trồ, ngây ngô há miệng ngẫn ngơ. 

    Theo bước chị, nó lên trung học, năm Đệ Thất thì, lần nữa nó xa chị, xa hơn và chờ đợi lâu hơn, giờ thì cứ nhớ chị, nó khóc, chị xuống Sài Gòn vào đại học Sư Phạm, mấy năm sau, tốt nghiệp chị về dạy ở một trường trung học dưới miệt miền Tây. Về nghỉ hè đầu năm lên Đệ Nhị nó chuẩn bị thi Tú Tài Một, hai chị em đã thôi không còn bắt bướm lâu rồi nhưng mấy con bướm trong cái hộp của những năm xưa, để trên đầu tủ giữa nhà vẫn sặc sỡ muôn màu như cũ dù có chút nhạt phai, trở xuống trường lại, chị hứa sẽ về mừng nó thi đậu. Cuối hè năm sau, gởi thư báo tin vui, chị nhắn người quen hứa sẽ về đúng ngày. 

    Cả nhà đi ra đi vào chờ, thường khi chị lúc nào cũng về trước trời giữa trưa, ngày mừng nó thi đậu, nó sốt ruột, đứng ngóng ra đường lộ, nắng càng lúc càng rộ lên khỏi mái ngói đầu chợ, chỉ có hai ba chiếc xe đò từ tỉnh xuống ngang qua nhưng vẫn chưa có chiếc nào từ miệt dưới ngược lên, ba mẹ nó cũng không khác gì hơn, lo lắng ra mặt, họ chờ và chờ mãi cho tới gần chiều, chị vẫn chưa về.

   Hôm đó, chị đón chuyến xe sớm nhất như mọi khi, trời cũng mù mờ sương như những lần trước, ngồi trên xe nhìn ra đường, tay cầm gói quà nhỏ, gói giấy màu cẩn thận, đựng cái đồng hồ hiệu Seiko, món quà mừng em mà chị đã nhờ một chị bạn cùng dạy chung trường mua khi chị này về Sài Gòn, cười một mình. Không may, bị trúng mìn, do quân du kích gài lại trong mấy cái mô đất mà họ đấp, chặn đám lính quận mở đường sáng, đêm hôm qua, xe bể nát, văng xa vô tới bìa rừng trong, cách đường bờ ruộng lấp xấp nước, chục người bị thương, năm sáu người chết, trong đó có chị. 

    Nó cứ ngồi đó khóc, khóc sụt sùi khóc như mưa, nấm mộ mới đấp còn hăng hắc mùi khô, trời đã đứng bóng và đứng gió, mây đen một màu xám xịch, người phụ chôn cất, người tiễn đưa đã tản dần, thưa dần, nghĩa địa làng không còn ai, ba mẹ nó đứng dưới một gốc cây Sao già không xa nhìn lại, lắc đầu thở dài, tấm mộ bia đá xanh nhạt nhòa tên chị. 

    Cái hộp trắng có mấy con bướm mà nó cất giữ để nhớ chị, mỗi khi chị đi vắng, bao nhiêu năm qua từ ngày chị mới về nhà đã chôn theo dưới mộ, để chị ở dưới đó còn có nó bên cạnh mà đừng buồn, nó cố giang tay thật rộng, đưa qua đưa lại cái đồng hồ Seiko, mong chị thấy nhưng không làm sao ôm trọn được nấm mồ, nước mắt ràng rụa chảy dài xuống thấm đất khô, nó bật thành tiếng nấc nghẹn “chị ơi chị ơi”, bất chợt trời đổ mưa. 


Chuyện Hai

    Đầu năm lên Đệ Nhất, anh dọn về chỗ ở trọ khác, hy vọng năm cuối trung học này, không phải lang thang xóm ngoài phố trong nữa. Chỗ trọ mới, xế ngã ba đường tới trường không xa, một căn nhà gạch nhỏ khuất mình đàng sau dãy hàng rào cây sa – bô – chê già, không rậm rạp lắm, che bóng mát cho hai ba cụm bông Sứ trắng pha chút vàng nhạt, lưa thưa trên sân, người chủ khá giả bỏ trống, để vậy, thường ở dưới Cần Thơ, ít khi về, từ cửa sổ phòng trước có thể nhìn thấy người xe đi về ngoài đường lộ và nhất là thấy rõ mồn một căn nhà lầu, kín cổng cao tường, đối diện phía dãy phố bên kia đường.

    Chiều xuống thấp, đêm chập choạng lên đèn, ngay từ ngày đầu dọn về, chờ mai vào học, ngồi nhìn ra sân, văng vẳng bên đó sang, tiếng đàn dương cầm từ trên lầu trên căn nhà lầu, réo rắt, du dương thanh thoát mấy bài tình ca quen thuộc “lá đổ muôn chiều, mộng dưới hoa, thu vàng, ngậm ngùi...” làm anh ngớ ngẫn, thả hồn theo mà khen thầm. Không biết tiếng đàn này có từ bao giờ nhưng từ đó, chiều nào cũng như chiều nào, đúng giờ, tiếng đàn vang lên, ngay cả trong những ngày mưa, bận gì, lo gì, anh cũng phải ngồi ở cửa sổ, sách vở bút mực, xếp lại, chờ nghe cho tới bài cuối cùng, để rồi tiếc nuối khi tiếng đàn ngưng bặt, đêm nằm ngủ vẫn còn ray rứt nhớ, vậy mà thành thói quen, hễ cứ chiều xuống là đi ra đi vào chờ, hơn là con nít chờ mẹ đi chợ về.

    Người con gái căn nhà lầu, rồi thì ra, cùng học chung trường, sáng nào cũng vậy, anh phải đứng nép khựng lại, chưa bước ra cửa, bên đó cổng mở, người con gái đi ra, tay cặp tay nón, nói qua lại gì đó với một cô nàng khác, cũng áo trắng đôi tà, đứng chờ từ nãy giờ rồi bên nhau khúc khích cười tới trường, giữa đám học trò ồn ào trên đường, sau đó mới đi. Tan trường, đứng khuất ở một góc hiên của cái quán nước ngay đầu cổng trường, chờ hai cô trên đường về, qua ngang, chầm chậm đi sau, từ xa, cánh cổng căn nhà lầu mở rồi khép kín lại, lạnh lùng như mọi ngày, cô bạn thong thả bỏ đi dần mờ xa đầu dốc.

    Anh quen cô bạn của người con gái căn nhà lầu, thường đứng chờ đi học chung trước cổng một cách tình cờ, khi gặp nhau tại tiệm sách của gia đình thằng bạn quen chung lớp ngoài phố chợ, không dè, cô lại là bạn gái của hắn ta, thế là vui cả làng, cô cho biết cả hai người học cùng năm Đệ Nhất, người con gái đó là người đàn dương cầm mà anh nghe mỗi chiều và là con một trong nhà, cha mẹ làm chủ nhiều cửa hàng ở Sài gòn. Về nhà trọ, cũng buổi chiều, anh bất chợt thấy yêu tiếng đàn và yêu cả người đàn, rồi từ hôm đó, anh thức khuya hơn trước, không thức vì mớ sách ngổn ngang mùa thi mà vì khung cửa sổ nhà bên đó vì, anh đã biết yêu rồi.

   Qua cô bạn đi chung, anh quen người con gái nhà lầu, sau đêm lửa trại liên trường tỉnh, rồi có dịp cùng đường tan trường về, không hẳn là sánh bước, lần nào cũng vậy, tới nhà, người con gái chỉ mĩm cười chào, rồi nhanh bước vào, cánh cổng cứ lạnh lùng khép kín lại. Trước Tết, sau nhiều ngày nhiều đêm trằn trọc mơ thầm, anh viết cái thư tỏ tình thật dài, cất đó, chờ qua Tết xong, sẽ tìm dịp nhờ ai đó đưa giùm.

    Buổi chiều, sau Tết vào học lại, từ quê nhà lên, như thường lệ anh ngồi háo hức, nhìn qua căn nhà lầu chờ nghe tiếng đàn của người con gái mà anh đã biết tên, cánh cổng nhà vẫn vậy, khép kín và khép kín. Nắng ngoài sân tắt mất từ lâu rồi, anh cũng chờ lâu rồi, đêm xuống đen, ngoài đường đã lên đèn, anh lặng người đi, bên đó vắng im, không có tiếng đàn, anh đứng dậy, đẩy cửa sổ rộng ra, nhìn qua lần nữa, căn phòng trên lầu mù mờ, cửa sổ không thấy mở.    Vào học, không thấy người con gái căn nhà lầu đi học, cô bạn giờ đi một mình, không còn chờ trước cổng. 

    Cũng một buổi chiều, chút lửa nhỏ trên bếp vừa đủ để anh bùi ngùi đốt lá thư dài chưa kịp gởi sau khi biết tin, người con gái căn nhà lầu đã theo gia đình rời tỉnh về Sài Gòn. Căn nhà đã có chủ mới, sắp dọn tới nay mai và cũng từ hôm đó, anh bắt đầu sợ tiếng đàn dương cầm. 

    

    Chuyện Ba

      Sau mấy năm dài cặm cụi chăm lo, nâng niu từng cọng cỏ ngọn cây, từng bờ mương con đường, mà ba mẹ anh đã dày công sức bỏ ra, cái đồn điền cao su chừng trên dưới hai mươi mấy mẩu đất, đã bắt đầu khai thác sau khi cái nhà máy chứa mủ, xấy khô, đóng bành đã xây dựng xong, ở khu ven ngoại ô của tỉnh, xa xa phố chợ khỏi xóm nhà lẻ loi lưa thưa, đèn đường khi mờ khi tỏ.

    Từ ngày đó, anh háo hức, tuần nào cũng về trên nhà, mới đó mà nhớ, nhớ hàng cao su cao cao xanh lá thẳng hàng, chạy song song hai bên những con đường đất ươm ướm màu bụi đỏ nhạt, đan kín nhau, che bóng nắng, mát rượi, nhớ thương cho ba mẹ, chạy lên chạy xuống, nhà dưới xã nhà trên tỉnh, mướn người mướn xe, ôi đủ thứ chuyện, xuống Sài Gòn học mà cứ thấp tha thấp thỏm. 

    Lần này về, nhà đã có người làm việc, xuống xe lôi máy, từ ngoài đường vô nhà máy đã thấy có người ngồi người đứng ngoài hàng ba, toàn là đàn bà con gái, chỗ để nghỉ ngơi, tụm nhau hình như sửa soạn ăn trưa, mười mấy cái xe đạp cột thùng thiếc đựng mủ dựng hàng dài, dọc theo bờ rào kẽm gai, trồng đệm thêm mấy cây ớt, cao chưa khỏi gối xum xuê lá. 

   Thấy anh, họ ngừng nói chuyện trố mắt nhìn ra, anh cũng chưa kịp chào thì, chú hai phụ ba lo việc coi sóc nhà máy từ phía sau mấy cái hồ chứa mủ, đi ra, chú cũng trố mắt “ủa mới về hả con”, anh “dạ” một tiếng nhỏ, rồi chú quay vô trong “anh tư ơi, thằng út về nè”, anh gật đầu cười chào họ, lách qua mấy cái hồ đi, khuất chưa xa, nghe tiếng chú tư “con ông chủ ”, chắc là nói với mấy người làm. 

    Trời quá trưa, mấy người đi cạo mủ cũng chắc vừa ăn trưa xong, ba anh dặn dò chú hai gì đó, anh đứng bên ông, gật đầu cười chào họ, hai cha con thả bộ ra đường lộ, chờ đón xe lôi máy ra ngoài phố chợ, nhìn lại sau, chú hai nói qua nói lại với họ, họ nhìn theo ra đường, có tiếng cười.

     Sau hai ba lần về nhà, lạ rồi quen, tính anh vốn đã hiền như tên ba mẹ đặt, lại có tài ăn nói, nên không nói gì tời chú hai, giờ cả mấy chị con gái cạo mủ đều thích đều thương, duy chỉ có cô nhỏ nhất trong nhóm, chắc nhỏ hơn anh ba bốn tuổi, tóc dài, dễ thương, có duyên, là còn mắc cở, ngó trời ngó đất. Lần nào cũng vậy, từ dưới Sài Gòn vô  nhà máy, luôn đúng giờ họ từ sở cao su về nghỉ, anh thôi không còn theo ba anh ra chợ, mà tụm lại ăn cơm chung, mới đầu thì cơm do chú hai lo, sau đó bớt ngại, có gì ăn nấy, nên mấy chị cũng để phần cho, cá khô, dưa luộc, mắm muối gì không sao, ngồi ăn quanh nhau, cười nói vang rân, ba anh ngồi trong nhà máy nhìn ra, lắc đầu cười “cái thằng”. 

    Cô con gái nhỏ, gia đình nghèo, không có ba, chỉ còn mẹ với bà ngoại, nhà miệt trên, ngày đi làm, lúc nào cũng có mặt đúng giờ tại nhà máy, chuyện tới chuyện lui, mới biết thêm, cô còn đang học lớp đệ tam trường tỉnh, thấy thương tình, ba cho cô làm ngày cuối tuần, cô siêng năng, lanh lẹ, ăn nói dịu dàng, dạ thưa, cho nên ai cũng thương cũng mến, chú hai không ngớt miệng tiếng một tiếng hai “con gái nuôi ”, phần anh, lúc nào cũng gợi chuyện, kể chuyện phương xa, chuyện học hành, lời khuyên lời bảo, anh anh em em, do vậy mà ngày thêm gần gũi hơn.

   Từ lúc biết nhau mến nhau hơn, tuần nào về anh cũng mang theo chút quà Sài Gòn, kẹo ngọt, bánh tây, đồ hộp... những thứ người ta bán đầy ở chợ trời Hàm Nghi, thêm mớ sách mớ truyện cho cô gái nhỏ, gọi là “mấy chị ăn lấy thảo” như thay cho lời cám ơn đã giúp gia đình mình. 

   Và từ đó, mấy chị lớn thường nghe cô gái nhỏ hỏi họ nhiều hơn về anh, và khi nói đến anh là cô thường nhìn xa xăm, tưởng chừng như đang mơ mộng, nhứt là những lúc nghỉ ăn trưa thứ bảy, cô gái nhỏ xem ra thẩn thờ hơn, sầu tư biếng lự, cứ ngóng ngóng trông trông ra đường lộ, mấy chị đủ lớn để hiểu chuyện gì, không biết sao, nếu thật thì “thương cho em quá”, chú hai cũng đã thấy vậy, cười mà thở dài lặng thinh “tội nghiệp”, với cô con gái nhỏ, giờ thì sách vở lớp học sân trường có thêm cái gì đó, trong từng trang, từng hàng chữ, một cái gì khó tả khó quên, nhớ ray nhớ rứt, bảy ngày trong tuần cô cứ mong cho tới ngày thứ bảy. 

    Sau nghỉ Tết, đi làm trở lại, thứ bảy, anh về cùng với cô bạn gái học chung trường, người Sài Gòn, cũng lúc giờ mấy chị làm nghỉ ăn trưa, anh và cô bạn gái nhanh nhẩu vui cười chào từng người, rồi quày quả đi vào trong nhà máy, bữa cơm hôm nay không có anh, không có tiếng cười, cô con gái nhỏ ngồi chết lặng, mấy chị lớn nhìn nhau, không ai nói tiếng nào, mọi thứ cũng chết lặng. 

   Một lát sau, ba anh và cô bạn gái đi ra trước, anh theo sau, tới nhóm người làm, đang dọn dẹp sửa soạn trở lại rừng cao su, anh chào từ biệt, hẹn tuần sau gặp lại, anh ra tới ngoài đường, họ lần lượt đẩy xe đạp đi, chiếc xe lôi máy khuất dần cuối đường, trời nắng và gió lùa chút bụi đỏ, cô con gái nhỏ cúi mặt, không ngó theo, đi cuối cùng, nghẹn ngào khóc một mình.

    Từ hôm đó, rồi những thứ bảy sau, cô con gái nhỏ đã thôi không còn đến làm nữa, anh cũng không còn gặp lại, cuốn sách “Tuổi Hoa” màu tím làm quà không có người nhận và trên chuyến xe chiều về Sài Gòn, nhìn ra đường, anh bất chợt thở dài, buồn buồn mà thương “biết rồi tại sao”.


Thuyên Huy

Chuyện tự dựng mà tưởng chừng như có thật – Sắp Hạ 2020    

    

🌼🌼🌼🌼🌼

1 nhận xét:

Lá thư cuối cùng của nhà văn Albert Camus viết cho bà Maria Casares (văn Việt )

N  guyễn Vạn An   dịch Đây là lá thư ông Albert Camus (giải thưởng Nobel văn chương) viết cho bà Maria Casarès, ngày 30 tháng 12 năm 1959, đ...